Ngày thứ 2 (6-10) đã trở thành một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử của hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới, khi các thị trường đều "đua nhau lao dốc", ghi kỷ lục về mức sụt giảm trong một phiên giao dịch.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, bất chấp việc Hạ viện thông qua kế hoạch cứu trợ lớn nhất trong lịch sử để ngăn chặn khủng hoảng tài chính lan rộng, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của nền kinh tế Mỹ vẫn sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 5 năm qua. Kết thúc phiên giao dịch ngày 6-10, chỉ số Dow Jones giảm 3,58% xuống mức 9.955,50 điểm.

Đây là lần đầu tiên chỉ số này xuống dưới ngưỡng 10.000 điểm kể từ tháng 10-2003. Chỉ số Nasdaq cũng có lúc mất tới 8% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8-2003, và đóng cửa ở mức 1.862,96 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 có lúc đã giảm tới 7,7% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10-2003, đóng cửa ở mức 1.056,85 điểm. Chỉ số Russell 2000 của các doanh nghịêp nhỏ cũng giảm tới 31,28 điểm xuống còn 588,12 điểm.

Diễn biến tiêu cực trên thị trường tài chính Mỹ đã nhanh chóng tác động xấu tới thị trường toàn cầu. Các thị trường chứng khoán trên thế giới đồng loạt chao đảo mạnh do giới đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng tín dụng nghiêm trong nhất trong gần 80 năm qua ở Mỹ tiếp tục lan rộng.

Ở châu Á, các thị trường chứng khoán lớn vừa trải qua một ngày giao dịch "đỏ lửa". Chỉ 30 phút sau khi thị trường chứng khoán Tokyo mở cửa sáng 7-10, chỉ số Nikkei đã mất tới 5% và lần đầu tiên rơi xuống dưới 10.000 điểm kể từ năm 2003. Các thị trường chứng khoán khác ở châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan, Singapore và Ấn Độ cũng mất điểm thảm hại. Riêng thị trường Indonesia mất tới 10%, mức giảm kỷ lục từ trước tới nay.

Một trong những yếu tố khiến các thị trường châu Á đồng loạt sụt giảm mạnh là do các nhà đầu tư lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực đến châu Á của tình trạng thất nghiệp đạt mức tăng kỷ lục từ 5 năm qua và nguy cơ ảnh hưởng đến xuất khẩu của châu Á. Nhiều nhà đầu tư hoảng loạn do lo sợ hiệu ứng đôminô sẽ dẫn đến phá sản hàng loạt ngân hàng, thị trường chứng khoán tiếp tục mất giá trầm trọng theo.

Trong khi đó, trong phiên giao dịch ngày 6-10, chỉ số DAX của Đức đã giảm tới 7,07% và chỉ số FTSE của Anh giảm tới 7,8%. Riêng chỉ số CAC-40 của Pháp giảm tới 9,04%, mức giảm kỷ lục kể từ sau vụ khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ.

Hai sàn giao dịch của Nga tại Mátxcơva phải cũng đã phải tạm ngừng hoạt động do giá của một loạt cổ phiếu đã "tuột dốc không phanh" chỉ vài giờ sau khi mở cửa, với mức giảm lên tới 14,3% và 15,4%. Đây là lần thứ hai thị trường chứng khoán Nga phải tạm ngừng giao dịch trong vòng hai tháng qua./.