TCCSĐT - Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, Tổng thống không có quyền nhậm chức quá hai nhiệm kỳ nên dù có được tín nhiệm, ông G.Bu-sơ cũng không thể tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba. Và ngày 20-1-2009, Tổng thống G.Bu-sơ đã chính thức chuyển giao lại quyền điều hành nước Mỹ cho Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma.

Tính từ đó đến nay, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã nhậm chức được hơn 200 ngày kể từ thời điểm ông đọc lời tuyên thệ với lời hứa hẹn sẽ cải thiện đáng kể hình ảnh của nước Mỹ trước thế giới để bước vào Nhà Trắng (20-1-2009). Đây là khoảng thời gian chưa đủ dài để có thể nhận thấy được sự chuyển biến lớn trong chủ trương “thay đổi nước Mỹ và thế giới” mà Thượng nghị sĩ Ba-rắc Ô-ba-ma đã từng đưa ra trong cuộc chạy đua ma-ra-tông vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ. Khẩu hiệu “Thay đổi” (“The Change”) mà ứng cử viên Ba-rắc Ô-ba-ma đưa ra trong chiến dịch tranh cử như có ma lực thu hút sự ủng hộ của các cử tri Mỹ trong bối cảnh nước Mỹ sa lầy trong hai cuộc chiến tranh dang dở, bị mất uy tín trước bạn bè và đồng minh, mất thể diện trước cộng đồng thế giới bởi nhiều vụ tai tiếng, và cuối cùng là bị lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất, kể từ cuộc đại suy thoái những năm 1930. Theo kết quả điều tra của hãng thông tấn Mỹ CNN, uy tín của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma trước các cử tri Mỹ lên tới con số kỷ lục 67% vào ngày ông tuyên thệ nhậm chức. Nhưng, theo kết quả điều tra dư luận của hãng thông tấn Rasmussen Reports công bố ngày 13-8-2009, sau hơn 200 ngày cầm quyền, uy tín của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma giảm xuống còn 47%. Trong đó, số người hoàn toàn ủng hộ ông chỉ còn lại là 29%, còn số người kịch liệt phản đối chiếm 37% số người được hỏi. Có tới 77% người của Đảng Cộng hoà phản đối chính sách của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma.
 
Do đâu uy tín của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma giảm mạnh đến thế?

Theo đánh giá của chính giới phân tích ở Mỹ, câu trả lời là do sự bất lực hoặc thất bại của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma trong một số lĩnh vực chủ yếu của chính sách đối ngoại mà chính người tiền nhiệm đã từng “lực bất tòng tâm”. Hơn 200 ngày cầm quyền vừa qua, những gì mà Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma chủ trương “thay đổi nước Mỹ và thế giới” trong chính sách đối ngoại xem ra chỉ là vẻ bề ngoài, dừng lại ở những hứa hẹn và tuyên bố “đao to búa lớn”. Còn thực tế, chính sách đối với “các vấn đề nóng” hiện nay của ông chủ Nhà Trắng chẳng khác mấy so với trước. Chúng ta thử lần lượt điểm qua cách xử lý của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đối với một số “vấn đề nóng” sau hơn 200 ngày cầm quyền xem có gì “thay đổi” so với người tiền nhiệm.

Vấn đề I-rắc. Nhớ lại chiến dịch tranh cử vào Thượng viện Mỹ năm 2004, ứng cử viên của Đảng Dân chủ Ba-rắc Ô-ba-ma có được ưu thế đặc biệt, giúp ông trở thành Thượng nghị sĩ. Đó là, ông đã từng là người kịch liệt phản đối mở cuộc chiến tranh I-rắc. Ưu thế này ghi nhiều điểm cho ông Ba-rắc Ô-ba-ma trong cuộc chạy đua vào Nhà Trăng năm 2008. Trong bối cảnh nước Mỹ đang chưa tìm ra lối thoát khỏi “vũng lầy”, mặc dù ứng cử viên Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma còn thiếu kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại, nhưng các cử tri Mỹ tin rằng, với “trực quan chính trị nhạy bén thể hiện trong cuộc chiến tranh I-rắc”, ông sẽ giải quyết “ngon lành” các vấn đề an ninh quốc gia tốt hơn so với các “cây đa, cây đề” trên chính trường ở Oa-sinh-tơn. Nhưng hơn 200 ngày cầm quyền ở Nhà Trắng, việc mà Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã làm là rút quân khỏi I-rắc theo lộ trình được cam kết trong một hiệp định song phương mà Tổng thống G.Bu-sơ và Tổng thống I-rắc ký kết vào tháng 11-2008. Theo đó, ngày 30-7-2009, Mỹ rút các đơn vị chiến đấu ra khỏi các thành phố của I-rắc và sẽ rút hết quân Mỹ khỏi nước này vào tháng 12-2011. Tình hình I-rắc hiện nay đang diễn ra theo hướng giống y như chuyện ông G.Bu-sơ đang ngồi ở Nhà Trắng vậy.

Cuộc chiến chống khủng bố ở Áp-ga-ni-xtan. Trong chiến dịch tranh cử cuối năm 2008, ứng cử viên Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố: “Chúng ta đã quên lãng Áp-ga-ni-xtan do quá bận tâm vào vấn đề I-rắc”. Ông Ba-rắc Ô-ba-ma khẳng định, Mỹ sẽ phải tăng quân số, bắt đầu chiến dịch chống khủng bố và chống nổi dậy. Trong tuần đầu tiên sau lễ nhậm chức, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đưa ra “chính sách mới” ở Áp-ga-ni-xtan nhưng trên thực tế, những gì được gọi là “mới” trong chính sách này của ông chỉ là thực hiện những sự điều chỉnh chiến lược chống khủng bố mà Tổng thống G.Bu-sơ đã từng đưa ra trước khi rời Nhà Trắng, như tăng quân số cho chiến trường Áp-ga-ni-xtan, gia tăng các hoạt động truy quét tàn quân Ta-li-ban trên lãnh thổ Pa-ki-xtan, v.v.. Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma có đề xuất hai điều, được một số người ở Oa-sinh-tơn coi là “mới”, đó là thuật ngữ “Afpak” và sự kết hợp “sức mạnh cứng” với “sức mạnh mềm”.

Thuật ngữ “Afpak” có nghĩa là phải gắn vấn đề Áp-ga-ni-xtan (Af) với vấn đề Pa-ki-xtan (pak), được hiểu trên thực tế là dùng hệ thống máy bay không người lái và tên lửa tầm ngắn tiến công Ta-li-ban và An-kê-đa đang ẩn náu trên vùng biên giới giữa hai nước Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan. Chiến lược này đã từng được Tổng thống G.Bu-sơ áp dụng trong vòng 6 tháng cuối nhiệm kỳ cầm quyền của ông và hiện nay đang được Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tiếp tục áp dụng.

Còn sách lược kết hợp “sức mạnh cứng” với “sức mạnh mềm” là “chuyện cũ xưa như Trái đất” của nước Mỹ, đã từng được các đời tổng thống Mỹ áp dụng và được thế giới gọi là chính sách “chiếc gậy và củ cà rốt”. Sách lược kết hợp “sức mạnh cứng” với “sức mạnh mềm” cũng đã từng được chính quyền dưới thời Tổng thống G.Bu-sơ áp dụng thành thạo “như làm xiếc” trong hai nhiệm kỳ cầm quyền của ông. Thí dụ, trong cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan (2001) và sau đó là cuộc chiến tranh I-rắc (2003), Mỹ đã dùng hàng trăm triệu USD mua chuộc một số tướng lĩnh và chỉ huy của Ta-li-an và quân đội của Sa-đam Hút-xen để họ đầu hàng quân Mỹ vào thời điểm quyết định của cuộc chiến. Nếu không dùng “sức mạnh mềm”, còn lâu các đội quân “cứng” được “trang bị đến tận chân răng” của Mỹ mới chiếm được Áp-ga-ni-xtan và I-rắc.

Trong các cuộc “cách mạng sắc màu” ở Nam Tư sau cuộc chiến tranh Cô-xô-vô, ở Gru-di-a, U-crai-na và Cư-rơ-gi-xtan, Mỹ đã chi hàng trăm triệu USD cho các lực lượng đối lập tiến hành “cách mạng” để dựng lên chính quyền thân Mỹ. Ngoài ra, hiện nay, có hai nhân vật chủ chốt đang mẫn cán thực hiện chiến lược chiến tranh chống khủng bố là tướng Đa-vít Pê-trê-út, hiện giữ chức Tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm và ông Rô-béc Ghết, đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đều là người do Tổng thống G.Bu-sơ đích thân lựa chọn và bổ nhiệm, cũng là hai người trong chính phủ tiền nhiệm được Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tin dùng để tiếp tục thực thi chiến lược của Tổng thống G.Bu-sơ.

Vấn đề chương trình hạt nhân của I-ran. Cũng như người tiền nhiệm, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã nhiều lần tuyên bố không thể chấp nhận chuyện I-ran sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhưng xem ra, cũng như Tổng thống G.Bu-sơ trước đây, cả hai đều hiểu rằng họ có rất ít khả năng để hoá giải vấn đề này. Một mặt, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố sẽ tiến hành đàm phán với các nhà lãnh đạo I-ran mà “không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”; mặt khác, lại vừa chủ trương áp dụng “các biện pháp cấm vận mạnh tay hơn” đối với I-ran với sự hợp tác của Nga và Trung Quốc. Ông Ba-rắc Ô-ba-ma đã bổ nhiệm hai nhân vật thân I-xra-en và chống I-ran kịch liệt nhất vào những vị trí chủ chốt tại Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao. Đó là, ông Xti-uốt Le-vi (Stuart Levey) được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính, phụ trách tình báo tài chính và chống khủng bố; ông Đê-nít Rốt (Dennis Ross) được bổ nhiệm giữ chức cố vấn đặc biệt về Trung Đông và I-ran thuộc Bộ Ngoại giao. Cả hai nhân vật nối tiếng là hiếu chiến này đều ủng hộ hành động quân sự chống I-ran.

Theo đuổi chính sách cứng rắn đối với I-ran, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đang đánh mất dần các cơ hội ngoại giao, kinh tế và chính trị, giúp ông củng cố lợi ích của Mỹ tại khu vực này. Vì thế, đến nay việc giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran chưa mở ra bất kỳ triển vọng nào được coi là sáng sủa mà vẫn chỉ là đi theo vết xe của người tiền nhiệm.

Vấn đề hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên. Chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma chưa có giải pháp gì cải thiện thêm các thỏa thuận về giải giáp vũ khí hạt nhân đã đạt được giữa chính quyền của Tổng thống G.Bu-sơ và chính phủ CHDCND Triều Tiên dựa trên cơ sở nhượng bộ lẫn nhau. Theo đó, Bình Nhưỡng đã đồng ý đưa ra lộ trình chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của mình để đổi lấy viện trợ kinh tế và năng lượng từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga. Bước đầu, CHDCND Triều Tiên đã thực hiện những thỏa thuận này nhưng vẫn chưa nhận được viện trợ kinh tế. Chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma chưa có bất kỳ sáng kiến nào để thực hiện các chương trình viện trợ. Trái lại, để phản ứng trước vụ phóng thử tên lửa gần đây của CHDCND Triều Tiên, Mỹ và các nước đã có nhiều tuyên bố lên án và đưa ra các giải pháp trừng phạt khá cứng rắn đối với Bình Nhưỡng, đưa tình hình trên bán đảo Triều Tiên tới trạng thái căng thẳng chưa từng có trong những năm gần đây.

Quan hệ Mỹ - Nga. Đến cuối nhiệm kỳ hai của Tổng thống G.Bu-sơ, quan hệ Mỹ - Nga trở nên băng giá, thậm chí đã có người nói tới khả năng tái hồi “chiến tranh lạnh”. Bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố sẽ “tái khởi động” quan hệ Mỹ - Nga và ông đã làm việc đó trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Nga vào ngày 6-7-2009. Nhưng những việc mà Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma làm vẫn chỉ là: yêu cầu Nga rút khỏi Nam Ô-xê-ti-a va Áp-kha-di-a; tiếp tục thực hiện Hiệp định đối tác chiến lược Mỹ - U-crai-na và Hiệp định đối tác chiến lược Mỹ - Gru-di-a, theo đó Mỹ tiếp tục ủng hộ hai quốc gia này gia nhập NATO; không công nhận các lợi ích chiến lược có ý nghĩa sống còn của Nga trong không gian hậu Xô-viết; tiếp tục kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở Đông Âu.

Công bằng mà nói, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã cùng Tổng thống Nga Đ.Met-vê-đép ký tuyên bố chung về Hiệp ước START mới, nhưng nội dung của nó không khác gì mấy so với Hiệp ước về tiềm năng vũ khí chiến lược đã từng được Tổng thống G.Bu-sơ và Tổng thống Nga V.Pu-tin thoả thuận năm 2003 và đã từng được hai bên đàm phán trong thời gian cầm quyền của Tổng thống G.W.Bu-sơ. Vậy là quan hệ Mỹ - Nga chưa được “tái khởi động”, thậm chí còn có phần căng thẳng hơn. Nhân đây, dư luận nhớ lại chuyện Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn, trong khi gặp Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp đầu năm 2009 tại Hội nghị ngoại trưởng các nước NATO và Nga, có mang theo chiếc hộp dùng để kê giấy tờ trong văn phòng, trên đó có hình chiếc nút bấm có ghi dòng chữ “Perenagruxka” có nghĩa là điều chỉnh lại và chìa ra cho người đồng cấp Nga xem, mà lẽ ra phải là “Peregruzka” có nghĩa là “tái khởi động”. Không lẽ người Mỹ lại không thông thạo tiếng Nga tới mức nhầm lẫn đến thế, hay đây là “lời cảnh báo tế nhị” đối với Nga rằng, trong quan hệ Mỹ - Nga sẽ chẳng có sự “tái khởi động” nào hết.

Quan hệ giữa Mỹ với châu Âu. Bề ngoài, các nước châu Âu có vẻ cảm tình với Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma hơn so với người tiền nhiệm G.Bu-sơ mà dân châu Âu gọi là “kẻ ngạo mạn” với các hành động đơn phương. Tuy nhiên, trong thực tế, quan hệ Mỹ - châu Âu chưa có gì thay đổi sau hơn 200 ngày cầm quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Ngày 4-4-2009, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tham dự Hội nghị NATO tại Xtra-buốc với mục đích tìm kiếm sự ủng hộ của đồng minh để mở rộng cuộc chiến chống khủng bố ở Áp-ga-ni-xtan. Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma thông báo chủ trương tăng cường triển khai quân trên 21.000 nghìn quân đến Áp-ga-ni-xtan và bổ sung 80 tỉ USD vào ngân sách 750 tỉ USD để trợ giúp tài chính cho cuộc chiến tại đây. Tại Hội nghị NATO lần này, các đề xuất của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã bị từ chối. Các đồng minh chính của Mỹ trong NATO tuy đã đồng ý gửi thêm 5.000 quân, nhưng chỉ có tính chất “tượng trưng” vì họ sẽ không tham chiến.

Bất đồng chủ yếu giữa Mỹ và các nước NATO ở châu Âu vẫn như trước. Đó là, các nước NATO đã không coi Áp-ga-ni-xtan là một khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh của châu Âu. Việc Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma không tìm kiếm được sự ủng hộ của NATO về việc mở rộng cuộc chiến đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải gánh vác toàn bộ chi phí của cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan, và chịu sự lên án của toàn thế giới vì đã làm cho hàng nghìn dân thường bị thương vong và hàng triệu người phải chạy tị nạn.

Quan hệ giữa Mỹ với các nước Mỹ La-tinh. Mặc dù Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cũng tuyên bố sẽ cải thiện quan hệ giữa Mỹ với các nước Mỹ La-tinh, nhưng có vẻ bóng dáng của nước Mỹ dưới thời Tổng thống G.Bu-sơ vẫn còn in đậm trong tâm tưởng của các quốc gia khu vực này. Nếu trước đây, Vê-nê-xu-ê-la tuyên bố “sẽ sẵn sàng tiến hành cuộc chiến tranh 100 năm với Mỹ”, thì hiện nay dưới thời Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, Tổng thống Hu-gô Cha-vét cho biết, Vê-nê-xu-ê-la vẫn bị Mỹ coi là “mục tiêu số 1” và để thực hiện mục tiêu này, Oa-sinh-tơn sẽ sử dụng các căn cứ quân sự tại Cô-lôm-bi-a và các căn cứ khác trên vùng biển Ca-ri-bê. Ngày 16-8-2009, phát biểu trên chương trình hằng tuần, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Hu-gô Cha-vét cho biết, ông có được thông tin xác thực rằng, lệnh bắt cóc và cho đi lưu đày Tổng thống Hôn-đu-rát Ma-nu-en Dê-lây-a xuất phát từ căn cứ quân sự Pan-mê-rô-la của Mỹ tại nước này. Ngoài ra, do chưa giải quyết được xung đột về lợi ích nên Mỹ hiện không ký được bất kỳ hợp đồng kinh tế có lợi nào tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ trong tháng 4-2009. Oa-sinh-tơn vẫn bị cô lập trong việc bảo vệ chính sách của Mỹ đối với Cu-ba. Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ cấm vận áp dụng gần 50 năm qua với Cu-ba.

Chính sách của Mỹ đối với quan hệ I-xra-en và Pa-le-xtin. Chính sách của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đối với quan hệ giữa I-xra-en và Pa-le-xtin là sự lặp lại “Giải pháp hai nhà nước” đã từng được Tổng thống G.Bu-sơ đề xuất, nhưng bị Chính phủ I-xra-en mới được bầu bác bỏ. Những người được Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma bổ nhiệm để đặc trách chính sách Trung Đông đều có quan hệ gắn bó với Ten A-víp và vì thế luôn ủng hộ hành động của I-xra-en phong tỏa Dải Ga-da do Chính phủ Ha-mát được bầu một cách dân chủ kiểm soát.

Biểu hiện rõ nhất về sự bế tắc của chính quyền mới ở Mỹ trong vấn đề hoà bình Trung Đông là cuộc hội đàm với Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Na-ta-ni-a-hu ngày 18-5-2009 tại Oa-sinh-tơn. Sau khi đưa ra giải pháp khu định cư “hai nhà nước I-xra-en và Pa-le-xtin”, một trong những mục tiêu lớn trong sách đối ngoại của Mỹ, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma thậm chí còn không nhận được cam kết miệng của nhà lãnh đạo I-xra-en. Sau bốn giờ đàm phán, Thủ tướng Ben-gia-min Na-ta-ni-a-hu đã bác bỏ đề nghị của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma xem xét lại thời hạn đàm phán ngoại giao với I-ran để đổi lấy việc thủ tướng I-xra-en chấp nhận “giải pháp hai nhà nước”.

Vậy ra, hơn 200 ngày cầm quyền ở Nhà Trắng, trong một số vấn đề chủ chốt của chính sách đối ngoại, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma vẫn tiếp tục những gì người tiền nhiệm đang thực thi dang dở?!

Với chủ trương “thay đổi nước Mỹ và thế giới”, dư luận thế giới hy vọng ông Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ có nhiều đổi thay trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng sau hơn 200 ngày cầm quyền của Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ, người ta có cảm nhận rằng, trong một số lĩnh vực chủ yếu của chính sách đối ngoại của Mỹ, dường như nhiệm kỳ đầu tiên của ông chỉ là sự kế tục nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống G.Bu-sơ, hay nói một cách ví von như tờ “National Interest" (Mỹ), số ra ngày 22-7-2009, hơn 200 ngày đầu cầm quyền của ông Ba-rắc Ô-ba-ma là “nhiệm kỳ thứ ba” của Tổng thống G.Bu-sơ. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi dù ai cầm quyền ở Nhà Trắng, ông G.Bu-sơ hay ông Ba-rắc Ô-ba-ma cũng đều là Tổng thống Mỹ. Cho nên dù họ có năng lực cao hay thấp, diễn thuyết hùng biện hay có phần “lắp bắp”, phong cách lãnh đạo thế này thế khác, thì họ vẫn phải phục vụ các lợi ích tối thượng của Mỹ đã được xác định trong chiến lược toàn cầu. Lợi ích đó là bất di bất dịch. Cũng tương tự như vậy, những nước mà Mỹ có quan hệ, họ cũng luôn có những lợi ích bất biến và người đứng đầu nhà nước ở các quốc gia đó cũng phải hành động xuất phát từ lợi ích quốc gia của họ./.