“Vị đắng” của đồng ơ-rô
Từ thiên đường tài chính thế giới...
Cộng hòa Síp từng được mệnh danh là “thiên đường tài chính thế giới” khi các nhà đầu tư quốc tế ồ ạt kéo đến làm nơi “lạc nghiệp”, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nga, Hy Lạp và Anh. Đối với các công ty Nga, lâu nay Síp đã trở thành thiên đường thuế. Thuế thu nhập doanh nghiệp ở đây chỉ là 10%, bằng một nửa so với Nga. Vì vậy, từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, rất nhiều doanh nghiệp Nga đã chuyển một lượng tiền khổng lồ vào Síp thông qua các “công ty trên giấy” tại đây. Theo ước tính của Alfa Bank (Nga), trong hai thập kỷ qua, khoảng 70 tỷ USD vốn tiết kiệm đã bị tuồn ra khỏi nước Nga, mà điểm đến chính là Síp. Quốc đảo này cũng là nơi đón nhận nhiều nhất các khoản đầu tư trực tiếp của Nga. Riêng trong năm 2011, số vốn đầu tư trực tiếp của Nga vào Síp lên tới 121,6 tỷ USD. Hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody’s cho biết, tính đến cuối năm 2012, các ngân hàng Nga có khoảng 12 tỷ USD tại các ngân hàng của Síp và tiền gửi của các doanh nghiệp Nga tại các ngân hàng của nước này vào khoảng 19 tỷ USD. Số tiền tuồn đến Síp sau đó được đầu tư quay trở lại Nga, nên nước này luôn là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại xứ sở Bạch dương.
Không chỉ được ưu đãi về thuế, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng của Síp cũng ở mức cao ngất ngưởng, khiến không ít nhà đầu tư quốc tế “mờ mắt”. Theo số liệu của Ủy ban châu Âu (EC), một người gửi tiền tại các ngân hàng của Síp trong vòng chưa đầy một năm, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính của Hy Lạp bắt đầu nổ ra, được trả lãi suất gần 13%, cao hơn rất nhiều so với mức lợi tức trên 3% ở các ngân hàng của Đức. “Noi gương” người Nga, nhiều nhà đầu tư Hy Lạp và Anh cũng “dốc túi” vào các ngân hàng của quốc đảo xinh đẹp này, với hy vọng nhanh chóng kiếm được nhiều tiền trong bối cảnh châu Âu và Mỹ đang phải oằn mình khắc phục hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngân hàng Berenberg (Đức) cho biết, tính đến tháng 9-2012, số tiền của người Hy Lạp gửi tại hai ngân hàng lớn nhất của Síp đã lên tới 12,5 tỷ ơ-rô; Síp cũng là điểm đến ưa thích của nhiều người Anh về hưu, những người muốn mua nhà nghỉ dưỡng (do thời tiết ấm áp và những bãi biển đẹp mê hồn). Theo tờ The Independent của Anh, hơn 60.000 công dân nước này đang sống ở Síp với số tiền gửi ngân hàng vào khoảng 2 tỷ ơ-rô. Nhiều người Anh, nhất là các nhà đầu tư, bị thu hút tới Síp còn là do thủ tục ngân hàng đơn giản và lãi suất ở đây cao hơn nhiều so với Anh.
Phải thừa nhận rằng, nỗ lực của giới lãnh đạo Síp biến một đất nước phụ thuộc vào nông nghiệp nhanh chóng trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho các dịch vụ tài chính phát triển là bước đi hợp lý. Hoạt động trung chuyển vốn từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam qua “cửa ngõ” Síp đã mang lại cho hệ thống ngân hàng nước này một lượng tài sản khổng lồ, gấp 8 lần so với quy mô nền kinh tế. Việc lựa chọn mô hình phát triển kinh tế dựa vào dịch vụ (chủ yếu là dịch vụ tài chính) và du lịch gặt hái được thành công đáng kể, đóng góp 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và cung cấp 70% tổng số việc làm cho người lao động. Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nô-ben Cri-xtô-phơ Pi-xa-ri-đét (Christopher Pissarides, người Anh) khẳng định rằng, việc chỉ dựa vào dịch vụ thương mại và du lịch mà không có công nghiệp chế tạo là chiến lược hợp lý đối với quốc đảo 1,1 triệu dân ở Địa Trung Hải này. Vậy, nguyên nhân nào khiến Síp phải đối mặt với nguy cơ phá sản và có khả năng rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)?
... Đến thực tế phũ phàng
Có lẽ, do nóng lòng muốn biến Síp thành “cục nam châm” khổng lồ, hút vốn từ khắp nơi đổ về nên giới lãnh đạo nước này đã mạnh tay nới lỏng các quy định về tài chính, thiết lập hành lang pháp lý và cơ chế thông thoáng, dễ tiếp cận, áp dụng thuế doanh nghiệp thấp,... Nhờ những ưu đãi đó, các nhà đầu tư trên khắp thế giới đã thông qua “cửa ngõ Síp” để thâm nhập thị trường Tây Âu. Đồng thời, các nước Tây Âu cũng sẵn sàng sử dụng Síp để trung chuyển nguồn vốn đầu tư ra thế giới. Vấn đề nằm ở chỗ, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lợi dụng chính sách thông thoáng của Síp để “canh tác trên mảnh đất màu mỡ”, tranh thủ kiếm lời. Tốc độ tăng trưởng quá “nóng”, dựa trên nền tảng không vững vàng khiến hệ thống ngân hàng của Síp ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Bên cạnh đó, trong lúc “ăn nên làm ra”, các ngân hàng của Síp đã vung tiền mua trái phiếu của Chính phủ láng giềng Hy Lạp. Thế nên, khi Hy Lạp đứng trước vực thẳm phá sản, buộc EU phải tiến hành tái cơ cấu các khoản nợ của nước này đã khiến cho hệ thống ngân hàng của Síp lâm nguy. Trong khi đó, ngành du lịch, một trong hai nguồn thu ngân sách chính của Síp cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hòn đảo “xinh đẹp” này rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Nếu không nhận được khoản cứu trợ 10 tỷ ơ-rô từ bên ngoài, Síp buộc phải tuyên bố phá sản và rời khỏi Eurozone. Tuy nhiên, đi kèm theo gói cứu trợ là những điều kiện hà khắc, như Síp phải đóng cửa ngân hàng lớn thứ hai của nước này là Popular Bank of Cyprus (hay còn gọi là Laiki); các khoản tiền gửi dưới 100.000 ơ-rô tại Laiki sẽ được chuyển sang Bank of Cyprus, trong khi các khoản tiền gửi trên 100.000 ơ-rô (theo quy định của EU là không được bảo hiểm) sẽ bị đóng băng và được sử dụng để giải quyết nợ. Bên cạnh đó, Síp còn phải tư hữu hóa các tài sản nhà nước, tái cơ cấu các khoản nợ công, tăng thuế doanh nghiệp từ 10% lên 12,5%, chấp nhận hoạt động thanh tra độc lập về chống rửa tiền, áp dụng quy chuẩn về ngân hàng của EU vào năm 2018,... Rõ ràng, khi thực hiện tất cả những điều kiện này, Síp sẽ phải thay đổi mô hình phát triển, không còn chỉ dựa vào công nghiệp nhẹ và dịch vụ (du lịch, tài chính).
Việc thay đổi mô hình phát triển kinh tế cần phải có thời gian, song hiện nay, Síp đang phải đối mặt với hậu quả nhãn tiền là “thiên đường tài chính” đã mất, giới đầu tư quốc tế tìm nơi trung chuyển khác, nền kinh tế được dự báo sẽ lâm vào suy thoái, thất nghiệp gia tăng, bất ổn xã hội bùng phát. Dự báo, GDP của Síp sẽ giảm 15% trong năm 2013 và 5% năm 2014; tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 17% trong năm 2013 và 25% năm 2014. Viễn cảnh mờ mịt này đang chờ đợi nền kinh tế Síp ngay cả khi đã nhận được cứu trợ, đó là chưa kể đến tâm trạng chán chường và bầu không khí cẳng thẳng vẫn đang bao trùm khắp cả nước. Nhiều người kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ rút tiền từ máy ATM, trong khi những người khác xuống đường biểu tình, tuần hành để xả cơn tức giận. Nếu Chính phủ Síp không có những biện pháp trấn an dân chúng hiệu quả, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay có thể sẽ gây ra cuộc khủng hoảng xã hội trầm trọng với hậu quả khôn lường.
Lối thoát nào dành cho Síp
Theo nhận định của Tạp chí Nhà kinh tế (Anh), về lâu dài, để tránh nguy cơ bị “chìm”, Síp cần phải dựa vào nội lực của mình, chứ không phải là gói cứu trợ từ bên ngoài. Nội lực là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay của người dân quốc đảo này nếu họ biết cách khơi dậy và tranh thủ lợi thế - đó là: lực lượng lao động có trình độ; bộ máy công quyền trong sạch, ít tham nhũng; hệ thống luật pháp tương đối hoàn thiện, rất hữu ích cho các ngành dịch vụ phi tài chính. Bên cạnh đó, người dân Síp vẫn còn hai chiếc “phao cứu sinh” chiến lược là việc tìm thấy mỏ khí đốt ở phía Bắc Địa Trung Hải và nỗ lực tái thống nhất quốc đảo này. Chính phủ Síp cho rằng, trữ lượng khí đốt của họ lên tới 60.000 tỷ feet khối. Nỗ lực tái thống nhất hòn đảo cũng được coi là nhân tố quan trọng, góp phần đẩy lùi nguy cơ khủng hoảng. Theo tính toán của giới phân tích, việc đảo Síp được thống nhất có thể góp thêm 3% vào tốc độ tăng trưởng hằng năm của nền kinh tế.
Mặc dù biết rằng, đưa được những thùng “vàng đen” đầu tiên từ các mỏ vừa phát hiện ra thị trường quốc tế sẽ cần nhiều thời gian, đồng thời, tiến trình thống nhất đất nước vốn bị chia cắt 40 năm nay cũng là việc làm không dễ dàng, song nếu lãnh đạo Síp quyết tâm thực hiện và khơi dậy được sự đoàn kết, vượt khó khăn trong dân chúng, thì trong tương lai, Síp sẽ không còn phải nhận những đồng ơ-rô “cay đắng”./.
Long An thu hồi các dự án “treo”- một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân  (10/04/2013)
Long An thu hồi các dự án “treo”- một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân  (10/04/2013)
Hiệp ước về buôn bán vũ khí đầu tiên trên thế giới  (10/04/2013)
Từ trường học tiếp thu - ghi nhớ kiến thức đến trường học sáng tạo kiến thức - phát triển năng lực  (10/04/2013)
Từ trường học tiếp thu - ghi nhớ kiến thức đến trường học sáng tạo kiến thức - phát triển năng lực  (10/04/2013)
Nguyễn Cơ Thạch - nhà ngoại giao tài ba, khôn khéo  (10/04/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên