Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm 2012 - triển vọng và thách thức
Động lực từ kết qủa những tháng đầu năm
Cuối năm 2011, nền kinh tế thế giới tiếp tục bị tác động bởi khủng hoảng nợ châu Âu diễn biến khó lường; kinh tế Mỹ, EU vẫn trong tình trạng trì trệ, đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ chí Minh nói riêng. Tuy nhiên, do dự báo được tình hình trên, ngay từ đầu năm 2012, cùng với các biện pháp của Trung ương đề ra, Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tạo động lực cho sản xuất phát triển; tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu; từng bước vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Với quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Thành phố, cùng sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, kinh tế của Thành phố tiếp tục có những chuyển biến tích cực, giá cả nhiều mặt hàng đã được kiểm soát và có xu hướng giảm; nhiều sản phẩm công nghiệp và nhóm hàng hóa mới tăng trưởng nhanh.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm 2012, GDP của Thành phố ước đạt hơn 99.000 tỷ đồng, tăng 7,4%, (cùng kỳ năm 2011 tăng 10,3%), mức tăng thấp nhất so với các năm qua và chỉ cao hơn mức tăng 4% của năm 2009 - năm chịu tác động khủng hoảng tài chính thế giới. Thu ngân sách trên địa bàn Thành phố gần 50.000 tỉ đồng, đạt 21,77%, đây là lần đầu tiên thu ngân sách của Thành phố giảm (giảm 7,5% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 35,5%); trong đó, sụt giảm nhiều nhất ở lĩnh vực nhà đất với hơn 3.000 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng giảm 9,9%, thu từ dầu thô giảm 17,3%... Nguyên nhân chính về thu ngân sách sụt giảm và kinh tế tăng trưởng thấp của Thành phố trong quý I - 2012 là do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, ở trong nước sức mua thấp, lãi suất cao, các doanh nghiệp thiếu vốn, giá xăng dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu tăng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 3 tháng đầu năm 2012 có xu hướng giảm dần, riêng tháng 3 chỉ tăng 0,12% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 2,2%) và trong 3 tháng chỉ tăng 2,35%. Một số lĩnh vực và mặt hàng tiếp tục tăng trong 3 tháng đầu năm 2012 đó là: tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng sữa, may mặc, dày dép tăng 8,6%; tổng bán lẻ hàng hóa tăng 5,7%; tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, nhà hàng và du lịch lữ hành tăng 28%; doanh thu vận tải tăng 42,3%; chỉ số phát triển công nghiệp tăng 2,7%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 5%; vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng 8,7%.
Với những kết quả đạt được trên đây, mặc dù sự tăng trưởng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh trong quý I - 2012 không bằng so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, nếu so với mức tăng bình quân cả nước trong thời điểm này là 4% thì vẫn cao hơn 1,85 lần. Đây là một kết quả tích cực, đáng ghi nhận, là động lực góp phần rất quan trọng, tạo đà cho sự tăng trưởng kinh tế của Thành phố nói chung và đạt được những chỉ tiêu đã đề ra trong 6 tháng đầu năm 2012.
Triển vọng và thách thức
Trước bối cảnh khó khăn, thách thức chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, nhưng trong những tháng đầu năm 2012 Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch với nhiều hoạt động: tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư sang thị trường Myanmar; tổ chức đoàn tiềm trạm để khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại tại Lào, Campuchia; tổ chức đoàn doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Philippines… Bên cạnh đó, với tiềm năng và lợi thế của mình, Thành phố đã thu hút và đón tiếp 27 đoàn khách đến để tìm hiểu cơ hội đầu tư, giao thương từ các quốc gia: Mỹ, Anh, Cộng hòa Liên bang Đức, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc; đồng thời, tổ chức hội thảo “Những đổi thay về chính sách và ảnh hưởng của các doanh nghiệp FDI” và “Các giải pháp đôi bên cùng có lợi cho vấn đề chống chuyển giá”, tổ chức buổi diễn thuyết “Kịch bản tăng trưởng kinh tế 2012-2013”. Các hoạt động này, là điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu, mở rộng và tìm hướng đi cho sự phát triển của nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, cùng với những kết quả đạt được trong những tháng đầu năm 2012 sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Thành phố trong các tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX được tổ chức vào trung tuần tháng 4-2012: nhìn một cách tổng thể so với yêu cầu thì chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Thành phố chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mình, kinh tế phát triển chưa bền vững, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu, các cân đối vĩ mô còn hạn hẹp, lợi ích mang lại từ tăng trưởng kinh tế chưa cao. Với mục tiêu phải hoàn thành trong 6 tháng và cả năm 2012 đã đề ra, nền kinh tế của Thành phố sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; ở trong nước, sức mua thấp, lãi suất cao, doanh nghiệp khó vay vốn, giá xăng dầu tăng cao. Dù tình hình lạm phát có xu hướng cải thiện nhưng thị trường vẫn còn nhiều diễn biến khó lường; bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục; hoạt động tín dụng dù được siết chặt nhưng rủi ro từ nợ xấu vẫn cao; xuất khẩu sụt giảm so với cùng kỳ khi chỉ tăng 8,6%,… gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Khả năng huy động vốn tại thị trường Việt Nam gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng bất lợi đến môi trường đầu tư và giảm thu hút vốn FDI của Thành phố. Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi; hoạt động tín dụng được siết chặt, nhưng rủi ro nợ xấu vẫn tiềm ẩn cao; hiệu quả khai thác, sử dụng vốn còn hạn chế do nguồn huy động vốn chủ yếu ngắn hạn. Do vậy, để đạt mức tăng trưởng cả năm trên 10% như mục tiêu đề ra, Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục tập trung giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là giải quyết về vốn để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu để phát triển.
Những chủ trương và giải pháp
Trước bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, kinh tế trong nước cũng như của Thành phố tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đồng chí Lê Hoàng Quân - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: để hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế đã đề ra, nhiệm vụ quý II và 6 tháng đầu năm 2012 của địa phương là rất nặng nề, đòi hỏi các ngành, các cấp trong toàn Thành phố tập trung khắc phục những tồn tại, vướng mắc, nắm chắc tình hình để chủ động ứng phó, thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nhiệmh vụ, giải pháp sau:
Một là, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ, ưu tiên vay vốn thuộc các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến; thúc đẩy sản xuất công nghiệp; tăng cường nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư du lịch. Tiếp tục tìm kiếm thị trường xuất khẩu; khuyến khích doanh nghiệp hướng vào tăng năng suất lao động và tối ưu hóa chi phí. Tổ chức tốt các buổi tiếp xúc để cùng với doanh nghiệp khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Hai là, rà soát, xác định và phân loại nợ thuế; đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra thuế; xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về thu ngân sách Nhà nước. Tăng cường quản lý đầu tư nguồn vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; ưu tiên các dự án kết cấu hạ tầng giao thông. Phấn đấu thu ngân sách vượt chỉ tiêu pháp lệnh Trung ương giao.
Ba là, tiếp tục thực hiện đồng bộ và có hiệu quả 6 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015, đó là: chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chương trình cải cách hành chính gắn với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị; chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố; chương trình giảm ùn tắc giao thông; chương trình giảm ngập nước và chương trình giảm ô nhiễm môi trường.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm soát giá cả; xử lý nghiêm hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Thực hiện có hiệu quả chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và bình ổn thị trường.
Năm là, tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá kết quả bước đầu thực hiện các chương trình đột phá đã đề ra trong giai đoạn 2011 - 2015, theo đó đề ra các giải pháp mới từ thực tiễn để nâng cao hiệu quả, chất lượng, tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện từng chương trình đột phá trong giai đoạn tiếp theo./.
- Bộ đội Biên phòng với các giải pháp đột phá để xây dựng “thế trận lòng dân” khu vực biên giới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Đổi mới tư duy pháp lý về an ninh mạng trong kỷ nguyên mới
- Thành phố Đà Nẵng phát huy tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tiên phong, đột phá, phát huy vai trò trung tâm kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
- Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý
- Phát triển nhân lực khoa học, công nghệ Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
-
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay