Đôi điều cảm nhận về kết quả cuộc lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên ở Quốc hội
Một vài cảm nhận
Về mặt định tính, kết quả lấy phiếu tín nhiệm phản ánh tương đối phù hợp với tình hình thực tiễn về các mức độ tín nhiệm của từng chức danh, từng người. Không phải cứ “quyền cao, chức trọng”, có điều kiện “vận động hành lang” là được nhiều phiếu tín nhiệm cao và ngược lại. Điều này giải tỏa được sự băn khoăn, lo lắng, ưu tư của một số người rằng, các đại biểu Quốc hội có thật sự chịu trách nhiệm cao trước cử tri hay không; có rơi vào tình trạng “hòa cả làng”, “dĩ hòa vi quý” không; có xảy ra tình trạng “cây ngay mà chết đứng”,“người kém mà phiếu cao” do có điều kiện “hoạt động bổ trợ” không? Không, kết quả cho thấy đại biểu Quốc hội khá khách quan, có tầm vóc bản lĩnh, có năng lực tư duy trí tuệ, có sự chân thành và đầy đủ trách nhiệm với lá phiếu mà cử tri trao gửi.
Về mặt định lượng, chúng ta có thể thấy khá rõ về một số số liệu sau:
Nếu tính từ mức tín nhiệm trở lên (tức là cộng số “tín nhiệm cao” với số “tín nhiệm”) thì tất cả 47 chức danh (47 người) qua “chấm điểm” đều đạt từ tín nhiệm trở lên; người thấp nhất cũng được 56,63%, người đạt cao nhất tới 97,59% so với tổng số đại biểu Quốc hội. Điều này cho thấy, các đại biểu thật sự cẩn trọng, phát huy cao độ tính xây dựng, từ đó đã cân nhắc mức độ, “liều lượng, mực thước” để đánh giá hợp lý, sát đúng nhất đối với từng người. Tuy đều đạt mức tín nhiệm trở lên cả đấy, nhưng giải tần cách biệt khá xa, giữa người có tỷ lệ cao nhất và người có tỷ lệ thấp nhất cách nhau tới 40,96% (gần 41%). Giữa nhóm 7 chức danh đạt số phiếu tín nhiệm cao (từ 300 phiếu trở lên) với nhóm 7 chức danh có số phiếu tín nhiệm thấp (từ 110 phiếu trở lên) là cả một khoảng cách khá xa, rất rộng (mặc dù cùng đạt mức từ tín nhiệm trở lên).
Nhóm chức danh có số phiếu tín nhiệm cao (từ 300 phiếu trở lên), không vì thế mà mãn nguyện, bởi vì họ vẫn có số phiếu tín nhiệm thấp đáng kể; người ít nhất cũng có 6 phiếu, người nhiều nhất tới 28 phiếu. Điều này cho thấy, đây mới là kết quả ban đầu, đành rằng “nhân vô thập toàn” (người ta khó có thể mười phân vẹn mười), song còn có những việc đã làm chưa được như mong muốn, thậm chí là thiếu sót, khuyết điểm, phải nỗ lực khắc phục; nếu không, chưa chắc lần sau có còn giữ được con số tín nhiệm cao như đã đạt được.
Đối với các chức danh có nhiều phiếu tín nhiệm thấp, chắc chắn là phải suy nghĩ rất nhiều, rất dữ dội. Trong “cái suy nghĩ rất nhiều” thì phần suy nghĩ về phiếu tín nhiệm thấp chắc là ít hơn và mau chóng nguôi ngoai để nhường chỗ cho phần suy nghĩ công việc trước mắt cũng như công việc “dài hơi”. Mình là tổng tư lệnh, là tư lệnh lĩnh vực “đứng mũi chịu sào” thì phải lắng nghe, tiếp thu một cách nghiêm túc và thật sự cầu thị ý kiến đúng đắn, bức xúc của cử tri; từ đó phải tư duy, tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu, có tính đột phá để đưa hoạt động của nền kinh tế - xã hội, của ngành, của lĩnh vực đạt đến hiệu quả cao, đáp ứng ngày càng nhiều và đa dạng ý nguyện chính đáng của cử tri, của nhân dân.
Về việc chuẩn bị cho cuộc lấy phiếu tín nhiệm, có thể nói, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu trách đã chuẩn bị khá công phu, chu đáo, toàn diện (tỉ mỉ, cẩn trọng từng công đoạn) với tinh thần trách nhiệm cao trước Quốc hội và cử tri. Đó là tiền đề cho sự thành công của sự kiện trọng đại này.
Tuy nhiên, dù mức độ tín nhiệm thế nào nhưng đại biểu và cử tri chỉ thực sự tin tưởng, yên tâm một khi các chỉ số tín nhiệm được biến thành “động lực” thôi thúc các “tư lệnh” toàn tâm, toàn trí, toàn ý, toàn lực làm cho bộ máy nhà nước mạnh lên, trong sạch; chính trị chắc chắn được giữ vững, trật tự xã hội được ổn định và an toàn hơn; nền kinh tế - xã hội nói chung, từng lĩnh vực nói riêng đều đạt hiệu quả trên một tầm cao mới.
Đôi điều suy nghĩ về cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần sau
Cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần thứ nhất tuy đã đạt được những kết quả tốt đẹp nhưng mới là bước đầu. Theo suy nghĩ của chúng tôi, cần tiếp tục hoàn thiện nhiều mặt mà trước hết là nên có các tiêu chí để làm cơ sở cho các chức danh tự đánh giá (báo cáo), đồng thời cũng là cơ sở, là căn cứ để đại biểu nhận xét, đánh giá sát thực, bớt khó khăn hơn. Các tiêu chí đó cần được cụ thể hóa từ hai tiêu chí chung mà Đảng ta đã xác định tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII, đó là “Năng lực và Phẩm chất” (Đức và Tài). Theo chúng tôi, ở tầm vĩ mô có thể cụ thể hóa như sau:
Năng lực, có thể cụ thể hóa ít nhất thành 3 tiêu chí, đó là khả năng tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin; khả năng xây dựng pháp luật và chính sách; năng lực điều hành công việc trong phạm vi công tác của chức danh.
Phẩm chất, có thể cụ thể hóa ít nhất thành 2 tiêu chí, đó là, phẩm chất chính trị (có trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Hiến pháp, với lợi ích của nhân dân không); và phẩm hạnh cá nhân (có nếp sống giản dị không, có tham ô, tham nhũng không, có bị tha hóa quyền lực không, có gần gũi nhân dân nơi cư trú và cán bộ công chức, viên chức, người lao động nơi công tác không, có vướng vào sinh hoạt bê tha không). Trong đó, đặc biệt phải nhấn đậm phẩm chất chính trị, tuy nhiên không coi nhẹ phẩm chất cá nhân, vì một khi đã quá ham hố quyền lực, tham nhũng, sinh hoạt bê tha... thì nói không còn ai nghe, và như thế sẽ không thể lãnh đạo, quản lý tốt được nữa; đôi khi còn bị các thế lực khác lợi dụng, điều khiển và khi ấy mất luôn cả phẩm chất chính trị. Như vậy là có thể có 5 tiêu chí. Các chức danh đều phải báo cáo theo các tiêu chí đó (và báo cáo cũng nên viết súc tích từ 5 đến 8 trang là cùng; nếu chỉ 5 trang thôi thì 49 báo cáo, đại biểu đã phải đọc gần 250 trang, mà tài liệu kỳ họp có đến cả nghìn trang).
Mặt khác, phải chia mức độ tín nhiệm thành nhiều “cung bậc” hơn để bảo đảm độ chính xác cao hơn (đây là lấy phiếu tín nhiệm, nghĩa là thăm dò mức độ tín nhiệm nên cần có nhiều mức; còn khi nào bỏ phiếu tín nhiệm, tức là xem có còn được tín nhiệm hay không thì khi ấy chỉ có 2 mức “còn tín nhiệm” và “không còn được tín nhiệm”). Vừa qua, trong việc lấy phiếu tín nhiệm, chỉ chia ra ba mức: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” có lẽ chưa thật thỏa đáng lắm. Một là, thực tế cho thấy cũng là tín nhiệm nhưng có sự cách biệt rất xa giữa các mức “tín nhiệm và tín nhiệm cao”; “tín nhiệm và tín nhiệm thấp”; chỉ “ly lai” chút ít là được đẩy lên mức trên hoặc tụt xuống mức dưới. Hai là, tự nhiên ngay từ đầu đã công nhận tất cả đều được tín nhiệm (từ tín nhiệm thấp đến tín nhiệm và tín nhiệm cao), trên thực tế có người không được tín nhiệm. Trong lấy phiếu tín nhiệm nếu có mức “không tín nhiệm” thì cũng rất có thể có chức danh có phiếu này. Có thể không hợp lý lắm, nhưng để dễ hình dung, ta có thể so sánh với việc chuyển thang điểm 5 bậc sang thang điểm 10 bậc trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Thang điểm 5 bậc không phản ánh chính xác kết quả học tập, rèn luyện của người học; khoảng cách giữa 2 và 3, giữa 3 và 4, giữa 4 và 5 là quá gần, vì thế chỉ “ly lai” chút ít là từ kém thành trung bình, từ trung bình thành khá, từ khá thành giỏi và ngược lại! Người chấm phải nảy ra “sáng kiến” thêm dấu cộng (+), dấu trừ (-), 3+, 5- ... rất phức tạp. Chúng tôi cho rằng, trong lấy phiếu tín nhiệm cũng nên chia ra nhiều “cấp độ” hơn, trước mắt là 5 mức thay vì chỉ có 3 mức như vừa qua. Đó là: Không tín nhiệm, Tín nhiệm thấp, Tín nhiệm, Tín nhiệm khá và Tín nhiệm cao. Nếu với 5 mức như trên, chắc chắn đại biểu sẽ cân nhắc dễ dàng hơn và sẽ không có sự chênh lệch giữa tín nhiệm với tín nhiệm cao tới gần 41% như đã nói ở trên.
“Vạn sự khởi đầu nan”, cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu đã thành công tốt đẹp, chắc chắn mỗi chức danh đều bắt đầu phấn đấu ngay từ bây giờ, chuẩn bị tốt cho lần sau, đó cũng là tính tích cực của việc lấy phiếu tín nhiệm. Rút kinh nghiệm lần này, hoàn thiện hơn quy trình và bổ sung hoàn chỉnh nội dung của phiếu tín nhiệm lần sau thì kết quả nhất định sẽ còn tốt đẹp hơn./.
Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh  (03/07/2013)
Phát triển một cách khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (03/07/2013)
PRISM và sự bảo mật riêng tư  (03/07/2013)
Khánh thành nhà tình nghĩa tặng cụ Hoàng Thị Khìn  (02/07/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng  (02/07/2013)
ARF 20 dành nhiều thời gian trao đổi về Biển Đông  (02/07/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay