TCCS - Hoạt động của doanh nghiệp quyết định hiệu quả của nền kinh tế, vì thế, bên cạnh chủ trương, đường lối, đã đến lúc cần phải có một gói các biện pháp kinh tế, những đòn bẩy kinh tế để hướng mọi người, dồn các doanh nghiệp hành động đúng với phương hướng đã định, đi vào các kênh mà Nhà nước mong muốn.

Đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ

“So với hoàn cảnh cụ thể của đất nước, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tăng khá nhanh”

Để xác định được đúng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, phải có hai điều kiện. Thứ nhất, đó là xây dựng được bộ tiêu chí để đánh giá thế nào là một doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, và thứ hai, phải có một cuộc khảo sát, điều tra hoạt động của các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay, ở nước ta, cả hai điều kiện này vẫn chưa có. Bên cạnh đó, còn có một khó khăn nữa là làm sao có thể bóc tách được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tăng hay giảm là do tác động của hội nhập với kinh tế thế giới, của việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay do yếu tố nội tại. Chẳng hạn, doanh nghiệp Việt Nam vốn đã nhỏ yếu, thiếu vốn, nay lại phải vay vốn với lãi suất cao, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam kinh doanh nhưng được hưởng lãi suất vay vốn thấp ở nước họ. Như vậy, liệu có thể đánh giá doanh nghiệp Việt Nam kém về năng lực cạnh tranh không?

Vì những lý do nêu trên, khó có thể đánh giá một cách chuẩn xác năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta. Tuy nhiên, qua cảm nhận, có thể thấy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tăng lên sau 5 năm gia nhập WTO, thể hiện ở chỗ: các doanh nghiệp đều đã nhận thức rõ hơn rằng, không thể không hội nhập; sự hiểu biết của các doanh nghiệp về đối tác và thị trường bên ngoài tăng lên rất nhiều so với 5 năm trước đây, kể cả sự hiểu biết về các “luật chơi” của WTO cũng đã tăng lên nhiều, cho dù chưa phải là đã hiểu thấu đáo; nhiều doanh nghiệp đã năng động, nhạy bén, mạnh dạn hơn trong việc xâm nhập vào thị trường thế giới, không còn rụt rè, e ngại như trước, thậm chí, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã “dám” thâm nhập vào các thị trường rất xa ở châu Phi, Mỹ La-tinh... Nếu so với hoàn cảnh cụ thể của đất nước (chúng ta mới mở rộng quan hệ buôn bán với các nước; trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp...), có thể nói rằng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tăng khá nhanh.

Trong thời gian tới, để nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, của nền kinh tế, cần tạo ra môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh sòng phẳng, để các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cùng đọ sức, khẳng định. Cần bóc tách trách nhiệm xã hội ra khỏi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Với những nhiệm vụ không mang lại lợi nhuận kinh tế nhưng cần thiết vì lợi ích xã hội, các DNNN sản xuất theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Trong hoạt động của mình, DNNN hay tập đoàn nhà nước không có trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội của đất nước. Cần phân biệt rất rõ giữa Nhà nước và DNNN.

Hoạt động của doanh nghiệp quyết định hiệu quả của nền kinh tế, vì thế, bên cạnh chủ trương, đường lối, đã đến lúc cần phải có một gói các biện pháp kinh tế, những đòn bẩy kinh tế để hướng mọi người, dồn các doanh nghiệp hành động đúng với phương hướng đã định, đi vào các kênh mà Nhà nước mong muốn. Hiện giờ chúng ta chưa có các biện pháp cũng như những đòn bẩy kinh tế như vậy, các doanh nghiệp vẫn đứng ngoài.

Đồng chí Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

“Thời điểm để mỗi doanh nghiệp đánh giá lại chính mình, nâng cao khả năng thích ứng với tình hình”

Kể từ khi có Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) có sự phát triển rất nhanh chóng cả về số lượng và nội dung hoạt động (sử dụng tới 56% tổng số lao động của các doanh nghiệp, đóng góp khoảng 20% ngân sách...). Trong 5 năm qua, trình độ quản lý, tay nghề nói chung của khối doanh nghiệp này có tăng; tham gia tích cực vào sản xuất hàng xuất khẩu, bắt đầu có một số doanh nghiệp vươn ra thị trường nước ngoài; hàng hóa do các doanh nghiệp này sản xuất ra bắt đầu chiếm lĩnh thị trường, giá cả hàng hóa có thể cạnh tranh được. Nhiều doanh nghiệp đã trụ vững trước những biến động, khó khăn của nền kinh tế trong nước và tác động tiêu cực từ khủng hoảng tài chính và suy thoái của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, do tăng nhanh về số lượng, trong khi chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho sự ra đời và hoạt động, nên những hạn chế của doanh nghiệp, như thiếu vốn (nguồn vốn có được chủ yếu từ vay ngân hàng, nhưng việc tiếp cận vốn ngân hàng cũng không dễ); chất lượng lao động thấp, số lượng lao động có tay nghề hạn chế, chủ yếu là lao động giản đơn, đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp ít được qua đào tạo; công nghệ phần lớn là thủ công, lạc hậu, năng suất thấp; trình độ am hiểu luật pháp, hệ thống thị trường còn yếu... bộc lộ càng rõ khi nền kinh tế thế giới trong tình trạng suy thoái. Đến năm 2011, khi kinh tế thế giới và trong nước bắt đầu có sự phục hồi thì lạm phát, lãi suất lại cao… Những khó khăn đó gây nên những xáo động lớn, tác động dồn dập tới khả năng chống đỡ còn rất hạn chế của DNVVN. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài, vì thế, càng nhiều khó khăn.

Có thể nói, trong năm 2012, hệ thống doanh nghiệp nước ta, trong đó có DNVVN gần như sẽ bộc lộ hết những hạn chế, nhược điểm, khó khăn, yếu kém của mình. Số lượng doanh nghiệp phá sản, dự báo, sẽ tăng nhanh, số lượng doanh nghiệp thành lập mới ít, sẽ làm cho số lượng doanh nghiệp giảm mạnh. Vì thế, đây là thời điểm để mỗi doanh nghiệp phải hành động khẩn trương, tự đánh giá lại một cách chính xác những điểm mạnh, yếu của chính mình, nâng cao khả năng thích ứng với tình hình.

Việc Hội nghị Trung ương ba (khóa XI) xác định phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, và trong 5 năm tới, cần tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất, trong đó có tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, thực sự là một lối thoát để sắp xếp lại các doanh nghiệp, qua đó khẳng định những doanh nghiệp trụ vững và những doanh nghiệp bị đào thải. Đích cuối cùng của việc tái cơ cấu lại các DNNN là hướng tới hiệu quả, chất lượng, lấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp làm thước đo, tạo ra động lực để doanh nghiệp hoạt động. Ở đây cũng cần nói thêm rằng, việc sắp xếp lại các doanh nghiệp, không chỉ là sự sắp xếp lại các DNNN, tập đoàn kinh tế nhà nước, mà doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế cần phải xem xét để có sự sắp xếp lại, hoạt động cho hiệu quả hơn. Việc tái cơ cấu này là một giải pháp có tầm trung hạn và dài hạn để gỡ những “nút thắt” trong nền kinh tế, tạo ra một môi trường cạnh tranh tự do, bình đẳng và công bằng hơn cho doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế, trong đó có DNVVN.

Sau Hội nghị Trung ương 3, Hội nghị Trung ương 4 với Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", trong đó xác định: khẩn trương rà soát, loại bỏ các cơ chế, chính sách đã lạc hậu, xây dựng, ban hành đồng bộ các chính sách để đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ; rà soát cơ chế, chính sách và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, kiểm soát chặt chẽ vốn và tài sản nhà nước; tích cực thực hiện cải cách hành chính nhà nước và cải cách hành chính trong Đảng; đẩy nhanh việc cải cách, thực hiện sớm chế độ tiền lương, nhà ở, chống bình quân, cào bằng; đồng thời chống đặc quyền, đặc lợi; gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, cho thấy có sự gắn kết giữa giải quyết các vấn đề kinh tế với giải quyết các vấn về con người, vấn đề xã hội, đã thể hiện một tầm nhìn trung và dài hạn trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước một cách đồng bộ.

Đồng chí Lương Văn Tự, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại

“Lạc quan về sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”

Có sự lạc quan như vậy là do, thứ nhất, sau 5 năm gia nhập WTO, số lượng doanh nghiệp nước ta tăng nhanh và các doanh nghiệp cũng trưởng thành lên nhiều cả về quy mô và vốn. Nếu như 5 năm trước đây, số lượng các doanh nghiệp có vốn trên 100 tỉ đồng rất ít, thì hiện nay, con số này là rất nhiều, thậm chí có không ít những doanh nghiệp đạt mức doanh thu hàng nghìn tỉ đồng. Thứ hai, sản phẩm do các doanh nghiệp sản xuất ra nhiều về số lượng, đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Chúng ta đã từng lo ngại rằng, việc mở cửa thị trường bán lẻ cho các tập đoàn phân phối đa quốc gia sẽ lấn chiếm thị phần của doanh nghiệp trong nước, hoặc, khi mở nhiều siêu thị thì hàng ngoại sẽ tràn vào lấn át hàng nội, nhưng qua thực tế hiện nay, tuy số lượng siêu thị tăng rất nhanh nhưng 85% hàng bán trong siêu thị là hàng Việt Nam. Mặc dù GDP ngày càng lớn, nhưng tỷ lệ đóng góp của bán buôn và bán lẻ vào GDP vẫn ngày càng tăng. Thứ ba, mức độ trưởng thành của các doanh nghiệp trong quản lý. Rất nhiều tập đoàn có cổ phần liên quan đến hàng trăm công ty, đã được hình thành cả trong khu vực tư nhân. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh, có vốn, có kinh nghiệm đã mua lại doanh nghiệp FDI. Đây là tín hiệu tích cực trong sự thay đổi chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập. Thứ tư, doanh nghiệp đã tận dụng khá tốt cơ hội thu hút vốn nước ngoài, tận dụng được sự mở rộng thị trường để tăng đầu tư phát triển, đặc biệt là thị trường dệt may, thủy hải sản và nông sản. Doanh nghiệp có tư duy mới, không chỉ bó hẹp ở thị trường nội địa mà vươn ra thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy, còn có nhiều cơ hội đã bị doanh nghiệp bỏ lỡ hoặc chưa được nắm bắt đầy đủ. Chẳng hạn, chưa mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ; công nghệ còn lạc hậu nên chúng ta chủ yếu mới chỉ dừng lại ở gia công lắp ráp, tham gia vào phân khúc cuối của thị trường, giá trị gia tăng trong sản phẩm không cao. Doanh nghiệp chưa đủ tầm, chưa đủ người để có thể nghiên cứu tốt thị trường thế giới, cũng như thị hiếu, đặc điểm hàng hóa, nhu cầu của người tiêu dùng. Đa số các doanh nghiệp chưa có cố vấn, chuyên gia về luật để tư vấn cho doanh nghiệp hoạt động đúng luật. Các doanh nghiệp chưa có sự gắn kết với nhau, chưa có ý thức cộng đồng, thậm chí, nhiều doanh nghiệp, vì lợi ích của mình, sẵn sàng cạnh tranh, tranh giành đối tác của nhau. Hoạt động của nhiều hiệp hội nghề nghiệp còn hình thức, theo phong trào, chưa có cơ chế để có sự ràng buộc giữa các hội viên với nhau, vẫn còn phổ biến tình trạng mạnh ai người ấy làm.

Để tiếp tục phát triển trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt ở tầm khu vực và quốc tế, những điều cốt yếu mà các doanh nghiệp cần là nắm vững luật pháp; hiểu rõ thị trường; có tinh thần cộng đồng, “buôn có bạn, bán có phường”; đội ngũ doanh nhân phải có nhiệt huyết, có ý chí, khát vọng làm giàu.

Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, TGĐ Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling)

“Chấp nhận xu thế cạnh tranh quốc tế ngay từ khi thành lập”

Ngay từ khi mới thành lập (26-11-2001), PV Drilling đã xác định chiến lược phát triển của Tổng Công ty về chuyên ngành khoan và các dịch vụ kỹ thuật giếng khoan dầu khí với mức doanh thu ban đầu đạt khoảng 350 tỉ đồng/năm và lợi nhuận 16 tỉ đồng/năm. Khó khăn lớn nhất của PV Drilling lúc ban đầu là: tuy là doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam, nhưng đã phải chịu sức ép cạnh tranh quốc tế rất lớn ngay tại thị trường trong nước, bởi lĩnh vực hoạt động của Công ty từ trước tới nay đều do các nhà thầu khoan hoặc các tập đoàn kinh tế dầu khí hùng mạnh trên thế giới thực hiện.

Với sứ mệnh là “người tiên phong”, PV Drilling xác định ngay từ đầu là phải nâng cao tính chuyên nghiệp và bảo đảm chất lượng dịch vụ. Tổng công ty đã xây dựng một lộ trình phát triển và hội nhập phù hợp, tận dụng được năng lực sẵn có của doanh nghiệp và nguồn lực con người, từng bước cung cấp những loại hình dịch vụ từ đơn giản đến phức tạp
để dần hình thành một PV Drilling lớn mạnh, đủ sức chiếm lĩnh cơ bản thị trường trong nước và chủ động tham gia thị trường khoan trong khu vực và trên thế giới. Sau 10 năm hình thành và phát triển, thương hiệu PV Drilling đã vươn lên ở vị trí hàng đầu khu vực và đứng thứ 4 châu Á trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ khoan dầu khí.

Nhìn lại những thành công của PV Drilling, đặc biệt trong 5 năm Việt Nam là thành viên của WTO, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, năng lực quản lý và cạnh tranh là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Gia nhập WTO có nghĩa là việc “đá trên sân nhà hay sân khách” không còn là vấn đề quá quan trọng, mà năng lực của doanh nghiệp mới là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu. Nếu năng lực của doanh nghiệp yếu thì sân nhà cũng sẽ trở thành địa bàn lý tưởng cho các doanh nghiệp lớn, giàu tiềm lực của thế giới hoạt động.

Hai là, nguồn nhân lực và vai trò của người đứng đầu là khâu then chốt. Vị “thuyền trưởng” tài ba, với tầm nhìn chiến lược và một đội ngũ cán bộ đảng viên, người lao động trẻ, nhiệt huyết, giỏi nghề để có thể tiếp nhận và làm chủ ngay được công nghệ hiện đại đã xóa tan được những hoài nghi khi là những người Việt Nam đầu tiên quản lý, vận hành thành công các giàn khoan Jack-up.

Ba là, có chiến lược tập trung phát triển dịch vụ cốt lõi, phát triển dịch vụ kỹ thuật cao là thế mạnh của mình, không đầu tư kinh doanh dàn trải.

Bốn là, tự hoàn thiện và áp dụng mô hình quản lý doanh nghiệp tiên tiến giúp công ty minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công tác quản lý doanh nghiệp không những được phân quyền, phân cấp rõ ràng đến từng cá nhân, mà còn được hỗ trợ bởi hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại. 

Năm là, với đặc thù là doanh nghiệp sử dụng nhiều nhân sự người nước ngoài nên môi trường làm việc cần thân thiện, sử dụng song ngữ Việt - Anh đã giúp cho việc hòa đồng được dễ dàng. Đó cũng là cơ sở để PV Drilling chủ động hội nhập và cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.

Đồng chí Đào Ngọc Bình, Bí thư Đảng ủy, TGĐ Công ty Xi-măng Hoàng Thạch

“Vượt khó, vươn lên để thành công trong hội nhập”

Cho đến nay, mặc dù đã có nhiều dấu hiệu hồi phục, nhưng khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn còn có những tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta. Lạm pháp tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng, các ngân hàng siết chặt cho vay đã ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường bất động sản, nhiều dự án, công trình xây dựng bị cắt giảm hoặc giãn tiến độ. Công nghiệp sản xuất xi-măng nói chung, Công ty Xi-măng Hoàng Thạch nói riêng, gặp nhiều khó khăn do giá vật tư­ đầu vào cho sản xuất, như than, điện, xăng dầu th­ường xuyên biến động theo chiều hướng tăng. Nguồn nguyên liệu đá vôi cho sản xuất gặp nhiều khó khăn do trữ lư­ợng ngày càng giảm, chất lư­ợng không ổn định và khó khai thác là trở ngại lớn đối với sản xuất, kinh doanh. Công ty Xi-măng Hoàng Thạch đã phải hạn chế tối đa chạy máy vào giờ cao điểm và chạy máy với năng suất cao, có thời gian phải giảm công suất. Trong những khó khăn chung, Công ty Xi-măng Hoàng Thạch, còn đối mặt với những khó khăn riêng như, sự xuống cấp của dây chuyền thiết bị, nguồn vốn trả nợ vay đầu tư thiếu, nguồn vốn bị chiếm dụng lớn; sự sự cạnh tranh quyết liệt từ các thương hiệu xi-măng khác có lợi thế cạnh tranh về giá bán.

Để vượt khó, vươn lên, Công ty Xi-măng Hoàng Thạch xác định:

Thứ nhất, không ngừng nâng cao trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp của các cán bộ quản lý, bảo đảm sự vận hành bộ máy thống nhất và có hiệu quả; nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm của cán bộ công nhân viên để đáp ứng yêu cầu làm chủ dây chuyền sản xuất hiện đại, tiên tiến.

Thứ hai, chú trọng giữ ổn định thị phần tại thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng khai thác các địa bàn mới, không ngừng phát triển thương hiệu đã có uy tín lâu năm trên thị trường và được thị trường chấp nhận.

Thứ ba, giám sát chặt chẽ chất lượng từ khâu nhập nguyên liệu, thực hiện nghiêm túc quy trình công nghệ, thực hiện tốt quy trình, quy phạm về quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 và hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001, bảo đảm ổn định chất lượng xi-măng, gạch và vỏ bao, đồng thời giữ môi trường trong khu vực xanh - sạch - đẹp.

Thứ tư, chú trọng nghiên cứu thị trường để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Qua khảo sát thị trường, có thể thấy, một số nhà phân phối chính chưa thật sự tâm huyết khai thác, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường mà chủ yếu tập trung tại các thành phố, thị xã nơi có đông dân cư, giao thông thuận tiện, chưa hoặc rất ít xi-măng về các huyện vùng sâu, vùng xa.

Thứ năm, giữ ổn định các hoạt động tài chính của công ty và phát triển lành mạnh, bảo toàn và phát triển vốn, quản lý và sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao; không để phát sinh công nợ dây dưa, khó đòi.

Thứ sáu, chú trọng đến công tác xây dựng cơ bản, trong đó yêu cầu đặt ra là phải đầu tư xây dựng các công trình một cách đồng bộ và tập trung cho chất lượng các dự án. Trong khâu đầu tư, việc lựa chọn nhà thầu và các yếu tố liên quan đến dự án được xem xét một cách kỹ lưỡng sao cho hiệu quả nhất.

Thứ bảy, không ngừng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và tay nghề cho cán bộ công nhân viên. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu tổ chức có hiệu quả, tham dự các khóa đào tạo nâng cao năng lực quản lý, các khóa đào tạo về công nghệ thông tin, quản lý hành chính nhà nước, tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ở trong và ngoài nước, đào tạo nâng bậc, đào tạo lại.

Thứ tám, thực hành tiết kiệm và làm tốt các mặt công tác khác, như: công tác an ninh, trật tự, công tác an toàn trong lao động và sản xuất, chăm lo đến đời sống vật chất, đời sống tinh thần cho người lao động...

Tuy nhiên, để có thể tiếp tục phát huy có hiệu quả năng lực cạnh tranh và không ngừng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế, trong thời gian tới, bên cạnh việc phát huy nội lực của tập thể cán bộ, công nhân viên công ty, rất mong, Chính phủ, các bộ, ban, ngành có liên quan và chính quyền, đoàn thể địa phương tạo điều kiện, phối hợp và giúp đỡ để Công ty Xi-măng Hoàng Thạch nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, không ngừng phát triển, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng đất nước./.