Hội nghị thượng đỉnh Rio+20

PV/TTXVN
07:00, ngày 23-06-2012
TCCSĐT - Trong phiên họp ngày 21-6 của Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) đang diễn ra ở thành phố Rio de Janeiro của Brazil, lãnh đạo các nước đang phát triển đã chỉ trích mạnh mẽ các nước giàu, cho rằng "trách nhiệm lịch sử" của các nước công nghiệp phát triển là làm sạch hóa hành tinh.

Tuy nhiên, các đại diện đến từ các nước phát triển cho rằng trật tự kinh tế thế giới đang thay đổi một cách nhanh chóng và sự trỗi dậy của các cường quốc kinh tế mới như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ cũng có nghĩa là tất cả các quốc gia phải cùng nhau gánh vác trách nhiệm bảo vệ môi trường toàn cầu.

Chủ tịch Cuba Raul Castro nhấn mạnh, các cường quốc cũ ở châu Âu mà Mỹ phải đóng góp nhiều hơn nữa và nỗ lực hơn nữa trong công cuộc làm sạch Trái Đất và ngăn chặn sự biến đổi khí hậu bởi họ đã khai thác và tiêu thụ nhiều tài nguyên thiên nhiên của thế giới hơn để phục vụ quá trình đi lên thành các nước công nghiệp phát triển như ngày nay.

Chủ tịch Raul nêu rõ các cuộc thương lượng lâu nay về một thỏa thuận có thể giúp ngăn ngừa sự biến đổi khí hậu vẫn thất bại là minh chứng rõ ràng cho thấy sự thiếu quyết tâm chính trị và bất lực của các nước phát triển trong thực hiện các nghĩa vụ xuất phát từ trách nhiệm lịch sử và vị thế hiện nay của họ.

Phát biểu tại trung tâm hội nghị lớn ở phía Tây Rio de Janeiro, Tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố chủ nghĩa tư bản là một hình thức của chủ nghĩa thực dân và việc thương mại hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên là một hình thức chiếm đoạt và thực dân hóa các nước phương Nam, những nước phải oằn vai gánh đỡ trách nhiệm bảo vệ môi trường bị các nước phát triển ở phương Bắc hủy hoại.

Trong nhiều tháng qua, các nhà thương lượng đã nỗ lực làm việc để hoàn tất tài liệu dày 49 trang, dự kiến sẽ trở thành văn bản chính trị cuối cùng để Hội nghị Rio+20 thông qua sau ba ngày họp, trong đó bao quát một loạt vấn đề, từ chương trình giảm đói nghèo cho đến việc bảo vệ các đại dương trên thế giới hay những biện pháp nhằm xây dựng các nền kinh tế xanh.

Tuy nhiên, văn kiện đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của nhiều nhà hoạt động trong các tổ chức dân sự, xã hội, môi trường, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các đại biểu tham dự hội nghị Rio+20.

Bên ngoài hội nghị, bầu không khí cũng nóng không kém với các cuộc biểu tình phản đối hội nghị do các nhà hoạt động thuộc các tổ chức bảo vệ môi trường và người dân bản địa tiến hành. Nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới nghệ sĩ Mỹ và Brazil cũng tham gia các chiến dịch kêu gọi bảo vệ môi trường và người dân nghèo.

Bên lề Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) ở thành phố Rio de Janeiro của Brazil, ngày 21-6, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã phát động Sáng kiến Giáo dục đại học mới vì phát triển bền vững.

Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova, khẳng định giáo dục đại học có vai trò quan trọng trong quá trình trao quyền cho tất cả phụ nữ và nam giới trên toàn cầu về đổi mới và cải tổ. Các trường đại học phải phục vụ xã hội tốt hơn, phải thúc đẩy các đổi mới các giải pháp phát triển bền vững. Đây là sứ mệnh đạo đức của các trường đại học trong thế kỷ 21 để hiểu biết tốt hơn và phục vụ thế giới tốt hơn, đào tạo các nhà lãnh đạo mới cho xã hội xanh, xây dựng nền tảng bền vững cho quyền công dân mới.

Bà nhấn mạnh phát triển chỉ bền vững khi các thế hệ hiện nay và tương lai được trao quyền lãnh đạo và xây dựng nó. Vì vậy, thanh niên phải được quyền tiếp cận hơn giáo dục đại học.

Trong khi đó, bà Elisabeth Thompson, Điều phối viên của Rio+20, nêu rõ sự cần thiết phải đưa yếu tố bền vững vào tiêu chuẩn xếp loại các trường đại học trong tương lai vì giáo dục ở vị trí trung tâm của chương trình nghị sự Rio+20.

Bà nhấn mạnh sinh viên không phải chỉ là đối tượng nhận giáo dục đơn thuần mà phải được coi là nhân tố then chốt của đổi mới và thay đổi. Trong 10 đề xuất của Đối thoại trực tuyến về phát triển bền vững bên lề Rio+20 trình lên Hội nghị cấp cao này có tới 3 đề xuất về giáo dục gồm: đưa giáo dục vào trung tâm của chương trình các mục tiêu phát triển bền vững; thúc đẩy giáo dục toàn cầu để xóa đói nghèo và đạt được phát triển bền vững; tránh ô nhiễm đại dương thông qua giáo dục và phối hợp cộng đồng.

Tại lễ phát động Sáng kiến Giáo dục đại học mới vì phát triển bền vững, các nhà lãnh đạo giáo dục đại học trên thế giới đã ký Tuyên bố về sáng kiến này, nhấn mạnh việc đưa vào chương trình giảng dạy đại học các khái niệm phát triển bền vững, khuyến khích nghiên cứu các vấn đề phát triển bền vững, xây dựng các khuôn viên đại học xanh, hỗ trợ tính bền vững của các địa phương và chia sẻ kết quả với cộng đồng quốc tế.

Tham gia sáng kiến này còn có các cơ quan của Liên hợp quốc như Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Khế ước toàn cầu của Liên hợp quốc, Vụ Kinh tế xã hội của Liên hợp quốc, tổ chức “Các nguyên tắc giáo dục quản lý có trách nhiệm" (PRME) và Trường Đại học Liên hợp quốc./.