Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 23 đến 29-7-2018
Thủ tướng chủ trì Hội nghị về cơ chế một cửa quốc gia
Sáng ngày 24-7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về "Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia (NSW), cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại”.
Hội nghị nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cải cách hành chính, tìm kiếm giải pháp cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động vận tải và thương mại; phục vụ tốt hơn, thực chất hơn cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban Chỉ đạo quốc gia 1899), các cấp, các ngành, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng, chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tạo tiền đề quan trọng để triển khai các nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo.
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban 1899 chỉ đạo Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến tại Hội nghị, nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện 2 dự thảo văn bản nêu trên, tạo nền tảng pháp lý thúc đẩy NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại tốt hơn nữa, nhanh hơn nữa. Theo đó, trình Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch hành động trong tháng 8 và trình Chính phủ ban hành Nghị định trong tháng 9.
Thủ tướng nhấn mạnh, không dựa vào kiểm tra chuyên ngành để gây chậm trễ trong lưu thông hàng hóa; phấn đấu giảm tỉ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan Nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hóa đặc thù).
Các bộ, ngành tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, đối chiếu với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ và kế hoạch hành động nêu trên để sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp; minh bạch và công khai phương pháp kiểm tra, tiêu chí kiểm tra thông qua việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá; xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Không ôm giữ ở bộ, ngành mình những điều kiện không cần thiết, để giải phóng sức sản xuất.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kiểm tra cải cách hành chính tại Quảng Nam
Sáng 28-7, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã kiểm tra công tác cải cách tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Hành chính công thành phố Tam Kỳ và Cục Thuế tỉnh Quảng Nam.
Thứ Bảy tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Nam vẫn rất đông người dân đến làm các thủ tục hành chính như cấp căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, cấp lại, cấp đổi, cấp mới các giấy tờ nhân thân.
Tại đây, người dân được cán bộ từng bộ phận hướng dẫn thực hiện các thủ tục trên máy và viết tờ khai cấp mới, cấp lại và phiếu hẹn ngày trả. Đặc biệt, người dân cho Đoàn công tác biết không có hiện tượng làm “dịch vụ”, “cò dịch vụ” bên ngoài để thực hiện cho nhanh.
Sau khi làm xong các thủ tục, người dân sẽ ấn nút đánh giá dịch vụ, thái độ ứng xử, cách làm việc của cán bộ giải quyết thủ tục ở bốn cấp độ “rất tốt, tốt, trung bình, chưa tốt”.
Tại Trung tâm Hành chính công Thành phố Tam Kỳ đã thực hiện giải quyết thủ tục theo phương thức “4 tại chỗ” là “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả”.
Điểm nhấn của Trung tâm là đưa các cơ quan ngành dọc có thủ tục hành chính liên quan mật thiết đến đời sống của người dân và doanh nghiệp đến giải quyết tại Trung tâm Hành chính công như cấp căn cước, chứng minh thư, xuất nhập cảnh, giảm được 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo đánh giá của người dân, Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Nam cần có các biển hiệu nhận diện tốt hơn, có quầy ưu tiên giải quyết thủ tục hành chính cho người già, thương bệnh binh, người tàn tật, phụ nữ có thai…
Báo cáo với Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam Ngô Bốn cho biết công tác cải cách hành chính được lãnh đạo Cục Thuế tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhất là vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc thường xuyên bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin để cán bộ thuế giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp, áp dụng “điện tử hoá” trong kê khai nộp thuế, hoàn thuế và nhiều ứng dụng khác.
Hiện nay, Cục Thuế là đơn vị đứng đầu các cơ quan, ban ngành tỉnh Quảng Nam về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, xếp thứ 11/63 Cục Thuế toàn quốc.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ biểu dương nỗ lực, cố gắng của cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Hành chính công Thành phố Tam Kỳ và Cục Thuế tỉnh Quảng Nam trong việc tập trung giải quyết thủ tục hành chính cho người dân một cách nhanh chóng, áp dụng công nghệ thông tin và hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục đơn giản, nhằm cắt giảm thời gian và chi phí cho nhân dân, nâng cao hiệu quả công việc và trên hết nhận được sự hài lòng của người dân khi tiếp xúc với cơ quan hành chính nhà nước.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, chúng ta có thực hiện cải cách như thế nào đi nữa thì sự hài lòng của người dân là tiêu chí hàng đầu và quan trọng nhất.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực cũng góp ý với cán bộ làm công tác cải cách hành chính tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất và ứng xử với nhân dân tốt hơn nữa, để cán bộ thực sự là “công bộc của nhân dân”.
Thực hiện 255 dịch vụ công mức độ 3,4 trong năm 2018-2019
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong các năm 2018 - 2019.
Theo đó, năm 2018 - 2019, các bộ, ngành, địa phương sẽ thực hiện 128 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 127 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thuộc các lĩnh vực: Năng lượng, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, giáo dục và đào tạo, đấu thầu, thú y, thủy sản, đường bộ, tài nguyên nước, bưu chính, viễn thông và Internet, báo chí, nhà ở, dược...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trường hợp các bộ, ngành, địa phương dự kiến cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ngoài danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì các dịch vụ công trực tuyến đó phải phù hợp với quy định tại Thông tư số 2/2017/TT-VPCP ngày 31-10-2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính và có số lượng giao dịch lớn.
Bình Phước thực hiện Đề án tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy
Tỉnh ủy Bình Phước vừa ban hành Đề án 999 - ĐA/TU về thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thông qua cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2021. Theo đó, mục tiêu đến năm 2021, tỉnh Bình Phước sẽ thực hiện tinh giản 2.340 công chức, viên chức và người làm hợp đồng.
Cụ thể, từ nay đến năm 2021, mỗi năm tỉnh Bình Phước tinh giản ít nhất 2,5% biên chế công chức (giảm tương đương 172 biên chế). Đối với viên chức, mỗi năm giảm khoảng 2,5%, với bình quân mỗi năm giảm 541 viên chức. Ngoài ra, kế hoạch cũng đề ra mục tiêu từ năm 2018 trở đi, mỗi năm sẽ giảm ít nhất 30-35% chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP đã được giao, đảm bảo đến năm 2020 thực hiện thuê khoán hoàn toàn các nhiệm vụ như lái xe, bảo vệ, tạp vụ, cấp dưỡng…
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi đánh giá Đề án 999 - ĐA/TU của Tỉnh ủy là một đề án công phu; yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung thực hiện xây dựng kế hoạch sắp xếp, sáp nhập các cơ quan, đơn vị, phòng ban tương đồng về mặt chức năng, nhiệm vụ, nhằm thực hiện tốt mục tiêu, nguyên tắc “bốn tăng - bốn giảm”. Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cũng nhấn mạnh yêu cầu các cấp, các ngành phải thực hiện nghiêm, không được bàn lùi.
Theo đó, mục tiêu bước đầu triển khai Đề án là giảm ngay đầu mối từ các cơ quan, sở, ban, ngành cấp tỉnh và cấp huyện, thị. Cụ thể, sẽ giảm 57 cơ quan hành chính, 107 đơn vị sự nghiệp, 180 cấp trưởng, 280 cấp phó, 150 trưởng phòng và 250 phó phòng của các cơ quan cấp tỉnh. Việc giảm được đầu mối trên sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng chi thường xuyên cho bộ máy; nguồn tiết kiệm này dùng để bổ sung cho đầu tư xây dựng, phát triển.
Theo đánh giá của các sở, ngành chuyên môn, chỉ tính riêng việc thực hiện nhất thể hóa 3 Văn phòng gồm: Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tỉnh thành Văn phòng khối nhà nước tỉnh Bình Phước sẽ tiết kiệm mỗi năm 4,2 tỷ đồng. Cụ thể, Văn phòng chung này sẽ còn 6 phòng, ban, trung tâm; giảm 6 phòng và 1 trung tâm, giảm 18 chức danh lãnh đạo quản lý và 43 hợp đồng, góp phần giảm chi thường xuyên từ ngân sách khoảng hơn 4,2 tỷ đồng/năm.
Kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp giảm đầu mối đối với Sở Tư pháp, sau khi sắp xếp sẽ giảm được 5 đầu mối, giảm 5 chức danh trưởng phòng, 4 chức danh phó trưởng phòng và giảm 3 biên chế, giảm chi thường xuyên dự kiến khoảng 100 triệu đồng/năm. Cơ quan Thanh tra tỉnh sau khi thực hiện Đề án, số đầu mối sẽ giảm còn 4 đầu mối, giảm còn 3 chức danh trưởng phòng, giảm còn 3 chức danh phó trưởng phòng, phó chánh văn phòng giảm còn 1, giảm chi thường xuyên khoảng 100 triệu đồng/năm…
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bình Phước, hiện số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước trên 50.000 người, trong đó công chức 3.100, viên chức 21.139, hợp đồng chờ biên chế 2.015, cán bộ cấp xã 6.974 và cán bộ thôn, ấp, khu phố 18.081 người đang ăn lương Nhà nước. Tổng chi thường xuyên ngân sách cho bộ máy ở tỉnh Bình Phước là quá lớn, lên đến 5.800 tỷ đồng/năm, chiếm trên 70% tổng chi ngân sách trong toàn tỉnh.
Khánh Hòa tạm dừng việc bổ nhiệm chức danh Phó Trưởng phòng và tương đương
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành chỉ thị khẩn, yêu cầu các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh tạm dừng việc bổ nhiệm chức danh Phó Trưởng phòng và tương đương các phòng chuyên môn, tổ chức trực thuộc tỉnh, cho đến khi tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị và số lượng cấp phó được sắp xếp, kiện toàn theo quy định của Chính phủ và UBND tỉnh.
Tuy không đưa ra số liệu cụ thể nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng thời gian qua tại Khánh Hòa còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị, địa phương có tỷ lệ chưa hợp lý giữa công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý so với công chức, viên chức chuyên môn nghiệp vụ. Số lượng lãnh đạo quản lý của các phòng chuyên môn, tổ chức bằng hoặc nhiều hơn số lượng công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo.
Cũng trong thời gian này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra nhiều quyết định, ban hành quy định về điều kiện, tiêu chuẩn các chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương tại các sở, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định ban hành quy định về trình tự, thủ tục tổ chức thi tuyển chức danh Trưởng phòng và tương đương thuộc các phòng chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh, nhằm thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, theo chủ trương của Bộ Nội vụ.
Tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương đề xuất ý tưởng cải cách hành chính
Ngày 24-7, tại Hà Nội, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương tổ chức phát động Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo cải cách hành chính” và Hội thi “Thanh niên với cải cách hành chính và văn hóa công sở”. Tham dự có đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương cùng đại diện đoàn viên, thanh niên các cơ sở đoàn trực thuộc Đoàn Khối.
Hoạt động nhằm tăng cường vận động đoàn viên, thanh niên Khối các cơ quan Trung ương đẩy mạnh đề xuất các ý tưởng, sáng kiến tham gia cải cách hành chính, thực hành văn hóa công sở, thực thi đạo đức công vụ.
Hội thi “Thanh niên với cải cách hành chính và văn hóa công sở” sẽ được tổ chức trong tháng 9-2018 theo hình thức sân khấu hóa, dành cho các đối tượng gồm đoàn viên, thanh niên, sinh viên trực thuộc Khối. Theo đó, mỗi cơ sở đoàn trực thuộc Khối các cơ quan Trung ương sẽ cử một đội tuyển tham dự với số lượng thành viên không quá 15 người.
Mỗi đội tuyển tham gia tranh tài sẽ trải qua ba phần thi: Chào hỏi, Thuyết trình và Tiểu phẩm. Sau khi giới thiệu về cơ quan, đơn vị ở phần Chào hỏi, các đội sẽ thi Thuyết trình, đề xuất các ý tưởng, trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo về vấn đề cải cách hành chính hiện nay. Tại phần thi Tiểu phẩm, các đội sẽ trình diễn một vở kịch ngắn về cách xử lý tình huống nơi công sở.
Phó Bí thư Thường trực Đoàn Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Hữu Ngọc cho biết, Hội thi tập trung vào các nội dung chính: Đề xuất sáng kiến, ý tưởng cụ thể về cải cách hành chính như công tác tuyên truyền, cải cách thể chế và thủ tục hành chính giúp hiện đại hóa nền hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ tại các cơ quan Nhà nước, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả; nội dung, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, cách thức xử lý các tình huống xảy ra nơi công sở, khả năng ứng xử, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trẻ.
Hiện Đoàn Khối các cơ quan Trung ương có 57 cơ sở đoàn trực thuộc, với hơn 102.000 đoàn viên, thanh niên đang công tác, học tập tại các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan nghiên cứu khoa học, báo chí, thông tấn, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Ngoài hai giải A, ba giải B và năm giải C, Ban Tổ chức Hội thi sẽ trao thêm nhiều giải khuyến khích và giải phụ khác cho các phần thi xuất sắc nhất./.
Chính phủ và nhân dân Việt Nam hỗ trợ khắc phục sự cố vỡ đập ở Lào  (30/07/2018)
Gian lận trong thi cử: căn bệnh trầm kha của nền giáo dục nước nhà  (30/07/2018)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 23 đến ngày 29-7-2018)  (29/07/2018)
Chỉ số giá tiêu dùng CPI của cả nước trong tháng Bảy giảm nhẹ  (29/07/2018)
Thủ tướng thăm mô hình sản xuất rau an toàn tại Lâm Đồng  (29/07/2018)
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng bầu cử Quốc hội Campuchia thành công  (29/07/2018)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên