Tư duy và hành động trong phát triển “du lịch xanh” của Ninh Bình

Trịnh Xuân Hồng Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình
19:56, ngày 02-07-2012
TCCS - Khai thác cường độ cao không tương xứng với bảo tồn, làm vắt cạn, phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn khiến không ít địa phương ở nước ta phải thấm thía những bài học đắt giá trong phát triển du lịch. Là vùng đất có bề dày trầm tích văn hóa - lịch sử - tâm linh và sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, Ninh Bình lựa chọn cách ứng xử, khai thác “du lịch xanh” để tạo sự phát triển bền vững.

Phát triển phù hợp với xu thế chủ đạo của du lịch thế giới

“Du lịch xanh” gắn khai thác với bảo tồn tính đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, là vấn đề khá quen thuộc trên thế giới và là một xu hướng chủ đạo trong phát triển du lịch ở nhiều quốc gia.

Ninh Bình được tạo hóa ban tặng nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, độc đáo và sở hữu những di sản văn hóa - lịch sử có giá trị đồ sộ, là nguồn tài sản vô giá để phát triển du lịch. Ngay từ khi mới tái lập tỉnh năm 1992, Ninh Bình đã sớm nhận thức du lịch sẽ là một ngành kinh tế mũi nhọn. Song do điều kiện chưa chín muồi, những tiềm năng trên phải mất một thời gian dài mới thực sự được đánh thức và khai thác đúng hướng.

Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 13-7-2009, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình, về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, là cơ sở quan trọng cho sự phát triển của du lịch Ninh Bình. Từ một ngành kinh tế non trẻ, thiếu và yếu cả nhân lực và vật lực, du lịch Ninh Bình từng bước trở thành một ngành công nghiệp “không khói”, phát triển bền vững gắn với “xanh hóa” trong khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch, từ đó tạo ra các giá trị kinh tế mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Khai thác du lịch chủ yếu tập trung vào các loại hình sản phẩm du lịch: du lịch sinh thái (Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, vườn quốc gia Cúc Phương,…) và du lịch văn hóa - tâm linh (cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm, các di tích lịch sử văn hóa thời Đinh - Tiền Lê - Lý...). Quy hoạch phát triển du lịch phù hợp với chiến lược phát triển du lịch của cả nước và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch của ngành, lĩnh vực có liên quan, trên cơ sở quy định chặt chẽ việc bảo vệ môi trường với khai thác hợp lý các tài nguyên du lịch. Hiện nay, du lịch Ninh Bình được quy hoạch thành 7 vùng không gian phát triển chính, gắn với thế mạnh sản phẩm du lịch của từng địa phương trong tỉnh. Những đổi thay trong nhận thức như trên và với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận hội mới trong phát triển du lịch của Ninh Bình đang mở ra một tương lai xán lạn.

Đánh thức những tiềm năng

Việc xã hội hóa và khơi nguồn đầu tư đã đánh thức những tiềm năng du lịch của Ninh Bình. Khi Khu Du lịch Tràng An - Bái Đính đi vào hoạt động, khách du lịch đến với Ninh Binh tăng mạnh. Mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010 - 2015, đã xác định: phấn đấu đến năm 2015, Ninh Bình đón 3 triệu lượt khách. Nhưng ngay trong năm 2011, số khách đã là 3,6 triệu lượt. Đó là sự tăng trưởng vượt trên mong đợi của Ninh Bình.

Quần thể danh thắng Tràng An hiện nay đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình lên UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Tràng An là một bảo tàng địa chất ngoài trời, ghi dấu những chuyển động thăng trầm của vỏ trái đất và chứa đựng trong lòng nó lịch sử hình thành và phát triển của con người cách đây hàng triệu năm. Quần thể được hình thành từ những dải đá vôi với thung lũng, sông ngòi hòa quyện vào nhau tạo nên một không gian huyền ảo, trữ tình thơ mộng. Địa chất, địa mạo đặc biệt, cùng hệ thống hang động xuyên thủy đã khiến Tràng An mang trong mình nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, trong đó song hành tồn tại hệ sinh thái trên cạn và dưới nước rất đặc biệt, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong sách Đỏ Việt Nam. Vùng lõi nguyên thủy của quần thể được bảo vệ tuyệt đối. Dự kiến năm 2014, Tràng An sẽ trở thành di sản thiên nhiên thế giới và khi đó, vị thế của quần thể du lịch này sẽ được nâng lên ở tầm quốc tế, kỳ vọng thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Du lịch sinh thái thường gắn với du lịch trải nghiệm và loại hình du lịch homestay (ở tại nhà dân bản địa), giúp du khách thâm nhập sâu vào cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất của cộng đồng dân cư địa phương. Đây chính là cơ sở để Ninh Bình có điều kiện vực dậy những làng nghề truyền thống, các đặc sản, di sản văn hóa riêng có để phục vụ du lịch, như làng nghề thêu Văn Lâm, làng đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư), làng cói Kim Sơn, khôi phục và phát triển nghệ thuật hát xẩm, chèo, các món ăn dân gian…

Du lịch văn hóa - tâm linh cũng là một thế mạnh của Ninh Bình, phát huy lợi thế là mảnh đất thiêng từng là cố đô của 3 vương triều phong kiến, gắn với những biến chuyển trọng đại trong lịch sử của dân tộc; cũng là nơi hội tụ và phát triển của nhiều tôn giáo, nhất là Phật giáo và Thiên Chúa giáo, cùng các công trình tôn giáo - kiến trúc văn hóa có giá trị.

Những tiềm năng du lịch của Ninh Bình vẫn còn rất nhiều, đồng nghĩa với cơ hội đối với các nhà đầu tư là rất lớn. Quan điểm nhất quán của Ninh Bình là, càng đầu tư đúng hướng càng bảo tồn và càng bảo tồn tối ưu càng phát triển. Năm 2011, doanh thu ngành du lịch của Ninh Bình đạt trên 665 tỉ đồng (gấp 725 lần so với năm 1992). Con số tăng trưởng ấn tượng trên dự báo sẽ còn cao hơn rất nhiều và ngày càng đi vào chiều sâu.

Hoàn thiện, bổ sung những khu dịch vụ du lịch, giải trí đẳng cấp quốc tế

Ngành du lịch Ninh Bình đã có những bước tăng trưởng nhanh giai đoạn gần đây, song so với tiềm năng thì vẫn chưa tương xứng, thậm chí có tiềm năng còn chậm được đánh thức để tạo ra giá trị, nên vẫn chưa thực sự là ngành kinh tế có bước phát triển đột phá, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu mạnh trong toàn bộ nền kinh tế. Tăng trưởng nhanh trong một thời gian ngắn khiến ngành du lịch của Ninh Bình cũng chưa chuẩn bị kịp tâm thế và các điều kiện về cơ sở vật chất để đáp ứng và đón đầu xu hướng phát triển đó. Từ năm 2010 trở về trước, Ninh Bình chưa có cơ sở lưu trú nào đạt chuẩn quốc tế từ 3 sao trở lên; thiếu các sản phẩm du lịch đặc trưng, mang bản sắc của địa phương, các khu vui chơi giải trí chất lượng cao. Hiện nay, Ninh Bình đã có 6 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao.

Theo nhiều chuyên gia, du lịch Ninh Bình phát triển không thể chỉ dựa vào cảnh quan độc đáo thiên nhiên ban tặng, mà còn phải tạo dựng những khu, điểm giải trí mang tầm quốc tế (khu mua sắm, vui chơi, giải trí tổng hợp…), các dịch vụ phụ trợ chất lượng cao để kích thích tiêu dùng và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch trong nước và quốc tế. Hiện nay, chi tiêu của du khách tại Ninh Bình vẫn ở mức thấp. 

Thu hút các nguồn lực đầu tư có yếu tố nước ngoài vào du lịch của Ninh Bình còn nhiều hạn chế. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đã được chú trọng và luôn thay đổi hình thức, song vẫn là hoạt động phải đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới, đối với cả thị trường nội địa và quốc tế.

Cơ cấu ngành kinh tế của Ninh Bình hiện nay phụ thuộc nhiều vào một số ngành công nghiệp như sản xuất xi-măng và thép xây dựng, tỷ trọng các ngành công nghiệp sạch còn thấp. Đặc điểm trên mang đến quan ngại về nguy cơ ô nhiễm có thể xảy ra đối với các vùng du lịch sinh thái, nhất là ở các khu vực giáp ranh, vùng đệm, đặc biệt với một tỉnh có diện tích tự nhiên hẹp như Ninh Bình. Nhận thức rõ vấn đề trên, ngày 01-4-2005, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 544/2005/QĐ-UBND, về việc quy định các khu vực cấm, tạm cấm khai thác khoáng sản. Trong tương lai, để xử lý triệt để những tác động xấu đến môi trường thì việc thu hẹp những ngành công nghiệp dựa vào khai thác tài nguyên và có nguy cơ gây ô nhiễm cao vẫn là lựa chọn tối ưu.

Trong quy hoạch và chiến lược phát triển du lịch hiện nay, Ninh Bình đều thể hiện rõ ràng cách ứng xử tôn trọng và trân trọng tự nhiên, lấy tự nhiên làm lõi trong phát triển. Minh chứng sống động là Ninh Bình đang quyết tâm gìn giữ những giá trị nguyên bản, vẻ đẹp còn đậm nét hoang sơ tự nhiên về cảnh quan, môi trường sinh thái, môi trường xã hội của Khu sinh thái Tràng An, vườn quốc gia Cúc Phương, Khu sinh thái đất ngập nước Vân Long, Khu Tam Cốc - Bích Động và một số di sản khác để phát triển các loại hình du lịch. Điều này đang được dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao như một điển hình cho cách làm “du lịch xanh” bền vững, với kỳ vọng Ninh Bình sẽ phát triển thành một điểm du lịch có sức hấp dẫn đặc biệt của Việt Nam./.