Phát triển nguồn nhân lực các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

ThS. Nguyễn Thị Linh Giang Học viện Chính trị Khu vực III
22:29, ngày 13-09-2014
TCCSĐT - Đại hội XI của Đảng đã xác định ba khâu đột phá chiến lược, trong đó có vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đối với các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, phát triển nguồn nhân lực là điều kiện thiết yếu để phát triển nhanh, bền vững.

Phát triển nguồn nhân lực ở nước ta, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập đòi hỏi phải có những giải pháp kịp thời, trong đó, cần căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương, vùng miền, trên từng lĩnh vực kinh tế - xã hội để đưa ra được giải pháp cụ thể, thiết thực và phù hợp.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Tầm nhìn đến 2020

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi, nằm trên trục các đường giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không và biển, gần thành phố Hồ Chí Minh và khu tam giác kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ; cửa ngõ của Tây Nguyên, đường xuyên Á ra biển nối với đường hàng hải quốc tế. Vùng duyên hải miền Trung bao gồm 5 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố hạt nhân là Đà Nẵng. Diện tích vùng 28.877 km2, dân số khoảng trên 6,2 triệu người, mật độ dân cư 214 người/km2. Đây là được xem là trung tâm kinh tế - chính trị, khoa học - kỹ thuật, an ninh quốc phòng của miền Trung khi đã và đang hình thành các trung tâm kinh tế tổng hợp quan trọng: Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng), khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định), khu kinh tế Chân Mây (Thừa Thiên Huế).

Trong thời gian qua, phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã đạt được những thành tựu đáng kể: Phát triển nhanh công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp lọc dầu, khai thác tài nguyên khoáng sản; thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng; nâng cao năng lực đánh bắt hải sản và công nghiệp chế biến thủy, hải sản, nhất là chế biến xuất khẩu; đầu tư phát triển ngành cơ khí, chủ yếu là sửa chữa và đóng tàu thuyền; phát triển ngành công nghiệp dệt, may,… phục vụ đời sống và sản xuất.

Các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã xác định rõ các phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, trong đó các nhiệm vụ đột phá như áp dụng các thể chế mới tạo môi trường đầu tư thuận lợi, phù hợp thông lệ quốc tế, đẩy mạnh sự hình thành và phát triển các khu kinh tế Dung Quất, Chu Lai, Nhơn Hội… làm động lực phát triển công nghiệp lọc hóa dầu, cơ khí, đóng tàu biển, luyện cán thép, container… cùng các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch và các khu giải trí, đặc biệt là các khu kinh tế thương mại Chân Mây với sự tập trung xây dựng trung tâm thông tin quốc tế và hệ thống dịch vụ thương mại, dịch vụ du lịch…

Về kinh tế, phấn đấu GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 1.337 USD. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế thời kỳ 2005-2015 bình quân đạt 14,5%. Về kết cấu hạ tầng, xây dựng đường hành lang ven biển, gắn kết với trục quốc lộ 1A; đường sắt xuyên Việt, cảng biển, sân bay, thiết lập và phát triển đầu mối giao thông từ cảng Thuận An, Tiên Sa, Kỳ Hà, Sa Kỳ đến vùng Tây Nguyên theo các trục đường quốc lộ 14B, quốc lộ 24, với Lào, Đông Bắc Thái lan, Đông bắc Campuchia theo các trục đường xuyên Á, từng bước xây dựng và hiện đại hóa 3 cảng nước sâu: Dung Quất, Liên Chiểu, Chân Mây và các sân bay Đà Nẵng, Phú Bài, cải tạo sân bay Chu Lai. Tập trung xây dựng phát triển mạnh các chuỗi đô thị dọc bờ biển.

Về phát triển công nghiệp: Hình thành các ngành công nghiệp mũi nhọn trên cơ sở phát triển những ngành được đầu tư tập trung, có lợi thế về tài nguyên, nguồn lao động, thị trường để tăng trưởng với tốc độ cao, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của vùng, xúc tiến mạnh việc xây dựng các khu, các cụm và các điểm nông nghiệp tạo sự gắn kết giữa các khu công nghiệp. Ưu tiên đầu tư phát triển những ngành sản xuất có hiệu quả và góp phần xuất khẩu tạo ra lợi thế trong quá trình hội nhập với khu vực và quốc tế. Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng công nghiệp đạt 17-18%.

Về phát triển thương mại và các ngành dịch vụ: Phát triển thương mại và các ngành dịch vụ gắn chặt với quá trình phát triển chung của các ngành kinh tế trong toàn vùng. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ tài chính - ngân hàng, dịch vụ cảng. Phát triển du lịch kết hợp với bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, khu bảo tồn, bảo tàng.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, vấn đề phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có vai trò quan trọng.

Thực trạng phát triển nguồn nhân lực địa phương

Cũng như nguồn nhân lực ở Việt Nam, nguồn nhân lực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chủ yếu xuất phát từ nông dân. Hiện cơ cấu lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 47% (tỷ lệ này cả nước là 52%); công nghiệp, xây dựng 24% (cả nước là 23%). Trình độ lao động ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có bằng sơ cấp là 13.000 người, trung cấp 230.000 người, trình độ cao đẳng là 85.000 người và trình độ đại học và sau đại học khoảng trên 250.000 người. Tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động năm 2010 là 60% tổng dân số và dự báo sẽ tăng lên 63% năm 2015, tỷ lệ học sinh ở khối học nghề đang có chiều hướng tăng theo từng năm. Số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn chiếm 10% toàn quốc(1).

Nguồn nhân lực ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chủ yếu vẫn trong lĩnh vực nông nghiệp; các nguồn lực khác cũng chủ yếu từ nông nghiệp mà ra và trong 47% lao động nông nghiệp có đến 80% chưa được đào tạo nghề. Nguồn nhân lực trong công nghiệp có khoảng 300.000 người (khu vực Nhà nước chiếm khoảng 40%) và trình độ tay nghề cao chiếm tỷ lệ thấp.

Nguồn nhân lực là trí thức, công chức, viên chức trong những năm gần đây tăng nhanh với số lượng ước khoảng 250.000 lao động có trình độ đại học trở lên. Tuy nhiên, tỷ lệ 50% tổng số sinh viên ra trường chưa có việc làm hoặc việc làm không đúng chuyên môn đào tạo cho thấy chưa có sự quan tâm đúng mức, nguồn nhân lực chưa được quy hoạch, chưa được khai thác hợp lý và góc độ nào đó cũng phản ánh quá trình đào tạo chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng đặt ra.

Nguồn nhân lực trong các ngành kinh tế khác của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng tăng nhanh từ 3.138 nghìn người năm 2006 lên 3.344 nghìn người trong năm 2010 (chiếm 6,8% lực lượng lao động trong cả nước) với tốc độ tăng bình quân 1,6%/năm.

Trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với nguồn lực lao động có chất lượng cao làm động lực thúc đẩy chính thì vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần phải có lời giải cho bài toán về dịch chuyển cơ cấu lao động theo ngành cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cần thiết phải đưa ra được nhiều nhóm giải pháp khác nhau xuất phát từ quan điểm, nhận thức của các cấp chính quyền với mục tiêu, chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng gắn với chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi một quá trình với hệ thống các giải pháp toàn diện, đồng bộ, trong đó, cần chú trọng một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn với mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng theo Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg phê duyệt Phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020. Vấn đề liên kết phát triển vùng cũng đã được 9 tỉnh, thành duyên hải miền Trung thống nhất và thành lập ra Ban điều phối vùng nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ hai, xây dựng chính sách rõ ràng, minh bạch trong sử dụng và đào tạo nguồn nhân lực. Cần thiết lập môi trường làm việc ổn định, có quy định cụ thể trong việc sử dụng đúng người, đúng việc cũng như có những chính sách phù hợp tạo động lực về vật chất và tinh thần để khai thác các nguồn nhân lực tiềm năng.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực bảo đảm quy mô, chất lượng và cơ cấu trình độ chuyên môn, cơ cấu ngành, cơ cấu khu vực thành thị và nông thôn hợp lý để đảm bảo mục tiêu phát triển, tăng trưởng kinh tế của vùng theo đúng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, hướng đến tạo ra một cơ cấu hợp lý giữa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Để có được đội ngũ nguồn nhân lực cho phát triển, đáp ứng đặc điểm riêng có của khu vực này đòi hỏi phải có sự chủ động từ chính quyền địa phương các cấp trong việc tạo ra cơ cấu thích hợp thông qua đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao; phát triển nguồn nhân lực trong các ngành sản xuất nông nghiệp, chế biến lượng thực, thực phẩm, du lịch và dịch vụ; đặc biệt chú ý đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ và quản lý làm việc ở các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tiếp nhận và ứng dụng công nghệ mới,…

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực phải bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả. Phát triển đồng bộ và hiệu quả là hai vấn đề luôn song hành nhằm bảo đảm về cơ cấu và cân đối trong đào tạo và sử dụng. Đối với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thì quan điểm này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực vì nó đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng lao động. Đảm bảo nguồn nhân lực đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng trong các khu vực.

Thứ sáu, phát triển nguồn nhân lực phải gắn với yêu cầu của thị trường lao động. Qua thực tiễn hiện nay, nguồn nhân lực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang nằm trong tình trạng cung lớn hơn cầu đối với lao động phổ thông, cung nhỏ hơn cầu đối với lao động có chuyên môn kỹ thuật. Với hướng dịch chuyển cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa dẫn đến cầu lao động đối với các ngành kỹ thuật nông, công nghiệp, chế biến, điện tử, tin học ngày càng lớn và giảm cầu lao động trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp nhất là lao động không có trình độ chuyên môn. Khả năng xuất khẩu lao động cũng là một định hướng chiến lược cần được các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hướng đến.

Thứ bảy, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên và định kỳ trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, đúc kết, rút kinh nghiệm và kịp thời ban hành những chính sách phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra./.

----------------------------------------------------

(1) Tổng hợp phân tích từ các Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng