Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên môi trường biển, hải đảo ở thành phố Hải Phòng

Bùi Quang Sản Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng
21:57, ngày 04-07-2013
TCCSĐT - Là thành phố cảng biển quốc tế, có vị trí kinh tế, chính trị, quân sự quan trọng, Hải Phòng đã và đang tích cực, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường biển và hải đảo, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa XI, cũng như Chiến lược biển Việt Nam.

Tài nguyên môi trường biển, hải đảo của Hải Phòng và những thách thức 

Với bờ biển dài khoảng 125km, diện tích mặt biển là 4.000km2 và trên 360 hòn đảo lớn nhỏ, Hải Phòng là thành phố có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên biển. Thành phố được xác định là đầu mối giao thông mở rộng giao lưu khu vực và thế giới, đồng thời giữ vị trí chiến lược quan trọng trong bảo đảm an ninh - quốc phòng của quốc gia. 

Hải Phòng có 2 huyện đảo là Cát Hải và Bạch Long Vĩ, 2 ngư trường trọng điểm là Bạch Long Vĩ và Đông Nam Long Châu cùng hơn 4.486,4ha rừng ngập mặn ven biển năm 2010. Riêng quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải), diện tích 323,1km2, nằm trong vùng biển Đông Bắc Việt Nam mang vẻ đẹp tự nhiên, hoang dã với nhiều vụng, vịnh, hang động cùng hàng trăm bãi tắm lớn nhỏ. Đây cũng là khu vực có sự đa dạng sinh học cao, hội tụ khá đầy đủ các hệ sinh thái tiêu biểu của Việt Nam như hệ sinh thái quần đảo đá vôi, hệ sinh thái nhiệt đới và cận nhiệt đới. Khu vực này có khoảng 3.860 loài thực vật và động vật trên cạn, dưới biển với 130 loài được đưa vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới, trong đó có 21 loài đặc hữu, 76 loài nằm trong danh mục quý hiếm đã được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp loại. Voọc Cát Bà là loài đặc hữu, hiện trên thế giới chỉ còn một quần thể với hơn 60 cá thể còn lại phân bố duy nhất ở Cát Bà. Ủy ban UNESCO đã công nhận quần đảo Cát Bà là khu dự trữ sinh quyển thế giới và đang tiếp tục xem xét để công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Bạch Long Vĩ là huyện đảo có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế với 1.015 loài sinh vật biển thuộc các nhóm khác nhau, đặc biệt là loài bào ngư chín lỗ giàu giá trị. Đảo Bạch Long Vĩ nằm ở giữa Vịnh Bắc Bộ có diện tích 3,2km2, cách trung tâm thành phố khoảng 110km, được xác định là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của Vịnh Bắc Bộ theo Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Bên cạnh những lợi thế, hiện nay, môi trường và nguồn tài nguyên ven biển Hải Phòng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Đó là những biến đổi theo hướng suy thoái của môi trường biển do tác động cả quá trình tự nhiên và hoạt động của con người. Nhiều hệ sinh thái bị hủy hoại, phá vỡ môi trường cư trú của sinh vật như các bãi triều, đầm lầy sú vẹt, bãi biển, thảm cỏ biển và rạn san hô. Rừng ngập mặn bị tàn phá do việc khai thác, nuôi trồng thủy sản và quá trình phát triển các khu công nghiệp, đô thị. Độ phủ và diện tích phân bố san hô ở Cát Bà giảm mạnh do việc đánh bắt thủy sản tràn lan bằng các phương tiện hủy diệt, việc neo đậu tàu thuyền để sinh sống của ngư dân các vạn chài không được kiểm soát. Ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu hay việc khai thác ven bờ và nuôi trồng quá mức ở vùng triều, vũng vịnh đã làm suy giảm rất nhiều nguồn giống và hủy hoại môi sinh ở vùng ven biển.

Một thách thức lớn nữa mà Hải Phòng đang phải đối mặt là hiện tượng nước biển dâng. Theo đánh giá của các tổ chức khoa học quốc tế, Việt Nam là một trong năm nước trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu. Vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập lụt nặng nhất khi nước biển dâng, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh sẽ là hai trong số mười thành phố bị ngập lụt nhất thế giới. Kết quả quan trắc tại đảo Hòn Dấu trong một thập niên qua của Đài khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc cho thấy mực nước biển ở Hải Phòng đã tăng cao hơn 20cm. Một số vùng cửa sông ven biển ở Hải Phòng có hiện tượng bị nước biển xâm thực, đặc biệt ở khu vực Phù Long, đảo Cát Hải, Đình Vũ, ven đê biển 1, đê biển 2. Một số vùng cửa sông nền địa chất yếu, xuất hiện nhiều vùng xoáy nguy hiểm, tình trạng xói lở bờ sông có chiều hướng gia tăng không theo quy luật trước đó. Thời gian gần đây, biến đổi khí hậu đã kéo theo sự gia tăng về tần số, cường độ bão cùng các hiện tượng khí hậu cực đoan. Một số vùng bãi triều xuất hiện rất rõ tình trạng nước biển dâng cao, thủy triều lên xuống bất thường. Mùa mưa bão kết thúc muộn hơn và có nhiều cơn bão có cường độ mạnh, quỹ đạo chuyển dịch về phía Nam và đường đi dị thường, theo đó là các đợt nắng nóng, hạn hán,... Như vậy, biến đổi khí hậu đã và đang là nguy cơ, là thách thức lớn, đe dọa nghiêm trọng đến quá trình phát triển bền vững của thành phố. Vì thế, với Hải Phòng, việc đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường biển và hải đảo đang là vấn đề cấp bách hiện nay, đòi hỏi sự chung sức, chung lòng của cả chính quyền và nhân dân thành phố.

Hành động tích cực của Hải Phòng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và bảo vệ tài nguyên môi trường biển, hải đảo

Những năm qua, Hải Phòng đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển và hải đảo nói riêng. Thành phố luôn xác định việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược, bảo đảm cho phát triển bền vững. Đánh giá và nhận thức rõ về nguy cơ cùng những tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, hiện nay Hải Phòng đang triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp, lồng ghép các nội dung phòng, chống thiên tai, xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế - xã hội với các chương trình, dự án và hành động cụ thể sau đây: 

Hành động 1: Chủ động ứng phó với thiên tai và nước biển dâng; củng cố đê sông, đê biển, chống xâm nhập mặn; bảo vệ tài nguyên nước và bảo đảm sản xuất nông nghiệp. 

- Chủ động nắm và kịp thời cung cấp, hướng dẫn cách tiếp cận thông tin khí tượng thủy văn cũng như biến đổi khí hậu cho các ban, ngành, địa phương và người dân. 

- Triển khai phân vùng rủi ro thiên tai, phân vùng cảnh báo các loại hình thiên tai như lũ, ngập lụt, sạt lở đất,... từ đó có những giải pháp phòng tránh và giảm nhẹ phù hợp cho những khu vực trọng điểm.

- Củng cố và nâng cấp các tuyến đê sông, đê biển trên địa bàn thành phố, bảo đảm an toàn các tuyến đê, cống tiêu thoát mưa lũ. Tu bổ và nâng cấp, tăng cường khả năng chống lũ cho các tuyến đê sông với bão cấp độ 12, mức lũ tần suất 0,8%; tu bổ và nâng cấp hệ thống đê biển trên địa bàn thành phố (đê biển Bạch Đằng, Tràng Cát, đê biển 1, đê biển 2 và đê biển 3, đê biển Cát Hải) phòng chống được bão cấp độ 9, triều cường tần suất 5%. Phấn đấu đến năm 2015, hệ thống đê biển có thể chống bão cấp độ 12, triều cường tần suất 5%; dự phòng nguy cơ mực nước biển dâng; tăng cường đầu tư cho trồng cây phòng hộ đê điều; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tuyến. Thực hiện nhiệm vụ đầu tư nâng cấp 18 tuyến đê sông của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2012 - 2015 thuộc Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020.

- Rà soát và phục hồi diện tích rừng phòng hộ ven sông và ven biển, hệ sinh thái bãi triều nhằm nâng cao vai trò “đệm”, giảm sóng, phòng hộ và giữ đất. Mở rộng và trồng mới diện tích rừng ngập mặn ở những vùng bãi triều chưa được sử dụng để 2.098,4ha bãi triều ngoài hành lang bảo vệ đê có thời gian phơi bãi từ khoảng 6 giờ/ngày và 113ha bãi cát đen ngập triều; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu quy hoạch rừng phòng hộ ven biển thành phố Hải Phòng trong giai đoạn 2012 -2015 có kết quả cao, thực hiện các mục tiêu đặt ra thuộc Chương trình chống xâm nhập mặn sâu vào đất liền vùng ven biển giai đoạn 2012 - 2015.

- Kiểm tra và điều chỉnh các quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng trong các vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai cho phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng như: nâng cao độ nền xây dựng khu đô thị từ mức cũ trung bình + 3,8m đến + 4,2m lên mức mới trung bình > + 4,2m; khu vực ven bờ cốt nền mức trung bình > + 5,0m; điều chỉnh phương pháp xây dựng mới các khu dân cư, các công trình ven bờ, các khu công nghiệp, công trình giao thông vận tải và công trình hạ tầng khác theo hướng phòng, chống bão lũ và ngập lụt; sử dụng các loại vật liệu xây dựng có khả năng chống chịu tốt với những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Tăng cường công tác chống ngập, lụt, sạt lở cho một số tuyến quốc lộ, đường sắt trọng yếu, cảng biển như đường cao tốc ven biển Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, các nhánh của tuyến đường sắt mới song song với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đặc biệt nhánh đi Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Cảng tổng hợp Đình Vũ, Chùa Vẽ và nhánh đi Quân cảng Nam Đồ Sơn.

- Nâng cao hiệu quả chống ngập cho khu dân cư, khu đô thị lớn, khu công nghiệp, khu cảng biển, khu neo đậu tàu thuyền bằng cách xây dựng các khu chứa nước, các công trình ngăn lũ, ngăn mặn, thoát lũ, phát triển các vùng đệm, vùng xanh, tăng cường công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước. 

- Triển khai xây dựng thí điểm mô hình cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu tại hai huyện đảo Cát Hải và Bạch Long Vĩ. 

- Xây dựng và hoàn thành quy hoạch mạng lưới tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hải Phòng; tổ chức diễn tập thường niên ứng phó với các hiện tượng thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu gây ra tại một số khu vực có nguy cơ cao.

- Nghiên cứu việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với những thay đổi bất thường của khí hậu, thời tiết, nước biển dâng để chủ động phòng tránh dịch bệnh; phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường hệ thống bảo hiểm, chia sẻ rủi ro trong nông nghiệp; tích cực kiểm soát, phòng chống dịch bệnh cây trồng và vật nuôi trong điều kiện biến đổi khí hậu. Thực hiện và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012 - 2015. 

- Nâng cấp cốt nền giữa hệ thống cảng biển với mạng lưới kết cấu hạ tầng sau cảng và phát triển đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng cảng biển với hạ tầng công cộng kết nối với cảng biển (luồng tàu, đê ngăn sóng, chắn cát, hệ thống đường giao thông, hệ thống điện nước nối giữa các cảng,…) nhằm nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Xây dựng và củng cố khu neo chờ cho tàu thuyền tránh mưa, bão ở huyện đảo Bạch Long Vĩ; mở rộng hệ thống truyền thông và cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo tới tàu thuyền; duy trì nạo vét luồng tàu thường xuyên khi nước biển dâng; khai thông nhanh chóng và kịp thời các tuyến đường vận chuyển ra vào cảng nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có bão lớn do biến đổi khí hậu.

Hành động 2: Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản lý lĩnh vực tài nguyên môi trường biển; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và nâng cao nhận thức cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên môi trường có đủ năng lực và trình độ đáp ứng được yêu cầu thực tế trên địa bàn thành phố Hải Phòng. 

- Nâng cao nhận thức và kiến thức về phòng tránh thiên tai, biến đổi khí hậu, đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng các kiến thức bản địa vào phòng, tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thành phố Hải Phòng đã chủ động tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực và hiểu biết về công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu cho 100% cán bộ chính quyền ở các cấp trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai, 85% các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hàng hải tại khu vực cảng biển Hải Phòng. Thực hiện 100% các sở, ngành địa phương hoàn thành việc rà soát, cập nhật và triển khai Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2015.

- Xây dựng cơ chế, văn bản pháp quy nhằm phát huy sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức khoa học, chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên địa bàn thành phố Hải Phòng. 

Hành động 3: Triển khai các hoạt động khoa học - công nghệ nhằm cập nhật và bổ sung các đánh giá về tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến các ngành, lĩnh vực, khu vực trên địa bàn thành phố Hải Phòng, làm cơ sở cho việc lồng ghép các nội dung về biến đổi khí hậu vào các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và đề xuất các giải pháp cụ thể. 

- Xây dựng và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ Chiến luợc phát triển khoa học và công nghệ thành phố Hải Phòng giai đoạn 2012 - 2015, trong đó có những nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho hai huyện đảo Cát Hải và Bạch Long Vĩ. 

- Hoàn thành cơ sở dữ liệu về tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cụ thể cho từng ngành và địa phương, cập nhật công nghệ mới, tiên tiến trong xây dựng dân dụng, các công trình phòng hộ (đê, kè, chống sạt lở đất).

- Tích cực ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học trong đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tích hợp các vấn đề về biến đổi khí hậu trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố như áp dụng thí điểm các công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu đặc biệt là công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, công nghệ tiên tiến xử lý chất thải, chôn lấp rác thải, sử dụng chất thải và các công nghệ thân thiện khác.

Hành động 4: Tăng cường và triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tận dụng các cơ hội phát triển do biến đổi khí hậu mang lại.

- Hoàn thành việc rà soát và ban hành kế hoạch loại bỏ những công nghệ kém hiệu quả, không thân thiện với môi trường trong ngành nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải và năng lượng trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

- Thực hiện đầy đủ các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả theo Luật Sử dụng năng lượng.

- Xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh trên địa bàn thành phố Hải Phòng theo quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ. 

- Triển khai các công nghệ tiên tiến xử lý chất thải, ứng dụng công nghệ hiện đại xử lý rác thải cho các khu đô thị và vùng nông thôn; 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý, trong đó 85% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng./.