Một số thành tựu về bảo đảm quyền trẻ em trong thời kỳ đổi mới ở nước ta

Hoàng Văn Nghĩa TS, Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
16:11, ngày 03-11-2011
TCCS - Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn có quan điểm và chính sách nhất quán về quyền trẻ em. Theo đó, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, là một vấn đề ưu tiên trong mọi chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về quyền trẻ em

Ngay từ khi mới thành lập và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta đã đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên tắc “nam nữ bình quyền” như là cơ sở của sự giải phóng phụ nữ, trao quyền bình đẳng cho phụ nữ, đồng thời cũng khẳng định quyền bình đẳng giữa trẻ em gái và trẻ em trai, chống mọi hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính và lứa tuổi. Những tư tưởng tiến bộ về quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử - một trong những nguyên tắc nền tảng của chuẩn mực quốc tế và Liên hợp quốc về quyền con người - đã tiếp tục được khẳng định trong những văn kiện tiếp theo của Đảng và được thể chế hóa thành luật và chính sách của Nhà nước ta. Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đã ghi nhận sự bảo đảm quyền trẻ em, đó là: “Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng” (Điều 14), và “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp. Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình nhà nước” (Điều 15). Quan điểm nhất quán về chăm lo và bảo đảm quyền trẻ em được thể hiện xuyên suốt trong các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001).

Chủ trương của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung cũng như về quyền trẻ em nói riêng là một trong những ưu tiên trọng yếu của chiến lược phát triển con người xuyên suốt mọi thời kỳ lịch sử và cách mạng Việt Nam. Đại hội VII của Đảng (năm 1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với việc khẳng định con người là trung tâm của sự phát triển và chăm lo đến quyền và lợi ích chính đáng của tất cả mọi người là mục tiêu của phát triển. Đại hội XI của Đảng (năm 2011) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tái khẳng định những giá trị nền tảng này và phát triển, bổ sung những nội dung mới trong mục tiêu “Về phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện chính sách xã hội”, đó là: con người là trung tâm của chiến lược phát triển; tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện chính sách xã hội đúng đắn, công bằng, bảo đảm bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; chăm lo đời sống những người già cả, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi; thực hiện bình đẳng giới, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em...

 Nhằm bảo đảm cho thế hệ trẻ Việt Nam  phát triển toàn diện, giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa của thế giới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Những quan điểm được thể hiện trong các văn kiện của Đảng là cơ sở quan trọng để hình thành các chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cũng như các cấp chính quyền trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em, tôn trọng, bảo đảm và thực thi các quyền trẻ em.

Sau khi tham gia ký kết các điều ước quốc tế về quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng, đặc biệt là Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc năm 1989 và hai Nghị định thư bổ sung năm 2000, Nhà nước Việt Nam đã tích cực nội luật hóa các quy định của hệ thống pháp luật quốc tế về quyền trẻ em vào trong hệ thống pháp luật quốc gia, đồng thời đẩy mạnh triển khai, thực thi chính sách bảo đảm quyền trẻ em. Hệ thống pháp luật và chính sách của Nhà nước Việt Nam liên quan đến việc thực thi quyền trẻ em, về cơ bản, phù hợp với các điều khoản của Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc.

Xuất phát từ 4 nguyên tắc của Công ước về quyền trẻ em, có thể khái quát hệ thống pháp luật của Việt Nam về quyền trẻ em dựa trên 4 nhóm quyền:

- Nhóm quyền được sống (quyền sống, được chăm sóc sức khỏe và y tế ở mức cao nhất có thể,...).

- Nhóm quyền được phát triển (quyền được hưởng thụ mọi hình thức giáo dục, có mức sống đầy đủ và điều kiện cho sự phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ, đạo đức, môi trường văn hóa, xã hội của trẻ em,...).

- Nhóm quyền được bảo vệ (quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức phân biệt đối xử, lạm dụng hay sự thờ ơ, chống lại mọi sự xâm hại, quyền được bảo vệ của trẻ không có gia đình, không quốc tịch, tị nạn,...).

- Nhóm quyền được tham gia (quyền được tôn trọng ý kiến, được bày tỏ quan điểm, tự do tiếp cận thông tin, lập hội, hội họp hòa bình...).

Việc phân chia 4 nhóm quyền nói trên chỉ mang ý nghĩa tương đối, bởi trên thực tế, các nhóm quyền có liên hệ chặt chẽ, thống nhất, không thể tách rời và đôi khi chuyển hóa lẫn nhau. Để thực thi các quyền của trẻ em, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách, có thể khái quát dưới hai hình thức chính là nhóm chính sách chung và nhóm chính sách về các vấn đề, lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn, trong nhóm chính sách chung gồm có: Thứ nhất, mọi trẻ em đều có quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục với sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội. Thứ hai, bình đẳng và không phân biệt đối xử đối với mọi trẻ em. Thứ ba, Nhà nước quan tâm đặc biệt tới nhóm trẻ em thuộc đối tượng chính sách, trẻ em khuyết tật, trẻ em nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ em thuộc hộ nghèo và cận nghèo, trẻ em là người dân tộc thiểu số... Thứ tư, chính sách bình đẳng dân tộc và đại đoàn kết dân tộc tạo cho mọi trẻ em đều có quyền bình đẳng về cơ hội trong việc tiếp cận chăm sóc, bảo vệ, giáo dục và phát triển. Thứ năm, thực hiện chính sách nhân đạo, khoan dung và giáo dục, xử lý chuyển hướng đối với trẻ em làm trái pháp luật.

Các chính sách cụ thể bao gồm: Một là, trẻ em dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí. Trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được khám, chữa bệnh theo chế độ miễn, giảm phí. Hai là, giáo dục tiểu học phổ cập, bắt buộc và miễn phí. Trẻ em được học tiểu học hoàn toàn miễn phí tại các trường công lập. Ba là, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em dưới 1 tuổi; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ xuống 15% vào năm 2015. Bốn là, phòng, chống tai nạn thương tích đối với trẻ em; phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em; phòng, chống lạm dụng và bóc lột sức lao động trẻ em. Năm là, trợ giúp kinh phí cho gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được Nhà nước, xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục. Sáu là, trẻ em thuộc đối tượng chính sách được miễn giảm học phí ở bậc giáo dục trung học cơ sở.

Các chương trình quốc gia, như Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em (1991 - 2000) và Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 2001 - 2010 đã được triển khai chính là sự cụ thể hóa các chính sách đó. Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 2001 - 2010 nêu lên 15 nhóm mục tiêu và đưa ra 8 hệ thống giải pháp nhằm đạt mục tiêu tổng quát là tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu và quyền lợi cơ bản của trẻ em, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường an toàn và lành mạnh để trẻ em Việt Nam có cơ hội được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phát triển toàn diện về mọi mặt, có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Một số thành tựu trong việc bảo đảm các nguyên tắc của quyền trẻ em

Về nguyên tắc “Quyền được sống và được phát triển của trẻ”. Việt Nam đã cụ thể hóa luật pháp, chính sách thành hàng loạt chương trình, biện pháp liên quan tới bảo vệ quyền sống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em...

Chăm lo sức khỏe cho trẻ em là một điều kiện quan trọng để bảo vệ quyền được sống và phát triển của trẻ. Ở cấp toàn quốc và địa phương, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ tử vong dưới 5 tuổi đã giảm đáng kể, tỷ lệ trẻ từ 0 - 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí đạt kết quả cao, tỷ lệ trẻ  từ 3 - 5 tuổi được đến trường mầm non ở các địa phương khá cao (khoảng 95% - 98%); số trẻ em bị tai nạn,  thương tích giảm đáng kể; các điều kiện về nước sạch, vệ sinh môi trường... được cải thiện.

Quyền của trẻ em được bảo vệ và được bình đẳng trước pháp luật, không bị phân biệt đối xử đã được ghi nhận tương đối đầy đủ trong hệ thống pháp luật và bảo đảm trong thực tiễn. Chính sách bình đẳng và không phân biệt đối xử trong tiếp cận dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục, các chương trình ở Trung ương và địa phương đã được triển khai và cải thiện. Trẻ em được bình đẳng tiếp cận các cơ hội trong giáo dục, y tế và mọi lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, về cơ bản, được thực hiện tốt ở nhiều địa phương. Kết quả khảo sát nghiên cứu về tình hình thực hiện Chỉ thị số 55/CT-TW của Bộ Chính trị trên phạm vi toàn quốc cho thấy những bước tiến rõ rệt trong việc tôn trọng, bảo đảm và thực thi quyền trẻ em. Cấp ủy đảng, chính quyền ở nhiều địa phương đã đặc biệt chú trọng đến việc triển khai và thực hiện nghị quyết, các chương trình và kế hoạch hành động về tăng cường bảo vệ trẻ em, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng và cha mẹ về việc tôn trọng pháp luật, tôn trọng các quyền của trẻ em. Đặc biệt, từ sau khi Quốc hội thông qua hai luật mới là Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007) và triển khai thực hiện hai luật đó một cách sâu rộng trên phạm vi toàn quốc, ý thức tôn trọng pháp luật trong việc nuôi dạy con cái để giảm thiểu mọi hành vi ngược đãi, phân biệt đối xử hoặc bạo hành đối với trẻ em đã có chuyển biến rõ rệt.

Về nguyên tắc “Vì lợi ích tốt nhất của trẻ”. Nhà nước và chính quyền địa phương rất quan tâm đến việc bảo vệ trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng (như trẻ em thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, trẻ khuyết tật, trẻ vô gia cư, trẻ sống chung với HIV/AIDS...). Nhiều mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng đã và đang được thực hiện thí điểm và nhân rộng. Với việc cụ thể hóa các quy định mang tính hiến định, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới đã tạo ra khuôn khổ pháp lý cần thiết cho hoạt động phòng ngừa và đấu tranh với mọi hành vi xâm hại trẻ em. Các cấp chính quyền địa phương đã triển khai và cụ thể hóa nhiều chương trình quốc gia về phòng, chống bạo hành trẻ em, buôn bán trẻ em, trẻ em lao động trong điều kiện độc hại, nguy hiểm, bị lạm dụng, xâm hại về thể chất và tinh thần...

Trong việc bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục của trẻ, Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương đã thực thi nhiều biện pháp nhằm xóa bỏ khoảng cách giới ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Đến nay, giáo dục Việt Nam đã cơ bản bảo đảm được bình đẳng giới. Chỉ số phát triển giới (GDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện từ 0,668 (năm 1998) lên 0,689 (năm 2004).

Lợi ích tốt nhất cho trẻ em đã được ghi nhận và bảo đảm bằng các nguyên tắc hiến định, luật định và thực tiễn tư pháp. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định nhiều điều khoản, theo đó lợi ích tốt nhất cho trẻ em phải luôn được bảo đảm trong hoạt động tố tụng hình sự và dân sự. Đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, lợi ích tốt nhất của các em luôn được Nhà nước quan tâm, bảo đảm. Hiện nay, số trẻ mồ côi, không nơi nương tựa được Nhà nước chăm sóc chiếm 74,38% trong tổng số trẻ em mồ côi; khoảng 75,85% số trẻ tàn tật được chăm sóc dưới các hình thức khác nhau tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước và tại các mô hình dựa vào cộng đồng, khoảng 84,1% số trẻ em lang thang được quản lý và chăm sóc; trẻ em lao động trong điều kiện độc hại, nguy hiểm, bị lạm dụng, xâm hại, bị buôn bán đã được các cơ quan chức năng can thiệp và từng bước giải quyết kịp thời.

Về nguyên tắc “Bình đẳng và không phân biệt đối xử”. Nguyên tắc này đã được quán triệt và triển khai trong thực tế ở phạm vi quốc gia và địa phương. Nhiều địa phương đã đưa vào chương trình tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong đối xử với trẻ em tại gia đình và trong cộng đồng. Nhiều địa phương đã đưa mục tiêu bình đẳng giới, giảm tỷ lệ trẻ em gái bỏ học ở bậc trung học cơ sở và tăng cường bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đối với các nhóm trẻ dễ bị tổn thương vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương. Ủy ban nhân dân các cấp đã quán triệt nghị quyết, tổ chức triển khai, chỉ đạo thực hiện các hoạt động xây dựng, thực thi các kế hoạch, chương trình hành động về quyền trẻ em. Tình trạng kỳ thị giới đối với trẻ em gái đã giảm đáng kể, nhất là từ khi Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực và được triển khai mạnh mẽ. Tỷ lệ trẻ em gái và trai tại bậc giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt mức gần tương đương, việc tái hòa nhập mạnh mẽ của trẻ em khuyết tật vào hệ thống giáo dục phổ thông... là sự phản ánh bước tiến quan trọng về quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em không dựa trên bất cứ sự phân biệt đối xử nào.

Về nguyên tắc “Tôn trọng ý kiến và sự tham gia của trẻ”. Trẻ em được tham gia các tổ chức, đoàn thể phù hợp với nguyện vọng và tâm lý của các em. Theo báo cáo của Chính phủ, hiện có 18 triệu trẻ em là thành viên của các tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong, Sao Nhi đồng, Đội Tuyên truyền măng non, nơi các em có thể tham gia văn nghệ, tổ chức diễn đàn, tuyên truyền về quyền trẻ em, về phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma túy, gìn giữ môi trường và nhiều vấn đề xã hội khác... Hàng chục ngàn trẻ em đã tham gia các diễn đàn dành cho trẻ. Các em đã có cơ hội nói lên tiếng nói của mình, đối thoại với lãnh đạo các cơ quan dân cử, như Quốc hội và hội đồng nhân dân, lãnh đạo của Nhà nước, Chính phủ về những vấn đề liên quan tới trẻ em. Trẻ em Việt Nam cũng tích cực tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế, như Diễn đàn khu vực "Chúng em nói về HIV/AIDS" nhân dịp Hội nghị tư vấn khu vực Đông Á – Thái Bình Dương về trẻ em và HIV/AIDS được tổ chức tại Hà Nội...

Theo Báo cáo của Chính phủ, cho đến nay, cả nước có 44 câu lạc bộ “Phóng viên nhỏ” với 2.500 thành viên chính thức đang hoạt động ở 22/63 tỉnh, thành phố. Các câu lạc bộ quyền trẻ em, như câu lạc bộ “Trẻ đường phố”, câu lạc bộ “Sống khỏe mạnh” được duy trì và mở rộng. Hiện có 17.000 câu lạc bộ quyền trẻ em được thành lập và hoạt động. Hơn 100 trường trung học cơ sở đã triển khai chương trình giáo dục sống khỏe mạnh và kỹ năng sống cho học sinh. Thông qua chương trình này, các em được nâng cao kiến thức, kỹ năng sống, đặc biệt các kỹ năng về phòng ngừa HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản... Hàng loạt hoạt động khác đã được tổ chức nhằm thu hút sự tham gia của trẻ em, như hoạt động hỗ trợ đồng đẳng, tổ chức ngày trẻ em sáng tạo, trang web Trẻ em với báo chí...

Những thách thức cần vượt qua và một số kiến nghị, giải pháp

Mặc dù đã đạt được những kết quả to lớn trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, thực hiện quyền trẻ em, nhưng chúng ta vẫn còn những bất cập, hạn chế và thách thức nhất định liên quan đến việc hiện thực hóa đầy đủ và nâng cao không ngừng khả năng thụ hưởng các quyền con người của trẻ em. Một trong những tồn tại và thách thức lớn nhất là điều kiện kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và ở nông thôn. Hệ thống dịch vụ y tế ở nhiều địa phương còn nghèo nàn, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của trẻ em. Hệ thống giáo dục và chất lượng giáo dục, đào tạo còn chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện và chưa thực sự tạo ra cơ hội tiếp cận bình đẳng trong thực hiện quyền được học tập của trẻ em. Tình hình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt diễn biến phức tạp. Nhận thức của gia đình, xã hội, các cấp, các ngành về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đôi lúc còn chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực và nhận thức của một bộ phận cán bộ trong việc hoạch định chính sách, pháp luật, thực thi pháp luật và làm công tác thực tiễn về vấn đề quyền trẻ em, cũng như nhận thức của một bộ phận nhân dân, xã hội và các bậc phụ huynh về pháp luật và quyền trẻ em còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. 

Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em cả nước hiện vẫn ở mức gần 20%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng về chiều cao, còi xương ở trẻ em còn khá phổ biến trên phạm vi toàn quốc cho thấy mức độ tái suy dinh dưỡng và suy dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam còn cao. Tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em đa phần ở các hộ gia đình nghèo, khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hay trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thực tế này đòi hỏi những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa của các chủ thể nghĩa vụ trong việc bảo đảm và thực thi đầy đủ quyền cho trẻ em.

Để vượt qua những thách thức này và tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, thực hiện quyền trẻ em,  ở cấp độ quốc gia, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền trẻ em; tăng cường năng lực ban hành, thi hành và bảo vệ pháp luật của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; ban hành các chính sách hiệu quả và thiết thực hơn nữa nhằm hỗ trợ cho các hộ nghèo và trẻ em nghèo trong tiếp cận hệ thống giáo dục, dịch vụ y tế, tư pháp nhằm bảo vệ và hiện thực hóa đầy đủ các quyền của trẻ em. Cần có những biện pháp, chế tài và xử lý nghiêm minh mọi hành vi bạo hành với trẻ em, sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ em, cũng như sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong việc tôn trọng, bảo đảm và thực thi quyền trẻ em... Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa cơ chế giám sát hiện nay của Quốc hội, các ủy ban chuyên trách trực thuộc Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động thực hiện quyền trẻ em. Cần hoàn thiện cơ chế giám sát có sự tham gia của cộng đồng, xây dựng cơ chế giám sát có sự tham gia của trẻ em.

Ở cấp độ địa phương, các cấp chính quyền và ban, ngành địa phương cần tiếp tục thực thi hiệu quả những giải pháp sau: Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành địa phương và cộng đồng về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, tăng tỷ lệ huy động trẻ dưới 6 tuổi đến trường ở vùng sâu, vùng xa và miền núi. Hai là, tăng cường năng lực thi hành pháp luật và chính sách liên quan đến quyền trẻ em của các cấp chính quyền, địa phương thông qua các chương trình tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ sở. Ba là, đẩy mạnh việc triển khai các chương trình của cấp trên và của địa phương liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; hằng năm, đầu tư ngân sách thích đáng cho các hoạt động phổ biến, giáo dục, tuyên truyền về quyền trẻ em, về chăm sóc, bảo vệ trẻ em; có những chính sách phù hợp nhằm tăng cường về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ y tế, giáo viên và bảo vệ trẻ em. Bốn là, tăng cường vai trò giám sát của các ban, ngành, đoàn thể nhân dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là vai trò của hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, đội thiếu niên,..; tăng cường vai trò tham gia của cộng đồng và trẻ em vào quá trình lập kế hoạch, triển khai thực thi và giám sát hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Năm là, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và trong nước nhằm tăng cường các hoạt động tập huấn nâng cao nhận thức về quyền con người, quyền trẻ em, về phương pháp tiếp cận dựa trên quyền trong lập kế hoạch, chương trình cho các cán bộ lãnh đạo, quản lý và thực hiện chương trình trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt ở cấp địa phương./.