Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 28-5 đến ngày 03-6-2018
Chuẩn hóa quy trình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến về chuẩn hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành trong triển khai áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành hoàn thành việc ban hành, công bố, công khai Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng (nhóm 2) bảo đảm thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành; cắt giảm tối đa tỉ lệ sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan, mỗi mặt hàng đều phải được gắn một mã số HS; công khai tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như căn cứ pháp lý thực hiện kiểm tra.
Rà soát, sửa đổi các thủ tục cấp phép, kiểm tra chuyên ngành đáp ứng tiêu chí quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), hoàn thành trong Quý I năm 2019, trong đó, các thủ tục kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải bảo đảm: Quy định rõ quy trình kiểm tra trước thông quan và sau thông quan trên cơ sở Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công quản lý; sản phẩm, hàng hóa kiểm tra trước thông quan phải là sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ cao, trực tiếp ảnh hưởng đến dịch bệnh, truyền nhiễm, sức khỏe người dân, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, thuần phong mỹ tục và môi trường.
Bên cạnh đó, quy định rõ trình tự, thời gian, các bước thực hiện đối với từng thủ tục gắn với trách nhiệm của cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, với các cơ quan, tổ chức tham gia vào quy trình kiểm tra; xác định rõ các trường hợp cơ quan kiểm tra phải lấy mẫu hàng hóa để thử nghiệm, kiểm tra, thời gian lấy mẫu, tỉ lệ lấy mẫu, cách thức lấy mẫu, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia lấy mẫu, gửi kết quả thử nghiệm; quy định rõ cách thức thực hiện, yêu cầu về thành phần hồ sơ, đơn giản tối đa quy định về thành phần hồ sơ; công khai cách thức nộp các khoản phí, lệ phí (nếu có) theo phương thức điện tử phù hợp với cách thức thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; quy định rõ các điều kiện, tiêu chí miễn kiểm tra, giảm kiểm tra hay kiểm tra chặt làm cơ sở đánh giá mức độ rủi ro, phân luồng hàng hóa, áp dụng phương thức kiểm tra phù hợp đảm bảo rút ngắn thời gian thông quan cho hàng hóa có mức độ rủi ro thấp.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đối với các trường hợp chưa thể ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nguyên nhân, giải pháp, lộ trình thực hiện sau khi đã có đầy đủ ý kiến của các Bộ, ngành liên quan trước ngày 31-12-2018; thực hiện nguyên tắc phân định trách nhiệm quản lý đối với sản phẩm, hàng hóa xuất, nhập khẩu theo sản phẩm, hàng hóa thay vì theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành, đảm bảo không chồng chéo trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Trong trường hợp cần có sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan, phải quy định rõ trách nhiệm phối hợp, thời gian phối hợp, đảm bảo chỉ cấp một kết quả cho doanh nghiệp đối với một mặt hàng, một lô hàng.
Sớm đưa tất cả các thủ tục cấp phép, kiểm tra chuyên ngành vào áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia đáp ứng tiến độ tại Quyết định 2185/QĐ-TTg ngày 14-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, huy động các tổ chức đánh giá sự phù hợp tham gia áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia trong quá trình giải quyết thủ tục kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; công bố đầy đủ, chính xác, đúng quy định các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý và công khai đầy đủ, chính xác thủ tục hành chính đã công bố trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Một số bộ cắt giảm điều kiện kinh doanh này, lại phát sinh thêm nhiều điều kiện kinh doanh khác
Ngày 30-5, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra 17 bộ, cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, chính thức mới chỉ có Bộ Công Thương đã cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh bằng Nghị định 08. Còn các bộ, ngành khác mới đang ở quá trình rà soát, không phải là cắt bỏ. Như vậy là chưa đúng thực chất, chưa đúng tinh thần của Chính phủ kiến tạo và chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
“Nếu chúng ta cứ để thế này thì sự nghi ngờ của doanh nghiệp, của người dân, thậm chí ngay giữa các bộ cũng có thông tin nghi ngờ có sự tô vẽ gì đó, của bộ nào đó. Như vậy không hay cho Chính phủ, không hay cho chúng ta. Vì vậy hôm nay chúng ta phải công bố rõ cái này. Những bộ đã rà soát, đã công bố trên truyền hình thì đến bao giờ thực hiện việc này, phải làm cho rõ. Còn chúng ta toàn nói dối nhau là không được”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thẳng thắn.
Bộ trưởng đề nghị công khai bộ nào đã rà soát và cắt giảm bao nhiêu, bao nhiêu thời gian để trình, nêu rõ “điều kiện kinh doanh phải xử lý bằng nghị định chứ không phải điều kiện kinh doanh là điều chuyển sang thông tư để lách luật, để làm việc không đúng”. Bộ trưởng dẫn chứng, ngày 01-3-2018, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Nghị định 27 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, 11 điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa nhưng phát sinh thêm 115 điều kiện kinh doanh bổ sung.
Tổng hợp của Tổ công tác cho thấy, sau các cuộc kiểm tra chuyên đề đối với các bộ quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, hoạt động kiểm tra chuyên ngành có chuyển biến nhất định, như đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, chuyển mạnh sang hậu kiểm; giảm cơ bản danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh công nhận lẫn nhau, xã hội hóa công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, không còn tình trạng độc quyền; thực hiện cải cách, cắt giảm một số thủ tục hành chính chồng chéo; hầu hết danh mục hàng hóa đuợc ban hành đã gắn kèm mã số HS...
Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu. Một số phương án đơn giản hóa còn mang tính chất hình thức, mang tính gộp cơ học để giảm về số lượng nhưng thực chất các hàng hóa, sản phẩm này vẫn phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành hoặc phải đáp ứng điều kiện kinh doanh như trước đây. Còn tình trạng “điện tử nửa vời” trong các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tiến độ thực hiện nhiệm vụ rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chậm, một số bộ chưa tích cực. Nhiều bộ chưa đạt tỉ lệ cắt giảm theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Đến ngày 31-10-2018, các bộ phải trình ban hành Nghị định sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh nhưng đến nay, ngoài Bộ Công Thương, mới có Bộ Xây dựng có dự thảo Nghị định đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Hầu hết các bộ đang trong quá trình rà soát, đề xuất phương án.
Đà Nẵng: Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính và văn thư lưu trữ
Ngày 01-6, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị công bố kết quả đánh giá, xếp hạng công tác cải cách hành chính và văn thư lưu trữ năm 2017.
Theo kết quả đánh giá, xếp hạng công tác cải cách hành chính năm 2017 của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, trong khối cơ quan Trung ương, Cục Hải quan thành phố đạt 98,50 điểm xếp hạng nhất; Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng và Cục thuế Đà Nẵng đạt 94,50 điểm đồng hạng hai và Công an thành phố đạt 88,37 điểm xếp hạng ba. Ở khối các sở, ban ngành thành phố, Sở Nội vụ đạt 108 điểm xếp hạng nhất, Sở Thông tin và Truyền thông đạt 103,5 điểm xếp hạng hai và Sở Tài chính đạt 102,07 điểm xếp hạng ba. Về khối các quận, huyện, UBND quận Thanh Khê đạt 99 điểm xếp thứ nhất; UBND quận Sơn Trà và UBND quận Hải Châu đạt 89,75 điểm đồng hạng hai; UBND quận Ngũ Hành Sơn và UBND huyện Hòa Vang đạt 88 điểm đồng hạng ba.
Về kết quả xếp loại công tác văn thư, lưu trữ năm 2017. Ở khối các sở ngành, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông Vận tải, Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Quản lý khu Công nghệ cao và Sở Công Thương xếp loại xuất sắc. UBND quận Hải Châu, UBND quận Thanh Khê, UBND huyện Hòa Vang xếp loại xuất sắc trong khối các quận, huyện.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh ghi nhận, biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp nghiêm túc giữa các cơ quan, đơn vị, sự nỗ lực đóng góp của công chức, viên chức trực tiếp tham mưu, thực hiện công tác cải cách hành chính và văn thư lưu trữ của thành phố. Sau 5 năm liền (2012-2016) thành phố đứng đầu cả nước về công tác cải cách hành chính, tuy nhiên, đến năm 2017 thành phố đã tụt hạng xuống vị trí thứ tư. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần nghiêm túc đánh giá, nghiên cứu nhiều giải pháp đột phá để có được kết quả tốt trong thời gian tới.
Thẳng thắn thừa nhận những hạn chế về công tác cải cách hành chính, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đề nghị các cơ quan, đơn vị cần tập trung chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ phục vụ và trách nhiệm của cán bộ, viên chức; kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng vòi vĩnh, làm khó người dân, doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thường xuyên kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp sai phạm. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị tăng cường ứng dựng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, người dân; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu thông tin giữa các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ công tác quản lý và công khai dữ liệu để người dân có thể tra cứu. Đồng thời, các địa phương, đơn vị cần chủ động hơn trong việc tìm giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính tại địa phương, hướng đến mục tiêu lấy sự hài lòng cao nhất của người dân, doanh nghiệp làm thước đo.
Ninh Thuận thi tuyển các chức danh trưởng, phó phòng chuyên môn thuộc các Ban đảng
Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 92-KH/TU để triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Theo đó, các Ban đảng thuộc Tỉnh ủy sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy cấp phòng trong nội bộ các Ban tối thiểu không quá 3 phòng. Cụ thể, Ban Tổ chức Tỉnh ủy được sắp xếp tinh gọn lại còn 3 phòng, Ban Tuyên giáo còn 3 phòng, Ban Nội chính 2 phòng, Ban Dân vận còn 2 phòng, Ủy ban Kiểm tra còn 3 phòng.
Ngày 31-5, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức thi tuyển 3 chức danh trưởng phòng và 5 chức danh phó trưởng phòng chuyên môn thuộc Ban. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi được Ban Tuyên giáo thực hiện chu đáo, giới thiệu nội dung thi để cho các thí sinh tập trung ôn thi một cách nghiêm túc và có trách nhiệm. Kỳ thi được tổ chức gồm hai phần: Kiểm tra kiến thức chung về nhận thức các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực của từng ngành. Phần thứ hai là thi nghiệp vụ xây dựng văn bản, đây là phần thi rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm và nhận thức sâu sắc của người thi về các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương; những vấn đề cần quan tâm khi triển khai thực hiện Nghị quyết, chương trình hành động của Trung ương, của Tỉnh ủy.
Sau khi có kết quả thi, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ ra quyết định bổ nhiệm và thành lập các phòng mới trên cơ sở xây dựng chức năng, nhiệm vụ của từng phòng. Đặc biệt là xác định đầy đủ vị trí việc làm của từng chuyên viên các phòng và trách nhiệm cụ thể của trưởng phòng, phó trưởng phòng trong chỉ đạo, quản lý điều hành công việc của phòng.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Thuận, sau khi hoàn thành công tác thi tuyển chức danh chuyên môn tại Ban Tuyên giáo, các Ban đảng còn lại sẽ tiếp tục tiến hành các quy trình thi tuyển chọn chức danh trưởng, phó phòng ngay trong tháng 6-2018.
Tuyên Quang phấn đấu nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh
Năm 2017, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành 21/21 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội. 4 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 23,7%; khách du lịch tăng 5,9%, giải ngân vốn đầu tư đạt 27%; 23 xã (17,8%) đạt chuẩn nông thôn mới; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện 6 bậc (39/63); chỉ số cải cách hành chính 22/63...
Tuy nhiên, Tuyên Quang là tỉnh nghèo còn rất nhiều khó khăn, hạn chế cần sớm được khắc phục. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu trong thời gian tới tỉnh Tuyên Quang cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2020; đẩy mạnh cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và thúc đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo và phát triển doanh nghiệp.
Tỉnh Tuyên Quang cần tập trung thu hút các dự án phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản (giấy, nội thất,...), sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ... Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án công nghiệp (dự án viên gỗ nén, dự án chế biến thức ăn chăn nuôi, các nhà máy thủy điện,...); tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tổ chức lại sản xuất và phát triển kinh tế hợp tác; tích tụ đất đai, ứng dụng công nghệ cao, lựa chọn và xây dựng thương hiệu sản phẩm có lợi thế; hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, tập trung một số cây trồng, vật nuôi chủ lực có hiệu quả kinh tế cao./.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn Quốc hội  (04/06/2018)
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo thăm chính thức Việt Nam  (04/06/2018)
Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn được vinh danh Top 10 “Nhà máy xanh thân thiện” năm 2018  (04/06/2018)
Khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn  (04/06/2018)
Đoàn đại biểu Tạp chí Cộng sản thăm và làm việc tại Lào  (04/06/2018)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên