Sau phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Quốc hội sáng 13-6, nhiều đại biểu đã nêu đánh giá của mình. Một số đại biểu Quốc hội sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ.

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long): Cần bổ sung người ngoài thành viên Chính phủ tham gia chất vấn

Với chất vấn về việc các địa phương không thực hiện lời hứa theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ có giải pháp gì, đại biểu Hồ Trong Ngũ cơ bản hài lòng với phần trả lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo đại biểu, việc đưa ra câu hỏi chất vấn với Phó Thủ tướng một mặt cho cử tri thấy rằng Chính phủ đã có giải pháp thực hiện chính sách pháp luật đối với các địa phương nhưng đồng thời cũng để Phó Thủ tướng thấy rằng cử tri vẫn chưa hài lòng về những vấn đề chưa thực hiện được. Ở đây là do cơ chế giữa những vấn đề vĩ mô được chất vấn ở Quốc hội trong khi có những vấn đề của chính quyền địa phương giải quyết.

Vấn đề là phải có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với các bộ, ngành. Trên từng lĩnh vực, các Bộ trưởng theo dõi ở diện rộng, nhưng chính sách khi đi vào đời sống thì lan tỏa tới từng lĩnh vực rất cụ thể. Như vậy rõ ràng không có Bộ trưởng nào đủ sức và thời gian bao quát hết mọi ngõ ngách. Cho nên trách nhiệm của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng.

Do vậy theo đại biểu Ngũ, nên chăng chúng ta phải sửa Điều 2 Khoản 2 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội (khái niệm chất vấn); trong Khoản 2 Điều 3 có thể mở rộng thêm thẩm quyền Quốc hội về việc thực hiện chất vấn đến các đối tượng khác ngoài các thành viên Chính phủ. Tức là trong một phiên chất vấn thành viên Chính phủ có thể mời lãnh đạo chính quyền địa phương, nơi có vấn đề liên quan đến nghe và trả lời tại Quốc hội. Nếu làm như vậy tình hình thực hiện pháp luật tại các địa phương cũng sẽ tốt lên.

Đánh giá chung về phần trả lời các biện pháp chống tham nhũng, đại biểu Ngũ cho biết Phó Thủ tướng đã nói trúng các vấn đề Chính phủ đã làm và phải làm.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình): Chính phủ đã thể hiện rõ quan điểm

Về vấn đề “Hà Nội chặt cây xanh”, vấn đề lấp sông Đồng Nai, Phó Thủ tướng đã thể hiện rõ quan điểm.

Về công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho rằng các đại biểu và Phó Thủ tướng đều đi thẳng vào trọng tâm và nội dung cử tri quan tâm.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông): Đánh giá về giải pháp chống tham nhũng trong phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng, đại biểu Hạnh cho rằng, vấn đề này chúng ta thấy rất rõ trong quá trình chỉ đạo điều hành thời gian qua.

Phần trả lời cho thấy Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt.

Các giải pháp Chính phủ đưa ra thể hiện chủ trương, chính sách đường lối rõ ràng, cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Thời gian trả lời chất vấn chưa nhiều

Tôi hiểu rằng do thời gian trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm nay không được nhiều để trả lời chi tiết, cụ thể câu hỏi của nhiều đại biểu khác.

Về câu hỏi của tôi, cơ bản Phó Thủ tướng đã đáp ứng được nội dung mà tôi cần hỏi. Tuy nhiên có những điểm cần được Phó Thủ tướng giải thích kỹ hơn trong các văn bản trả lời sau này.

Đó là giải pháp gì để đảm bảo an toàn nhất cho nền kinh tế Việt Nam khi hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và dự kiến sẽ ký kết trong năm nay.

Phó Thủ tướng mới chỉ nói tới sự chủ động của doanh nghiệp, nông dân nhưng còn phần trách nhiệm của Nhà nước thì chưa rõ.

Nhà nước có trách nhiệm trong việc đưa khoa học công nghệ ứng dụng phổ biến, hiệu quả vào sản xuất. Nhưng trong trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Quân (ngày 12-6) nói việc này thực hiện còn khó khăn.

Do vậy, tôi mong Phó Thủ tướng phải làm rõ hơn ý này, khó khăn như thế nào, giải pháp tốt nhất ra sao. Nếu trả lời sâu vào ý này thì sẽ thỏa mãn được mong mỏi của cử tri.

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị): Tôi thấy hài lòng với phần trả lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các nội dung tinh giản biên chế về những cán bộ, công chức, viên chức làm việc không hiệu quả, về thực thi công vụ và đạo đức công vụ.

Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn Phó Thủ tướng phải nhấn mạnh hơn nữa vào những giải pháp có tính đột phá như phải loại khỏi bộ máy những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và việc thực hiện quy định trách nhiệm người đứng đầu đang như thế nào và sắp tới sẽ như thế nào.

Phó Thủ tướng cũng cần nêu thật cụ thể những tiêu chí, đi liền với lộ trình thực hiện việc tinh giản biên chế. Tiêu chí ở đây sẽ đảm bảo việc loại bỏ người yếu kém nhưng phải đảm bảo tuyển chọn những người có năng lực, tâm đức vào bộ máy và không có chuyện đưa “con em”, “cánh hẩu” của người đứng đầu vào bộ máy.

Với câu hỏi thứ hai của tôi về việc giảm được bao nhiêu cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, đây là câu hỏi mà tôi cho rằng Phó Thủ tướng chưa có số liệu chính xác ngay được. Nhưng tôi mong sẽ có số liệu trong báo cáo trả lời chất vấn bổ sung sau này để đại biểu Quốc hội và xã hội xem xét, đánh giá thực chất việc thực hiện tinh giản biên chế và số liệu này cần được báo cáo theo định kỳ./.