Xoay chuyển bất ngờ trên "Bàn cờ chính trị" tại Syria
Bước đi chiến lược của Mỹ
Ngày 19-12-2018, chính quyền của Tổng thống Trump thông báo bắt đầu rút binh lính Mỹ từ Syria về nước sau khi giành chiến thắng trong cuộc chiến chống IS, song không công bố thời gian biểu cụ thể. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White khẳng định liên minh quân sự quốc tế đã giải phóng IS ra khỏi các vùng lực lượng này chiếm giữ, song chiến dịch chống IS vẫn chưa kết thúc. Truyền thông Mỹ đưa tin toàn bộ nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ đang rời khỏi Syria trong 24 giờ, trong khi thời gian rút quân khỏi Syria được cho là sẽ kéo dài từ 60-100 ngày. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo sau đó, quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Trump đã không trả lời trực tiếp câu hỏi về việc Washington dự định sẽ tiến hành rút quân như thế nào cũng như liệu có thời hạn chót cho việc này hay không.
"Bàn cờ chính trị" tại Syria đã bất ngờ xoay chuyển khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ động đi một "nước cờ" mới, tuyên bố rút toàn bộ quân khỏi quốc gia Trung Đông này. Quyết định của ông Trump báo hiệu một sự chuyển dịch lớn, cơ bản về tương quan lực lượng tại Syria, song cũng đặt ra nhiều ẩn số trong bối cảnh lộ trình chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ 9 tại quốc gia Trung Đông đang "giậm chân tại chỗ".
Ông Trump từng đề cập khả năng rút quân Mỹ khỏi chiến trường Syria, song tuyên bố trên vẫn gây sốc và khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi. Trước đó, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria vẫn được cho là một sự bảo đảm về vai trò của Mỹ dẫn đầu liên minh quốc tế tại Syria, vốn can dự vào cuộc khủng hoảng Syria từ năm 2014 với mục tiêu buộc Tổng thống Bashar al-Assad phải từ bỏ quyền lực. Bên cạnh đó, việc Mỹ duy trì quân đội tại Syria từng được Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton coi như biện pháp "kiềm chế" Iran trong khu vực Trung Đông.
Các đồng minh của Mỹ tham gia liên quân quốc tế tại Syria coi tuyên bố của ông Trump là một "sai lầm lớn" khiến vai trò của Mỹ ở Trung Đông bị suy yếu, đồng thời cũng tạo ra "khoảng trống an ninh" bởi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng hiện vẫn là mối đe dọa. Có ý kiến còn cho rằng Tổng thống Trump đã bộc lộ "sự yếu thế" khi Nga, vốn được xem là đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung, đang ngày càng khẳng định vai trò dẫn dắt lộ trình giải quyết vấn đề Syria. Trước đó Nga từng cáo buộc Mỹ "viện cớ tiêu diệt IS" để tiếp tục hiện diện quân sự ở Syria, tiếp tục tiến hành cuộc chiến nhằm vào Chính phủ Syria, trong khi Iran và Syria thì cho rằng Mỹ đang cản trở tiến trình chính trị tại quốc gia Trung Đông này.
Và những toan tính phía sau
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump luôn cho rằng cuộc chiến mà Mỹ phát động chống khủng bố sau sự kiện 11-9-2011 là sai lầm chiến lược, hao người, tốn của do nước này đã mất tới hàng chục nghìn sinh mạng và hơn 4.000 tỷ USD, khi sa lầy vào các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan hay sau này ở Syria. Trên thực tế thì với sự can dự tích cực của Nga trong vài năm nay, tình hình cuộc xung đột Syria đã biến chuyển theo hướng chính quyền Damascus hầu như giành lợi thế trên thực địa. Các lực lượng đối lập Syria từng được Mỹ hậu thuẫn khi cuộc xung đột bùng phát đầu năm 2011, hầu như không còn khả năng xoay chuyển tình thế và đã phải ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ. Có thể nói, sự hiện diện của Mỹ trên "bàn cờ" Syria đang dần trở nên mờ nhạt, càng khiến Washington khó thực hiện mục tiêu thay đổi chế độ ở Syria.
Việc duy trì quân đội Mỹ tại Syria luôn tạo ra nguy cơ "đối đầu trực tiếp" với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Washington ủng hộ và hỗ trợ Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd tại Syria luôn khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó chịu bởi Ankara coi các tay súng người Kurd này là "khủng bố". Quan hệ giữa Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ cũng rạn nứt một phần liên quan việc Mỹ hậu thuẫn các tay súng người Kurd ở Syria. Thậm chí Ankara còn quyết định mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, bất chấp Mỹ đe dọa áp đặt lệnh cấm vận với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, quan hệ hai bên có dấu hiệu hòa dịu và chỉ vài ngày trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê uyệt thỏa thuận bán hệ thống tên lửa Patriot trị giá 3,5 tỉ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ. Về lý thuyết, việc Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện quan hệ có thể ngăn Ankara xích lại gần những đối thủ của Washington như Nga hay Iran, điều mà Mỹ luôn lo ngại, xét ở vị trí khá quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Nhà phân tích người Liban Nidal Sabi, một chuyên gia hàng đầu về hồ sơ Syria, thì cho rằng việc rút quân khỏi Syria là kết quả của một thỏa thuận bí mật giữa Washington và Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã hoan nghênh quyết định của Mỹ rút quân khỏi Syria.
Trong tình thế như vậy, việc Mỹ duy trì quân ở Syria tỏ ra là một "sự lãng phí" không cần thiết, và quyết định của Tổng thống Trump có thể coi là một tính toán chiến lược. Hơn nữa, trong bất cứ tình huống nào, Mỹ đều có khả năng tiến hành các chiến dịch không kích hoặc tấn công Syria bởi Washington đã thiết lập được hàng loạt căn cứ quân sự tại khu vực Trung Đông.
Xét từ góc độ đối nội, quyết định của Tổng thống Trump rút quân khỏi Syria có thể làm chệch hướng sự chú ý của dư luận nước Mỹ đối với những vấn đề khác mà hiện nay ông Trump đang phải đối mặt, từ chủ đề Nga can thiệp bầu cử tổng thống đến những tranh cãi xung quanh chính sách nhập cư cứng rắn. Tuy nhiên, việc Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ngay lập tức tuyên bố từ chức cũng cho thấy quyết định của ông Trump có thể gây ra những hiệu ứng ngược.
Việc Mỹ rút quân khỏi Syria chắc chắn sẽ tác động ít nhiều đến tình hình thực địa, tạo ra những phân nhánh địa chính trị bất ngờ. Vốn nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ trong nhiều năm qua, các lực lượng đối lập Syria có thể khó khăn trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, số lượng quân Mỹ hiện diện ở Syria không phải là lực lượng chủ lực có vai trò quyết định trong việc hậu thuẫn phe đối lập Syria. Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục có thể hỗ trợ về vũ khí, hay thông qua các đồng minh phương Tây khác vẫn đang duy trì lực lượng tại Syria, để "chống lưng" cho phe đối lập Syria. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, đây có thể là "cú hích" cho một sự trỗi dậy nào đó của phe đối lập Syria.
Bên cạnh đó, dư luận cũng hoài nghi về tuyên bố của Tổng thống Mỹ rút quân khỏi Syria, khi ông Trump nổi tiếng là người hay thay đổi với những quyết sách thường không được tham vấn trước với các cố vấn. Bản thân tuyên bố rút quân này cũng là sự đảo ngược một số tuyên bố trước đây của chính ông trong vấn đề Syria. Bởi vậy mà "nước cờ" mới của ông Trump vẫn được xem là mơ hồ và khó lường.
Phản ứng trái chiều của dư luận quốc tế
Chính giới Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới đã đưa ra quan điểm về quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ D. Trump.
Nhiều nghị sĩ Mỹ, trong đó có các nghị sĩ đảng Cộng hòa, quan chức Bộ Quốc phòng cũng như các đồng minh quốc tế của Washington đã lên tiếng phản đối quyết định này. Hầu hết các ý kiến chỉ trích cho rằng việc rút quân có thể tác động đến tình hình thực địa, tạo ra những phân nhánh địa chính trị bất thường, củng cố vai trò của Nga và Iran - vốn ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad - trong khu vực. Bên cạnh đó, quyết định này còn khiến số phận của liên minh giữa các tay súng người Kurd và Arab, trong đó lực lượng người Kurd chiếm đa số, còn gọi là Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF), được Mỹ ủng hộ, tham gia cuộc chiến chống IS, rơi vào tình cảnh không chắc chắn. Theo đó, liên minh này có nguy cơ bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công bởi lâu nay Ankara vẫn coi liên minh này là "khủng bố" và từng thông báo kế hoạch phát động chiến dịch nhằm vào các tay súng người Kurd, cụ thể là Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham - một đồng minh của Tổng thống Trump - coi đây là quyết định "thiếu thận trọng", đẩy người Kurd đến "rủi ro", trong khi Thượng nghị sỹ Marco Rubio cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Syria là một "sai lầm lớn" và sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng, vượt ra ngoài cuộc chiến chống IS. Về phần mình, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jack Reed cho rằng quyết định là "sự phản bội" đối với người Kurd, là một bằng chứng nữa cho thấy "Tổng thống Trump không có khả năng dẫn dắt vũ đài thế giới".
Ngày 21-12, Thượng nghĩ sĩ Lindsey Graham kêu gọi lập tức tổ chức một cuộc điều trần về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút toàn bộ binh lính Mỹ khỏi Syria vốn khiến Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từ chức. Trả lời phóng viên báo chí, Thượng nghị sĩ Graham, cho biết ông muốn có một buổi điều trần về vấn đề Syria và nghe trực tiếp từ Bộ trưởng Mattis. Buổi điều trần của Thượng viện cũng có thể bao gồm cả kế hoạch rút 5.000 binh sĩ Mỹ trong tổng số khoảng 14.000 binh sĩ đang đồn trú tại Afghanistan.
Ông Graham, người trước đây luôn ủng hộ các chính sách của Tổng thống Trump, cũng bày tỏ lo ngại về khả năng Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, cho rằng việc này sẽ khiến số lượng binh sĩ Mỹ còn lại quá ít để có thể hoàn thành sứ mệnh đảm bảo an ninh ở Afghanistan cũng như bảo vệ Mỹ khỏi các cuộc tấn công.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cam kết tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông bất chấp Mỹ tuyên bố sẽ rút quân ở Syria. Trong tuyên bố ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis đệ đơn từ chức, Thủ tướng Morrison, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne và Ngoại trưởng Marise Payne nêu rõ Australia sẽ tiếp tục chống khủng bố ở Trung Đông cùng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ về an ninh, nhân đạo và phát triển tại khu vực. Trong khi đó, Đại sứ Thụy Điển tại Liên hợp quốc Olof Skoog cho rằng quyết định của Mỹ rút quân khỏi Syria là khá "vội vàng".
Trong khi đó, Anh - nước đồng minh của Mỹ tại châu Âu - cũng kịch liệt phản đối tuyên bố của Tổng thống Trump rằng IS đã bị đánh bại tại Syria. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Anh cho rằng IS hiện vẫn là một mối đe dọa dù lực lượng này có thể không chiếm giữ bất kỳ phần lãnh thổ nào.
Cùng chung nhận định trên, Pháp tuyên bố vẫn duy trì sự hiện diện trong liên minh quân sự chống tổ chức khủng bố IS ở Syria. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Pháp muốn "làm rõ" với Washington về cách thức và thời điểm quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Syria. Tổng thống Macron đã gọi điện cho Tổng thống Trump sau khi nghe tin Mỹ sẽ rút quân. Ông Macron kêu gọi ông Trumps "đừng từ bỏ" vì cuộc chiến chống IS chưa kết thúc và cần phải tính đến hậu quả đối với các đối tác trong khu vực.
Bà Jennifer Cafarella, một chuyên gia về Syria thuộc Viện Nghiên cứu chiến tranh, cho rằng mặc dù quyết định của Mỹ về việc rút quân khỏi Syria không phải đặt dấu chấm hết cho chiến dịch của liên minh quân sự, do Mỹ đứng đầu, chống lại IS, song nó có thể làm suy yếu khả năng lãnh đạo của Mỹ trong liên minh, để lại "khoảng trống quyền lực" có thể dẫn tới một giai đoạn mới trong cuộc xung đột của cộng đồng quốc tế tại Syria.
Với Thổ Nhĩ Kỳ - vốn lâu nay vẫn coi người Kurd là mối đe dọa an ninh đối với nước này, quyết định rút quân khỏi Syria là "câu trả lời tích cực" từ phía chính quyền của Tổng thống Trump.
Về phần mình, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Dmitry Novikov cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Syria sẽ giúp ổn định tình hình trong khu vực. Trong khi đó, đại diện Ủy ban Quốc phòng và an ninh thuộc Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) Nga, ông Frantz Klintsevich cho rằng Washington đã không đạt được mục tiêu của riêng mình ở Syria, trong đó có việc lật đổ chính quyền hợp pháp đương nhiệm. Theo ông, chưa thể xác định thời gian Mỹ tiến hành việc rút quân. Trong trường hợp Mỹ thực sự quyết định rút toàn bộ binh lính khỏi lãnh thổ Syria, điều này không có nghĩa Washington đã hoàn thành sứ mệnh, có chăng, nước này đã thất bại trong việc thay thế chính quyền Syria thông qua việc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Washington "không còn bất kỳ ảnh hưởng nào" đối với mối quan hệ giữa các nước trong khu vực, cũng như sẽ không thể ra lệnh cho bất cứ quốc gia nào nữa.
Trong khi đó, phát biểu từ Tel Aviv sau cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh: "Tất nhiên, đây là quyết định của Mỹ" và cho dù có chuyện gì đi nữa, Israel sẽ đảm bảo an ninh cũng như tự bảo vệ mình. Theo ông, Tel Aviv sẽ nghiên cứu thời gian, cách thức cũng như ảnh hưởng từ những thay đổi chính sách của Mỹ đối với Israel.
Cho dù đánh giá khác nhau nhưng các chuyên gia phân tích nhận định quyết định rút quân khỏi Syria của Mỹ vào thời điểm này là một lựa chọn nằm trong toan tính chiến lược của chính quyền Washington nhằm tập trung cho các vấn đề đối nội quan trọng và đặc biệt là những ưu tiên chiến lược về đối ngoại./.
Tiếp tục xây dựng Quân đội hùng mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa  (23/12/2018)
Quản lý phát triển xã hội ở nước ta trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư  (23/12/2018)
Thủ tướng dâng hương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh  (22/12/2018)
Một phần chính phủ Mỹ sẽ ngừng hoạt động vì không có ngân quỹ  (22/12/2018)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh liên quan đến quy hoạch  (22/12/2018)
Hoạt động của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ trong ngày  (22/12/2018)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên