Thủ tướng Nga V.Putin trong chương trình tranh cử Tổng thống năm 2012
TCCSĐT - Nước Nga đang gấp rút chuẩn bị bước vào giai đoạn cuối của cuộc vận động tranh cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 4-3-2012. Ứng cử viên được đánh giá có nhiều khả năng sẽ giành thắng lợi là cựu tổng thống Nga đồng thời là đương kim Thủ tướng Nga V.Putin.
Thủ tướng Nga V.Putin đã tự mình soạn thảo chương trình tranh cử gồm các nội dung quan trọng đề cập tới các vấn đề chính sách dân tộc, cải cách hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội và chính sách đối ngoại. Đây cũng là những luận điểm cơ bản phản ánh quan điểm của ông về chiến lược phát triển nước Nga trong thời gian tới.
Về chính sách dân tộc
Trong chính sách dân tộc, Thủ tướng Nga V.Putin đưa ra phương thức giải quyết hai vấn đề có ý nghĩa then chốt. Một là, khẳng định tính đồng nhất cũng như vai trò của nhân dân Nga trong sự tương tác đa dân tộc, đa dạng và phong phú trên toàn bộ lãnh thổ liên bang. Hai là, khẳng định vị thế của nhà nước Nga và nội dung trong chính sách quốc gia nhằm thiết lập sự tương tác đa văn hóa ở tất cả các cấp và trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tư tưởng - văn hóa. Trong vấn đề này, giáo dục có vai trò rất lớn với tư cách là nhân tố điều tiết mối quan hệ giữa các dân tộc. Quan điểm của Thủ tướng V.Putin là hướng tới xây dựng một chính sách quốc gia mang tính tổng hợp nhằm tạo ra sự thống nhất trên toàn bộ lãnh thổ cũng như nền tảng tư tưởng quốc gia Nga; giải thích một cách rõ ràng với mỗi công dân Nga cũng như với các quốc gia khác về mục đích tồn tại và ý nghĩa của nước Nga hiện đại.
Theo Thủ tướng Nga V.Putin, việc giải quyết vấn đề dân tộc ở Nga là một trong những yếu tố có ý nghĩa then chốt đem lại cho nhà nước Nga khả năng củng cố và mở rộng ảnh hưởng quốc tế, đồng thời góp phần thay đổi chủ đề chính trị - tư tưởng hiện nay trên thế giới, đưa các dân tộc và các quốc gia thoát khỏi âm mưu của một số thế lực ở phương Tây trong cái gọi là "truy tìm những kẻ phá hoại dân chủ” hoặc “cứu vớt nền dân chủ” ở các quốc gia riêng rẽ - một âm mưu đã từng dẫn đến các cuộc chiến tranh đẫm máu ở Nam Tư, Afghanistan, Iraq, Libya v.v...
Về thực chất, Thủ tướng V.Putin đề xuất với nước Nga và cả thế giới mô hình tương tác văn hóa - văn minh vượt ra khỏi khuôn khổ biên giới nước Nga. Nếu thực hiện thành công nguyên tắc này, đó sẽ là một trong những mô hình cho sự tương tác đa sắc tộc và đa văn hóa ở cấp độ quốc gia, giữa các quốc gia và trong từng quốc gia. Điều này sẽ tạo tiền đề để Nga có được vị thế trong các công việc quốc tế dựa trên các quan niệm về giá trị chung của thế giới. Bước đầu tiên theo hướng đó là xây dựng và thực hiện Đề án liên kết Á-Âu nhằm hạn chế tham vọng lãnh đạo thế giới của Mỹ.
Theo Thủ tướng Nga V.Putin, vấn đề thống nhất dân tộc đang là một trong những thách thức chủ yếu mà hầu như tất cả các nước hiện nay đều phải đối mặt. Đối với Nga, vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng vì hiện đang có một số thế lực chính trị trên thế giới mưu toan lợi dụng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa để thổi bùng mâu thuẫn và xung đột ở Nga. Theo nhận định của một số chuyên gia phân tích chính trị trên thế giới, một số thế lực chính trị ở phương Tây đang theo đuổi tham vọng làm tan rã nước Nga như là một quốc gia thống nhất, thành các quốc gia độc lập nhỏ hơn chịu sự kiểm soát và chi phối từ bên ngoài.
Về phát triển nền kinh tế ở Nga
Theo Thủ tướng Nga V.Putin, nước Nga cần có một nền kinh tế mới với ngành công nghiệp đủ sức cạnh tranh trên cơ sở công nghệ hiện đại. Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng Nga đã đề xuất một số giải pháp. Trước hết, Nga cần phải khắc phục sự lạc hậu về công nghệ. Thủ tướng Nga V.Putin tuyên bố đã đến lúc Nga phải giành lại vị thế dẫn đầu công nghệ trong một số lĩnh vực như dược phẩm, hóa công nghệ cao, vật liệu composite (loại vật liệu tổng hợp từ hai hay nhiều vật liệu khác nhau tạo nên vật liệu mới có tính năng hơn hẳn các vật liệu ban đầu), vật liệu phi kim loại, chế tạo máy bay, thông tin, truyền thông, công nghệ nano, hạt nhân và vũ trụ.
Theo Thủ tướng Nga V.Putin, trong thế giới ngày nay, để tạo ra sự đột phá trong phát triển các ngành khác nhau phải kết hợp hai yếu tố. Một là nỗ lực của các nhà lãnh đạo kinh doanh tập trung vào mục tiêu trung và dài hạn hơn là ngắn hạn. Hai là, có sự hỗ trợ mạnh từ phía nhà nước, thường là gián tiếp nhưng liên tục và lâu dài. Nhà nước có những đòn bẩy và ưu đãi thực tế giúp các công ty thực hiện các mục tiêu đặt ra, trong đó có ý nghĩa đặc biệt là sửa đổi các quy định và pháp luật để trợ giúp các công ty huy động nguồn lực và sử dụng nguồn lực đúng cách, có hiệu quả. Theo ông, cần phải thu hút nguồn vốn tư nhân, phát triển quy mô và phạm vi thị trường trong nước, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm cổ phần nhà nước trong nền kinh tế, chống tham nhũng.
Cải cách chính trị
Những ý tưởng về cải cách hệ thống chính trị và chuyển hướng chính sách đối ngoại của Nga là những nội dung có sức thu hút hơn cả trong Chương trình tranh cử của Thủ tướng Nga V.Putin.
Trong chính sách đối nội, Thủ tướng Nga V.Putin nêu ra những biện pháp cải cách chính trị theo hướng tạo ra những yếu tố kiềm chế và đối trọng trong các hệ thống chính quyền ngành dọc, tạo điều kiện cho các công dân tự do bày tỏ chính kiến, nâng cao trách nhiệm của từng thành viên trong xã hội trước hành động của họ. Về cải cách chính trị, Thủ tướng Nga V.Putin chủ trương hướng tới một xã hội dân chủ hơn. Theo ông, thiếu tính dân chủ thì không thể xây dựng một nhà nước hiện đại và có hiệu quả. Do đó, các cơ chế của nền dân chủ cần phải được cải tiến.
Thủ tướng Nga V.Putin nhấn mạnh rằng, chính sách được thực hiện trong những năm 2000 đã thể hiện ý chí của nhân dân. Hơn 10 năm qua, tầng lớp trung lưu ở Nga đã hình thành. Họ vượt khỏi thế giới nhỏ của sự vun đắp sung túc cá nhân và bắt đầu tham gia tác động và thúc đẩy phát triển xã hội công dân. Do đó, ông đã đề xuất xây dựng một cơ chế chính trị biết nắm bắt và phản ánh lợi ích của các nhóm xã hội, thu hút họ tham gia vào công cuộc cải cách. Theo ông V.Putin, các công dân Nga cần có "lợi ích tích cực"- đó là khả năng tự giác đề xuất các kiến nghị lập pháp và hành pháp. Ở đây, Internet đóng một vai trò rất lớn.
Theo Thủ tướng Nga V.Putin, nên có một ý thức nhà nước mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cuộc sống, sáng tạo và kinh doanh. Để làm điều này, cần phải thay đổi phương pháp đánh giá hiệu suất làm việc của các quan chức. Ông V.Putin đã đề nghị kỷ luật đối với các quan chức nhà nước một khi chất lượng làm việc kém và vi phạm tiêu chuẩn dịch vụ công. Cũng theo ông V.Putin, cuộc chiến chống tham nhũng phải là công việc của toàn dân; cần xác định những chức vụ nào dễ dẫn tới tham nhũng, những công chức đã và đang giữ chức vụ sẽ nhận được mức lương cao nhưng phải chấp nhận sự minh bạch tuyệt đối về giao dịch tài chính cá nhân, bao gồm cả chi tiêu và các khoản mua sắm lớn của gia đình.
Trong chính sách đối ngoại, Thủ tướng Nga V.Putin chủ trương hội nhập sâu hơn và mạnh hơn vào không gian hậu Xô viết; hợp tác tích cực với Trung Quốc và các nước khác; vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với NATO và Mỹ.
Tăng tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên V. Putin
Theo nhận xét của cựu Thủ tướng Nga, Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Nga, ông Evgeny Primakov, Thủ tướng Nga V.Putin là nhân vật xứng đáng nhất cho vị trí tổng thống Nga hiện nay. Trong một lần trả lời phỏng vấn của các phóng viên báo chí, ông Evgeny Primakov nhận định: “Theo suy nghĩ của tôi, ông V.Putin là ứng cử viên thích hợp nhất. Tất nhiên, trong giai đoạn tranh cử người ta càng chăm chú vào các hoạt động của ông trước đấy và ở những chức vụ nhà nước cấp cao. Cũng như bất cứ chính trị gia nào, ông V.Putin không tránh khỏi vấp váp sai lầm. Điều này đặc biệt rõ ràng trong chính sách nhân sự. Nhưng điều quan trọng là ông V.Putin đã thể hiện rõ mình là người có phẩm chất một chiến sĩ chống khủng bố, đấu tranh vì sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Nga, vì sự phát triển bền vững không cần đến các "cuộc cách mạng màu" trong điều kiện khủng hoảng toàn cầu.
Theo số liệu khảo sát xã hội, đầu năm 2012, các ứng viên tranh cử tổng thống Nga còn lại chỉ giành được tỷ lệ ý kiến ủng hộ thấp hơn nhiều so với ứng cử viên V.Putin. Đó là, Chủ tịch Đảng Cộng sản Nga G. Zyuganov giành được 10%; thủ lĩnh Đảng Dân chủ - tự do V.Zhirinovsky giành được 9%; lãnh đạo Đảng “Nước Nga công bằng” Sergei Mironov đạt 5%. Đứng cuối danh sách là ứng cử viên tự đăng ký Mikhail Prokhorov được 3%, và thủ lĩnh Đảng "Yabloko" Grigory Yavlinsky là 2%./.
Nợ công châu Âu từ góc nhìn quân sự  (24/02/2012)
10 nội dung tập trung thanh tra phòng, chống tham nhũng năm 2012  (24/02/2012)
10 nội dung tập trung thanh tra phòng, chống tham nhũng năm 2012  (24/02/2012)
Lào tặng huân chương cho Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Việt Nam  (23/02/2012)
Phó Thủ tướng hội kiến Thủ tướng Lào tại Kon Tum  (23/02/2012)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay