Ngày 22-6, 21 nước thuộc châu Á và châu Phi đã thỏa thuận phát triển cơ chế tài chính để tăng cường sự bền vững của hệ thống cảnh báo sớm các hiểm họa tự nhiên.
Thỏa thuận trên được đưa ra tại Hội nghị bộ trưởng lần đầu tiên của các nước thuộc Hệ thống hòa nhập khu vực châu Á và châu Phi về cảnh báo sớm (RIMES) tổ chức ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ.

Các nước thành viên và thành viên liên kết của RIMES đã phê chuẩn Kế hoạch hành động bảo đảm chuyển giao toàn diện các sản phẩm và dịch vụ của RIMES nhằm tăng cường khả năng ứng phó với các thảm họa tự nhiên và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt. 

Duy trì sự bền vững của RIMES có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là hệ thống báo động sớm và thông tin thời tiết có thể cứu sống hàng triệu người ở các nước ven biển. 

Các nước thành viên RIMES cần được hỗ trợ để hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm của họ.

Để đáp ứng nhu cầu và các ưu tiên của các nước thành viên, RIMES đã phát triển Kế hoạch chủ đạo, được thực hiện trong 5 năm tới với nguồn vốn đầu tư 64 triệu USD.

Các nước thành viên RIMES đã thông báo các cam kết đóng góp tài chính để thực hiện kế hoạch này. 

Quỹ tín dụng của Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) phòng chống sóng thần, thảm họa và biến đổi khí hậu đã hỗ trợ 6 dự án RIMES với nguồn tài chính 6 triệu USD. 

Cho đến nay, 13 nước châu Á và châu Phi đã ký và phê chuẩn hiệp định hợp tác và 17 nước khác đang ở các giai đoạn khác nhau xem xét, ký và phê chuẩn các hiệp định hợp tác với RIMES.

RIMES là thể chế liên chính phủ được hình thành và phát triển với sự hỗ trợ của UNESCAP sau thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, nhằm thiết lập hệ thống cảnh báo sớm các hiểm họa và tăng cường khả năng của các nước ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại của các hiểm họa xuyên biên giới./.