Lời Bộ Biên tập: Nhằm đáp ứng yêu cầu của bạn đọc về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động, Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở kỳ này xin trao đổi về một số nội dung chủ yếu chung quanh vấn đề này.

* Hỏi: Xin Tòa soạn cho biết khái quát về bảo hiểm xã hội, các chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động hiện nay?

* Đáp: Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29-6-2006. Luật này quy định ba chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động là chế độ BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BHXH thất nghiệp. Theo quy định tại Điều 140, Luật BHXH sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2007, riêng các quy định về bảo hiểm tự nguyện sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2008, các quy định về bảo hiểm thất nghiệp sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2009.

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội thất nghiệp là người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp mà bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng chưa tìm được việc làm.

Luật BHXH quy định cùng lúc ba chế độ BHXH là bước cụ thể hóa quy định trong Hiến pháp và chính sách Nhà nước về phát triển các loại hình bảo hiểm xã hội, từng bước mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, góp phần đáp ứng mục tiêu an sinh xã hội. Xây dựng và thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ là cơ sở pháp lý cho đông đảo người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

* Hỏi: Những quy định mới về việc đóng góp và chi trả BHXH bắt buộc đối với người lao động?

* Đáp: Thay đổi về việc đóng BHXH bắt buộc: Trước kia, theo quy định tại Điều 36 NĐ 12/CP, người sử dụng lao động đóng bằng 15% so với tổng quỹ tiền lương của những người tham gia bảo hiểm xã hội trong đơn vị; trong đó 10% để chi các chế độ hưu trí, tử tuất và 5% để chi các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người lao động đóng bằng 5% tiền lương tháng để chi các chế độ hưu trí và tử tuất. Đây là mức đóng áp dụng đối với những người lao động thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc (tham gia hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên).

Theo quy định mới, người lao động thuộc diện đóng BHXH bắt buộc trước mắt vẫn đóng với mức 5% tiền lương và tiền công hằng tháng. Từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng bằng là 8%; người sử dụng lao động hằng tháng sẽ đóng 3% vào quỹ ốm đau và thai sản, 1% vào quỹ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, 11% vào quỹ hưu trí và tử tuất (riêng với quỹ này từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 14%). Như vậy, tổng mức đóng hiện tại của người sử dụng lao động vẫn là 15% quỹ tiền lương (tiền công) đóng BHXH của người lao động. Nhưng mức đóng sẽ tăng dần từ năm 2010 cho đến khi đạt mức 18% thì dừng lại.

Thay đổi trong việc chi trả các chế độ BHXH bắt buộc: Theo quy định của Luật BHXH, đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng 5 chế độ BHXH là: chế độ ốm đau, chế độ thai sản, chế độ tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Nhìn chung, thời gian nghỉ của từng chế độ BHXH và cách tính tiền lương đối với người lao động có những thay đổi theo hướng bảo đảm mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng BHXH trước đó của chính người lao động.

Về chế độ ốm đau, số ngày nghỉ chế độ ốm đau của người lao động có sự thay đổi trong những trường hợp ốm đau thông thường. Theo Nghị định số 12/CP, số ngày nghỉ là 30, 40 hoặc 50 ngày/năm tùy theo số năm đóng BHXH. Nay theo quy định mới về bảo hiểm bắt buộc, số ngày nghỉ tăng lên là 30, 40 hoặc 60 ngày/năm. Mức lương trong thời gian nghỉ vẫn là 75%.

Về chế độ thai sản, theo quy định mới về bảo hiểm bắt buộc, khi sinh con, ngoài 100% lương được hưởng tính theo thời gian nghỉ, với mỗi đứa con, người mẹ được hỗ trợ 2 tháng lương tối thiểu. Điều đáng lưu ý là, để được hưởng chế độ thai sản, người mẹ phải đảm bảo đã đóng BHXH ít nhất là 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Đây là quy định mới nhằm tránh tình trạng lợi dụng các quy định về bảo hiểm thai sản nhằm hưởng chế độ khi chưa đủ thời gian đóng góp BHXH; hoặc chỉ tham gia để hưởng chế độ thai sản, sau khi sinh con xong lại không tham gia BHXH.

Về chế độ BHXH đối với người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Theo quy định tại Nghị định 12/CP, chế độ đối với người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp có thể là trợ cấp 1 lần đối với người suy giảm sức lao động từ 5%- 30% theo 3 mức từ 4, 8 hoặc 12 tháng lương tối thiểu; trợ cấp hàng tháng đối với người bị suy giảm từ 31%- 100% theo các mức từ 0,4 đến 1,6 mức lương tối thiểu. Cách tính này không thể hiện được nguyên tắc hưởng thụ theo đóng góp của BHXH, mà chỉ bảo đảm mức chi trả BHXH trên cơ sở mức suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn.

Về chế độ hưu trí, người lao động khi đã đạt đến mức tối đa của lương hưu là 75% sẽ được hưởng thêm tiền trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu mỗi năm là 0,5 tháng lương tương ứng với số năm tiếp tục tham gia BHXH của họ. Mức trợ cấp này theo Nghị định 12/CP tối đa là 5 tháng lương (tương ứng với 10 năm tiếp theo tham gia BHXH). Theo luật BHXH, mức này không bị khống chế tối đa mà được tính căn cứ số năm tham gia BHXH của người lao động sau khi đã tính đủ tỷ lệ 75% lương hưu (đối với nam tính từ năm thứ 31 trở đi, đối với nữ tính từ năm thứ 26 trở đi).

Về chế độ tử tuất, tiền mai táng phí tăng từ 8 tháng tiền lương tối thiểu (theo Nghị định 12/CP) lên 10 tháng tiền lương tối thiểu (theo Luật BHXH) để chi phí cho tang lễ của người lao động bị chết. Tiền tuất hằng tháng đối với thân nhân người chết nếu đủ điều kiện hưởng tiền tuất hàng tháng có hai mức là 50% hoặc 70% mức lương tối thiểu/người/tháng (tùy thuộc vào việc những thân nhân này còn người trực tiếp nuôi dưỡng ngoài người đã chết hay không). Mức này theo quy định của Nghị định 12/CP là 40% và 70%. Tiền tuất 1 lần cũng tăng từ 1 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH lên 1,5 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH.

* Hỏi: Xin Tòa soạn cho biết cụ thể về các chế độ bảo hiểm thất nghiệp? Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thất nghiệp?

* Đáp: Theo Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12-12-2008 các chế độ bảo hiểm thất nghiệp gồm:

- Trợ cấp thất nghiệp: Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng phụ thuộc vào thời gian làm việc có đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

- Hỗ trợ học nghề: Mức hỗ trợ học nghề cho NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng mức chi phí học nghề ngắn hạn theo quy định của pháp luật về dạy nghề. Thời gian được hỗ trợ học nghề không quá 6 tháng. Thời gian được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm tính từ ngày người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng và không quá tổng thời gian mà người lao động đó được hưởng trợ cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật BHXH.

- Bảo hiểm y tế: Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ BHYT. Tổ chức BHXH đóng BHYT cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện:

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp;

- Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội (BHXH);

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật BHXH.

Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp./.