Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 23-9 đến ngày 29-9-2013)
1. Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII
Trên cơ sở báo cáo của Văn phòng Quốc hội về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khai mạc vào ngày 21-10-2013. Tại kỳ họp này, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và 8 dự án luật; cho ý kiến 12 dự án luật khác; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; một số báo cáo giám sát chuyên đề; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và một số vấn đề quan trọng khác,…
Tại Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 13 dự án luật, trong đó có 3 dự án luật trình Quốc hội thông qua và 10 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2013; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013; báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2014,… Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát việc triển khai thi hành các luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến hết tháng 7-2013; tình hình triển khai và kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012; Báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Về công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp nhà nước, Ban Tổ chức cấp nhà nước, Ban Thư ký Quốc gia và một số vấn đề khác về việc chuẩn bị và tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội vào khoảng cuối tháng 3 và đầu tháng 4-2015.
2. Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Từ ngày 23 đến ngày 25-9, tại Hà Nội, đã diễn ra phiên họp toàn thể lần thứ 6 Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ủy ban đã cho ý kiến về kết quả thực hiện nhiệm vụ, ngân sách năm 2013, dự toán ngân sách năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế; nghe báo cáo việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật việc làm, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình. Ủy ban đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ liên quan giải trình về “Phân bổ nguồn nhân lực và cơ chế điều hành trong công tác giảm nghèo”; báo cáo dự thảo Báo cáo kết quả giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012; thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Đồng thời, các thành viên Ủy ban đã nghe báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết chất vấn của các bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và một số nội dung quan trọng khác.
3. Hội thảo khoa học quốc tế “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và những điều chỉnh chiến lược”
Ngày 23-9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và những điều chỉnh chiến lược”. Đến dự và phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Trong khi phần lớn các nước trong khu vực đã bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng sau khủng hoảng thì ở Việt Nam, sự phục hồi còn chậm. Xét về mặt tuyệt đối, khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực đang ngày một cách xa ra. Đời sống của nhân dân tuy có bước cải thiện nhưng vẫn còn rất khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Tội phạm ở thành thị, mâu thuẫn xã hội ở nông thôn, đang trở thành những vấn đề ngày càng lớn. Nhận thức sâu sắc những khó khăn của nền kinh tế, Đảng và Chính phủ đang quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp nhằm xây dựng một nền kinh tế năng động, hiện đại và có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Tại Hội thảo, các học giả, nhà quản lý, các chuyên gia quốc tế đã đã trao đổi thẳng thắn, tập trung đánh giá các kết quả đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu do Đại hội XI của Đảng đề ra, cũng như các mục tiêu điều chỉnh tại Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ; những hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cần thiết trong lãnh đạo, chỉ đạo; nêu những vấn đề cần nổi lên cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hoặc điều chỉnh trong xác định mục tiêu tổng quát kinh tế - xã hội năm 2014 - 2015. Qua phân tích, các đại biểu đề xuất các biện pháp thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm phục vụ cho mục tiêu huy động tổng đầu tư toàn xã hội trong khoảng 31 - 32% GDP trong hai năm tới, tăng cường các nguồn lực và sự đồng thuận của xã hội để phục hồi nền kinh tế; các giải pháp để đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, khơi thông những nút thắt thể chế để phục hồi tăng trưởng, tạo nguồn lực mạnh mẽ cho xây dựng kết cấu hạ tầng và đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao.
4. Kỷ niệm 713 năm Ngày mất anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo
Ngày 24-9 (tức ngày 20-8 âm lịch) tại đền Thiên Trường (thành phố Nam Định), Ủy ban nhân dân thành phố Nam Định đã tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 713 năm Ngày mất của anh hùng dân tộc - Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Lễ hội diễn ra từ ngày 14-9 đến 24-9 (tức ngày 10-8 đến 20-8 âm lịch), đây là một trong bốn hoạt động chính của Nam Định nhằm hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng 2013. Sau màn trống hội là lễ dâng hương, có sự tham gia của đại diện lãnh đạo tỉnh Nam Định và thành phố Nam Định cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Phần hội bao gồm nhiều hoạt động, trò chơi dân gian như múa rồng lân, múa sư tử, biểu diễn võ thuật cổ truyền, múa rối nước, thi đấu cờ tướng, đấu vật, tế Nam Quan, chọi gà và hát múa dân gian,… Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa và trình diễn di sản văn hóa phi vật thể cũng rất được chú trọng. Cùng với lễ Khai ấn đền Trần, Lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo 2013 là hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa tâm linh được tổ chức để tưởng nhớ công lao của các vị vua Trần và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.
5. Tôn vinh 28 lãnh đạo công nghệ thông tin và an ninh thông tin tiêu biểu Đông Nam Á
Ngày 25-9, tại Lễ trao Giải thưởng Lãnh đạo Công nghệ thông tin và An ninh thông tin tiêu biểu Đông Nam Á (ASEAN CIO/CSO Awards) lần thứ 9 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, 28 nhà lãnh đạo đến từ các quốc gia Đông Nam Á đã được tôn vinh; trong đó Việt Nam có 10 nhà lãnh đạo được nhận giải thưởng này. Đây là giải thưởng nhằm tìm kiếm và tôn vinh các lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO), lãnh đạo an ninh thông tin (CSO) tại các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp đã có nhiều thành tích xuất sắc trong việc tổ chức, lãnh đạo, triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin cũng như an ninh thông tin, góp phần quan trọng cho việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp.
Giải thưởng CIO lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam năm 2005 và trở thành sự kiện thường niên và có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Qua 8 lần tổ chức, giải thưởng đã vinh danh hơn 150 lãnh đạo công nghệ thông tin và an ninh thông tin các nước Đông Nam Á. Giải CSO nhằm tôn vinh các lãnh đạo an ninh thông tin cũng đã qua 4 lần tổ chức. Đây là lần đầu tiên 2 giải thưởng dành cho lãnh đạo công nghệ thông tin và an ninh thông tin đươc phối hợp tổ chức với chủ đề “kết nối”, thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa hai lĩnh vực tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin.
6. Kỳ họp thứ 9 Hội đồng Lý luận Trung ương
Ngày 27-9, tại Thành phố Đà Nẵng, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Kỳ họp thứ 9, nhằm thảo luận, góp ý Đề cương Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016) và Dự thảo báo cáo những nhận thức lý luận chính trị mới của Đảng trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XI và một số vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu.
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 66-KL/TW về tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn qua 30 năm đổi mới. Mục đích tổng kết nhằm góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận quan trọng, tiếp tục hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng, góp phần chuẩn bị các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng. Việc tổng kết 30 năm đổi mới với trọng tâm là tổng kết 10 năm đổi mới gần đây, tập trung vào 10 vấn đề lớn là: cục diện thế giới và khu vực, những vấn đề biến động gần đây và tác động đến Việt Nam, dự báo tình hình sắp tới; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam; giải quyết các vấn đề xã hội trong tình hình mới; bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; hội nhập quốc tế, đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng Đảng cầm quyền, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng; tổng hợp việc nhận thức và giải quyết 8 mối quan hệ lớn được nêu trong Cương lĩnh 2011.
Tại Kỳ họp, các đại biểu tập trung thảo luận cho ý kiến về phương pháp, cách thức tổng kết, xây dựng đề cương tổng kết để kiến nghị với Ban chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị tiến hành tổng kết đạt hiệu quả, thiết thực, bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ.
7. Khai mạc Tuần văn hóa, thể thao và du lịch danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2013
Ngày 28-9, tại sân vận động trung tâm huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, đã diễn ra Lễ khai mạc Tuần văn hóa, thể thao, du lịch danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2013 và trao giải cuộc thi ảnh đẹp 8 tỉnh Tây Bắc. Đến với Tuần văn hóa, thể thao, du lịch danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2013, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang với sắc vàng rực rỡ mà còn được hòa mình vào chuỗi các sự kiện đặc sắc, phong phú, hấp dẫn. Đó là phiên chợ vùng cao tại trung tâm huyện, 3 xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn và Dế Xu Phình; trưng bày, quảng bá các sản phẩm truyền thống của vùng cao như táo mèo, nếp cẩm, thảo quả, một số bài thuốc nam cổ truyền của dân tộc, nhạc cụ và một số trang phục của các dân tộc,... Đặc biệt, triển lãm ảnh “Mù Cang Chải - Những nấc thang vàng” được chia ra làm 3 không gian: Không gian 1, trưng bày triển lãm các tác phẩm ảnh tham dự cuộc thi ảnh đẹp 8 tỉnh Tây Bắc; Không gian 2, trưng bày triển lãm ảnh “Ánh nhìn chéo”; Không gian 3, trưng bày triển lãm “Mù Cang Chải - Những nấc thang vàng”. Hội thi “Gặt lúa nhanh, cày ruộng giỏi” được tổ chức tại xã Chế Cu Nha là nét mới và điểm nhấn của Tuần văn hóa, thể thao, du lịch danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm nay. Cũng trong dịp này, Đại hội thể dục thể thao huyện Mù Cang Chải được tổ chức với nhiều môn thi đấu hiện đại và truyền thống như bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ,...
8. Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9-2013
Ngày 29-9, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên họp thường kỳ tháng 9-2013 thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng và bàn các giải pháp những tháng tiếp theo, nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra của năm 2013. Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2013, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng; nền kinh tế dần phục hồi với tốc độ tăng trưởng từng bước được cải thiện; về cơ bản đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; lãi suất giảm dần, tăng trưởng tín dụng tiếp tục có những bước chuyển biến khả quan; sản xuất công nghiệp tuy còn khó khăn song đã có những chuyển biến đáng kể, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo,... Cụ thể là tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 5,14%. Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, nền kinh tế phục hồi còn chậm, chưa thực sự vững chắc; tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt thấp hơn so với kế hoạch; thị trường và sức mua có chuyển biến nhưng chậm và thấp hơn cùng kỳ; hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn còn cao,...
Chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục điều hành quyết liệt các giải pháp tăng cường tính vững chắc cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, trong đó có việc tiếp tục điều hành mức lãi suất phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; triển khai có hiệu quả hơn nữa trong xử lý nợ xấu, không để phát sinh nợ xấu; tăng cường phối hợp trong công tác quản lý thị trường, kiểm soát chặt chẽ giá cả, nhất là giá cả một số mặt hàng thiết yếu; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, đặc biệt trong dịp Tết. Tại Phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận Báo cáo về tình hình triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, sớm hoàn thiện Báo cáo này để trình Trung ương và Quốc hội./.
Việt Nam dự kỳ họp 192 Hội đồng chấp hành UNESCO  (01/10/2013)
Thủ tướng chỉ đạo chủ động khắc phục hậu quả cơn bão số 10  (01/10/2013)
Hợp tác kinh tế Việt Nam - Italy đang có bước tiến mạnh mẽ  (01/10/2013)
Khắc phục bệnh thành tích, thiếu chính xác trong công tác thống kê  (01/10/2013)
Chủ tịch nước sẽ dự Hội nghị APEC 21 tại Indonesia  (01/10/2013)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay