Mỹ La-tinh trong cuộc đua của các cường quốc
Vai trò đang lên của Mỹ La-tinh
Với hơn 600 triệu dân, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đặc biệt là dầu khí, cùng với sự tăng trưởng kinh tế tương đối ổn định trong những năm qua, vị thế của Mỹ La-tinh ngày càng gia tăng trên trường quốc tế. Không chỉ được đánh giá là một thị trường xuất khẩu tiềm năng và một nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng, Mỹ La-tinh còn được từng bước đưa vào bàn cờ chính trị của các nước lớn.
Trong lúc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đe dọa giảm tăng trưởng tại nhiều quốc gia, khu vực Mỹ La-tinh lại nổi lên với điểm sáng, tỷ lệ tăng trưởng ổn định, nợ công lẫn tỷ lệ thất nghiệp thấp. Nhờ đâu các nước Mỹ La-tinh có thể gần như “miễn nhiễm” với khủng hoảng và không rơi vào căn bệnh tài chính trầm trọng như các nước châu Âu? Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính bài học về nợ công cách đây 30 năm khiến Mỹ La-tinh từ những quốc gia dễ tổn thương về kinh tế đã đủ sức chống chọi những cơn bão tài chính trên thế giới. Và từ khi hồi sinh từ bài học đó, các chính sách kinh tế của Mỹ La-tinh đã chú trọng đến tăng trưởng bền vững hơn là chạy đua tăng trưởng nóng. Ngân hàng Thế giới (WB) từng đưa ra nhận định, một trong những biện pháp giúp kinh tế Mỹ La-tinh vững mạnh hơn so với các quốc gia khác là nhờ nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào. Ác-hen-ti-na, Mê-hi-cô, Bra-xin, ba nền kinh tế hàng đầu khu vực, đã tích trữ nguồn ngoại hối hơn 500 tỷ USD.
Chính sách thắt chặt tiền tệ và kiểm soát chặt tỷ giá hối đoái đã góp phần không nhỏ giúp tăng lợi nhuận từ hàng hóa xuất khẩu, giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và giữ vững ổn định trong thời kỳ khủng hoảng. Theo đó, sự ổn định giá cả trở thành mục tiêu chính của chính sách tiền tệ, còn lãi suất ngắn hạn có thể là công cụ duy nhất được sử dụng để đạt được mục tiêu lạm phát.
Kết quả là những can thiệp vào thị trường hối đoái diễn ra thường xuyên và ở nhiều nước, ngay cả tại những nước đã cam kết thả nổi đồng nội tệ như Chi-lê và Mê-hi-cô. Một số nước, điển hình là Bra-xin, cũng đang đánh thuế đối với các dòng vốn quốc tế và có các biện pháp kiểm soát khác trong một nỗ lực nhằm ổn định giá trị đồng nội tệ. Tỷ lệ thất nghiệp xuống mức 6,5%, việc giúp thêm 73 triệu người thoát khỏi đói nghèo trong 10 năm qua đã dần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại khu vực này, giúp các chính phủ Mỹ La-tinh củng cố quyền lực, không dẫn đến tình trạng bất ổn chính trị gây trở ngại cho các chính sách phát triển đất nước. Bên cạnh đó, Mỹ La-tinh còn được hưởng một nguồn lợi không nhỏ từ nguồn dầu mỏ và khí đốt. Đứng đầu khu vực này là Vê-nê-xu-ê-la, với ngành công nghiệp dầu mỏ đóng góp tới 1/3 GDP, 80% giá trị xuất khẩu và hơn một nửa ngân sách nhà nước.
Cạnh tranh lợi ích chiến lược
Trong tổng thế bức tranh thế giới hiện nay, không phải ngẫu nhiên chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga V. Pu-tin và Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê cùng thực hiện chuyến thăm tới khu vực này. Rõ ràng, với các chuyến thăm chính thức dài ngày tại Mỹ La-tinh, cả Nga, Trung Quốc và Nhật Bản đều theo đuổi những mục tiêu không chỉ trước mắt mà cả lâu dài về kinh tế và chính trị, từng bước mở rộng ảnh hưởng trong khu vực vốn được coi là “sân sau” của Mỹ. Những động thái trên cho thấy Nhật Bản, Trung Quốc và Nga cùng với việc mở rộng thị trường sang Mỹ La-tinh, đang tạo ra những đối trọng nhằm ngăn chặn nguy cơ ảnh hưởng tới lợi ích của mỗi nước.
Mở màn là chuyến công du kéo dài 6 ngày của Tổng thống Nga V. Pu-tin. Tại mỗi điểm dừng chân, chủ nhân điện Krem-lin đều ký kết hàng loạt thỏa thuận song phương với các nước sở tại, trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ khí đốt, dầu mỏ, thương mại cho đến đầu tư kết cấu hạ tầng. Nga và Cu-ba đã nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, y tế, kết cấu hạ tầng và phòng, chống thiên tai; ký với Bra-xin bảy văn kiện hợp tác và với Ác-hen-ti-na một số thỏa thuận trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử vì mục đích dân sự. Tại Ni-ca-ra-goa, Tổng thống V. Pu-tin khẳng định Nga sẽ tham gia dự án xây dựng kênh đào Ni-ca-ra-goa lớn nhất thế giới nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, cạnh tranh với kênh đào Pa-na-ma vốn đang quá tải. Theo các nhà phân tích, ông V. Pu-tin muốn sử dụng năng lượng để mở rộng ảnh hưởng địa - chính trị của Nga, thiết lập các liên minh trong khu vực và tách các nước Mỹ La-tinh khỏi ảnh hưởng của Mỹ.
Qua chuyến thăm, Tổng thống V. Pu-tin còn có được sự hiểu biết của các đối tác về lập trường của Nga trong vấn đề U-crai-na và Crưm. Kết quả chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác mọi mặt giữa Nga với các nước trong khu vực và đưa Mỹ La-tinh trở thành một trong những hướng đối ngoại quan trọng của Nga trong thời gian tới. Chuyến công du cũng nhằm đưa Nga thoát khỏi thế cô lập trên trường quốc tế trong bối cảnh Mỹ và phương Tây đang gia tăng lệnh trừng phạt Mát-xcơ-va liên quan đến cuộc khủng hoảng tại U-crai-na. Do vậy, việc tăng cường quan hệ kinh tế với các nước Trung - Nam Mỹ cũng là biện pháp làm giảm áp lực đối với Nga. Theo đó, Nga đang tích cực gia tăng vai trò của mình trong khối BRICS. Vào thời điểm nước sôi lửa bỏng của khủng hoảng U-crai-na, chuyến đi của ông V. Pu-tin được đánh giá là một động thái đáp trả lệnh trừng phạt kinh tế cũng như quyết định loại Nga ra khỏi nhóm G8 của Mỹ và đồng minh. Nga đang chứng tỏ họ là một cường quốc toàn cầu chứ không còn bị gò bó trong một khu vực châu Âu đang bị sức mạnh Mỹ và EU xâm lấn, từ đó dần vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có 10 ngày làm việc hiệu quả tại khu vực. Tuy nhiên, khác với chuyến công cán mang nhiều ý nghĩa chiến lược của ông V. Pu-tin, cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc với lãnh đạo các nước Mỹ La-tinh tập trung chủ yếu vào khía cạnh đầu tư - thương mại, vốn là mũi tấn công chủ lực của Trung Quốc. Đây là chuyến công du thứ hai của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Mỹ La-tinh trên cương vị Chủ tịch nước. Việc Trung Quốc liên tiếp có hai chuyến thăm cấp cao đến Mỹ La-tinh đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Bắc Kinh tới vai trò đang lên của khu vực này.
Trên thực tế, đối tác thương mại lớn nhất của các nước Trung - Nam Mỹ là Mỹ. Song, Chính phủ Mỹ gần đây có phần nào “không mặn mà” với thị trường này. Ông O. Rô-xa-lét, Tổng Thư ký Ủy ban kinh tế Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (ECLA) của Liên hợp quốc nhận định: “Chỉ 2, 3 năm nữa Trung Quốc sẽ thay EU chiếm vị trí thứ 2 với tư cách là đối tác thương mại quan trọng của khu vực này”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký với các nước Mỹ La-tinh hàng loạt thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có 56 thỏa thuận hợp tác với Bra-xin, 20 thỏa thuận với Ác-hen-ti-na, 38 thỏa thuận với Vê-nê-xu-ê-la và 29 thỏa thuận với Cu-ba. Các thỏa thuận trên thuộc các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, thương mại, tài chính, ngân hàng, hạ tầng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, khai khoáng, quốc phòng, viễn thông, y tế, văn hóa và giáo dục.
Trong chuyến thăm lần này, nhà lãnh đạo Trung Quốc còn đem theo những khoản viện trợ kịp thời tới Ác-hen-ti-na và Vê-nê-xu-ê-la, hai quốc gia đang gặp vấn đề nghiêm trọng về tài chính và đầu tư. Đặc biệt, tại Bra-xin, Chủ tịch Trung Quốc đã cùng lãnh đạo các nước BRICS tuyên bố thành lập Ngân hàng phát triển của khối với số vốn ban đầu lên tới 100 tỷ USD. Đây là thể chế chính thức đầu tiên của nhóm các quốc gia mới nổi này, đồng thời được dự đoán sẽ trở thành đối thủ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong việc cung cấp tài chính cho các quốc gia đang phát triển.
Chủ tịch Trung Quốc còn đề xuất thiết lập quỹ đầu tư với quy mô 20 tỷ USD với mục đích huy động vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng của các nước Trung - Nam Mỹ. Chuyên gia Đông Nam Á Y. Xun (YunSun) thuộc Trung tâm Stimson của Mỹ cho rằng: “Trung Quốc gia tăng đầu tư vào khu vực Trung - Nam Mỹ là nhằm gây áp lực cho Mỹ. Tuy nhiên, điều này cũng khó có thể thực hiện được bởi mối quan hệ lâu dài và gắn bó giữa Mỹ và Trung - Nam Mỹ không đơn giản bị ảnh hưởng bởi những mục đích mang tính chính trị và kinh tế của Trung Quốc”.
Ngay sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê đã đến thăm năm quốc gia Mê-hi-cô, Tri-ni-đát và Tô-ba-gô, Cô-lôm-bi-a, Chi-lê và Bra-xin. Sứ mệnh của ông S. A-bê bao gồm thúc đẩy quan hệ kinh tế với khu vực Mỹ La-tinh giàu tài nguyên, đồng thời tranh thủ vận động ủng hộ cho Nhật Bản giành được một ghế luân phiên trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào năm 2016.
Phát biểu với báo giới trước khi rời Tô-ky-ô (ngày 25-7), Thủ tướng S. A-bê cho biết trọng tâm của chuyến công du là thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các thiết bị công nghệ và tìm kiếm cơ hội hợp tác nhằm giúp các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp cận sâu vào thị trường các nước Mỹ La-tinh. Bên cạnh đó, Thủ tướng S. A-bê cũng hy vọng sự hợp tác của các quốc gia trong khu vực sẽ giúp bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu tự nhiên cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh của đất nước mặt trời mọc.
Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Mê-hi-cô, Thủ tướng S. A-bê và Tổng thống nước chủ nhà E. P. Ni-ê-tô đã nhất trí tăng cường và mở rộng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện bằng việc ký kết 14 hiệp định hợp tác, tập trung vào lĩnh vực kinh tế, khoa học - kỹ thuật và phát triển năng lượng chuyển đổi. Theo thỏa thuận, Nhật Bản sẽ giúp Mê-hi-cô đầu tư khai thác khí đốt và đến giữa những năm 2030, Nhật Bản bắt đầu nhập khẩu khí đốt từ quốc gia Trung Mỹ này.
Tại đảo quốc Tri-ni-đát và Tô-ba-gô, ông S. A-bê đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất Nhật Bản - Cộng đồng Ca-ri-bê (CARICOM). Tô-ky-ô đã công bố kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật khối CARICOM trong ba lĩnh vực trọng yếu, gồm năng lượng, thủy sản và phòng chống thiên tai. Tiếp đó, trong những đợt dừng chân tại Cô-lôm-bi-a và Chi-lê, vốn là các nước đang cùng với Nhật Bản tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng S. A-bê đã tập trung thảo luận các chính sách kinh tế và thương mại với các nhà lãnh đạo sở tại. Tại Bra-xin, Thủ tướng A-bê công bố dự án cải thiện đường sắt, đường giao thông, cảng biển ở Bra-xin để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu ngũ cốc sang Nhật Bản. Ngoài ra, Nhật Bản cũng mong muốn giúp đỡ Bra-xin khai thác mỏ dầu nước sâu có trữ lượng 50 tỷ thùng bằng việc cung cấp những thiết bị công nghệ cần thiết.
Trong bài phát biểu kết thúc chuyến thăm, Thủ tướng S. A-bê khẳng định Mỹ La-tinh là “đối tác không thể thiếu của Nhật Bản”. Rõ ràng, không chỉ là cạnh tranh với Trung Quốc, Nhật Bản cũng đang muốn đa phương hóa các mối quan hệ, giảm lệ thuộc vào sức mạnh của Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng, nếu như Nga muốn sử dụng năng lượng để mở rộng ảnh hưởng địa - chính trị toàn cầu, thiết lập các liên minh trong khu vực và vươn tới Mỹ La-tinh thì Nhật Bản lại có những toan tính riêng. Là một trong những nền công nghiệp hàng đầu thế giới, Nhật Bản đang cần các nguồn nguyên, nhiên liệu từ bên ngoài để bù đắp sự thiếu hụt trong nước. Điều đó lý giải vì sao nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang tham gia cuộc cạnh tranh với Trung Quốc để có thêm nguồn năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển trong nước.
Bằng cách đem đến cho các quốc gia Mỹ La-tinh những gì họ cần, như nguồn vốn, thương mại, công nghệ, các cường quốc Nga, Trung Quốc, Nhật Bản đang gửi đi những tín hiệu cảnh báo đến Mỹ và các nước phương Tây hiện còn bận rộn can thiệp vào các khu vực khác trên thế giới. Sự hiện diện của ba trong số các nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới tại “sân sau” truyền thống của Mỹ không chỉ là hình ảnh biểu tượng cho tầm quan trọng ngày càng lớn của khu vực Mỹ La-tinh, mà còn cho thấy mức độ cạnh tranh gay gắt của các cường quốc ở không gian giàu tiềm năng này.
Trung Quốc đang giành lợi thế?
Hiện tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Mỹ La-tinh tăng nhanh từ 13 tỷ USD năm 2000 lên mức 261 tỷ USD năm 2013 (vượt cả mốc hơn 200 tỷ USD giá trị thương mại Trung Quốc - châu Phi năm 2013), đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Mỹ La-tinh.
Trung Quốc đã “thâm nhập” mạnh mẽ vào hàng loạt nước như Bra-xin, Vê-nê-xu-ê-la, Ác-hen-ti-na, Chi-lê, Pê-ru, Mê-hi-cô, Cu-ba, Ni-ca-ra-goa, Cô-lôm-bi-a,… và hiện đã nâng cấp quan hệ với Vê-nê-xu-ê-la và Ác-hen-ti-na lên mức “đối tác chiến lược toàn diện”. Riêng ở một số nước như Bra-xin, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất. Thực tế, các khoản tài chính mà Trung Quốc cung cấp cho khu vực này còn lớn hơn cả các khoản tín dụng và đầu tư mà Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Liên châu Mỹ và Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Mỹ dành cho Mỹ La-tinh gộp lại. Hơn nữa, ngay các nước Mỹ La-tinh cũng kêu gọi Trung Quốc vào đầu tư. Một số nước bên bờ phá sản đã được Trung Quốc hỗ trợ tài chính đúng lúc và nhiệt tình.
Về mặt truyền thống, Trung Quốc gần gũi với châu Phi hơn (do văn hóa, khoảng cách địa lý và phong trào giải phóng dân tộc vào những năm 1950 -1960). Tuy nhiên, ở Mỹ La-tinh, Trung Quốc lại có những lợi thế mới. Thời gian qua, lực lượng cánh tả lên nắm quyền ở nhiều nước Mỹ La-tinh - nhiều nước trong số này (như Vê-nê-xu-ê-la, Bô-li-vi-a,… chưa kể Cu-ba) có thái độ chống Mỹ gay gắt. Và nhìn chung, tâm lý của Mỹ La-tinh là muốn giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) và không muốn tiếp tục trở thành “sân sau” của Mỹ. Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc trở thành một lựa chọn hợp lý cho các nước này để cân bằng lại.
Dẫu vậy, vẫn có những chia rẽ nhất định trong nội bộ Mỹ La-tinh trong cách nhìn nhận về Trung Quốc. Ngoài những người ủng hộ, có những người nghi ngờ vai trò của Trung Quốc, e sợ “nguy cơ” trở thành một châu Phi thứ hai.
Trong mối quan hệ bất đối xứng với một quốc gia Đông Bắc Á khổng lồ, nhiều chính phủ Mỹ La-tinh lo ngại nước mình chỉ là nơi cung cấp đồ ăn và khoáng sản cho Trung Quốc, và không có nhiều việc làm cho lao động địa phương. Việc tập trung xuất khẩu nguyên nhiêu liệu có giá trị thấp sang Trung Quốc khiến cơ cấu kinh tế của các nước Mỹ La-tinh lạc hậu và các ngành công nghiệp sản xuất ở đây khó phát triển. Đã có những cuộc biểu tình phản đối hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường hay việc các doanh nhân Trung Quốc mua đất với diện tích rộng ở Nam Mỹ. Một vài nước, trong đó có Bra-xin và Ác-hen-ti-na, đã áp dụng một số biện pháp chống phá giá trước “cơn lụt” hàng hóa giá rẻ xuất xứ từ Trung Quốc. Các nước trong vùng còn đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai khoáng của Trung Quốc và nạn chặt phá rừng để trồng nông sản (nhất là đậu tương) đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc. Riêng Bra-xin - nền kinh tế lớn nhất Mỹ La-tinh, thành viên khối BRICS - đã có những động thái cho thấy họ muốn trở thành đối tác bình đẳng với Trung Quốc./.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp Đoàn các nhà báo ASEAN (12/09/2014)
Không chịu “áo gấm đi đêm” (12/09/2014)
- Phát triển vùng Đông Nam Bộ bền vững: Cần khơi thông “điểm nghẽn” về phát triển hạ tầng kỹ thuật
- Xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới
- Bất ngờ chiến lược trong quan hệ quốc tế và một số hàm ý chính sách
- Một số suy nghĩ về công tác cán bộ của Đảng trong tình hình mới
- Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay
-
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Gìn giữ, phát huy vai trò khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng