Việt Nam là một người bạn gần gũi và hữu nghị của Mông Cổ
Nhân dân hai nước luôn luôn gần gũi, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong 54 năm thiết lập quan hệ ngoại giao
Sáng 30-10, tại Cung Nhà nước ở Thủ đô U-lan Ba-to, sau lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Mông Cổ Nam-ba-rin En-khơ-bai-a đã hội đàm.
Tại cuộc hội đàm, Tổng thống En-khơ-bai-a khẳng định, Việt Nam là một trong những người bạn gần gũi và hữu nghị nhất của Mông Cổ, mong muốn Việt Nam trở thành cầu nối trong hợp tác giữa Mông Cổ và các nước Đông Nam Á.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống En-khơ-bai-a nhất trí đánh giá, Việt Nam và Mông Cổ có quan hệ chính trị tốt đẹp. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Ngoại giao cách đây 54 năm, nhân dân hai nước luôn luôn gần gũi và hữu nghị với nhau, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế - thương mại còn thấp, chưa tương xứng với quan hệ chính trị và tiềm năng cũng như nhu cầu hợp tác của hai bên. Trong năm 2007, Việt Nam xuất khẩu sang Mông Cổ hàng hoá trị giá hơn 5 triệu USD, chủ yếu là nông sản chế biến, hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ. Còn Mông Cổ chưa xuất khẩu hàng hóa nào sang Việt Nam từ 7 năm nay.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống En-khơ-bai-a thống nhất tiếp tục duy trì truyền thống trao đổi đoàn cấp cao và các đoàn ở cấp bộ, ngành, địa phương hai nước nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống.
Hai Nguyên thủ nhấn mạnh, các bộ, ngành cần tích cực triển khai các thoả thuận hợp tác đã ký kết, trong đó đặc biệt phát huy vai trò của Uỷ ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học kỹ thuật Việt Nam - Mông Cổ nhằm tạo bước phát triển mới trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật, nông nghiệp, giáo dục, y tế. Chính phủ hai nước khuyến khích và ủng hộ doanh nghiệp tích cực tìm kiếm các hình thức và lĩnh vực hợp tác.
Mông Cổ hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư khai thác các loại khoáng sản như than, đồng, dầu khí, xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, liên doanh chế biến nông sản, sản xuất thuốc chữa bệnh cho người và gia súc...
Hai bên cũng nhất trí phối hợp giải quyết vấn đề vận chuyển hàng hoá nhằm tăng kim ngạch buôn bán giữa hai nước lên 10 triệu USD vào năm 2010; tăng cường giao lưu văn hoá, tổ chức hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao giữa hai nước vào năm 2009.
Nhân dịp này, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết thông báo việc Việt Nam quyết định tặng nhân dân Mông Cổ 1.000 tấn gạo và đồng ý bán cho Mông Cổ 20.000 tấn gạo với giá không tính lãi; cung cấp một số xe cứu thương trị giá 300.000 USD thay cho dự án viện trợ xây dựng trạm thuỷ điện nhỏ mà hai bên đã thoả thuận trước đây.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã mời Tổng thống Mông Cổ sang thăm chính thức Việt Nam. Tổng thống En-khơ-bai-a vui vẻ nhận lời.
Kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống En-khơ-bai-a chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ về Hợp tác kinh tế và công nghiệp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Mông Cổ.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí, Tổng thống En-khơ-bai-a tin tưởng chuyến thăm chính thức Mông Cổ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ là dấu mốc mới thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Mông Cổ và Việt Nam. Lãnh đạo cấp cao hai nước đều nhất trí rằng, quan hệ chính trị Mông Cổ - Việt Nam đang phát triển hết sức tốt đẹp, đồng thời thống nhất đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư lên ngang tầm mối quan hệ chính trị. Hai bên cũng đã trao đổi và nhất trí phải tăng cường hơn nữa hợp tác về văn hóa, giáo dục, du lịch…
Tổng thống En-khơ-bai-a cám ơn Nhà nước Việt Nam trong dịp này đã tặng Mông Cổ 1.000 tấn gạo, một số xe cứu thương, bán cho Mông Cổ 200.000 tấn gạo không tính lãi. Tổng thống En-khơ-bai-a cũng tin tưởng Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Mông Cổ được tổ chức nhân chuyến thăm sẽ là cơ hội để doanh nghiệp hai nước tìm ra đường hướng hợp tác mới trong tương lai, góp phần phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, Việt Nam và Mông Cổ có nhiều tiềm năng để đưa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển hơn nữa. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Mông Cổ trong các lĩnh vực như khai thác khoáng sản, du lịch, nông nghiệp… Ủy ban liên Chính phủ hai nước sẽ tích cực triển khai hợp tác.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, Mông Cổ là người bạn truyền thống, thủy chung, Việt Nam sẽ nỗ lực cao nhất để quan hệ hữu nghị và hợp tác hai nước ngày càng phát triển.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ Mông Cổ
Chiều nay (30-10), tại Cung Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Đ. Đem-be-ren và Phó Thủ tướng thứ nhất Chính phủ Mông Cổ Nô-rô-vin An-tan-hu-i-a-gơ đến chào.
Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng sang thăm đất nước Mông Cổ tươi đẹp; được dịp cảm nhận sâu sắc những tình cảm thân thiết của nhân dân Mông Cổ đối với nhân dân Việt Nam, tận mắt chứng kiến những thành tựu to lớn mà nhân dân Mông Cổ anh em đạt được thời gian qua. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thông báo với Chủ tịch Quốc hội và Phó Thủ tướng Mông Cổ kết quả cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước và Tổng thống En-khơ-bai-a.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mong muốn Quốc hội và Chính phủ Mông Cổ tích cực ủng hộ và triển khai mở rộng các lĩnh vực hợp tác cụ thể, nhanh chóng tăng giá trị xuất khẩu khẩu song phương. Chủ tịch Quốc hội và Quyền Thủ tướng Mông Cổ cam kết thực hiện những thoả thuận mà lãnh đạo cấp cao hai nước đạt được, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và công dân Việt Nam sinh sống, đầu tư, kinh doanh tại Mông Cổ
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ Mông Cổ cũng thảo luận một số lĩnh vực mà hai nước có thể tăng cường hợp tác như Việt Nam xuất khẩu gạo và hàng tiêu dùng sang Mông Cổ, hợp tác khai thác khoáng sản, du lịch, giáo dục đào tạo... Từ năm 2004 đến năm 2008, Việt Nam đã nhận 42 sinh viên Mông Cổ, năm học 2009 -2010 sẽ nhận thêm 20 sinh viên nữa.
*** Cuối buổi chiều nay, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Nhà nước ta thăm Trường Trung học phổ thông số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thủ đô U-lan Ba-to.
Trường được thành lập năm 1949, có trên 1.000 học sinh và 300 giáo viên, từ năm 2005 liên tục được bầu là trường điểm xuất sắc của Thủ đô U-lan Ba-to, 2 lần được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Hữu nghị. Năm 1980, trường vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, có phòng văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh để giáo dục ý thức rèn luyện kỷ luật, thi đua học tập cho các em học sinh. Trường đã kết nghĩa với trường Trung học Phổ thông Chu Văn An, Hà Nội.
Nói chuyện với các thầy giáo, cô giáo và học sinh nhà trường, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu rõ: trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng tuyệt vời của tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Chủ tịch nước nói: “Tôi thật sự vui mừng vì cách xa Việt Nam hàng nghìn cây số, tại Mông Cổ có trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi cảm ơn các thế hệ thầy cô giáo và học sinh không ngừng phấn đấu đưa trường trở thành trường điểm, có nhiều thành tích xuất sắc ở Mông Cổ”.
Nhân dịp đến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng trường 20 máy vi tính, 10 máy in, 50.000 USD để tạo điều kiện cho các em học sinh học tập. Chủ tịch nước thông báo khi về nước sẽ tiếp tục gửi nhiều tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhà trường nghiên cứu và giảng dạy.
** Tối nay, tại Nhà khách Đại Thiên, Tổng thống Mông Cổ Nam-ba-rin En-khơ-bai-a và Phu nhân mở tiệc trọng thể chào mừng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Nhà nước ta sang thăm chính thức Mông Cổ./.
Thông cáo số 12 Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII  (30/10/2008)
Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO những thành tựu và thách thức  (30/10/2008)
Xuất nhập khẩu, thương mại giá cả tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2008 của Thành phố Hồ Chí Minh  (30/10/2008)
Kinh tế thế giới đang rơi vào vòng xoáy của sự suy thoái  (30/10/2008)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên