Sáng 3-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi và Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi: Đa số các đại biểu đều nhất trí, trong tình hình hiện nay, cần phải nhanh chóng ban hành Luật nhằm tạo hành lang pháp lý, từ đó tạo cơ sở lòng tin với người gửi tiền. Đồng thời, cũng là những cơ sở quan trọng để hạn chế rủi ro.

Nêu ra thực tế việc tích trữ vàng trong dân ngày càng lớn hiện nay, các đại biểu cho rằng để hạn chế việc tích trữ vàng, động viên người dân gửi tiền, huy động ngày càng nhiều nguồn vốn trong dân, thì trước hết phải tạo được lòng tin với người dân. Và để làm được việc này, bên cạnh việc ban hành và giám sát việc thực thi luật một cách nghiêm túc thì các tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải nâng cao trách nhiệm mới tạo được niềm tin cho nhân dân.

Với những quy tắc chung, dự án Luật được đánh giá là đã cơ bản đề cập đến những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng dự án Luật cần quy định cụ thể hơn nữa cách xử lý những vi phạm; cần phải nêu chế tài cụ thể đối với từng hành vi vi phạm cụ thể; phải cụ thể hóa khi phân định, tránh bị chồng chéo giữa các cơ quan khi xử lý chế tài. Cụ thể, phải quy định rõ loại tiền nào được bảo hiểm tiền gửi, đô la và vàng có là đối tượng được đưa vào bảo hiểm không? Có đại biểu cũng nêu chất vấn cơ quan nào sẽ được giao trọng trách giám sát bảo hiểm tiền gửi; có nên giao Ngân hàng Nhà nước quản lý bởi theo đại biểu Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội (Yên Bái), Ngân hàng Nhà nước vừa quản lý, vừa là cơ quan công bố số liệu doanh thu và hạn mức bảo hiểm tiền gửi hằng năm thì sẽ dẫn đến hiện tượng có thể họ tự kê khai không đúng với thực tế. Đó là chưa kể đến khả năng các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng có sự thỏa thuận ngầm với Ngân hàng Nhà nước về hạn mức đóng phí bảo hiểm. Đại biểu đề nghị nên có cơ quan thanh tra bảo hiểm tiền gửi là các cơ quan kinh tế trực thuộc Nhà nước hoặc Kiểm toán Nhà nước.

Về mức chi trả của bảo hiểm tiền gửi với người gửi tiền khi xảy ra rủi ro, các đại biểu cho rằng mức 50 triệu đồng không những không còn phù hợp mà còn thể hiện sự thiếu an toàn trong bối cảnh hiện nay, các đại biểu đề nghị nâng mức chi trả lên khoảng 150-200 triệu đồng.

Về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Các đại biểu cho rằng, nước là tài nguyên đặc biệt thiết yếu cho nhu cầu đời sống nên việc bảo vệ và khai thác tài nguyên nước một cách đúng đắn là vô cùng quan trọng. Trên tinh thần ấy, các đại biểu cho rằng dự án Luật cần đánh giá tổng quát được lợi ích mà nguồn tài nguyên nước mang lại cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Các đại biểu nhấn mạnh đến việc phải xây dựng kế hoạch khai thác nguồn tài nguyên này cụ thể cho từng năm, từng thời kỳ; đồng thời phải có biện pháp hiệu quả bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này./.