Nếu các doanh nghiệp nhà nước không tái cơ cấu, kịp thời tái cơ cấu có thể sẽ bị “thua” trong hội nhập cạnh tranh. Vì thế, phải tái cơ cấu hướng tới “thu hẹp để nâng chất lượng”, dứt khoát chỉ giữ lại những công đoạn, lĩnh vực, địa bàn then chốt, lĩnh vực nào mà tư nhân không thể làm tốt.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh điều này tại Hội nghị: “Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2015” do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức ngày 02-4, tại Hà Nội.

Nhiều đơn vị thực hiện tốt cổ phần hóa

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối, cho biết Khối Doanh nghiệp Trung ương có 32 tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng; trong giai đoạn 2011 - 2015 có 28 đơn vị thuộc đối tượng cần xây dựng đề án tái cơ cấu. Đến nay cả 28 đơn vị đều đã hoàn thành đề án tái cơ cấu, trong đó có 24 đề án đã được phê duyệt.

Cả 24 đề án này đều được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Trong đó có 15 công ty mẹ Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ; 9 công ty mẹ cần tiến hành cổ phần hóa. Đến nay, có 3 công ty mẹ đã tiến hành cổ phần hóa là Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam.

Các công ty mẹ sẽ cổ phần hóa trong năm 2014 là Tập đoàn Dệt may, Tổng Công ty Hàng không. Năm 2015, cổ phần hóa 4 tổng công ty còn lại là Tổng Công ty Hàng hải, Tổng Công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng.

Tổng số doanh nghiệp cần thực hiện thoái toàn bộ vốn Nhà nước theo đề án là 642 doanh nghiệp. Số đã thực hiện xong là 167 doanh nghiệp với số vốn đã thoái, thu về ngân sách là 7.800 tỉ đồng. Từ nay đến 2015 còn phải tiếp tục thoái vốn tại 472 doanh nghiệp.

Bên cạnh những đơn vị triển khai tốt, việc cổ phần hóa ở nhiều đơn vị vẫn còn chậm, như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá, bên cạnh đóng góp lớn của doanh nghiệp nhà nước, cần nhìn nhận nghiêm túc, khách quan rằng vẫn còn không ít doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nguồn lực về vốn, có nhiều lợi thế, nhưng sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Sự thiếu hiệu quả của một số doanh nghiệp nhà nước ở một số lĩnh vực ảnh hưởng không tốt đến việc phát huy vai trò chủ lực của doanh nghiệp nhà nước.

Nhìn rộng ra bối cảnh quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, nếu các doanh nghiệp nhà nước không tái cơ cấu, kịp thời tái cơ cấu có thể sẽ bị “thua” trong quá trình hội nhập cạnh tranh. Do đó, trong 2 năm 2014 - 2015 cần đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong đó hầu hết hết thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương, theo lộ trình đã được Đảng và Nhà nước đề ra.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý một số điểm trong quá trình tái cơ cấu. Trước hết, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, trong đó doanh nghiệp nhà nước là nòng cốt của kinh tế Nhà nước, là lực lượng vật chất quan trọng, công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước muốn thành công phải quyết liệt đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, cạnh tranh bình đẳng trên thị trường như các thành phần kinh tế khác. Trong quá trình tái cơ cấu, các doanh nghiệp phải được quản lý chặt chẽ, minh bạch. Tái cơ cấu phải gắn liền với tự nâng cao kỹ năng quản trị, đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ mới.

Phó Thủ tướng nêu rõ quan điểm, các doanh nghiệp nhà nước phải tái cơ cấu hướng tới “thu hẹp để nâng chất lượng”, dứt khoát chỉ giữ lại những công đoạn, lĩnh vực, địa bàn then chốt, lĩnh vực nào tư nhân không thể làm tốt. Thậm chí, ngay cả dịch vụ công cũng từng bước phải chuyển sang khuyến khích hạch toán như doanh nghiệp, tiến tới cổ phần hóa.

Theo Phó Thủ tướng, Khối Doanh nghiệp Trung ương có 32 tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng chiếm phần lớn doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu và doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam, nếu thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu thì mục tiêu trọng tâm về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ cơ bản hoàn thành.

Để đạt được mục tiêu, Phó Thủ tướng lưu ý Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cần phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, sắp xếp đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quá trình tái cơ cấu cần hết sức chú ý đến việc công khai, minh bạch hóa, tăng cường giám sát, tránh chồng chéo…

Các tập đoàn, tổng công ty cần coi trọng tái cơ cấu nguồn nhân lực, lao động, kiện toàn lại đội ngũ lãnh đạo, bộ máy quản lý. Đặc biệt, lựa chọn đội ngũ cán bộ đúng và trúng, có năng lực chuyên môn và phẩm chất tốt, đóng vai trò quyết định tới thành công của doanh nghiệp nhà nước.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ nỗ lực hoàn thiện các cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu doanh nghiệp, trước hết là nghiên cứu sửa đổi Luật Doanh nghiệp đang được thảo luận và nhiều khả năng trong đó có chương riêng về quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước sẽ được sửa đổi theo tăng cường minh bạch, tăng cường giám sát, bám sát giải quyết những vướng mắc thực tiễn trong quá trình hoạt động, tái cơ cấu của doanh nghiệp./.