Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược: Đề cao trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong xem xét, giới thiệu nhân sự
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương trả lời phỏng vấn đã làm rõ hơn những công việc quan trọng mà Đảng đang triển khai thực hiện về nội dung quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Thưa đồng chí, công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 có điểm gì mới, khác so với nhiệm kỳ trước đây?
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình: Về tổng thể, trong suốt quá trình cách mạng của Đảng, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ luôn được Đảng ta và Bác Hồ đặc biệt quan tâm, coi trọng. Chính vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung lãnh đạo xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, quy chế, quy định liên quan đến công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, như: Nghị quyết Trung ương 4, 6, 7 Khóa XII; các Quy định của Bộ Chính trị về: phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ, về bảo vệ chính trị nội bộ; các Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về luân chuyển cán bộ, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí lãnh đạo cao cấp và nhiều hướng dẫn, quy định khác.
Các nghị quyết, quy chế, quy định được ban hành đã góp phần đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, tổng thể, liên thông các khâu trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên cơ sở phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp trong công tác cán bộ và quy hoạch cán bộ. Từng bước chuẩn hóa về tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình nhân sự và cách làm theo hướng chặt chẽ, dân chủ, minh bạch, công bằng, công tâm, khách quan. Đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở, tạo cơ chế, môi trường thúc đẩy, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng… Các nghị quyết, quy chế, quy định được ban hành nhằm khắc phục cho được những sơ hở, hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong công tác cán bộ, quy hoạch cán bộ và từng bước đẩy lùi tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ…”
Trên cơ sở nghị quyết, quy chế, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII và kế thừa những kinh nghiệm quý báu, cách làm của các nhiệm kỳ trước và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Kế hoạch số 11- KH/TW về quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó có một số nội dung đổi mới hết sức căn bản như sau:
Một là, việc xây dựng quy hoạch cấp chiến lược của Trung ương Đảng phải gắn kết chặt chẽ với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác nhân sự của mỗi nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng. Bộ Chính trị khóa XII đã xác định, cần tập trung lãnh đạo xây dựng quy hoạch cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, theo phương châm “làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó” với lộ trình cụ thể như sau: Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương trình Hội nghị Trung ương 9 và sau đó sẽ tiến hành quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo kế hoạch.
Hai là, đổi mới quy trình, cách làm trên cơ sở tiếp tục mở rộng dân chủ, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp trong việc xem xét, phát hiện, giới thiệu nhân sự của địa phương, cơ quan, đơn vị mình vào quy hoạch cấp chiến lược.
Ba là, cụ thể hóa về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh quy hoạch theo Quy định 90- QĐTW của Bộ Chính trị khóa XII về tiêu chuẩn, chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; đồng thời bổ sung quy định về cơ cấu, số lượng, đối tượng, quy trình, cách làm theo hướng thống nhất, đồng bộ, tổng thể, liên thông. Quy trình phát hiện, giới thiệu nhân sự quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện theo 04 bước; quy trình rà soát, thẩm tra, phê duyệt quy hoạch ở Trung ương thực hiện theo 05 bước.
Bốn là, trong xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự quy hoạch, coi trọng tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân và gia đình; năng lực công tác gắn với kết quả công tác, sản phẩm cụ thể ở lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách; có hoài bão, khát vọng đổi mới, vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan tham mưu trong công tác phối hợp để nâng cao chất lượng thẩm tra nhân sự quy hoạch; đồng thời, giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ trong xem xét, quyết định nhân sự quy hoạch; không vì số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn. Có cơ chế kiểm tra, kiểm soát không để “lọt” những người có một trong các hạn chế, khuyết điểm sau vào quy hoạch cấp chiến lược, cụ thể: Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; cơ hội chính trị, xu nịnh, chạy chức, chạy quyền; tham vọng cá nhân, không trong sáng; bản thân và gia đình không gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Xin đồng chí cho biết, tính tới thời điểm này, công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược đã đạt được những kết quả gì?
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình: Trên cơ sở quan điểm, mục đích, yêu cầu, tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình cách làm như trên; đến thời điểm hiện nay, về cơ bản các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm Kế hoạch 11 của Bộ Chính trị, tạo không khí phấn khởi, trách nhiệm, đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị. Nhìn chung, kết quả giới thiệu nhân sự cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra, bước đầu góp phần khắc phục hiện tượng chạy quy hoạch hoặc vận động, xin phiếu giới thiệu thông qua quen biết…
Trân trọng cảm ơn đồng chí!./.
Xoay chuyển bất ngờ trên "Bàn cờ chính trị" tại Syria  (23/12/2018)
Tiếp tục xây dựng Quân đội hùng mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa  (23/12/2018)
Quản lý phát triển xã hội ở nước ta trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư  (23/12/2018)
Thủ tướng dâng hương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh  (22/12/2018)
Một phần chính phủ Mỹ sẽ ngừng hoạt động vì không có ngân quỹ  (22/12/2018)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh liên quan đến quy hoạch  (22/12/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển