TCCSĐT - Sáng 18-4-2014, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Tạp chí Cộng sản đã tổ chức Hội thảo: “Vai trò và những đóng góp của lực lượng Công an nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Tham dự Hội thảo, Bộ Công an có: Đại tướng, GS, TS. Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng, PGS, TS. Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng, PGS, TS. Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị, công an các tỉnh, thành phố…

Về phía Tạp chí Cộng sản có: PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập; TS. Phạm Đình Đảng, Phó Tổng Biên tập, cùng lãnh đạo các ban, đơn vị, phóng viên, biên tập viên.

Tham dự Hội thảo còn có các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhân chứng lịch sử, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và Hà Nội.

 
 Đại tướng, GS, TS. Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại tướng, GS, TS. Trần Đại Quang nhấn mạnh, chiến thắng Điện Biên Phủ là bản anh hùng ca của một cuộc chiến tranh thần kỳ, đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng hay một Đống Đa của thế kỷ XX. Công an nhân dân đã kề vai sát cánh với Quân đội nhân dân Việt Nam lập nên nhiều chiến công hiển hách trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ. Những tấm gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ công an trong công tác bảo vệ chiến dịch đã hun đúc nên truyền thống anh hùng vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam; là di sản tinh thần vô giá, thôi thúc lực lượng Công an nhân dân tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, công tác nghiên cứu, tổng kết lịch sử Công an nhân dân nói chung, lịch sử Công an nhân dân giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp nói riêng mặc dù đã được quan tâm, song vẫn còn những hạn chế, thiếu sót. Nhiều tư liệu lịch sử còn tản mát chưa được sưu tầm, hệ thống đầy đủ. Nhiều tấm gương anh dũng, chiến đấu, hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ công an chưa được làm rõ, ghi nhận đầy đủ. Hội thảo có nhiệm vụ góp phần làm sáng rõ, đầy đủ hơn về vai trò và những đóng góp của lực lượng Công an nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ thông qua những sự kiện và tư liệu lịch sử.

 
 PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu đề dẫn Hội thảo

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS, TS. Vũ Văn Phúc nêu rõ: Hội thảo không chỉ có giá trị về lý luận, thực tiễn, tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì sự bình yên của Tổ quốc mà còn có ý nghĩa góp phần giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho toàn thể cán bộ chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân hiện nay. PGS, TS. Vũ Văn Phúc mong muốn, Hội thảo tập trung thảo luận, làm sáng tỏ và sâu sắc hơn các vấn đề cơ bản sau:

Một là, phân tích, làm sáng tỏ và sâu sắc hơn sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình, mang tầm chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hai là, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng đoàn Bộ Công an và các khu ủy đối với lực lượng Công an nhân dân trong công tác bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ba là, phân tích, làm rõ hơn vai trò, nhiệm vụ và những đóng góp của lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt là công an các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc, công an các tỉnh Bắc Trung Bộ trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên tất cả các lĩnh vực: trực tiếp chiến đấu, bảo vệ chiến dịch, bảo vệ lực lượng, phương tiện chiến đấu, phòng gian bảo mật, bảo vệ hậu phương, khu giải phóng, tiểu phỉ, diệt trừ gián điệp, biệt kích; xây dựng thế trận an ninh nhân dân, huy động sức mạnh toàn dân phối hợp với công an thực hiện nhiệm vụ chính trị to lớn đó.

Bốn là, phân tích về những biện pháp công tác nghiệp vụ của ngành Công an được áp dụng thành công trong quá trình bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ; từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để phát triển, vận dụng vào thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được trên 60 báo cáo khoa học với nội dung phong phú, đa dạng, phản ánh tương đối toàn diện về vai trò và những đóng góp của lực lượng Công an nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bằng các phương pháp tiếp cận của khoa học lịch sử, từ các tư liệu lịch sử đã được nghiên cứu, ghi nhận và kiểm chứng.

Đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu đề cập tới vai trò lãnh đạo của Đảng với lực lượng công an Lai Châu trong việc đưa ra những quyết định đúng đắn, sáng suốt, linh hoạt và kịp thời góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử của dân tộc. Đồng chí Tạ Cao Sơn, Thư ký riêng của đồng chí Trần Quyết - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, người được vinh dự trực tiếp bảo vệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi vào vùng Điện Biên Phủ đã kể lại những bài học đầu tiên về chiến tranh du kích và phát triển từ du kích chiến tiến lên vận động chiến; trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của Công an nhân dân trong việc thu thập và bảo mật tin tức, bảo vệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, kho tàng, bến bãi, khu tập kết lực lượng, vũ khí, giữ vững an ninh vòng ngoài trước biệt kích và tiễu phỉ; những ví dụ sinh động của mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược quốc phòng và an ninh.

 
 Thượng tướng, PGS, TS. Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an kết luận Hội thảo

Kết luận Hội thảo, Thượng tướng, PGS, TS. Bùi Văn Nam khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định những thắng lợi của lực lượng công an. Lực lượng công an đã có đóng góp quan trọng vào thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ biểu hiện ở những việc: cùng với lực lượng quân đội bảo vệ chiến dịch, phòng gian bảo mật; bảo vệ giao thông vận chuyển; bảo vệ lực lượng tham gia chiến dịch; thực hiện các biện pháp phản gián, bảo vệ lãnh tụ, cơ quan đầu não; bảo vệ kho tàng, bến bãi; bảo vệ hậu phương, khu giải phóng, phòng, ngừa, phát hiện kẻ gian; phát hiện và vô hiệu hóa gián điệp của địch. Công tác xây dựng lực lượng công an trong suốt thời gian chiến dịch Điện Biên Phủ đã có những bước phát triển vượt bậc, là bước đệm chuẩn bị cho việc tiếp quản Hà Nội và giai đoạn mới hòa bình, xây dựng ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam.

 
 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Qua các tham luận, cứ liệu lịch sử từ các nhân chứng sống có thể khẳng định lực lượng công an đã có vai trò và đóng góp rất lớn cho chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây cũng là cứ liệu ban đầu cho nghiên cứu, lý luận về an ninh nhân dân. Thượng tướng, PGS, TS. Bùi Văn Nam cũng đề nghị Viện Lịch sử Công an nhân dân và Tạp chí Công an nhân dân tổ chức nghiên cứu, thẩm định tư liệu tiến tới hoàn thiện lịch sử Công an nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng. Bên cạnh đó, Thượng tướng, PGS, TS. Bùi Văn Nam cũng mong muốn các cơ quan truyền thông tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về vai trò và những chiến công mà lực lượng Công an nhân dân đã đóng góp cho chiến thắng Điện Biên Phủ./.