Đời sống của công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Bình Dương
Thực trạng và những vấn đề đặt ra
Tính đến cuối năm 2011, toàn tỉnh Bình Dương có 28 khu công nghiệp được xây dựng trên tổng diện tích 8.751 ha, hiện có 24 khu công nghiệp đi vào hoạt động, với gần 718.000 công nhân làm việc, trong đó lao động nữ chiếm gần 70%, lao động ngoài tỉnh chiếm khoảng 85%.
Những năm qua, lực lượng công nhân ở các khu công nghiệp có vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, nhưng đồng thời đã kéo theo những hệ lụy, tình hình an ninh, trật tự ở địa phương có đông công nhân không được bảo đảm, tệ nạn xã hội có chiều hướng tăng; điều kiện ăn, ở, sinh hoạt của công nhân tạm bợ; đời sống tinh thần rất nghèo nàn,... Nguyên nhân của vấn đề này, một phần do kết cấu hạ tầng ở những địa phương có khu công nghiệp còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân.
Đa số công nhân luôn có áp lực công việc căng thẳng; không có thời gian và điều kiện để học tập nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cũng như tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng. Trong khi, một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân. Một số doanh nghiệp còn cho rằng doanh nghiệp chỉ thực hiện các chỉ tiêu kinh tế và chăm lo đời sống vật chất cho người lao động, còn chăm lo về mặt văn hóa tinh thần không thuộc trách nhiệm của họ.
Đa số công nhân có tâm lý là làm việc và tăng ca để kiếm nhiều tiền trang trải cuộc sống hoặc gửi về phụ giúp gia đình, nên không có thời gian nắm bắt thông tin về những vấn đề chính trị - xã hội, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Điều dễ nhận thấy nhất là, mức sống của công nhân từng bước được cải thiện, sự giao thoa và biến đổi văn hóa cũng đã làm nảy sinh không ít tiêu cực trong nếp sống đã phá vỡ một phần trong quan hệ đạo đức truyền thống.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Bình Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp và là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, vì vậy, những năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhanh về công nghiệp và hằng năm cần thu hút trên 40.000 người lao động. Theo đó, dự báo đến năm 2020, lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh đạt khoảng trên một triệu người, đây là lực lượng có vai trò quan trọng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh; đồng thời, cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết, đặc biệt là vấn đề đời sống vật chất và tinh thần của lực lượng này.
Chủ trương đúng, cách làm thiết thực
Thấy được thực trạng và yêu cầu trên, thời gian qua Tỉnh ủy Bình Dương đã tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 05-6-2008, của Ban Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp” thông qua việc ban hành các văn bản liên quan đến điều kiện sinh sống, làm việc của người lao động trong các khu công nghiệp, đồng thời chủ động lồng ghép nội dung này vào các chương trình, đề án của tỉnh. Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chương trình số 51 của Tỉnh ủy “Về xây dựng phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh”; Đề án “Đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015”; Chương trình hành động số 20 của Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015”; Chương trình của Tỉnh ủy về phát triển nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015 được triển khai đồng bộ.
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai nghiên cứu các vấn đề: xây dựng tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương; xây dựng và phát triển đội ngũ công nhân tỉnh Bình Dương; các giải pháp nâng cao đời sống văn hóa của người lao động trong các khu công nghiệp tập trung ở Bình Dương; giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015. Sự quyết tâm của Tỉnh ủy Bình Dương còn thể hiện qua việc chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các doanh nghiệp giải quyết những vấn đề khó khăn, như nhà ở cho người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp (hiện có một số công trình nhà ở phục vụ cho người lao động đã đưa vào sử dụng và đang khởi công xây dựng nhiều công trình nhà ở phục vụ cho khoảng 175.000 người). Đây là vấn đề có sự tác động hết sức quan trọng, giúp người lao động an tâm làm việc và gắn bó lâu dài với Bình Dương.
Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân. Tiêu biểu là các tổ chức công đoàn triển khai thực hiện nhiều hoạt động có liên quan đến quyền và lợi ích của công nhân, như giám sát việc mua bảo hiểm, chế độ tiền lương, thưởng, nghỉ lễ, nghỉ tết, thăm bệnh, thai sản, thời gian lao động, an toàn lao động,... Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp các ngành liên quan để đa dạng hóa các hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân, như giao lưu thể thao, văn hóa văn nghệ giữa các doanh nghiệp, tổ chức đi tham quan du lịch ngắn ngày và sinh nhật cho công nhân; tạo điều kiện học tập, nâng cao tay nghề cho công nhân; tạo mối quan hệ giữa công nhân - Công đoàn - người sử dụng lao động.
Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước đã phối hợp với cơ quan chức năng, truyền thông đại chúng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc, tư vấn pháp luật, Luật Hôn nhân và gia đình, thăm và tặng quà tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, lồng ghép với tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước cho công nhân. Một số doanh nghiệp trang bị dàn ka-ra-ô-kê ngay tại nhà ăn để công nhân giải trí trong giờ giải lao, tổ chức sân chơi bóng chuyền, bóng rổ… thu hút đông đảo công nhân tham gia tập luyện sau giờ lao động. Các hoạt động này đã tạo nên những sân chơi bổ ích, là điều kiện để các công nhân giao lưu với nhau sau những giờ làm việc vất vả.
Việc nâng cao nhận thức chính trị và hiểu biết pháp luật cho người lao động, giúp người lao động có nhận thức đầy đủ về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện cho họ được tiếp cận với những thông tin lành mạnh, có bản lĩnh vững vàng trước những tác động đa chiều trong mở rộng giao lưu quốc tế ngày càng được tổ chức công đoàn và doanh nghiệp chú trọng. Lực lượng công nhân có trình độ đại học, cao đẳng làm việc trong các khu công nghiệp ngày càng tăng; trình độ công nhân có tay nghề cao làm việc ở các ngành kinh tế mũi nhọn cũng tăng; nhiều sáng tạo của công nhân có giá trị được áp dụng. Điều đáng mừng là, đại bộ phận công nhân tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; có nếp sống văn hóa lành mạnh; tác phong công nghiệp dần hình thành, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường; khắc phục tư tưởng trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước.
Được sự hỗ trợ về ngân sách, từ tháng 7-2007, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh và Báo Bình Dương đã phối hợp in ấn và phát hành hơn 400.000 tờ báo miễn phí cho công nhân. Tháng 6-2009, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tăng lượng phát hành báo chí lên 10.000 tờ mỗi tuần. Trong các khu nhà trọ, đã xây dựng được mô hình “Giỏ sách pháp luật”, với những tờ thông tin ngắn gọn cung cấp cho người lao động… Theo kết quả khảo sát của các cơ quan chức năng, có khoảng 80% trong lực lượng người lao động trên địa bàn tỉnh đã quan tâm tìm hiểu về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tình hình thời sự, chính trị, xã hội thông qua các chương trình truyền hình, sách báo… Vì vậy, thời gian qua việc tranh chấp lao động và tình trạng đình công được hạn chế, an ninh trật tự từng bước được bảo đảm.
Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập, văn hóa phẩm ngoại lai, thiếu lành mạnh vẫn hằng ngày, hằng giờ len lỏi vào đời sống người lao động, có nguy cơ phá vỡ đạo đức truyền thống và thiết chế văn hóa vốn có. Vì vậy, cần có những giải pháp thích hợp để ứng phó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân ngày một lành mạnh.
Để tiếp tục chủ động làm tốt hơn nữa...
Để bảo đảm sự phát triển bền vững của các khu công nghiệp, các cơ quan chức năng, nhà đầu tư phải quan tâm hơn nữa tới nơi ăn, chốn ở, đặc biệt là đời sống văn hóa tinh thần của công nhân. Tổ chức công đoàn tại các khu công nghiệp cần phát huy chức năng của mình để đề xuất, kiến nghị kịp thời, bảo vệ quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của công nhân. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện tốt bốn nhóm giải pháp sau:
Một là, nhóm giải pháp chung. Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc của người lao động, như bảo đảm việc làm, chế độ tiền lương tương xứng với công sức của người lao động, có chính sách về trường học, nhất là nhà trẻ, mẫu giáo; xây dựng các thiết chế văn hóa ở các khu công nghiệp để công nhân có nơi vui chơi, giải trí, nơi gửi con. Có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với việc xây dựng nhà ở xã hội để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Có chế tài, hình thức xử phạt đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp không chấp hành tốt Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung kịp thời sát với thực tiễn những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người lao động.
Hai là, nhóm giải pháp liên quan đến việc xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức đảng, Công đoàn và Đoàn Thanh niên. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp, chú trọng xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở những đơn vị đủ điều kiện. Vận động xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn; phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức các chương trình hội thảo, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động. Đẩy mạnh các hoạt động của Đoàn Thanh niên trong doanh nghiệp, trong đó đổi mới hoạt động (chú ý tránh hành chính hóa) để tập hợp, thu hút người lao động tham gia vào tổ chức; tăng cường cung cấp thông tin, trao đổi những vấn đề bức xúc do cuộc sống đặt ra; tổ chức các diễn đàn thanh niên để nâng cao nhận thức chính trị, giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên. Tổ chức công đoàn cơ sở tham gia làm tốt công tác chăm lo và bảo vệ đời sống cho người lao động.
Ba là, nhóm giải pháp về phía doanh nghiệp. Tiếp tục vận động các doanh nghiệp cùng với việc giải quyết tốt vấn đề về tiền lương, tiền thưởng cho người lao động, cần chú trọng xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động.
Bốn là, nhóm giải pháp đối với người lao động. Người lao động phải chủ động học tập nâng cao nhận thức, nắm bắt những quy định cơ bản về quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động. Học tập và hiểu biết sâu Bộ luật Lao động để thực hiện tốt các quy định trong sản xuất, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bản thân đúng quy định; tích cực tham dự các hoạt động phong trào do doanh nghiệp và nơi cư trú tổ chức./.
Đồng thuận, sáng tạo, phát huy tiềm năng, thế mạnh từ cơ sở: Ninh Bình tự tin trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (25/06/2012)
Chăm lo “công việc gốc của Đảng” - nhân tố hàng đầu bảo đảm Đảng bộ Ninh Bình lãnh đạo thành công sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội  (25/06/2012)
Thư cảm ơn  (25/06/2012)
Việt Nam giúp Bộ Tài chính Lào nâng cấp cơ sở đào tạo  (25/06/2012)
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm Khon Kaen  (24/06/2012)
Thường trực Ban Bí thư thăm và làm việc tại Cần Thơ  (24/06/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay