TCCSĐT - Ngày 8-11-2011, sau cuộc bỏ phiếu biểu quyết trong Quốc hội về quyết toán ngân sách cho năm 2010, Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi tuyên bố sẽ từ chức. Cùng ngày, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou cũng kêu gọi tất cả bộ trưởng trong chính phủ do ông đứng đầu từ chức để mở đường cho việc thành lập chính phủ mới.

Sau quyết định sẵn sàng từ chức của đương kim Thủ tướng Hy lạp, Giorgos Papandreou, đảng cầm quyền và phe đối lập đang nỗ lực để thành lập chính phủ thống nhất dân tộc.

Trong khi đó, ở cuộc bỏ phiếu biểu về quyết toán ngân sách năm 2010 được coi là một lần bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi. Ông S.Berlusconi đã giành được 308 phiếu thuận trong tổng số 630 nghị sỹ Quốc hội nhưng lại có tới 316 phiếu trắng. Điều đó có nghĩa là ông S.Berlusconi không còn có được đa số ủng hộ nữa trong Quốc hội và việc ông phải từ chức không còn có thể tránh khỏi. Tại Italy, dư luận cho rằng, không chỉ con đường công danh chính trị của vị thủ tướng 75 tuổi này sắp kết thúc mà còn cả một thời kỳ mới sắp được mở ra cho Italy.

Sau cuộc gặp trực tiếp Thủ tướng Silvio Berlusconi ngày 8-11 tại Roma, Tổng thống Italy Napolitano cho biết, ông S.Berlusconi sẽ từ chức sau khi Quốc hội thông qua kế hoạch ngân sách cho năm tới.

Trên kênh truyền hình Canale 5, Thủ tướng Silvio Berlusconi xác nhận là "thị trường không còn tin rằng, đất nước Italy có đủ khả năng để thực hiện những biện pháp cần thiết. Vì thế chúng ta phải làm tất cả để chứng minh cho các thị trường tài chính thấy là chúng ta có đủ khả năng làm việc đó".

Trong những ngày vừa qua, không chỉ dư luận chung ở Italy gia tăng áp lực ép Thủ tướng Silvio Berlusconi từ chức vì cho rằng, Chính phủ của ông S.Berlusconi không có khả năng ngăn cản nguy cơ Italy lâm vào khủng hoảng tài chính như Hy Lạp, đồng thời, ông S.Berlusconi đang mất dần đồng minh tham gia chính phủ của mình. Lần đầu tiên, Thủ lĩnh của Đảng Lega Nord, đồng minh quan trọng nhất của ông S.Berlusconi trong Chính phủ liên hiệp, ông Umberto Bossi đã công khai "khuyên" Thủ tướng Silvio Berlusconi từ chức để mở đương cho việc thành lập chính phủ mới có được sự hậu thuẫn sâu rộng của toàn xã hội nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính và nguy cơ đất nước bị phá sản như Hy Lạp.

Thủ tướng Silvio Berlusconi đã chấp nhận từ chức sau khi các biện pháp cải cách kinh tế theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) được quốc hội nước này thông qua. Dự kiến các biện pháp cải cách kinh tế mới nhất của chính phủ sẽ được Quốc hội Italy đưa ra thảo luận và bỏ phiếu vào tuần tới.

Như vậy, ở cả Italy và Hy Lạp, các đảng phái chính trị đều chủ định dàn xếp với nhau thành lập chính phủ mới chứ không áp dụng biện pháp tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn như ở Slovakia. Vậy là chỉ trong thời gian rất ngắn, cuộc khủng hoảng tài chính trong EU đã làm sụp đổ chính phủ đương quyền ở thêm ba thành viên EU là Slovakia, Hy Lạp và Italy./.