TCCSĐT - Quảng Ngãi là một trong những tỉnh duyên hải miền Trung có nhiều huyện nghèo được thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 28-12-2008 của Chính phủ.

Tỉnh có 14 huyện, thành phố trong đó có đến 6 huyện được thực hiện Chương trình này đều là những huyện miền núi với nhiều khó khăn. Các huyện này trước đây là vùng căn cứ cách mạng, một thời đã đi vào lịch sử của dân tộc với các địa danh Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Trà Bồng… cũng là nơi sinh sống của trên 238.000 người đồng bào thiểu số Hre, Cor, Ca Dong (chiếm 12,9 dân số toàn tỉnh) một lòng theo Đảng.

Thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo ở 6 huyện miền núi đối với tỉnh không những là trách nhiệm chính trị, xã hội mà còn là tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ lão thành cách mạng và nhân dân tại nơi đã có nhiều hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng trong chiến tranh thống nhất đất nước cũng như giai đoạn hòa bình xây dựng Tổ quốc hiện nay.

Năm 2006 tỉnh đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế, xã hội các huyện miền núi. Từ Nghị quyết này, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 17/2007/NQ-HĐND và Ủy ban nhân tỉnh ban hành Quyết định 295/QĐ-UBND ngày 28-02-2008 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội miền núi của tỉnh. Năm 2011, trên cơ sở sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo trên địa bàn, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục có Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội miền núi giai đoạn từ năm 2011 đến 2015 và những năm tiếp theo.

Tỉnh đã thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án của Trung ương, đồng thời sớm có chủ trương thực hiện kế hoạch giảm nghèo một cách bền vững cho toàn địa bàn. Về mặt nhận thức, để tạo sự đồng thuận từ tỉnh đến cơ sở, từ cấp ủy, chính quyền các cấp đến người dân, tỉnh tổ chức cho hàng chục ngàn lượt cán bộ và nhân dân học tập quán triệt các nghị quyết, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh có liên quan đến công tác giảm nghèo. Thực tế, trong việc thực hiện công tác giảm nghèo ở nhiều địa bàn cho thấy, vấn đề quan trọng không phải là Trung ương và tỉnh thiếu chính sách về phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo cho người dân miền núi mà do nhận thức chưa thấu đáo của người dân và một số cán bộ, thường có tư tưởng trông chờ ỷ lại, “thích con cá hơn cần câu”, không chủ động vươn lên thoát nghèo, nằm chờ sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và các tổ chức xã hội. Sau khi tổ chức điều tra, khảo sát nắm chắc tình hình, thống kê, phân tích, đánh giá các số liệu cần thiết, đối với các vùng có chương trình, dự án mang tính trọng điểm, tỉnh phân công cán bộ có năng lực, am hiểu phong tục tập quán địa phương cùng với người dân bàn bạc, đề xuất và thực hiện phương án giảm nghèo cụ thể, gắn chặt với đời sống của cộng đồng. Nhờ đó, việc thực hiện các chương trình, dự án đạt hiệu quả, có nơi trở thành mô hình có thể nhân rộng như Trà Xinh (huyện Tây Trà), Tân Lập (huyện Trà Bồng), Long Mai (huyện Minh Long)…

Để có thể giảm nghèo nhanh và bền vững, thực hiện các nghị quyết của tỉnh ủy và kế hoạch của Ủy ban nhân dân, tỉnh chủ trương thực hiện lồng ghép nhiều chương trình, dự án đầu tư cùng lúc như Chương trình 30a, Chương trình 135 giai đoạn 2, Chương trình 134… Có thể nói nhờ thực hiện hiệu quả sự lồng ghép các chương trình dự án này mà người dân được hưởng lợi, rút ngắn về mặt thời gian, quá trình đầu tư, tạo ra sự thay đổi căn bản trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân ở các vùng thật sự khó khăn như Tây Trà, Sơn Tây… Cụ thể, từ năm 2009 đến năm 2012 theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã đầu tư 29.923 triệu đồng để xây dựng các điểm dân cư tập trung tái định cư cho các vùng sạt lở, ổn định cuộc sống của gần 800 gia đình người dân ở các xã Sơn Ba, Sơn Bua, Trà Dinh, Trà Lãnh ở các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà.

Đặc điểm của các huyện miền núi của tỉnh đều có địa bàn phức tạp, điều kiện sinh hoạt sản xuất khó khăn, người dân có truyền thống cần cù, một lòng theo Đảng theo cách mạng. Thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi của tỉnh thực chất là hỗ trợ giúp bà con tổ chức lại cuộc sống của mình theo đời sống mới. Hàng chục thôn làng chưa có nơi ở ổn định, hàng trăm gia đình người dân thiếu đất sản xuất… ở các huyện Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây… không thể để kéo dài mà cần phải được quan tâm, giúp đỡ bằng hành động cụ thể.

Trước hết, tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền vận động để người dân ý thức được lợi ích khi tổ chức cuộc sống gia đình theo nếp sống mới. Theo đó nhiều làng dân tộc được các huyện tổ chức tốt việc định canh định cư di chuyển người dân đến các khu ở mới, tránh các vùng hay sạt lở vào mùa mưa lũ gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản. Nhiều cụm dân cư mới liên xã được hình thành, các dự án điện đường trường trạm ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng… được triển khai giúp người dân ngày càng thuận tiện hơn trong sinh hoạt, học tập, sản xuất.

Quan điểm của tỉnh là để các chương trình, dự án được thực hiện tốt thì không thể làm theo phong trào. Để tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, bảo đảm tính hiệu quả, các chương trình, dự án đầu tư đều được tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo do chủ tịch hoặc phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban còn thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan và được phân công nhiệm vụ cụ thể có trách nhiệm triển khai, theo dõi, đôn đốc công việc tại các địa phương. Tại các huyện, tỉnh xem trọng yếu tố con người, qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, tuyển dụng, tỉnh bố trí hàng chục cán bộ có trình độ đại học về các xã. Đội ngũ cán bộ chủ chốt có trình độ này là nguồn lực quan trọng để tỉnh triển khai tốt các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội ở cơ sở nói chung và chương trình, dự án giảm nghèo nói riêng. Việc triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở các huyện mới thành lập với nhiều khó khăn như Tây Trà, Sơn Tây chắc chắn sẽ kém hiệu quả nếu không có đội ngũ cán bộ tăng cường có trình độ và năng lực chuyên môn này.

Để các chương trình, dự án thực hiện được hiệu quả tỉnh còn giao cho các cơ quan có trách nhiệm thực hiện tốt việc giám sát, không chỉ nghe các cơ quan có trách nhiệm báo cáo, giải trình bằng văn bản này mà còn đi thực tế, xem xét, đối chiếu các hạng mục công trình, hộ gia đình người dân để lắng nghe thu thập cứ liệu rồi qua đó có đánh giá sát thực, kịp thời, uốn nắn những sai sót và phát huy hiệu quả các nhân tố tích cực.

Qua thời gian chỉ đạo thực hiện chính sách giảm nghèo sâu sát và hiệu quả, đến nay, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ xây dựng 12.269 ngôi nhà cho các gia đình nghèo với tổng kinh phí 228.215 triệu đồng. Với chương trình 135 giai đoạn 2, các địa bàn đã tổ chức được 356 khóa đào tạo tập huấn kỹ thuật cho 17.330 lượt người dân. Đặc biệt trong Chương trình ISP (Chương trình hổ trợ Chương trình 135) từ năm 2009 đến năm 2011, tỉnh đã tổ chức cho 952 lượt cán bộ, trong đó có gần 52% cán bộ người dân tộc thiểu số tập huấn về kiến thức đầu tư để hỗ trợ cho cấp xã chủ động làm chủ đầu tư các dự án. Nhờ đó, năng lực đầu tư cấp xã trong thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2 đã tăng lên về số lượng lẫn chất lượng, bảo đảm đạt được hiệu quả theo yêu cầu. Nếu như năm 2006 chỉ có khoảng 14% số xã có khả năng làm chủ đầu tư các chương trình, dự án thì năm 2010 con số này là 81,3 %. Đến nay, thực hiện chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho các vùng nông thôn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 187 công trình giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế, chợ, nhà văn hóa… với tổng số tiền 566,1 tỷ đồng, riêng chương trình hổ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành đưa vào sử dụng được 10.260 ngôi nhà với tổng trị giá 246.628 triệu đồng.

Phần lớn số hộ nghèo ở các địa phương đã được hỗ trợ trực tiếp để phát triển, ổn định sản xuất, cải thiện về môi trường sống, điều kiện sống nhất là nơi ở, nhà ở, diện mạo nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc, đời sống văn hóa tinh thần không ngừng được nâng cao, quốc phòng an ninh bảo đảm. Năm 2014 và những năm tiếp theo, tỉnh thực hiện mục tiêu giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo tại 6 huyện miền núi (năm 2014 giảm khoảng 7%), tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, cho vay vốn sản xuất… với nhiều biện pháp thiết thực.

Trước hết, tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát lại việc thực hiện các chương trình, dự án, thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững tại tất cả các huyện miền núi trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc miền núi của Trung ương và địa phương, tạo mọi điều kiện cho các gia đình phát triển, mở rộng sản xuất, giúp người dân không những thoát nghèo mà còn có thể làm giàu, không để tái nghèo.

Trong công tác tuyên truyền vận động, tỉnh chú ý đến việc nâng cao nhận thức của người dân một cách toàn diện về nội dung, ý nghĩa và mục tiêu của các chương trình, dự án, tạo mọi điều kiện để cho người dân chủ động tham gia vào tất cả các khâu, từ xây dựng, triển khai đến thực hiện, kiểm tra, giám sát bảo đảm để các chương trình dự án đạt hiệu quả cao nhất.

Phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan từ tỉnh đến cơ sở trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện các nội dung mục tiêu các chương trình, dự án, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đến từng hạng mục công trình chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực.

Xây dựng nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, nghiên cứu có biện pháp hỗ trợ để người dân chọn mô hình sản xuất phù hợp với các điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương nhằm nhanh chóng cải thiện đời sống người dân và bảo đảm thoát nghèo bền vững, thường xuyên chống tái nghèo./.