Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và nhiệm vụ năm 2009 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII, sáng 16-10-2008, đã phân tích và đánh giá tình hình đất nước trong năm 2008, cũng như những thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức để đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.

Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự ủng hộ và giám sát của Quốc hội, đặc biệt là sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, đến nay tuy khó khăn thách thức còn nhiều nhưng tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đạt được kết quả bước đầu quan trọng với việc triển khai đồng bộ 8 nhóm giải pháp: tập trung chỉ đạo kiên quyết việc thắt chặt tiền tệ và tài khoá; đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, hạn chế nhập siêu; tăng cường quản lý giá cả, ngăn chặn đầu cơ, bình ổn thị trường. Nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng khá trong điều kiện lạm phát cao, ước tính tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 6,5-7%.
 

 Các chỉ tiêu cần phấn đấu trong năm 2009

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 7% so với năm 2008;
 
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 76,7 tỉ USD, tăng 18% so với năm 2008.
 
Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 725 nghìn tỉ đồng, bằng 40% GDP.
 
Chỉ số tăng giá tiêu dùng dưới 15%

Số tỉnh đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở: 55 tỉnh
 
Mức giảm tỷ lệ sinh là 0,2‰
 
Tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu lao động
 
Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 12%
 
Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 19%
 
Cung cấp nước hợp vệ sinh cho 79% dân số nông thôn; tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch là 85%
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra 7 hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong nền kinh tế: 1- Lạm phát cao, nhập siêu lớn, cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. 2- Hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế khó đạt chỉ tiêu đề ra. 3- Đời sống nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, người nghèo và đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn. 4- Việc giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc còn chậm, kết quả còn hạn chế. 5- Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu là khâu đột phá; 6- An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn vẫn còn phức tạp. 7- Quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện tuy có bước tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
 
Qua thực tiễn điều hành đất nước, bước đầu có thể rút ra một số bài học thiết thực, đó là:
 
1- Phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn thể nhân dân trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững.
 
2- Phải đặc biệt coi trọng chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế trong quá trình phát triển. Yêu cầu tăng trưởng cao là cấp thiết, nhưng điều đó phải được thực hiện trên cơ sở tăng dần tỷ trọng đóng góp của các yếu tố: kỹ thuật, công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, quản lý tiên tiến và bảo đảm các cân đối vĩ mô để nâng cao hiệu quả, tính bền vững của sự phát triển.
 
3- Kiên trì và nhất quán thực hiện cơ chế kinh tế thị trường, đồng thời coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước.
 
4- Quan tâm tổ chức tốt công tác dự báo và phân tích kinh tế.
 
5- Căn cứ tình hình thực tế của đất nước để xác định nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức hành động với trách nhiệm cao nhất.
 
Mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế, xã hội của năm 2009 cần được xác định là: tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, chủ động hạn chế tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chăm lo tốt hơn an sinh xã hội; duy trì tăng trưởng hợp lý, bề vững; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010.
 

 Các giải pháp lớn

1. Tiếp tục kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô
2. Tháo gỡ khó khăn, huy động mọi nguồn lực để duy trì tăng trưởng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh
3. Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, giảm nhập siêu
4. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn
5. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và xoá đói giảm nghèo. Tăng đầu tư ngân sách nhà nước và đẩy mạnh xã hội hoá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hoá và bảo vệ môi trường
7. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng
8. Tăng cường công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội  
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trên, Thủ tướng trình bày 6 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện tốt:
 
Một là, thực hiện có hiệu quả các chính sách về tiền tệ, tài khoá, đầu tư, xuất nhập khẩu, tăng cường mức độ an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng; đưa lạm phát năm 2009 xuống dưới 15% và xuống một con số vào năm 2010.
 
Hai là, thực hiện tốt các chính sách hiện có và ban hành các chính sách mới phù hợp, nhằm bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo. Tiếp tục phát triển vững chắc các lĩnh vực văn hoá, xã hội và môi trường.
 
Ba là, phát huy mọi tiềm năng của đất nước, tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 7%, trên cơ sở tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển nhanh khu vực dân doanh, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, thu hút mạnh và nâng cao chất lượng của đầu tư nước ngoài.
 
Bốn là, đặc biệt coi trọng tính bền vững và chất lượng tăng trưởng trên cơ sở nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch và hiệu quả đầu tư, áp dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng trong sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế.
 
Năm là, tập trung cao hơn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X.
 
Sáu là, tập trung khắc phục những “điểm nghẽn” trong tăng trưởng, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, thu hút đầu tư; trong đó chú trọng công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là sức cạnh tranh cơ bản nhất, là yêu cầu bất biến trong thế giới toàn cầu hoá và biến đổi không ngừng./.