Dành 22.000 tỷ đồng đưa mắcca trở thành cây "chủ lực" ở Tây Nguyên
Đó là nhận định của các đại biểu tại “Hội thảo chiến lược phát triển cây mắcca tại Tây Nguyên” được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ngày 07-02 do Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức.
Cây mắcca đã có “chỗ đứng” tại Tây Nguyên
Theo thống kê của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, trong số hơn 450.000 ha càphê của khu vực này, hiện đã có khoảng 100.000 ha bị già cỗi, năng suất dưới 1,5 tấn/ha, không có khả năng phục hồi hay ghép cải tạo.
Dự tính, đến năm 2020, hơn 70% diện tích càphê ở khu vực cũng sẽ lâm vào tình trạng tương tự, đòi hỏi phải nhổ bỏ để trồng lại. Vì vậy, việc tìm ra cây trồng mới hiệu quả cao, năng suất tốt sẽ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế Tây Nguyên phát triển.
Tiến sỹ Lê Ngọc Báu, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, sau hơn 20 năm du nhập vào Việt Nam và 10 năm trồng thử nghiệm ở quy mô nhỏ, trong quá trình trồng và theo dõi sự phát triển của cây mắcca ở các địa phương bao gồm các tỉnh Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Tuyên Quang, một số tỉnh Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa, Nghệ An và toàn bộ các tỉnh Tây Nguyên cho thấy ở Tây Nguyên, cây mắcca được trồng từ giống chuẩn, sinh trưởng tốt, cho ra hạt đúng kỳ, sản lượng và chất lượng hạt ở mức cao. Do đó, Tây Nguyên là vùng phù hợp nhất để trồng mắcca.
Ông Báu cũng cho biết thêm, cây mắcca có thể trồng xen với càphê và một số cây ngắn ngày khác, đáp ứng được yêu cầu cần có bóng mát của cây càphê. Càphê đang thu hoạch cũng có thể trồng xen cây mắcca, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng.
Tính đến tháng 9-2014, các tỉnh trên địa bàn khu vực Tây Nguyên đã triển khai trồng được khoảng 1.600 ha cây mắcca, cụ thể: Kon Tum là 50 ha; Gia Lai 80 ha; Đăk Lăk 800ha; Đăk Nông 600 ha và Lâm Đồng 400 ha chủ yếu trồng xen canh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công An, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, thực tiễn thử nghiệm trồng cây mắcca ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông cho thấy, trồng hơn 4 năm đã bói quả, sản lượng khoảng 28-32 tạ quả tươi/ha/năm. Một số mô hình trồng cây mắcca xen càphê được người dân đánh giá cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cây càphê, do loại cây này chịu hạn tốt, ít tốn công chăm sóc và hiện tại chưa phát hiện sâu bệnh gây hại.
“Với cơ sở khoa học, thực tiễn trồng thử nghiệm cùng với nhu cầu trong nước và trên thế giới về hạt mắcca, chúng ta đi đến thống nhất về định hướng đưa mắcca trở thành cây công nghiệp chiến lược mới nhằm phát triển kinh tế xã hội khu vực Tây Nguyên,” Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thúc đẩy nhanh việc xây dựng Chương trình quốc gia về phát triển cây mắcca, chú trọng việc trồng và sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và khai thác đồng bộ chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ; Bộ Công Thương nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ sản xuất và chế biến sản phẩm từ cây mắcca; Ngân hàng Nhà nước xây dựng chính sách ưu đãi về nguồn vốn để triển khai các sản phẩm tín dụng cho việc phát triển cây mắcca đồng thời khuyến khích hệ thống ngân hàng thương mại cùng tham gia.
22.000 tỷ đồng cho “cây tỷ đô” tại Tây Nguyên
Mắcca đang mở ra triển vọng làm giàu cho Tây Nguyên, giúp phá thế độc canh bất lợi của càphê, trong khi về dinh dưỡng, cây mắcca lại có nhiều chất hơn so với ca cao và nhiều loại quả cho hạt khác. Hiện nay, Chính phủ đã có cơ chế khuyến khích nông dân và doanh nghiệp đầu tư như dự án trồng cây mắcca có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống; dự án xây dựng cơ sở sản xuất giống mắcca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên được hỗ trợ tối đa 70% chi phí đầu tư/cơ sở và không quá 2 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, người nông dân và các nhà đầu tư hiện nay vẫn chưa mạnh dạn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang mắcca do chưa hiểu hết giá trị kinh tế của loại cây này; khó khăn về cây giống phụ thuộc vào giống nhập khẩu, chi phí cho cây giống còn cao; chưa có hệ thống chế biến, tiêu thụ và tiếp cận thị trường; cần nguồn vốn đầu tư dài hạn cho phát triển trên quy mô lớn để đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định; chưa có quy hoạch vùng sản xuất trồng cây mắcca…
Nhận thấy cây mắcca sẽ là cây công nghiệp dài ngày cho thu nhập cao nên ngay từ đầu năm 2014, Công ty cổ phần Him Lam và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã xây dựng đề án với trù tính quy mô khoảng 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát, quy mô này được mở rộng dự kiến từ 20.000-22.000 tỷ đồng, bắt đầu triển khai cụ thể từ 2015.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Him Lam cho biết, Công ty này sẽ thành lập viện nghiên cứu mắcca tại Lâm Đồng và đầu tư phát triển cung cấp cây giống, quy trình sản xuất hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân; đầu tư, phát triển nguồn nguyên liệu; tiêu thụ sản phẩm của người dân để chế biến và đầu tư công nghệ sản xuất chế biến sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng đã thuê 5.000 ha đất để trực tiếp tham gia trồng cây quý này.
Còn ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị LienVietPostBank nhấn mạnh, LienVietPostBank sẽ cho vay ưu đãi cho các hộ gia đình và doanh nghiệp với vốn tín dụng trung dài hạn trong 7 năm và ân hạn cả nợ gốc và lãi trong 5 năm đầu. Trong 3 năm tiếp theo khi mắcca bắt đầu cho thu hoạch và mang lại lợi nhuận cao, các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ bắt đầu trả dần cả gốc và lãi. Cụ thể, lãi vay sẽ được nhập vào dư nợ gốc và gốc vay được trả theo tỷ lệ tăng dần từ năm thứ 5 đến năm thứ 7.
Chia sẻ thêm về lý do lựa chọn cây mắcca để đầu tư tại Tây Nguyên, ông Hưởng cho biết, quan điểm kinh doanh của LienVietPostBank là chủ động tìm đối tượng đầu tư để giải ngân vốn vay có hiệu quả, đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế đang có dấu hiệu ứ động vốn, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thấp, nhiều rủi ro. Thứ hai, các loại cây càphê, cao su, tiêu, điều của đồng bào Tây Nguyên mấy năm nay đang già cỗi, đặc biệt là cây càphê. Do đó, đây chính là thời điểm đặt ra nhu cầu bức thiết về tái cơ cấu cây trồng và tìm kiếm, lựa chọn một cây công nghiệp chiến lược mới cho Tây Nguyên./.
Thủ tướng Đức Merkel khẳng định không muốn đối đầu với Nga  (08/02/2015)
Hy Lạp kiên quyết không nhượng bộ EU về chương trình cứu trợ  (08/02/2015)
Hy vọng từ cuộc họp thượng đỉnh Nga-Pháp-Đức tại Moskva  (08/02/2015)
Vị thế của Tạp chí trong bối cảnh cạnh tranh thông tin hiện nay  (08/02/2015)
Châu Âu đang tiến dần tới kỷ nguyên áp dụng lãi suất âm  (08/02/2015)
Châu Âu đang tiến dần tới kỷ nguyên áp dụng lãi suất âm  (08/02/2015)
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay
- Nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong bối cảnh mới
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm