Báo chí truyền hình với việc tuyên truyền thương hiệu nông sản Việt Nam
Tuyên truyền thương hiệu nông sản Việt Nam - thực tiễn và một số vấn đề đặt ra
Kể từ khi đất nước ta bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, những thông tin báo chí về vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam đã được phản ánh rộng rãi, đa dạng và phong phú hơn, nhiều tranh chấp về thương hiệu nông sản đã được báo chí đề cập. Thông qua những tác phẩm báo chí truyền hình, nhiều chủ thể đã bảo đảm được lợi ích, có thêm nhiều kinh nghiệm hiểu biết, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thương hiệu nông sản.
Thời gian qua, báo chí truyền hình đã góp phần tích cực tuyên truyền những chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước trong vấn đề xây dựng thương hiệu cho nông sản và thực sự tạo cầu nối thông tin giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng. Với thế mạnh đem đến cho khán giả cùng lúc hai tín hiệu cơ bản là hình ảnh và âm thanh, có khả năng tác động mạnh mẽ vào nhận thức của con người, truyền hình có khả năng truyền tải một cách chân thực hình ảnh của sự kiện, đáp ứng yêu cầu chứng kiến tận mắt của công chúng. “Trăm nghe không bằng mắt thấy”, chính truyền hình đã cung cấp những hình ảnh về sự kiện thỏa mãn nhu cầu “thấy” của người xem. Báo chí truyền hình đã tạo dư luận xã hội về sản phẩm, định vị trong lòng công chúng thương hiệu nông sản Việt Nam; quảng bá, đưa nhiều thương hiệu nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Qua khảo sát ba chương trình: “Thời sự” phát vào lúc 19h00’, “Chuyện nhà nông” trên VTV1 và “Bản tin thời sự nông thôn” trên VTC16 từ tháng 1-2012 đến tháng 6-2012 cùng với kết quả thăm dò ý kiến công chúng của tác giả cho thấy, 48,40% số phiếu đánh giá truyền hình có tác động rất lớn đối với quá trình xây dựng, bảo vệ và quảng bá thương hiệu nông sản; 59,79% công chúng sau khi tiếp nhận thông tin từ các tác phẩm báo chí viết về thương hiệu nông sản, những hình ảnh thương hiệu nông sản qua báo chí truyền hình thường ghi nhớ hình ảnh, thương hiệu sản phẩm nông sản; 57,73% công chúng hiểu và biết rõ hơn về những thương hiệu nông sản, về doanh nghiệp, địa phương.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về vấn đề thương hiệu nông sản Việt Nam trên sóng truyền hình vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra khi mà doanh nghiệp, các địa phương cũng như người dân chưa thấy rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của thương hiệu nông sản trong nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế. Vụ việc thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị một doanh nghiệp đăng ký bảo hộ 10 năm ở Trung Quốc là minh chứng cho vấn đề này. Mặt khác, cách làm thương hiệu còn manh mún, tự phát. Việc tuyên truyền cũng chưa thật sâu rộng, chưa được thường xuyên, nhiều khía cạnh đề cập đến còn rất ít; chưa dành thời lượng riêng xứng đáng trên truyền hình cho tuyên truyền xây dựng thương hiệu nông sản.
Tháng 11-2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO, đánh dấu bước hội nhập sâu rộng và đầy đủ vào đời sống quốc tế, mở ra cơ hội và thách thức mới cho đất nước. Tiến vào xu thế hội nhập, sản phẩm hàng hóa phải cạnh tranh để có chỗ đứng trên thị trường. Để cạnh tranh với các đối thủ khác, buộc các doanh nghiệp, địa phương phải có tiền để chi phí cho công tác quảng bá thương hiệu nông sản. Nhưng vốn đối với doanh nghiệp Việt Nam là cái thiếu và yếu hiện nay. Đối với các địa phương có đặc sản nông sản đã được bảo hộ đăng ký sở hữu trí tuệ thì việc có tiền để quảng bá thương hiệu nông sản địa phương ra thị trường trong nước đã là một điều khá khó khăn chứ chưa nói đến quảng bá thương hiệu ra thị trường quốc tế. Trước những vấn đề thực tiễn đang diễn ra trong điều kiện phát triển hội nhập toàn cầu, kinh tế mở, sự khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam và sự phát triển đổi mới truyền thông sang truyền thông số thì vấn đề tuyên truyền, quảng bá thương hiệu nông sản trên truyền hình cần được quan tâm hơn bao giờ hết. Bởi nó có thể đưa thương hiệu nông sản Việt Nam đến với thị trường trong nước và thị trường quốc tế một cách nhanh chóng, khách quan và tốn ít kinh phí nhất.
Thương hiệu nông sản là một vấn đề quan trọng cần được người dân, doanh nghiệp và các địa phương nhận thức đầy đủ. Do đó, rất cần phát huy tốt vai trò của các kênh truyền hình, sử dụng báo chí truyền hình như một công cụ có hiệu quả để đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện đăng ký xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam.
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền thương hiệu nông sản Việt Nam trên truyền hình
Từ tình hình thực tế và những thách thức đang đặt ra, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền thương hiệu nông sản trên truyền hình hiện nay cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
Về phía doanh nghiệp và các địa phương
Thứ nhất, thay đổi nhận thức theo hướng tích cực về tầm quan trọng của thương hiệu nông sản. Theo quy luật của kinh tế thị trường, nếu muốn có khách hàng thì nhà sản xuất phải đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nếu nhà sản xuất bảo đảm an toàn và giữ chữ tín cho thương hiệu sản phẩm của mình thì người tiêu dùng mới có niềm tin, mới cam kết tiêu dùng thường xuyên với giá cao hơn. Tất cả những sản phẩm nông nghiệp của chúng ta do thiếu thương hiệu đã làm cho giá trị của chúng bị hạ thấp. Hiện nay, những thương hiệu nông sản thuộc sở hữu của tập thể, cộng đồng chưa được quan tâm. Những thương hiệu này thường trực thuộc hội, hiệp hội các nhà sản xuất và sẽ bị kiện hoặc bị ngăn chặn xuất khẩu ngay tại cửa khẩu biên giới các nước do xâm phạm độc quyền nhãn hiệu tại những nước đã bị đăng ký bảo hộ. Do vậy, việc cần làm là phải đưa sở hữu trí tuệ trở thành một vấn đề chiến lược. Chính quyền địa phương và các hội, hiệp hội là chủ sở hữu của thương hiệu tập thể, các doanh nghiệp cần phải thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của thương hiệu nông sản để xác lập những tiêu chuẩn tương lai cho thị trường nông sản Việt Nam.
Thứ hai, nâng cao chất lượng sản phẩm để quảng bá, bảo vệ thương hiệu nông sản. Để bảo đảm giữ gìn và phát triển thương hiệu nông sản một cách bền vững, điểm mấu chốt chính là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển mạng lưới bán hàng và đưa thương hiệu nông sản đến với quảng đại người tiêu dùng.
Thứ ba, tăng cường cung cấp thông tin, tiếp thị hình ảnh thương hiệu nông sản trên báo chí truyền hình. Trong thời đại bùng nổ thông tin thì các doanh nghiệp không nên “mai danh ẩn tích”. Doanh nghiệp cần hiểu rằng, báo chí là kênh tốt nhất để đưa thông tin sản phẩm, dịch vụ tới người tiêu dùng. Mặt khác, việc chủ động cung cấp thông tin từ phía doanh nghiệp về các vấn đề thương hiệu nông sản sẽ giúp cho phóng viên, biên tập viên viết về mảng đề tài này hiểu rõ hơn vấn đề để có cách tuyên truyền sao cho hiệu quả nhất đến người tiêu dùng cũng như quảng bá thương hiệu nông sản Việt đến với thị trường quốc tế.
Về phía đài truyền hình
Thứ nhất, bố trí thời lượng và thời điểm phát sóng tuyên truyền thương hiệu nông sản Việt Nam phù hợp. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, dần dần không còn hàng rào thuế quan mà chỉ còn lại sự kiểm soát chặt chẽ, sự cạnh tranh các mặt hàng nông sản bằng chính các thương hiệu và danh tiếng, chất lượng thương hiệu nông sản đó. Do vậy, các đài truyền hình cần tăng cường, bố trí thời lượng phát sóng tuyên truyền thương hiệu nông sản phù hợp hơn nữa, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng và qua đó quảng bá mạnh mẽ thương hiệu nông sản Việt Nam đến người tiêu dùng trên thế giới; hình thành chuyên mục “Thương hiệu nông sản” sẽ tạo không gian cho các bài viết về thương hiệu nông sản hiện nay. Đó cũng là cách giúp công chúng tiếp nhận thông tin, tạo diễn đàn trao đổi thông tin giữa các nhà quản lý, người làm báo với công chúng tiếp nhận thông tin (doanh nghiệp, người sản xuất).
Thứ hai, xây dựng kế hoạch dài hạn tuyên truyền thương hiệu nông sản Việt Nam đi đôi với tăng cường năng lực phân tích, đánh giá, dự báo thị trường. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền thương hiệu nông sản Việt Nam phải bắt đầu từ quan điểm, chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền thương hiệu nông sản trên sóng truyền hình của mỗi đài. Do vậy, cần có chủ trương định hướng về hoạt động tuyên truyền thương hiệu nông sản Việt Nam để việc tuyên truyền trên sóng truyền hình đạt được hiệu quả cao. Đồng thời, việc xây dựng được định hướng kế hoạch tuyên truyền sẽ giúp phát huy năng lực sáng tạo của từng phóng viên, nâng cao năng lực làm việc của nhóm đội ngũ phóng viên.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ phóng viên chuyên sâu tuyên truyền về lĩnh vực thương hiệu nông sản. Một yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả tuyên truyền của báo chí truyền hình phải kể đến đội ngũ phóng viên, nhà báo, những người trực tiếp viết các tác phẩm báo chí. Để truyền hình chủ động hơn trong việc tuyên truyền về thương hiệu nông sản Việt Nam thì việc nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên cũng là một trong những yêu cầu hàng đầu. Bản thân mỗi phóng viên, mỗi nhà báo phải là người am hiểu rõ về thương hiệu, về nông sản để có định hướng tốt cho bài viết của mình. Cùng với việc đào tạo kiến thức chuyên sâu về thương hiệu nông sản cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên, các đài truyền hình cần có sự phân công phóng viên chuyên theo dõi những thông tin về thương hiệu nông sản.
Về phía nhà báo
Thứ nhất, bám sát vấn đề cụ thể. Bám sát vấn đề, bám sát cơ sở, lăn lộn với thực tiễn, các nhà báo sẽ hiểu, thấm nhuần được bản chất sự việc để có những bài viết tuyên truyền đúng, trúng, hiệu quả đến công chúng, khán giả. Bên cạnh vai trò, chức năng chủ yếu của báo chí là thông tin tuyên truyền, báo chí cũng cần tỉnh táo trước tình trạng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức lợi dụng báo chí để khuếch trương hoặc che đậy tiêu cực, bằng mọi cách “móc ngoặc” với báo chí để được thông tin không đúng thực chất, gây những bất lợi cho sản xuất nông nghiệp của người dân nói chung và việc xây dựng thương hiệu nông sản nói riêng.
Thứ hai, tranh thủ, tận dụng kiến thức chuyên gia hợp lý. Tuyên truyền về thương hiệu nông sản bao gồm rất nhiều nội dung như: xây dựng, bảo vệ, quảng bá. Trong quá trình xây dựng thương hiệu nông sản có nhiều giai đoạn, yếu tố, quy trình. Và phương thức bảo vệ thương hiệu nông sản không chỉ là đăng ký bảo hộ thương hiệu nông sản. Do vậy, đội ngũ phóng viên, biên tập viên viết về đề tài thương hiệu nông sản cần phải tranh thủ, tận dụng kiến thức chuyên gia hợp lý để có những kiến thức cơ bản quy định trong xây dựng, bảo vệ thương hiệu nông sản hiện nay và có cái nhìn tổng thể, viết đúng, trúng tâm lý công chúng, khán giả.
Thứ ba, đổi mới phương thức thể hiện. Sự nhàm chán, đơn điệu về hình thức thể hiện cũng khiến khán giả lơ đễnh trong tiếp nhận thông tin. Do vậy, mỗi phóng viên, nhà báo phải tiến hành thường xuyên sự đổi mới cách thức, phương thức thể hiện.
Những thông tin trên truyền hình không chỉ có sức mạnh và tầm ảnh hưởng to lớn đến nhận thức của cộng đồng mà còn tiến tới làm thay đổi nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người sản xuất nói riêng và của công chúng nói chung về tầm quan trọng của việc xây dựng, bảo vệ, quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam. Do vậy, nâng cao hiệu quả tuyên truyền thương hiệu nông sản trên sóng truyền hình hiện nay là vấn đề cần thiết, góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế./.
Hội nghị Khoa học Công nghệ Điện lực toàn quốc năm 2012  (30/11/2012)
Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV  (30/11/2012)
Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp Đại diện Bộ Nội vụ Cuba tại Việt Nam  (30/11/2012)
Ý nghĩa tượng trưng mang giá trị lịch sử  (30/11/2012)
Những vấn đề đặt ra trong xây dựng chính quyền đô thị Việt Nam  (30/11/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay