Chính quyền Mỹ sau bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ
TCCSĐT - Cuộc bầu cử quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ (ngày 04-11-2014) đã khép lại với chiến thắng áp đảo của các ứng viên Đảng Cộng hòa. Với việc giành được đa số ghế tại cả Thượng viện và Hạ viện, giờ đây cán cân quyền lực tại Quốc hội đã nghiêng hẳn về phe Cộng hòa.
Từ năm 2009 đến nay, cỗ máy chính phủ của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma vốn luôn gặp khó khăn trong quá trình vận hành do vấp phải sự chống đối của các nghị sỹ chiếm đa số ở Hạ viện, đỉnh điểm là việc Chính phủ phải đóng cửa tới 17 ngày hồi tháng 10-2013. Chính vì thế, cộng đồng quốc tế đang hết sức quan tâm tới tiến triển của mối quan hệ giữa hai nhánh quyền lực, lập pháp và hành pháp trên chính trường Mỹ trong hai năm tới, từ nay đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Thắng lợi của Đảng Cộng hòa
Tuy khả năng giành chiến thắng của các ứng viên Đảng Cộng hòa đã được dự báo trước khi cuộc bầu cử diễn ra, nhưng ít ai nghĩ họ có thể đạt được những kỷ lục như vậy.
Kể từ thời Tổng thống H. Tru-man, đây là lần đầu tiên Đảng Cộng hòa giành vượt 236 số ghế và cũng là lần đầu tiên sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, đảng này giành được đa số ghế ở cả lưỡng viện. Thắng lợi của Đảng Cộng hòa cũng đồng nghĩa với việc lần đầu tiên kể từ năm 2006, Đảng Dân chủ đã để mất quyền kiểm soát Thượng viện, và sau 64 năm, Đảng Dân chủ mới phải chịu thất bại liên tiếp tại hai kỳ bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, thắng lợi của phe Cộng hòa hoàn toàn không phải chỉ vì ưu thế của đảng này, mà còn do một số lý do sau:
Thứ nhất, do số cử tri đi bầu quá bất lợi cho Đảng Dân chủ, khi chỉ có khoảng 82 triệu cử tri tham gia bầu cử, tương đương 36,4% cử tri Mỹ, trong khi đó năm 2012 là 130 triệu, chiếm 58,6%. Cũng cần nhấn mạnh thêm, trong số 36,4% cử tri đi bầu, chỉ có 13% là cử tri dưới 30 tuổi, và đa số người đi bầu có học vấn cao (khoảng 72% đã tốt nghiệp cao đẳng). Trong khi đó, hai thành phần cử tri lớn của phe Dân chủ là số cử tri trẻ và số người có học vấn thấp.
Thứ hai, do những hạn chế (theo cách đánh giá của cử tri Mỹ) của chính quyền B. Ô-ba-ma. Dường như những gì mà chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma đã đạt được chưa đủ để không ít cử tri Mỹ hài lòng. Nếu đặt hoạt động của chính quyền B. Ô-ba-ma trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thì quả thật thành tích hạ tỷ lệ thất thiệp từ 10,3% (tháng 01-2009) xuống còn 5,8% (tháng 10-2014), và tỷ lệ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt mức kỷ lục trong vòng 10 năm qua (riêng trong quý II là 4,6% và quý III là 3,5%) sẽ rất ấn tượng. Tuy nhiên, sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ vẫn rất chậm chạp, thậm chí khó có thể khẳng định rằng, nước Mỹ đã vượt qua khủng hoảng. Tỷ lệ thất nghiệp tuy giảm, nhưng không đồng đều, ở một số bang tỷ lệ thất nghiệp vẫn trên 10%.
Thứ ba, cử tri Mỹ muốn thấy một quốc hội thống nhất. Tình trạng ảm đạm của nền kinh tế Mỹ được cho là bởi sự chia rẽ, trước hết tại Quốc hội. Trong bối cảnh hiện tại, chỉ có bầu cho Đảng Cộng hòa thì phương án thống nhất Quốc hội mới trở nên khả thi.
Tựu trung, chiến thắng của Đảng Cộng hòa phần nhiều nhờ vào tâm lý muốn có sự thay đổi của cử tri Mỹ.
Tổng thống B. Ô-ba-ma có thực sự gặp khó?
Đương nhiên, thắng lợi của phe Cộng hòa tại Quốc hội sẽ càng khiến Tổng thống B. Ô-ba-ma điều hành đất nước khó khăn hơn trong vòng hai năm tới. Đảng Cộng hòa sẽ sử dụng ưu thế đa số tại Quốc hội để có thể cản trở tổng thống, đơn cử như trong việc thông qua ngân sách hay việc triển khai Đạo luật Bảo hiểm y tế (còn gọi là Obamacare). Phe Cộng hòa cũng sẽ gây áp lực buộc tổng thống phải có chính sách cứng rắn hơn trong nhiều vấn đề quốc tế, như trong quan hệ với Nga hay chiến dịch chống lực lượng khủng bố của nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS),…
Tình trạng này khiến không ít người cho rằng, với tâm trạng của kẻ thua cuộc, phe Dân chủ của Tổng thống B. Ô-ba-ma rất có thể chỉ hành động mang tính cầm chừng để chờ cơ hội lật ngược tình thế trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Tuy nhiên, chính trường Mỹ chưa hẳn đã rơi vào tình trạng đối đầu như đã từng diễn ra trong suốt 6 năm qua, bởi hiện tại, chính kết quả bầu cử Quốc hội lại đang trở thành “lằn ranh giới đỏ” đối với hành động của cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa.
Với phe Cộng hòa, tiếp tục chính sách đối đầu với tổng thống chỉ giúp cử tri Mỹ có cơ hội nhận thấy rõ hơn những mục đích thực chất của đảng này, chủ yếu nhằm ngăn cản và tiến tới giành quyền lực từ phe Dân chủ chứ không phải vì lợi ích chung của người dân. Hơn nữa, trước những vấn đề nan giải, cả về đối nội lẫn đối ngoại, Đảng Cộng hòa cũng chưa đưa ra được bất cứ đường hướng nào khác biệt, chứ chưa nói đến tính hiệu quả, so với Đảng Dân chủ, điều này buộc các nghị sĩ Cộng hòa phải chấp nhận có những nhượng bộ nhất định với Chính phủ. Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mích Mắc Cô-neo (Mitch McConnell), người sẽ trở thành Chủ tịch phe đa số tại Thượng viện, đã nhắc tới việc phải khắc phục bất đồng hiện nay giữa Chính phủ và Quốc hội trên tinh thần tôn trọng Hiến pháp.
Về phía phe Dân chủ, thất bại trong cuộc bầu cử buộc họ phải có những điều chỉnh nhất định. Những chính sách mà Tổng thống B. Ô-ba-ma đang theo đuổi không phải tất cả đều chệch hướng, đơn giản là không khắc phục được sự chia rẽ trong lòng xã hội Mỹ. Cuối năm 2013, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã sử dụng những biện pháp cứng rắn, không thỏa hiệp với phe Cộng hòa nhằm khắc phục “vách đá tài khóa”. Giờ đây, để có thể tiếp tục điều hành đất nước một cách suôn sẻ, Tổng thống buộc phải có những giải pháp mềm hơn, có tính thỏa hiệp hơn, bởi Đảng Dân chủ không còn chiếm đa số tại Thượng viện nữa. Cũng giống phe Cộng hòa, những thành công trong hai năm cuối nhiệm kỳ của tổng thống sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.
Trên hết, chính nguyên tắc “cân bằng và kiểm soát” của hệ thống chính trị Mỹ giúp Tổng thống B. Ô-ba-ma không bị rơi vào tình trạng hoàn toàn “lép vế” trước Quốc hội. Ngay trong cuộc gặp đầu tiên với các nhà lãnh đạo của lưỡng viện sau bầu cử hôm 7-11-2014, một mặt, Tổng thống B. Ô-ba-ma kêu gọi sự đoàn kết và hợp tác giữa Quốc hội và Chính phủ, mặt khác ông cũng khẳng định khả năng sẽ sử dụng quyền hành pháp để cản trở những dự luật không phù hợp với lợi ích của người dân Mỹ.
Tóm lại, tuy thời gian chỉ còn hai năm, và dù Đảng dân chủ chịu thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, nhưng Tổng thống B. Ô-ba-ma khó có thể “buông xuôi”, ngược lại ông sẽ phải cố gắng “tạo dựng lại” uy tín cho phe Dân chủ bằng những thành tích cụ thể. Ngược lại, Đảng Cộng hòa cũng không thể ngăn cản vượt mức cho phép, bởi cách ứng xử có trách nhiệm với phe thiểu số cũng là cách tranh thủ sự ủng hộ của cử tri.
Chính sách đối nội hay đối ngoại sẽ được ưu tiên?
Sự chuyển dịch cán cân quyền lực tại Quốc hội Mỹ khiến phần lớn các ý kiến đều cho rằng, trong hai năm tới, Tổng thống B. Ô-ba-ma sẽ tập trung chủ yếu vào các vấn đề đối ngoại. Thực tế trong 6 năm cầm quyền, Tổng thống B. Ô-ba-ma hầu như không vấp phải sự phản ứng gay gắt nào từ phía Cộng hòa trong xử lý các vấn đề quốc tế. Tuy cũng có những chỉ trích về “sự yếu đuối” của Tổng thống B. Ô-ba-ma, nhưng rõ ràng, Đảng Cộng hòa cũng phải công nhận, quyết định rút quân khỏi I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, hay việc không tấn công Xy-ri về vụ vũ khí hóa học,… phần nào đã giúp nước Mỹ thoát khỏi những chi phí không hề nhỏ cả về người lẫn tài chính. Tuy nhiên, để có thể giải quyết được những vấn đề quốc tế, cùng lúc Tổng thống B. Ô-ba-ma không thể né tránh các vấn đề quốc nội. Đơn cử như để có được khoản tài chính 6,18 tỷ USD cho cuộc chiến chống đại dịch Ê-bô-la, Tổng thống sẽ phải đàm phán với Quốc hội về chính sách thuế cũng như ngân sách năm 2015. Ông có thể sẽ nhân nhượng trong việc hạ mức thuế đối với những người có thu nhập cao, nhưng không có nghĩa chấp nhận mức thuế ngang bằng giới trung lưu và người nghèo. Tổng thống B. Ô-ba-ma cũng đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ với Quốc hội về Dự luật nhập cư, rằng ông sẽ quyết định cấp giấy phép cư trú cho khoảng 11 triệu người gốc Mỹ La-tinh trong hai năm tại vị. Với Đạo luật Obamacare, Tổng thống B. Ô-ba-ma cũng khó có thể chấp nhận hủy bỏ trước sự phản đối quyết liệt của các nghị sĩ Cộng hòa, giờ đã là phe đa số, đơn giản bởi đó là quân bài uy tín liên quan tới tương lai của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2016.
Ngoài ra, cũng bởi tính chất hết sức nan giải và đòi hỏi cần có thời gian của phần lớn các vấn đề quốc tế mà nước Mỹ đang phải đối mặt, nên khả năng ông B. Ô-ba-ma sẽ dành toàn lực để giải quyết là không hề cao. Nhân dịp tham gia Hội nghị thượng đỉnh APEC 22 tại Thủ đô Bắc Kinh, tuy Tổng thống B. Ô-ba-ma đã ký với Chủ tịch Tập Cận Bình thỏa thuận tháo gỡ rào cản đối với hàng hóa công nghệ cao, thậm chí hai nhà lãnh đạo đã có bữa ăn tối kéo dài tới 5 tiếng, nhưng để “nâng cấp quan hệ lên một tầm cao mới” (như tuyên bố sau đó của Tổng thống B. Ô-ba-ma) thì không hề dễ dàng, bởi sự nghi ngại vẫn bao trùm trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc, đặc biệt là sự chống đối từ chính những nghị sĩ Cộng hòa.
Điều có thể khẳng định có lẽ là nỗ lực của Tổng thống B. Ô-ba-ma đối với các quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), đơn giản bởi trong vấn đề thúc đẩy tự do thương mại, cả hai Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều có chung quan điểm và quyết tâm.
Như vậy, ngoài việc tận dụng sự nhất quán về quan điểm giữa hai đảng để tập trung giải quyết các vấn đề quốc tế, Tổng thống B. Ô-ba-ma sẽ không né tránh cả những vấn đề đối nội.
Tóm lại, kết quả bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ đã làm đảo lộn cán cân quyền lực trong Quốc hội Mỹ, và chắc chắn sẽ gây những thay đổi không nhỏ trong quá trình vận hành của cỗ máy chính quyền B. Ô-ba-ma. Nhưng, rất có thể, chính kết quả bầu cử này lại khiến chính trường Mỹ đi vào ổn định./.
Phân bổ số ghế tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ khóa 113: * Trong nửa nhiệm kỳ đầu (2012 - 2014): Tại Hạ viện, Đảng Cộng hòa có 233 ghế; Đảng Dân chủ: 199 ghế. Tại Thượng viện, Đảng Cộng hòa: 45 ghế, Đảng Dân chủ: 53 ghế * Trong nửa nhiệm kỳ cuối (2014 - 2016): Tại Hạ viện, Đảng Cộng hòa: 244 ghế; Đảng Dân chủ: 198 ghế. Tại Thượng viện: Đảng Cộng hòa: 52 ghế; Đảng Dân chủ: 48 ghế |
Đà Nẵng: Phối hợp đa ngành phát triển biển, đảo (25/11/2014)
Đà Nẵng: Phối hợp đa ngành phát triển biển, đảo (25/11/2014)
- Các giải pháp trọng tâm, đột phá bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và hai con số những năm tiếp theo
- Thanh tra Chính phủ nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tình hình mới
- Phương hướng và giải pháp trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp - Bước chuẩn bị quan trọng để Quảng Bình cùng đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới
- Quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin về quần chúng nhân dân với tư cách động lực của phát triển lịch sử và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam
- Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới
-
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Gìn giữ, phát huy vai trò khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 - khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam