Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh sức mạnh của chiến tranh nhân dân huyền thoại

Thiếu tướng, PGS, TS. Cao Thượng Lương Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghệ thuật quân sự Việt Nam
09:10, ngày 05-06-2015

TCCSĐT - Trong nhiều giai đoạn lịch sử, Trường Sơn luôn là chỗ dựa và căn cứ để kháng chiến chống xâm lược, là nơi hội tụ và dấy binh của nghĩa quân chống ách thống trị.

Trong kháng chiến chống mỹ cứu nước, Đảng ta đã xác định rõ: “miền Nam là tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn”, vì vậy miền Bắc phải chi viện sức người, sức của cho miền Nam chiến đấu. Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “dù phải hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, chúng ta cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập”(1). Vấn đề đặt ra cho miền Bắc là phải tìm đủ mọi cách để chi viện cho chiến trường miền Nam. Vì vậy, ngày 19-5-1959, đường dây 559 - đường vận tải quân sự chiến lược ra đời, sau này gọi là “Đường Hồ Chí Minh”. Đây là tuyến vận tải chủ yếu cho chiến trường miền Nam, là cầu nối liền giữa hậu phương lớn và tiền tuyến lớn, hậu phương trực tiếp của các chiến trường. Đồng thời, cũng là căn cứ tập kết và xuất phát tiến công của các binh đoàn cơ động chiến lược của ta trong các chiến dịch, trên các chiến trường ở miền Nam Việt Nam cho đến lúc chúng ta đánh cho “Mỹ cút, ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhận thức rõ: “Liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mạnh vì nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó nó bảo đảm thắng lợi”(2), cho nên, việc xây dựng đường Trường Sơn được tiến hành tích cực và khẩn trương, nhất là trong những năm Mỹ dội hàng triệu tấn bom xuống làng mạc, rừng núi ở miền Nam Việt Nam. Bác đã nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “dù nó (Mỹ) ném hóa biển cũng phải giải phóng miền Nam cho kỳ được”(3).

Quán triệt tư tưởng và quyết tâm đó, suốt 16 năm anh dũng và bền bỉ chiến đấu, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, khó khăn, mọi tổn thất hy sinh(4), binh đoàn 559 đã xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, “vừa tổ chức đánh địch bảo vệ tiền tuyến, vừa từng bước cải biến 40.000km đường rừng núi, xây dựng thành tuyến vận tải chiến lược hoàn chỉnh từ khu vực tiếp giáp miền Bắc hậu phương đến chiến trường Đông Nam Bộ với tổng chiều dài 20.000km, bao gồm 5 hệ trục dọc, 21 hệ trục ngang đường cho xe cơ giới, trên 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, hơn 10.000km đường dây thông tin. Đặc biệt mở được hệ thống đường kín dài 3.140km cho xe vận tải hoạt động ban ngày để đối phó thủ đoạn máy bay AC-130 săn lùng đánh phá quyết liệt(5).

Biết rõ đường Trường Sơn là con đường chiến lược nối liền Nam Bắc nên Mỹ quyết tâm đánh phá. Chúng đã ném xuống đường Trường Sơn gần 3 triệu tấn bom, đạn các loại, thực hiện các kiểu chiến tranh điện tử, chiến tranh khí tượng, chiến tranh hóa học làm trụi lá rừng. Đường Trường Sơn đã trở thành chiến trường thử nghiệm chiến lược: “chiến tranh ngăn chặn”, chiến tranh bóp nghẹt bằng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt với các loại thiết bị, vũ khí hiện đại của nền khoa học công nghệ cao.

Luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải quyết tâm chiến đấu, quyết tâm chịu khổ, quyết tâm vượt mọi khó khăn, quyết tâm chấp hành chính sách của Trung ương Đảng và Chính phủ, nghĩa là trong thái độ, trong tư tưởng, trong hành động, trong chiến đấu, bất kỳ một việc lớn hay nhỏ đều phải có quyết tâm làm cho bằng được”(6). Binh đoàn 559 đã xây dựng Trường Sơn thành một căn cứ chiến lược, cả Đông và Tây Trường Sơn, vận dụng sáng tạo phương châm tác chiến: “kết hợp đánh địch với phòng tránh”, nghi binh lừa địch, tiêu hao và tiêu diệt địch, thể hiện đậm nét tư tưởng chiến lược tiến công trong nghệ thuật vận tải: “kết hợp vận chuyển và chiến đấu, chiến đấu và vận chuyển, lấy vận chuyển làm mục đích cao nhất”(7).

Đến đầu năm 1975, tuyến đường chiến lược Đông và Tây Trường Sơn được xây dựng và củng cố đã nối liền đến Lộc Ninh, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu được hoàn chỉnh qua Tây Nguyên, khu 5 vào tới Đông Nam Bộ, sẵn sàng phục vụ đánh “lớn”. “Từ tháng 01 đến tháng 4-1975, đoàn vận tải Trường Sơn chuyển vào Nam Bộ 115.000 quân và 90.000 tấn hàng. Riêng những ngày chuẩn bị nước rút từ ngày 05 đến ngày 26-4, kết hợp vừa khai thác vừa vận chuyển, ta đã đưa vào chiến trường 10.100 tấn đạn dược; 2.300 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh; 2.600 tấn xăng, dầu. Nhiều trạm sửa chữa ô tô, sửa chữa pháo và tăng được bố trí dọc đường, phục vụ cơ động cho chiến dịch”(8).

Đường 559 - đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử Việt Nam với những kỳ tích anh hùng, như một biểu tượng cho sức mạnh huyền thoại. Cán bộ, chiến sĩ binh đoàn Trường Sơn đã viết nên trang sử hào hùng, để lại dấu ấn về lòng dũng cảm, sức mạnh, trí tuệ Việt Nam. Họ đã chiến đấu với sự quyết tâm và lòng dũng cảm theo tư tưởng Hồ Chí Minh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; được soi sáng bằng một lý tưởng cách mạng chân chính và tất thắng “vì miền Nam ruột thịt”; bằng một quyết tâm gang thép “phải giải phóng cho kỳ được miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước”; bằng một ý chí thống nhất: “Dân tộc Việt Nam là một. Cả dân tộc Việt Nam kết thành một khối trong từng đồng bào cùng chung giống nòi Hồng Lạc, không thể cắt chia”(9).

Đây cũng là biểu hiện như C. Mác nói: “Con người thực hiện cái mục đích của chính mình mà mình đã có sẵn trong ý thức; mục đích đó như một định luật quyết định phương thức hành động của con người và bắt ý chí của con người phải lệ thuộc vào nó”(10). Ý nghĩa đó đã “phát huy đến mức cao nhất tinh thần quyết chiến, quyết thắng, không có gì quý hơn độc lập tự do, khơi dậy nghị lực sáng tạo và tài thao lược của mỗi người và của toàn dân tộc, phát triển đến đỉnh cao của trí tuệ Việt Nam, quân và dân ta đã làm nên những chiến công hiển hách tưởng chừng như huyền thoại”. Sức mạnh của đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và bộ đội Trường Sơn xuất nguồn từ ý thức đó./.
-------------------------------------------------------------

(1), (2) Võ Nguyên Giáp - “Những chặng đường lịch sử”, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1977, Tr 203, Tr 88

(3) Báo Nhân dân 24-9-1970

(4) Ba vạn cán bộ, chiến sĩ đường Trường Sơn anh dũng hy sinh, ba vạn người bị thương (theo Thiếu tướng Vô Sở “Đường về quê mẹ”, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000)

(5) Nguyễn Việt Phương, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Hà Nội, 4-1995

(6) Hồ Chí Minh với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1962, Tr 137

(7), (8), (9) Võ Nguyên Giáp - “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, Tr 174, 29, 360, 37

(10) C. Mác: Tư bản - quyển I, Tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1959, Tr 247