TCCSĐT - Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 42, ngày 13-10-2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), về chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII và việc gia nhập Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp, ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.
Tạo khung pháp lý chặt chẽ, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu ký kết và thực hiện điều ước quốc tế

Tờ trình nêu rõ Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2006. Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, khiến cho việc áp dụng, thực hiện Luật và thực thi điều ước quốc tế thiếu nhất quán, hiệu quả và hiệu lực không cao, chưa đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp cũng như chưa đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao của tình hình thực tế trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đề cao việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực cũng làm cho một số quy định của Luật không còn phù hợp hoặc đặt ra yêu cầu bổ sung những quy định còn thiếu để triển khai Hiến pháp. Tờ trình khẳng định việc sửa đổi một cách toàn diện Luật điều ước quốc tế năm 2005 là nhu cầu cấp thiết, nhằm triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính hợp hiến, tính chặt chẽ nhưng cũng đảm bảo tính linh hoạt của Luật điều ước quốc tế, phục vụ chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Dự thảo Luật điều ước quốc tế (sửa đổi) gồm 9 chương với 90 điều, giảm 17 điều so với 107 điều của Luật điều ước quốc tế năm 2005, trong đó giữ nguyên nội dung 10 điều, sửa đổi 73 điều (sửa đổi nội dung và sắp xếp lại thành 60 điều trong dự thảo), bỏ 24 điều và bổ sung 20 điều mới, thay đổi vị trí của một số điều cho phù hợp bố cục mới của dự thảo Luật.

Qua thảo luận nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật và nhấn mạnh việc sửa đổi phải thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến điều ước quốc tế và nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật điều ước quốc tế 2005. Các ý kiến cho rằng dự thảo Luật Điều ước quốc tế (sửa đổi) phải tạo được khung pháp lý vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt, đáp ứng nhu cầu ký kết và thực hiện điều ước quốc tế phù hợp với lợi ích của đất nước. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng, hình thành những cam kết quốc tế đem lại và bảo vệ tối đa lợi ích của đất nước; quyền chủ động của các cơ quan trong đề xuất ký kết và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế phải đi kèm với trách nhiệm, có cơ chế phân công, phối hợp, kiểm tra…

Một số ý kiến nhất trí sửa tên Luật thành “Luật Điều ước quốc tế” vì tên của Luật hiện hành dài mà chưa bao quát hết phạm vi điều chỉnh của Luật, việc sửa tên Luật bảo đảm tính khái quát, dễ hiểu và phù hợp với thực tiễn quốc tế… Thẩm tra dự luật, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng đồng quan điểm và cho rằng hành vi “gia nhập” đã nằm trong chuỗi hành vi của “ký kết” như giải thích tại Điều 2 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

Tên gọi Luật điều ước quốc tế vừa ngắn gọn, vừa đảm bảo sự bao quát đối với phạm vi điều chỉnh của Luật. Tuy nhiên một số ý kiến khác lại cho rằng không cần thiết thay đổi tên gọi của Luật vì đã thể hiện được đầy đủ nội hàm, phạm vi điều chỉnh của Luật. Nội dung về giám sát hoạt động ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, một số ý kiến cho rằng giám sát hoạt động ký kết và thực hiện điều ước quốc tế khác với các hoạt động giám sát khác của Quốc hội là giám sát việc thực hiện thỏa thuận giữa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, kết quả giám sát có thể dẫn đến đề nghị rút khỏi, tạm đình chỉ, chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế.

Vì đặc thù này, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để thể hiện lại các quy định tại dự án Luật điều ước quốc tế theo hướng: không quy định lại những nội dung giám sát đã được quy định tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; chỉ quy định tại Luật những nội dung giám sát điều ước quốc tế có tính chất đặc thù.

Hoàn thiện dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII

Cũng trong buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Dự kiến ngày 20-10 sẽ khai mạc phiên họp thứ 10. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đến thời điểm này, công tác chuẩn bị các điều kiện bảo đảm khác cho kỳ họp thứ 10 đã được hoàn tất. Văn phòng Quốc hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát việc chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, hậu cần; ban hành, triển khai kế hoạch về công tác báo chí, tuyên truyền, công tác tiếp dân, bảo đảm an ninh, an toàn… tại kỳ họp, góp phần phục vụ tốt kỳ họp.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết dự kiến kỳ họp này chưa trình dự án Luật ban hành quyết định hành chính; chưa trình Quốc hội cho ý kiến về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 5 năm 2016-2020.

Nội dung này nên được chuẩn bị sau khi Quốc hội thông qua kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Bổ sung một số nội dung trình Quốc hội về: xem xét, quyết định việc gia nhập Công ước La Haye về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại; xem xét, thông qua Nghị quyết về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; xem xét, thông qua Nghị quyết về Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020; việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về cách thức tiến hành kỳ họp, thời lượng cụ thể của từng nội dung; phân bổ hợp lý, khoa học các nội dung làm việc của Quốc hội… Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự kiến chương trình kỳ họp và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để trình tại phiên họp trù bị.

Sẽ gia nhập thêm một công ước quốc tế nhằm thúc đẩy hội nhập


Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến về việc gia nhập Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.

Báo cáo của Chính phủ về việc gia nhập Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại nêu rõ : Công ước Tống đạt là điều ước quốc tế đa phương do Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế soạn thảo và được thông qua ngày 15-11-1965, có hiệu lực từ ngày 10-02-1969. Hiện nay, có 68 quốc gia tham gia là thành viên từ các nền kinh tế phát triển và đang phát triển với truyền thống pháp luật khác nhau. Nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Cô-oét… đã là thành viên của Công ước.

Công ước hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ thống có thể đảm bảo rằng người được tống đạt có đủ thời gian để bảo vệ quyền lợi của mình; đơn giản hóa phương thức tống đạt giấy tờ từ quốc gia yêu cầu đến quốc gia được yêu cầu; đưa ra được bằng chứng là tống đạt đã được hoàn thành dưới hình thức là giấy xác nhận kết quả theo mẫu thống nhất. Công ước áp dụng cho các vụ việc về dân sự hoặc thương mại có yêu cầu phải tống đạt giấy tờ tư pháp hoặc ngoài tư pháp ra nước ngoài và không áp dụng trong trường hợp không biết được địa chỉ của người được tống đạt.

Công ước có 31 điều và 01 Phụ lục bao gồm các mẫu Yêu cầu tống đạt, Giấy xác nhận kết quả tống đạt, Bản tóm tắt giấy tờ được tống đạt. Nội dung của Công ước tập trung quy định 2 vấn đề chính là: thủ tục tống đạt giấy tờ và bảo vệ bị đơn trước hoặc sau khi bị xét xử vắng mặt trong trường hợp giấy triệu tập đã được tống đạt theo quy định.

Chính phủ cho rằng việc Việt Nam gia nhập Công ước Tống đạt một mặt thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, mặt khác thể hiện sự sẵn sàng hợp tác của Việt Nam với các nước trên thế giới nói chung trong việc cùng hỗ trợ nhau giải quyết những vấn đề tư pháp quốc tế. Về kinh tế - xã hội, việc gia nhập Công ước Tống đạt sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu dân sự, thương mại và qua đó cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam thông qua việc nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc cần ủy thác tư pháp ra nước ngoài.

Chính phủ cũng chỉ rõ những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam khi gia nhập Công ước Tống đạt. Về pháp luật, có thể cần bổ sung một số quy định của pháp luật Việt Nam ở cấp độ thông tư để tạo thuận lợi cho việc thực hiện Công ước. Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho việc áp dụng Công ước, dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự cũng cần quy định rõ hơn các kênh tống đạt và các quy định về xử lý kết quả tống đạt ra nước ngoài tại Tòa án. Về nhân lực, cần có sự đầu tư, tăng cường năng lực cho cán bộ làm công tác tương trợ tư pháp và đẩy mạnh sự phối hợp giữa Cơ quan Trung ương với các cơ quan tư pháp địa phương để đảm bảo thực hiện tốt Công ước Tống đạt khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với báo cáo của Chính phủ về sự cần thiết gia nhập Công ước này. Các quy định của Công ước La Hay phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013, nhất là các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại Điều 18, Điều 48; đảm bảo quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự tại Điều 103; thể hiện đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013.

Các ý kiến nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc cần tiến hành sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành trong thời gian tới như Luật Tương trợ tư pháp, Bộ luật Tố tụng dân sự nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho việc thực thi Công ước và phát huy quyền của quốc gia thành viên Công ước. Công ước đặt ra yêu cầu các quốc gia thành viên phải có trách nhiệm chỉ định chính thức Cơ quan Trung ương theo kênh tống đạt chính.

Hiện nay theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, việc ủy thác tư pháp tống đạt giấy tờ gửi qua Cơ quan Trung ương là Bộ Tư pháp và thông lệ ở các nước thành viên Công ước Lay Hay cũng chỉ định Bộ Tư pháp là Cơ quan Trung ương. Vì vậy, các ý kiến nhất trí với đề xuất của Chính phủ đó là chỉ định Bộ Tư pháp là cơ quan trung ương. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Công ước, Bộ Tư pháp cần xây dựng cơ chế chi tiết trong việc phối hợp với Tòa án, Viện Kiểm sát và Bộ Ngoại giao trong công tác tống đạt.../.