TCCSĐT - Ngày 3-11, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng thành phố; Ngô Thị Doãn Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố; Phạm Anh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Năm năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Hà Nội đã tăng cường chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ TP đến cơ sở, tập trung triển khai kế hoạch công tác Phòng chống tham nhũng một cách toàn diện, gắn công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí với thực hiện cải cách hành chính, bước đầu có chuyển biến, nhất là về nhận thức trong đội ngũ cán bộ công chức về ý thức tự phòng ngừa tham nhũng.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chủ động ban hành hành động, chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện; các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của đơn vị mình; xây dựng các quy định, quy trình thực hiện trong các lĩnh vực quản lý tài chính, quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản, thẩm định, phê duyệt dự án,… nhằm hạn chế những sơ hở có thể dẫn đến tham nhũng, lãng phí. Các cấp, các ngành đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, sâu sát cơ sở, tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo; xem xét kịp thời các đơn vị tố cáo tham nhũng, lãng phí nên đã hạn chế được các vụ việc phức tạp...

Sau 5 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết, toàn thành phố đã kết luận giải quyết 14.439 vụ khiếu nại tố cáo, đạt 83% số vụ việc phải giải quyết, trong đó có 375 đơn tố cáo hành vi tham nhũng. Qua xem xét, giải quyết đơn tố cáo hành vi tham nhũng đã kiến nghị, xử lý các sai phạm theo quy định. thành phố đã thanh tra, kiểm tra 295 cuộc về Phòng chống tham nhũng, giá trị tài sản tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra là hơn 1.140 triệu đồng. Toàn thành phố đã kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu ở 62 đơn vị quận, huyện, sở, ngành và 130 đơn vị trực thuộc. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm 20 trường hợp và giải quyết tố cáo 43 trường hợp, đồng thời các cấp ủy đảng đã xử lý kỷ luật đối với hành vi tham nhũng 52 trường hợp. Công an thành phố Hà Nội đã khám phá và khởi tố 125 vụ/273 bị can, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố đã quyết định truy tố chuyển tòa án 74 vụ/164 bị can, Tòa án nhân dân thành phố đã xét xử 109 vụ/265 bị cáo...

Các tham luận tại hội nghị đã tập trung làm rõ nét những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại cần khắc phục, đồng thời đề xuất một số biện pháp để Phòng chống tham nhũng, lãng phí trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh giải pháp tăng cường các biện pháp tuyên truyền về Phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân tham gia tố giác, phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc kê khai, minh bạch tài sản; xây dựng và thực hiện nghiêm các quy định, quy trình công tác cán bộ...

Bên cạnh những thành tích đạt được, công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Phòng chống tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Chuyển biến về nhận thức, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa cao. Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức ở một số đơn vị nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân, nhất là trong các khâu làm thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thẩm định hồ sơ dự án, duyệt quyết toán… Việc tự phát hiện tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế. Phần lớn các vụ việc được phát hiện do quần chúng nhân dân tố giác. Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng còn hạn chế…

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định, trong thời gian tới, quan điểm, định hướng của Hà Nội tiếp tục xác định công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, với phương châm: Chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời, ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm minh. Đồng thời các cấp ủy đảng phải luôn phát huy tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Đồng chí Nguyễn Thế Thảo cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí phải được thực hiện đồng bộ các giải pháp, trên cơ sở đảm bảo các nguồn lực, xác định rõ quyền và nghĩa vụ, thường xuyên kiểm tra đôn đốc, đánh giá, kịp thời động viên khen thưởng, xử lý vi phạm đối với các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức. Chú trọng đến công tác cán bộ và cải cách hành chính. Nâng cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện công khai minh bạch trong mọi hoạt động của các cơ quan hành chính để người dân biết và cùng giám sát. Đồng thời, phải phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Xây dựng cơ chế để động viên và phát huy tính chủ động, tích cực tham gia phản ánh, tố giác tham nhũng, lãng phí của nhân dân.

Đại diện Sở Nội vụ Hà Nội cho rằng, để giải quyết triệt để vấn đề tham nhũng thì phải tăng lương và chăm lo đời sống cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng chế tài mạnh để xử lý các trường hợp tham nhũng và xử lý thật nghiêm minh đối với các trường hợp tham nhũng đã bị phát hiện. Đồng thời thực hiện kê khai tài sản đối với toàn dân...

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đề nghị Hà Nội coi công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí là công việc cần tiến hành thường xuyên. Đặc biệt phải rút ngắn khoảng cách quyết tâm và hành động phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, đề cao tính tiên phong, gương mẫu của các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu. Coi trọng và phát huy vai trò giám sát của các cơ quan, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, ban giám sát đầu tư cộng đồng. Song song đó phải kịp thời chỉ đạo, biểu dương các tổ chức cá nhân phòng chống tham nhũng, lãng phí, có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng.../.