Phân hóa xã hội ở Mỹ

Hoàng Lan
20:06, ngày 10-11-2011

TCCSĐT - Báo cáo mới nhất của Cơ quan Dân số Mỹ được dư luận chung gọi là “bức tranh về một nước Mỹ khác trong lòng nước Mỹ hiện tại”. Những số liệu trong đó phản ánh tình trạng nghèo và phân hóa xã hội ngày càng tăng.

 

Tháng trước, Tổng thống B. Obama đã phát động một kế hoạch mới nhằm cố gắng tăng cơ hội việc làm 

Theo báo cáo này, gần 50 triệu người dân Mỹ hiện tại thuộc diện nghèo, 46 triệu người Mỹ có đủ thức ăn hằng ngày nhờ vào tem phiếu lương thực của nhà nước, hàng chục triệu người cần đến các khoản trợ cấp của nhà nước để trả tiền thuê nhà và sưởi ấm trong mùa đông.

Cũng theo báo cáo của Cơ quan dân số Mỹ, hiện ở Mỹ có tới hơn 20 triệu người dân thuộc diện đặc biệt nghèo, tức là thu nhập hàng năm không quá 5.500 USD. Chiếm số đông trong diện này là người cao tuổi, người gốc châu Á và Mỹ La-tinh. Tình trạng nghèo và phân hóa xã hội này đang trở thành vấn đề xã hội lớn và cấp thiết ở nước Mỹ.

Báo cáo trên cũng chỉ ra một số nguyên nhân đưa đến nghịch cảnh của xã hội là càng phát triển thì tỷ lệ nghèo càng tăng và phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc. Trong những nguyên nhân ấy có tác động bị hạn chế của các chương trình cứu trợ của nhà nước, hệ thống bảo hiểm xã hội lạc hậu và không bao trùm được tất cả các tầng lớp trong xã hội.

Báo cáo này cũng chỉ ra rằng, quá trình phi công nghiệp hóa là một trong nhiều nguyên nhân khiến chỗ làm việc trong các khu công nghiệp giảm mạnh, khiến những người tốt nghiệp các trường học, đã được đào tạo không có việc làm, do vậy họ không có cơ hội lập nghiệp, thăng tiến trong tương lai.

Chỉ tính riêng trong hơn 20 năm qua, tại Mỹ đã có hơn 50.000 xí nghiệp bị đóng cửa và từ năm 2000 trở lại đây có hơn 6 triệu chỗ làm việc ở nước này bị mất do chuyển dịch ra nước ngoài, phá sản doanh nghiệp hoặc hợp lý hóa sản xuất trong xí nghiệp. Người da đen và người gốc Phi cũng là những đối tượng gặp khó khăn đặc biệt trong xã hội.

Một nguyên nhân khác được nêu trong báo cáo là chi phí cho giáo dục và đào tạo tăng nhanh khiến rất nhiều gia đình không có đủ khả năng tài chính cho con học hành nghiêm chỉnh và đầy đủ. Học phí cao và vay tín dụng để học trong các trường đại học khiến sinh viên chịu gánh nặng tài chính trong thời gian dài. Cơ hội để thoát khỏi cảnh khó khăn về tài chính và xã hội của người Mỹ không được như ở các nước Tây Âu. Một báo cáo so sánh khác của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD mới đây cũng đưa lại kết quả đó.

Theo báo cáo của Cơ quan Dân số Mỹ thì người già và trẻ em là những người bị tác động nặng nhất của sự phân hóa xã hội. Lương hưu thấp và dịch vụ chăm sóc y tế không bảo đảm khiến cho hai diện đối tượng này luôn gặp khó khăn trong xã hội. Hiện 1/6 số người cao tuổi ở Mỹ đang trong tình cảnh nghèo khổ. Xu hướng này có thể tăng lên cả về số lượng lẫn mức độ. Tỷ lệ trẻ em nghèo khổ ở Mỹ năm 2010 là 22% và cũng có xu hướng ngày càng tăng.

Nhìn vào bức tranh về sự phân hóa xã hội trên đây có thể thấy mặt trái của sự phát triển ở Mỹ, qua đó cho thấy việc bảo đảm tính bền vững và công bằng xã hội càng trở nên cấp thiết hơn. Vấn đề xã hội này chắc chắn cũng sẽ đóng vai trò không nhỏ trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm tới ở Mỹ./.