TCCSĐT - Ngày 23-5-2012, tại Brussels đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhằm bàn cách tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế. Đây là cuộc họp lần thứ 13 của EU tập trung bàn về khủng hoảng kinh tế kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ công hoành hành tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và là Hội nghị thượng đỉnh EU đầu tiên mà trong đó Pháp và Đức đề xuất các giải pháp khác nhau.

Bữa tiệc của những ý tưởng

Tổng thống Francois Hollande của Pháp trong những ngày gần đây đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên chính trường quốc tế về những ý tưởng kích thích kinh tế của ông - từ Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD),  tổ chức mà mới đây đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro là “mối đe dọa lớn nhất” đối với nền kinh tế thế giới nếu các nhà lãnh đạo không cùng nhau hành động. Tuy nhiên, về vấn đề trái phiếu euro (Eurobond) – sự bảo đảm chung của Eurozone đối với các khoản nợ - Đức vẫn giữ lập trường của họ với việc Thủ tướng Angela Merkel gọi đó là “hướng đi sai lầm” và nhấn mạnh Berlin sẽ không thay đổi lập trường trong thời gian trước mắt.

Trên thực tế, Eurobond đang là một trong những chủ đề gây nhiều tranh cãi nhất và một khi được đặt lên bàn thảo luận chắc chắn nó sẽ gây ra những phản ứng. Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh lần này được coi là một “cơ hội tốt” để Thủ tướng Đức A.Merkel và tân Tổng thống Pháp F.Hollande “hạ hỏa" và trực tiếp trao đổi quan điểm của nhau. Hiện nay lập trường của Đức được Áo, Phần Lan, Hà Lan và Slovakia ủng hộ. Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của toàn Eurozone lên tới 11%, tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp và Tây Ban Nha đều trên 20% và tâm lý chung đều mong muốn có những giải pháp mới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ thay vì các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" hiện hành thì cuộc họp tại Brussels lần này được coi là “một bữa tiệc” của các ý tưởng.

Ngoài vấn đề Eurobond, các nhà lãnh đạo EU còn thảo luận một loạt ý tưởng nhằm giải quyết hiệu quả hơn cuộc khủng hoảng nợ công và kích thích nền kinh tế tại châu Âu, khuyến khích tăng trưởng và tạo thêm việc làm trên toàn EU, tăng cường vai trò của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), mở rộng thị trường nội khối… Trong một phiên họp toàn thể, với 289 phiếu thuận, 152 phiếu chống và 46 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua Nghị quyết về việc đánh thuế các giao dịch tài chính, trừ quỹ hưu trí. Mặc dù, Nghị quyết này chỉ có ý nghĩa tham khảo, nhưng lại là một thông điệp mạnh gửi đến các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU nhân Hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Brussels bởi đây  là một trong những chủ đề sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới..

Về dự án đánh thuế giao dịch tài chính được Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra vào cuối năm 2011 với mục tiêu tăng cường ngân sách của EU, đầu tư tài chính vào một số dự án đặc biệt, đồng thời giảm gánh nặng đóng góp cho các nước thành viên. Theo đó, thuế giao dịch tài chính sẽ áp dụng trong tất cả các nước EU theo tỷ lệ 0,1% đối với giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và 0,01% đối với các loại giao dịch tài chính khác, trừ quỹ hưu trí. Theo tính toán của EC, một khi dự án đánh thuế giao dịch tài chính này được áp dụng sẽ tạo ra khoản thu lên đến 57 tỉ euro - một con số khổng lồ trong giai đoạn diễn ra khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Hiện tại, có 9 quốc gia bao gồm Đức và Pháp ủng hộ dự án này, và một số quốc gia - trong đó có Anh - phản đối vì lo ngại các hoạt động tài chính sẽ bị chuyển khỏi quốc gia của họ. Nếu được các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên thống nhất thông qua, thì kế hoạch đánh thuế sẽ chính thức có hiệu lực vào năm 2014. Theo kết quả thăm dò dư luận mới đây, có đến 66% người dân châu Âu ủng hộ dự án này.

Hy Lạp sẽ ở lại Khu vực đồng euro

Thông báo của Chủ tịch thường trực EU Herman Van Rompuy cho biết, Hội nghị đã thảo luận kỹ lưỡng các diễn biến mới đây trong Eurozone, khẳng định lại cam kết bảo vệ sự ổn định và liên kết về tài chính trong khu vực này. Ông V.Rompuy nhấn mạnh các cuộc thảo luận tại Hội nghị cho thấy, EU cần đưa liên minh kinh tế - tiền tệ này sang một giai đoạn mới và Hội nghị đã nhất trí rằng, EU cần thúc đẩy cả vai trò kinh tế lẫn tiền tệ của mình. Chủ tịch thường trực EU cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Chủ tịch nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để tháng 6 tới đưa ra báo cáo về những trở ngại chính và biện pháp nhằm đạt mục tiêu này.

Chủ tịch thường trực EU V.Rompuy thừa nhận tại cuộc họp, lãnh đạo EU có nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất của Pháp phát hành trái phiếu Eurozone như một biện pháp giải quyết khủng hoảng nợ công. Tân Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng, EU cần hành động ngay để thúc đẩy tăng trưởng, nhằm tránh gây nghi ngờ trên các thị trường tài chính. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel lại bác bỏ ý tưởng của ông F.Hollande với lý do trái phiếu châu Âu sẽ không góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong Eurozone và những công cụ tài chính kiểu như vậy đi ngược lại các hiệp ước của EU. Berlin lo ngại quyết định phát hành trái phiếu Eurozone sẽ khiến người nộp thuế Đức phải chịu trách nhiệm lâu dài đối với các hoạt động tài chính của các nền kinh tế yếu kém hơn trong khu vực.

Về vấn đề Hy Lạp, ông V.Rompuy cho biết, EU muốn "Xứ sở thần thoại" ở lại Eurozone, song Athens phải thực hiện các cam kết cải cách và coi đây là sự bảo đảm tốt nhất cho một tương lai thịnh vượng hơn trong khu vực. Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso tổng kết quan điểm của lãnh đạo EU nói rằng, thông điệp mà Hội nghị lần này phát đi là "EU sát cánh với Hy Lạp, nhưng Hy Lạp phải sát cánh với các cam kết của mình". Tân Tổng thống Pháp cho rằng, người dân Hy Lạp đứng trước một sự lựa chọn quan trọng trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn lần hai, dự kiến vào ngày 17-6 tới và sự lựa chọn đó phải "vì châu Âu". Ông F.Hollande khẳng định, Pháp muốn Hy Lạp ở lại Eurozone và tôn trọng những cam kết đã đưa ra. Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi giải quyết dứt điểm những khó khăn ở Hy Lạp nhằm tránh kéo toàn bộ khu vực này xuống vực thẳm.

Mặc dù phương án ưu tiên vẫn là giữ Athens ở lại Eurozone, song ít nhất một nửa chính phủ các nước thành viên khu vực này cùng các ngân hàng trung ương và doanh nghiệp lớn đang lên kế hoạch khẩn cấp cho kịch bản Hy Lạp quyết định rời khỏi liên minh tiền tệ này. Tuy nhiên, giới lãnh đạo EU vẫn yêu cầu Hy Lạp tiếp tục thực thi các biện pháp khắc khổ và hoàn thành chương trình cải cách theo yêu cầu của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Hiện chưa có kế hoạch khẩn cấp nào ở cấp EU hay cấp độ chính trị, mặc dù việc các chính phủ chuẩn bị cho các kịch bản có thể xảy ra là điều đương nhiên.

Thứ trưởng Kinh tế Italia Vittorio Grilli khẳng định, Roma đã sẵn sàng cho kịch bản trên, nếu cử tri Hy Lạp bỏ phiếu cho các đảng không chấp nhận những biện pháp cải cách đã cam kết với EU và IMF để đổi lại các khoản vay khẩn cấp trong ngày 17-6 tới. Việc Hy Lạp thâm thủng ngân sách cũng có nghĩa nếu không nhận được thêm tiền từ EU/IMF do Athens ngừng thực hiện thỏa thuận cải cách, nước này sẽ không thể trả lương và phải rời khỏi Eurozone để bắt đầu in tiền của riêng mình.

Trong khi đó, căng thẳng tại Eurozone tiếp tục gia tăng sau khi có những thông tin tiêu cực về triển vọng kinh tế khu vực và các nhà đầu tư đang tìm nơi "ẩn náu an toàn" hơn ở Đức do lo ngại tương lai Hy Lạp trong Eurozone. Cùng với kết quả không khả quan sau Hội nghị thượng đỉnh không chính thức EU, cuộc khảo sát thực hiện tháng 5 cũng cho thấy, lòng tin giới kinh doanh tại Eurozone cũng giảm mạnh nhất trong vòng 3 năm qua, trong khi chỉ số này tại Đức cũng giảm xuống mức "tồi tệ" nhất trong vòng 6 tháng và tại Pháp thấp nhất trong vòng 37 tháng.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi nhận định, EU đang ở trong thời khắc "gian nguy" nhất trong lịch sử và cuộc khủng hoảng nợ kéo dài 3 năm qua càng làm trầm trọng thêm sự nguy kịch của lục địa già này. Một thành viên trong Hội đồng điều hành ECB, Ewald Nowotny cảnh báo, Eurozone sẽ trải qua một "cú sốc" lớn với hậu quả khôn lường nếu Hy Lạp rời khỏi liên minh tiền tệ này và quay lại với đồng nội tệ Đrachma.

Theo giới quan sát, lời kêu gọi của người đứng đầu quốc gia không phải là thành viên Eurozone phản ánh những lo ngại trên toàn cầu về tác động tàn phá mà cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu có thể gây ra. Lãnh đạo các nước thành viên EU đã được Nhóm chuyên gia giúp việc các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro (EWK) khuyến cáo các nước nên chuẩn bị kế hoạch khẩn cấp để đối phó với tình huống Hy Lạp xin ra khỏi Eurozone. Theo các chuyên gia này, kịch bản Hy Lạp chấm dứt tư cách hội viên Cậu lạc bộ đồng tiền chung châu Âu là một "thách thức có thể xử lý được". Nguồn tin nhấn mạnh kế hoạch khẩn cấp không phải là thông điệp chính trị đối với Hy Lạp, mà là một "việc thông thường" cần phải làm.

Cho dù không có một quyết định chính thức nào được đưa ra nhưng Hội nghị bất thường lần này của EU vẫn thu hút rất nhiều sự chú ý vì nó là một cuộc mặc cả giữa các bên, là “sự chuẩn bị về mặt chính trị” cho các quyết định lớn sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Mùa Hè của khối vào cuối tháng 6 tới./.