Bóc ngắn, cắn dài

Quách Quỳnh
23:27, ngày 20-02-2013

TCCSĐT - Phải qua hai lần hội nghị cấp cao và ở lần cấp cao thứ hai mới rồi, sau cuộc thương thảo kỷ lục suốt 24 giờ, các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ 27 nước thành viên EU mới đạt được thỏa thuận về kế hoạch ngân sách dài hạn cho thời kỳ 2013 đến 2020.

Con số 960 tỷ ơ-rô (euro) tổng ngân sách cho những năm tới được EU chốt lại. Nhưng điều đặc biệt hiếm thấy ở kết quả này là tất cả các thành viên vừa hài lòng lại vừa không hài lòng. Chính vì thế mà rủi ro lớn nhất hiện tại của kế hoạch ngân sách này giờ nằm ở Nghị viện châu Âu vì lần đầu tiên cơ quan lập pháp chung của EU sẽ quyết định phê chuẩn hay bác bỏ kế hoạc ấy. Ở đó, các vị dân biểu rất có thể sẽ phán quyết khác những người lãnh đạo các nước thành viên EU về vấn đề này.

Việc đạt được thỏa thuận về kế hoạch ngân sách dài hạn trên danh nghĩa là một thắng lợi có ý nghĩa của EU. Trong bối cảnh kinh tế và tài chính vẫn khó khăn đến thế, giữa lúc rạn nứt nội bộ ngày càng sâu sắc và chiều hướng ly tâm ngày càng thêm mạnh - thể hiện rõ nhất ở cuộc tranh luận công khai về khả năng Anh có thể ra khỏi EU - và sau thất bại ở Hội nghị cấp cao trước đó cũng vì chủ đề này, kết quả nói trên không chỉ giữ thể diện cho EU mà còn giúp liên minh này cứu vãn những gì còn có thể đồng thời giúp EU có thêm thời gian để hàn gắn bất đồng nội bộ và tìm lại sự đồng sức, đồng lòng cần có để vượt qua những thách thức hiện tại.

Trong thực chất thì thỏa thuận này lại đặt ra cho EU thêm một số vấn đề phức tạp mới, phải giải quyết trong tương lai. Cho nên sẽ không sai khi cho rằng, EU đã "bóc ngắn, cắn dài" với kế hoạch ngân sách dài hạn nói trên.

Ở đây cần phải phân biệt giữa "cam kết đóng góp cho ngân sách chung" và "đóng góp thực sự cho ngân sách chung". Con số 960 tỷ ơ-rô nói trên là tổng cam kết của tất cả các thành viên EU cho ngân sách chung, có nghĩa là cam kết "có thể đóng góp" chứ không phải là "buộc phải đóng góp".

Trên thực tế, tất cả các thành viên EU mới đóng góp có 904 tỷ ơ-rô. Điều đó có nghĩa là đóng góp thực tế không đủ để chi theo như yêu cầu của các thành viên EU. EU sẽ bị thâm hụt ngân sách trong khi luật pháp của liên minh không cho phép điều này xảy ra. Mức chênh lệch này càng lớn thì các thành viên EU sẽ phải đóng góp tài chính thêm càng nhiều cho kế hoạch ngân sách tới. Việc đó sẽ rất khó khăn và rất khó khả thi khi áp lực tiết kiệm chi tiêu ngân sách ngày càng tăng đối với EU nói chung và các thành viên EU nói riêng. Kết quả hội nghị này là sự thỏa hiệp nhất thời của ba nhóm thành viên và đồng thời cũng là ba nhóm lợi ích trong EU.

Nhóm thứ nhất là những thành viên giàu - còn được gọi là các nước ở miền bắc - như Đức hay Anh. Nhóm này kiên quyết đòi tiết kiệm ngân sách. Điều kiện của họ được đáp ứng khi ngân sách dài hạn tới đây của EU giảm đi so với ngân sách hiện tại.

Nhóm thứ hai là những thành viên EU mà ở đó nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Pháp đảm trách vai trò tiên phong cho nhóm này. Họ không phản bác việc tiết kiệm chi tiêu ngân sách, nhưng kiên quyết phản đối cắt giảm ngân sách cho chính sách nông nghiệp chung, đơn giản vì họ nhận được phần nhiều từ khoản bù trợ của EU cho nông nghiệp và ngân sách cho nông nghiệp chiếm hơn 40% ngân sách chung của EU. Điều kiện của họ tuy không được đáp ứng hoàn toàn nhưng cũng được đáp ứng nhiều hơn cả, khi hội nghị này thỏa thuận giảm bớt ngân sách bù trợ cho nông phẩm dù không nhiều nhưng vẫn đảm bảo trương mục này chiếm tỷ trọng lớn áp đảo trong kế hoạch ngân sách dài hạn mới của EU.

Nhóm thứ ba là các thành viên ở miền nam và miền đông EU. Họ muốn giữ những chương trình tài chính dành cho phát triển kết cấu hạ tầng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Ở Hội nghị này, họ đấu tranh giữ được mức chi cho thời gian trước mắt và chấp nhận bị cắt giảm ở thời sau.

Có thể thấy, EU đã cắt giảm đầu tư và chi phí cho tương lai để tìm kiếm sự đồng thuận trước mắt. Tuy nhiên, thỏa hiệp bằng mọi giá thường là thỏa hiệp tình thế, bất đắc dỹ và khó có thể bền vững./.