Ứng xử của EU ở Bắc Phi
TCCSĐT - Diễn biến nhanh, phức
tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường của cuộc khủng hoảng chính trị tại Bắc
Phi khiến cho các nhà hoạch định chính sách châu Âu lúng túng. Tình hình khủng
hoảng kéo dài tại khu vực sẽ khiến cho châu Âu gặp nhiều bất lợi, nhất là trong
bối cảnh đang phải đối mặt với khủng hoảng nợ công và nguy cơ tái khủng hoảng
kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (euro). Vì thế, những giải pháp chiến
lược cho khu vực này được các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách của EU đặc
biệt quan tâm.
Bất ngờ và lúng túng
Vừa qua, các sự kiện chính
trị tại các quốc gia Bắc Phi đã gây bất ngờ và lúng túng cho EU. Ngay sau khi
những nhà lãnh đạo cũ của Tuy-ni-di và Ai Cập bị lật đổ, các nước thành viên EU
đã đạt được thành công trong việc hình thành và phát triển một thể chế dân chủ
mới ở hai nước này. Hiện nay, Bruc-xen mong muốn hỗ trợ mạnh cho quá trình
chuyển đổi dân chủ tại đây. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại kế hoạch và chính sách
liên minh giữa Địa Trung Hải và châu Âu có thể sẽ tạo được nhiều thuận lợi về
thương mại, nhưng đồng thời cũng xuất hiện nhiều ảnh hưởng mới phát sinh trong
dài hạn. Bên cạnh đó, trong ngắn và trung hạn, EU vẫn chưa có biện pháp để giải
quyết xung đột và ngăn chặn bạo lực leo thang trong giai đoạn chuyển tiếp tại
Tuy-ni-di và Ai Cập, đặc biệt về chính trị.
Không giống với Li-bi hiện
đang rơi vào nội chiến, những cuộc cách mạng ở Tuy-ni-di và Ai Cập đã được coi
là thành công và đang tiến triển một cách tương đối hòa bình và trật tự theo
hướng có lợi cho EU. Tuy nhiên, tình hình tại các nước này cũng có những phức
tạp riêng và việc thành lập một cơ cấu quyền lực mới không phải là vấn đề ngày
một ngày hai. Trong tình hình hiện nay và trong tương lai gần, nếu tiến hành
thay đổi hoàn toàn cơ cấu chính trị có thể dẫn đến một sự đảo ngược, thậm chí dẫn
đến bùng nổ xung đột bạo lực.
Sự sụp đổ của chế độ cũ ở
Tuy-ni-di và Ai cập là một thách thức lớn cho chính sách ngoại giao châu Âu. EU
đã có những chính sách, chủ yếu tập trung vào việc duy trì ổn định quan hệ hợp
tác đối với những thể chế chính trị mới tại khu vực. Tuy nhiên, theo đánh giá
của các nhà phân tích, những chính sách mới của EU chưa thể giải quyết được
những bất ổn cấp thời và chuyển đổi chế độ hiện nay. Cuộc khủng hoảng chính trị
hiện đã vượt xa ranh giới của Bắc Phi và đang thử thách khả năng hành động của
EU trong tương lai. Vì thế các nhà phân tích chính trị đã đưa ra những đánh giá
quan trọng nhằm tạo cơ sở cho việc hoạch định chính sách.
Rủi ro và thách thức
Cho đến nay, duy nhất chỉ có
Tuy-ni-di, nước được coi là khởi đầu cho các cuộc “cách mạng” tại khu vực, có
nhiều hy vọng đạt được sự thay đổi về chính trị một cách hòa bình thông qua
việc lên kế hoạch tổng tuyển cử vào tháng 7-2011. Trong khi Ai Cập cũng đã có
kế hoạch dự định tổ chức bầu cử Quốc hội vào tháng 9-2011, song tình hình chính
trị tại đây còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn khó lường. Liên minh châu Âu đã
nhanh chóng đứng ra đảm nhận vai trò bảo đảm, hỗ trợ các nước này trong việc chuẩn
bị và thực hiện các cuộc bầu cử. Theo dự kiến, kế hoạch bảo đảm của EU sẽ được
thực hiện thông qua việc cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật và gửi quan sát viên bầu cử
đến khu vực.
Theo đánh giá của các chính
trị gia, đây là hoạt động hỗ trợ của EU, các quốc gia thành viên và các cuộc
bầu cử tại khu vực trong tình hình hiện nay vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ rủi
ro. Một số nhà quan sát khu vực đã bày tỏ mối quan ngại rằng: từ nay đến bầu cử
liệu có đủ thời gian để thành lập các đảng chính trị mới, kích hoạt cơ chế lãnh
đạo của các đảng mới và việc thực hiện các cải cách cần thiết để tiến hành bầu
cử.
Trước mắt, cũng có những lo
ngại về việc thành lập một cơ chế ổn định tạm thời để bảo đảm rằng tất cả các
lực lượng chính trị có liên quan đều có thể tham gia bầu cử. Hội đồng châu Âu
đã cảnh báo về một kịch bản, nếu EU hỗ trợ quá trình bầu cử thì có thể dẫn đến
sự phản ứng của người dân về một cuộc bầu cử thiếu công bằng và bất hợp pháp.
Do đó, EU có thể sẽ chuyển hướng tập trung vào việc bảo đảm cho quá trình chuẩn
bị tổ chức bầu cử được toàn diện và công bằng nhất.
Trong khủng hoảng chính trị
tại Bắc Phi, lực lượng quân đội và an ninh có vai trò hết sức quan trọng và
được coi là đại diện có tính chất quyết định đến ổn định an ninh trong giai
đoạn chuyển tiếp. Tuy nhiên, tại Tuy-ni-di, lực lượng an ninh tại nhiều địa
phương đã tự giải tán, trong khi các cuộc biểu tình và đình công vẫn đang tiếp
diễn. Trong khi đó, tại Ai Cập, quân đội đã nắm giữ quyền lực. Chính vì vậy,
người dân ở hai nước này đang nghi ngại về các lực lượng an ninh, quân đội. Từ
vai trò mang tính quyết định của lực lượng an ninh, quân đội, việc xây dựng lại
và cải cách lực lượng cảnh sát và quân đội cần phải được đưa vào trong chương
trình hợp tác đối với EU. Thông qua khung hợp tác về Chính sách an ninh quốc
phòng chung (CSDP), EU có thể hành động nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, trên danh
nghĩa, CSDP sẽ đóng vai trò là điều phối viện trợ nhân đạo chứ không phải để hỗ
trợ cải cách các lực lượng an ninh của Tuy-ni-di hoặc Ai Cập.
Việc hỗ trợ chuẩn bị cho cuộc
bầu cử dân chủ, tiến hành các cuộc “đối thoại quốc gia” được coi là công cụ
quan trọng trong việc hòa giải giữa các nhóm chính trị khác nhau cũng như để
hướng dẫn quy trình chuyển tiếp một cách hòa bình và trật tự. Ca-thơ-rin
A-ston, phụ trách về đối ngoại và an ninh của EU, bảo đảm EU sẽ hỗ trợ cho các
quá trình đối thoại nếu Tuy-ni-di, Ai Cập và Y-ê-men sẵn sàng và có nhu cầu.
Trong trường hợp này, EU và các tổ chức quốc tế khác chỉ có thể đóng vai trò
“dự thính”, nếu không, hành động của họ tại các nước này sẽ bị coi là sự can
thiệp bất hợp pháp.
Tuy nhiên, chương trình hỗ
trợ “đối thoại quốc gia” của EU sẽ gặp nhiều khó khăn không những ở Li-bi, mà
còn ở thế giới A Rập và các nước Bắc Phi khác do ảnh hưởng của EU trong khu vực
từ trước đến nay không đủ mạnh. Trên thực tế, sau các chuyến thăm của
Ca-thơ-rin A-ston, tình hình khu vực cơ bản vẫn không thay đổi. Cho đến nay, EU
vẫn chưa có đại diện đặc biệt tại Bắc Phi để cung cấp thông tin nhằm hỗ trợ cho
EU có thể phản ứng nhanh hơn trong những tình huống tương tự như hiện tại.
Tổ chức lại các công cụ
Phụ trách về đối ngoại và an
ninh, bà Ca-thơ-rin A-ston và Ủy ban châu Âu đã phản ứng trước các biến động
chính trị ở Bắc Phi và sẽ xem xét lại các chương trình cơ bản của EU hiện đang
hợp tác với các nước nam Địa Trung Hải. Ngày 11-3-2011 vừa qua, tại Hội nghị
thượng đỉnh các nước trong Hội đồng châu Âu, một tuyên bố chung về các biện
pháp được mang tên “Đối tác vì dân chủ và chia sẻ thịnh vượng” đã được đưa ra.
Theo đó, các nước sẽ cùng củng cố quan hệ và hợp tác trong quá trình chuyển đổi
chính trị tại khu vực. Chương trình nhằm hỗ trợ, giúp đỡ quá trình dân chủ,
thành lập các thể chế dân chủ, phát triển xã hội dân sự và kích thích kinh tế
bằng cách thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, EU cũng đã đưa ra
quyết định sai lầm đối với khu vực. Tại Tuy-ni-di, trong khi các cam kết bầu cử
dân chủ, tự do và công bằng vẫn chưa rõ ràng về thời gian, mức độ và quá trình
kéo dài cũng như các điều kiện kèm theo thì bà A-ston ngay lập tức đã công bố
hỗ trợ 17 triệu euro nhằm xóa bỏ quan liêu, hỗ trợ toàn bộ quá trình chuyển
tiếp và đặc biệt là các vùng nghèo khó. Một đại diện của chính phủ lâm thời Tuy-ni-di
đã tỏ ra thất vọng với quyết định và tuyên bố trên của EU. Hơn nữa, EU đã không
nhìn thấy mặt trái của việc hỗ trợ này ảnh hưởng đến Ai Cập khi không có yêu
cầu chính thức từ Cai-rô.
Chương trình hành động
Liên minh châu Âu chỉ vừa mới
bắt đầu thích ứng với “công cụ cộng đồng” của mình để đáp ứng các nhu cầu phát
triển trong các tình huống khủng hoảng. Năm 2007, Công cụ cho sự ổn định (IfS)
đã được thành lập, cho phép EU phản ứng đối phó với những tình huống tương tự
một cách nhanh chóng và linh hoạt hơn. IfS có khả năng hoạch định chính sách
cũng như lên kế hoạch hành động trong vòng vài tuần, thay vì vài tháng như
trước đây trong các lĩnh vực như cải cách an ninh khu vực, liên kết các lực lượng
chiến đấu, củng cố xây dựng lại cơ sở hạ tầng bảo đảm an ninh.
Tuy nhiên, điểm yếu chính của
IfS là sự phân bổ ngân sách không đầy đủ và thiếu tập trung. Từ năm 2007 đến
2013, khoảng 2 tỉ Euro đã được dành cho IfS, tương đương khoảng 3% ngân sách
dành cho tất cả các công cụ trong chính sách đối ngoại của EU, bao gồm cả Quỹ
Phát triển châu Âu. Trong năm 2009 và 2010, IfS đã thực hiện nhiều hoạt động
tại hơn 40 quốc gia khác nhau trên thế giới.
Đồng thời, mục tiêu đặt ra
trong chương trình IfS đang bị chỉ trích về tính nhất quán, về mục đích cũng
như chức năng của nó. Tại Li-băng, lực lượng cảnh sát, lực lượng biên phòng và
quốc hội đều nhận được hỗ trợ từ IfS. Trong khi đó, ở Xi-ri trọng tâm của IfS
là trợ giúp cho người tị nạn I-răc. Bên cạnh đó, các quỹ dành cho vùng lãnh thổ
Pa-le-xtin lại nhắm đến mục tiêu thúc đẩy tiến trình hòa bình với I-xra-en và
tái thiết Dải Ga-da.
Sau các cuộc khủng hoảng
chính trị ở Tuy-ni-di và Ai Cập, kế hoạch “hành động bên ngoài lãnh thổ châu
Âu” hiện đang được ủy ban châu Âu triển khai. Theo đó, IfS sẽ được áp dụng đối
với hai nước này. Các nhà phân tích nhận định, đây có thể được coi là một tin
tốt, hứa hẹn đem lại nhiều kết quả cho các chương trình hành động của châu Âu.
Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, phương án cụ thể để tiến hành đưa IfS vào
hai nước này vẫn chưa được công bố.
Nếu Liên minh châu Âu có một
vị trí tốt, có thể phản ứng nhanh và hiệu quả hơn, cũng như phối hợp tốt hơn
với các đối tác của mình trong việc đối phó với những diễn biến nhanh, phức tạp
của các cuộc khủng hoảng trong tương lai, thì chắc chắn IfS sẽ được khuyến
khích tăng kinh phí một cách đáng kể.
Hiện nay, mặc dù các sự
kiện chính trị ở Bắc Phi đang rất phức tạp và tiềm ẩn nhiều diễn biến khó
lường, song các nước thành viên châu Âu dường như chưa thể đưa ra một quyết
định chung. Các nhà phân tích chính trị cho rằng: trước tình hình hiện nay,
việc EU thiết lập các ưu tiên và chính sách rõ ràng trong việc kiểm soát khủng
hoảng tại khu vực nên được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, trước khi tiến hành các
hoạt động trên, cần phải có sự nhất trí và sẵn sàng chấp nhận các họat động hỗ trợ
nước ngoài của những nhà chính trị trong khu vực.
Bên cạnh đó, cũng cần có sự
giúp đỡ của các tổ chức quốc tế khác như Liên hợp quốc. Đồng thời, các hoạt
động trong khuôn khổ IfS phải được công khai, rõ ràng và phải có sự nhất quán
trong mục đích. Các nhà hoạch định chính sách đang kỳ vọng vào sự trợ giúp bên
ngoài trong năm tài chính 2013, sẽ có thêm cơ hội để nâng cao các ưu tiên và
tiêu chí chính trị nền tảng cho IfS.
Để có được bức tranh toàn
cảnh, bao quát và rõ ràng hơn về tình hình khu vực, EU cần phải tăng cường tham
gia trao đổi với các bên. EU cần phải cải thiện các công cụ trong quản lý khủng
hoảng và tăng cường sự hiện diện chính trị của mình ở các khu vực xảy ra khủng hoảng.
Chương trình hành động bên ngoài lãnh thổ châu Âu mới được tạo ra có thể được
coi là tiền đề quan trọng trong quá trình này. Tuy nhiên, khi đối mặt với cuộc khủng
hoảng hiện nay ở Bắc Phi, châu Âu cho đến nay vẫn chưa thể hiện rõ vai trò của
mình ở khu vực này.
Như vậy, những thành công
nhanh chóng của cuộc “cách mạng” ở Bắc Phi, các phong trào đấu tranh trong thế
giới A-rập với sự bất ngờ, lúng túng của các nhà hoạch định chính sách tại châu
Âu đã chỉ ra rằng, Liên minh châu Âu cần phải tăng cường các công cụ của mình
để giải quyết cuộc khủng hoảng cấp tính và biến động chính trị. Đồng thời, từ
kinh nghiệm khu vực cũng đặt ra yêu cầu EU phải phản ứng nhanh chóng và linh
hoạt hơn nữa để đối phó với những tình huống tương tự trong tương lai./.
Tài liệu tham khảo
1. NN: Tổng hợp từ tài
liêu nước ngoài (Báo Berliner Zeitung, Der Spiegel - Đức)
2. Linh Chi (Theo Press
Europe): Hậu khủng hoảng Bắc Phi, châu Âu sẽ
có đường biên giới mới? dvt.vn, 04/03/2011
3. Trùng Quang: Châu Âu
chia rẽ vì bất ổn ở Bắc Phi. thanhnien.com.vn, 19-04-2011
4. luocbao.com: Châu Âu sẽ “nuốt trọn” Bắc Phi? 05-03-2011.
Thủ tướng phát lệnh khởi công đường hành lang ven biển phía Nam  (16/05/2011)
"Bầu cử tại Trường Sa là công việc nội bộ của VN"  (16/05/2011)
Khởi công nhà máy sản xuất pin mặt trời  (16/05/2011)
Các địa phương sẵn sàng cho ngày bầu cử  (16/05/2011)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự Đại lễ Phật Đản  (16/05/2011)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm