Nội hàm khái niệm “cục diện thế giới” trong tình hình hiện nay
TCCS - Trong giới nghiên cứu quan hệ quốc tế và hoạch định chính sách đối ngoại Việt Nam, khái niệm “cục diện thế giới” từ lâu đã trở thành một khái niệm cơ sở, căn bản, được sử dụng làm khung phân tích, dự báo tình hình thế giới. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều cách hiểu khác nhau về nội hàm khái niệm này, nhất là trong bối cảnh thế giới đang có những biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường như hiện nay.
Khái niệm “cục diện thế giới”
Trong quan hệ quốc tế, có ba cụm khái niệm thường được sử dụng để quan sát hiện trạng của thế giới, với nội hàm khá gần và liên quan mật thiết đến nhau, đó là “hệ thống thế giới”, “trật tự thế giới” và “cục diện thế giới”.
Theo quan điểm của một số học giả, như Ken-nớt Uôn (Kenneth Waltz), Xten-li Hốp-man (Stanley Hoffmann), Ca-plan Mo-tơn (Kaplan Morton),... khái niệm “hệ thống thế giới” (international system) thường là nền tảng cơ bản để nghiên cứu hiện trạng và quy luật vận hành của quan hệ quốc tế. Xuất phát từ chủ nghĩa tân hiện thực hay chủ nghĩa hiện thực cấu trúc, thuyết hệ thống(1) cho rằng, trong mỗi hệ thống đều tồn tại một trật tự nhất định, được coi là cấu trúc của hệ thống đó và do tương quan quyền lực giữa các quốc gia trong hệ thống quyết định.
Khái niệm “trật tự thế giới” thường được giới học giả và chính trị gia sử dụng. Học giả Hét-lây Bun (Hedley Bull) thuộc trường phái kinh điển của Anh, định nghĩa trật tự thế giới là phương cách ứng xử của các quốc gia để có thể duy trì được những mục tiêu chung của một xã hội quốc tế. Theo quan niệm của H. Bun, trật tự thế giới bao gồm các mục tiêu nhất định và cách thức ứng xử để duy trì những mục tiêu đó.
Học giả theo trường phái tự do Giôn Ai-cơn-bơ-ri (John Ikenberry) định nghĩa “trật tự chính trị thế giới” là việc các quốc gia dàn xếp quyền lực; theo đó, trật tự thế giới là các nguyên tắc, luật lệ và thể chế quy định những vấn đề cốt lõi trong quan hệ giữa các quốc gia. Trật tự thế giới là một khái niệm tương đối tĩnh, tồn tại sau khi các quốc gia đã dàn xếp quan hệ bằng những nguyên tắc, luật lệ và thể chế. Các nguyên tắc luật lệ đó vừa là công cụ để thể hiện và phát huy quyền lực, vừa là giới hạn của quyền lực.
Nhấn mạnh vai trò của các cường quốc trong xác lập trật tự quan hệ quốc tế, học giả trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Môn Hồng Hoa (Men Honghua) cho rằng, trật tự thế giới phản ánh tương quan quyền lực và lợi ích giữa các cường quốc. Sự bền vững của trật tự thế giới chủ yếu phụ thuộc vào việc các cường quốc thỏa thuận được những nguyên tắc cốt lõi trong quan hệ để cùng “chung sống”. Khi các cường quốc đạt thỏa thuận, những nguyên tắc, chuẩn mực, luật lệ và thủ tục ra quyết định được xem là phương tiện để tạo lập trật tự trong quan hệ quốc tế.
Trên cơ sở phân tích ưu điểm và hạn chế trong định nghĩa của học giả H. Bun, học giả Mu-thi-a A-la-gáp-pa (Muthiah Alagappa) đã đưa ra định nghĩa đầy đủ hơn về trật tự thế giới trong quan hệ quốc tế, đó là các thỏa thuận một cách chính thức hoặc không chính thức giữa các quốc gia nhằm duy trì những luật lệ điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia đó trong quá trình theo đuổi cả mục tiêu chung và mục tiêu riêng của từng nước. Theo định nghĩa này, trật tự thế giới được tạo ra bởi luật lệ, nhằm bảo đảm sự ổn định của hệ thống thế giới, nhờ đó các quốc gia có thể theo đuổi lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực hoặc lợi ích toàn cầu.
“Cục diện thế giới” là khái niệm ít được sử dụng bởi các học giả phương Tây, nhưng được dùng nhiều tại Việt Nam. Cục diện thế giới thể hiện bức tranh toàn cảnh, phản ánh tương quan lực lượng và quan hệ giữa các chủ thể chính của quan hệ quốc tế, trước hết là các cường quốc, các trung tâm quyền lực lớn trong một phạm vi không gian và ở một khung thời gian nhất định.
Cục diện thế giới thường được mô tả phổ biến theo “cực tính”, ví dụ như cục diện “đơn cực”, “đa cực” hay “nhất siêu, đa cường”... Cách đánh giá, mô tả tình hình thế giới, nhất là tập hợp lực lượng trên thế giới theo “cực”, đã trở thành cách tiếp cận phổ biến của các nhà nghiên cứu, phân tích chính trị quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, cách mô tả cục diện thế giới theo “cực” không hoàn toàn chính xác trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay. Có quan điểm cho rằng, việc sử dụng khái niệm “cực” đang ngày càng bộc lộ nhiều bất cập bởi không phản ánh được xu thế đa dạng hóa, đa phương hóa, hợp tác và đấu tranh đa chiều ngày càng nổi trội trong quan hệ quốc tế. Vì vậy, quan điểm này cho rằng, khái niệm “cực” cần được thay thế bằng một khái niệm khác, đơn cử như khái niệm “trung tâm”. Trường phái khác cho rằng, không nên mô tả cục diện thế giới theo chủ thể quốc gia và “cực tính”, mà nên kết hợp cả theo “vực tính”, nghĩa là theo lĩnh vực. Một nghiên cứu khác của Trung tâm An ninh châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, cục diện thế giới sẽ không thống nhất trên phạm vi toàn cầu mà là sự kết hợp đa cực và đa vực (2). Như vậy, khái niệm cục diện thế giới đã bắt đầu giải thích được trật tự thế giới, tuy nhiên chưa đầy đủ vì mới chỉ ra các chủ thể và “luật chơi” chính trong quan hệ quốc tế, mà chưa làm rõ được “luật chơi”.
Nhìn chung, các trường phái nghiên cứu về tổng thể hiện trạng của thế giới có quan điểm khá gần nhau khi cho rằng, bức tranh toàn cảnh thế giới phải phản ánh tương quan quyền lực, lợi ích và quan điểm của các quốc gia trong một cộng đồng và luôn gắn với việc xây dựng các thể chế quốc tế. Các trường phái cũng nhất trí vai trò của các quốc gia trong bức tranh toàn cảnh đó không giống nhau, mà các cường quốc thường có vai trò và ảnh hưởng mang tính quyết định.
Cục diện thế giới theo cách hiểu của Việt Nam
Ở trong nước, một số chuyên gia cho rằng, trật tự thế giới gắn với tương quan sức mạnh, thế và lực của các quốc gia trên thế giới(3).Theo đó, trật tự thế giới gắn với tư duy quyền lực, thể hiện vị trí của nước có ảnh hưởng lớn nhất trong quá trình xây dựng và thực hành “luật chơi” - nguyên tắc xử sự giữa các chủ thể quan hệ quốc tế. Trật tự thiên về thứ bậc trong một giai đoạn dài. Trật tự thay đổi khi có sự đảo lộn về tương quan quyền lực giữa các cường quốc.
Còn cục diện thế giới hay cục diện khu vực thường được hiểu là tình hình mọi mặt của thế giới hay khu vực trong một khoảng thời gian nhất định, là bức tranh toàn cảnh thế giới và khu vực, phản ánh tương quan lực lượng và quan hệ giữa các chủ thể chính của quan hệ quốc tế. Một số chuyên gia định nghĩa cục diện thế giới là một “lát cắt” của trật tự thế giới tại một thời điểm hay một khoảng thời gian xác định(4). Một số chuyên gia khác định nghĩa, cục diện thế giới, cục diện khu vực là tình hình mọi mặt của thế giới, khu vực trong một khoảng thời gian nhất định cũng như tương quan lực lượng giữa các lực lượng chính trị chủ yếu trên bàn cờ chính trị thế giới, khu vực(5).
Có thể thấy, nội dung chính của cục diện thế giới là các chủ thể có ảnh hưởng trong quan hệ quốc tế và cách thức các chủ thể tác động lên phần còn lại của thế giới. Các chủ thể chính là những quốc gia, nhưng cũng có thể là các chủ thể phi quốc gia. Những khái niệm gắn liền với chủ thể, bao gồm “sức mạnh”, “sức ảnh hưởng”, từ đó tạo ra các “cực”, “trung tâm quyền lực” ảnh hưởng tới cục diện thế giới.
Trong những phân tích về cục diện thế giới tại Việt Nam hiện nay, ngoài việc xác định các cực và trung tâm quyền lực, hình thái cục diện thế giới là “đơn cực”, “lưỡng cực” hay “đa cực, đa trung tâm”, thì nội hàm cục diện thế giới còn bao gồm các nội dung sau:
Một là, các quốc gia/chủ thể phi quốc gia đang tạo ra “luật chơi” hay còn gọi là các “cực” và “trung tâm quyền lực”; sức mạnh để các cực và trung tâm quyền lực tạo ra “luật chơi” và những nhân tố tạo nên sức mạnh và ảnh hưởng đó; tương quan sức mạnh giữa các cực và trung tâm quyền lực.
Hai là, các xu thế lớn và khách quan tác động đến các cực và trung tâm quyền lực, qua đó làm thay đổi tương quan sức mạnh, sự nhận diện và mức độ ưu tiên trong lợi ích quốc gia của các nước.
Ba là, xu thế tập hợp lực lượng và liên kết giữa các quốc gia để tạo ra sức mạnh; các thể chế quốc tế được xây dựng nhằm tác động, duy trì, diễn giải và thực thi “luật chơi” trong thực tiễn.
Bốn là, những “luật chơi” mà các cực, các trung tâm quyền lực áp đặt lên cộng đồng quốc tế; mức độ đón nhận “luật chơi”; những cơ chế bảo đảm thực thi, chế tài khi có hành vi vi phạm “luật chơi”.
Năm là, các “điểm nóng”, xung đột nổ ra do sự cọ xát lợi ích giữa các cực; nguyên nhân dẫn đến xung đột; không gian, hình thức xảy ra xung đột; các bên liên quan đến xung đột và bị tác động bởi xung đột.
Đối với Việt Nam, ngoài việc nhận diện được những thành tố trên, nội hàm cục diện thế giới còn bao gồm một số nội dung sau: 1- Vị trí của Việt Nam trong quan hệ với các cực và tập hợp lực lượng của các cực; 2- Việt Nam đánh giá “luật chơi” mà các cực đang tạo ra tác động đến lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam; 3- Việt Nam nhận định các chủ thể là “đối tác”, “đối tượng” và cơ hội, thách thức đối với Việt Nam.
Một số khuyến nghị về nội hàm tư duy cục diện thế giới trong tình hình hiện nay
Các định nghĩa, cách sử dụng khái niệm cục diện thế giới và trật tự thế giới của các chuyên gia Việt Nam hiện nay mang nhiều tính ứng dụng trong công tác thường nhật, tuy nhiên vẫn có nhiều cách diễn giải và cách hiểu khác nhau. Để có cách hiểu thống nhất hơn, trên cơ sở đó nghiên cứu hiệu quả hơn cục diện thế giới trong bối cảnh thế giới hiện nay, nội hàm của cục diện thế giới có thể được cập nhật, điều chỉnh như sau:
Về tư duy cục diện thế giới và trật tự thế giới. Trong công tác nghiên cứu quan hệ quốc tế ở Việt Nam trước đây thường quan tâm đến cục diện thế giới nhiều hơn trật tự thế giới. Tư duy cục diện thế giới bắt nguồn từ thời kỳ Chiến tranh lạnh và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nước ta. Trong giai đoạn đó, Việt Nam thường xuyên phải đánh giá chiều hướng chính sách, tập hợp lực lượng, quá trình hợp tác và đấu tranh giữa các nước lớn để phục vụ sự nghiệp cách mạng trong nước. Những thay đổi lớn trong cục diện thế giới, sự đối đầu hay liên minh, liên kết giữa các quốc gia, đã có tác động sâu sắc tới lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, ý nghĩa của cục diện thế giới vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh chính sách đối ngoại của các nước lớn đang có những bước phát triển mới. Tuy nhiên, cục diện thế giới là nhân tố tương đối dài hạn, dễ dự báo và ít thay đổi, nghĩa là số lượng cực và trung tâm quyền lực có khả năng áp đặt lên ý chí, lợi ích và luật lệ của các quốc gia khác không quá nhiều. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay là quốc gia hội nhập sâu rộng và toàn diện với cộng đồng quốc tế; các nguyên tắc, chuẩn mực, luật lệ, luật pháp quốc tế trên mọi lĩnh vực đang tác động trực tiếp đến cách hành xử của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo đó, trật tự thế giới cũng là khái niệm cần được quan tâm và nhận thức một cách đầy đủ hơn trong nghiên cứu về cục diện thế giới. Cục diện thế giới nên được hiểu là tất cả nhân tố tác động, chi phối, ảnh hưởng đến nguyên tắc, chuẩn mực, luật lệ vận hành của quan hệ quốc tế. Trong đó, các nguyên tắc, chuẩn mực và luật lệ được coi là “luật chơi” và “trật tự” trong quan hệ quốc tế là kết quả của những “luật chơi” đó. Cách định nghĩa cục diện thế giới và trật tự thế giới xoay quanh khái niệm trung tâm quyền lực của quan hệ quốc tế là luật lệ theo nghĩa rộng, do đó nhìn nhận các chủ thể trong quan hệ tương tác với nhau thông qua luật lệ, phản ánh lợi ích, ý chí và ảnh hưởng của các quốc gia có sức mạnh lên cộng đồng quốc tế. Nội dung chính của cục diện thế giới, theo đó, là các chủ thể tạo ra “luật chơi” và những nhân tố tác động lên năng lực tạo dựng “luật chơi” của chủ thể đó.
Với cách hiểu trên, cục diện thế giới là khái niệm tương đối “tĩnh” và ít có sự thay đổi. Ngược lại, nội dung chính của trật tự thế giới là khái niệm “động” và là kết quả của việc thực thi “luật chơi” đối với các chủ thể của cộng đồng quốc tế. Kết quả thực thi “luật chơi” phụ thuộc nhiều vào nhận thức, mức độ chấp nhận, khả năng tuân thủ/không tuân thủ của những chủ thể bị tác động bởi “luật chơi”. Các nhân tố ngoại cảnh khác cũng có thể tác động đến kết quả của việc các nước tạo ra “luật chơi”, thiết lập ảnh hưởng và triển khai ý chí của mình trên thực tế.
Về các cực, trung tâm quyền lực và sức mạnh tổng hợp quốc gia. Đối với việc nhận diện các cực, trung tâm quyền lực và hình thái của cục diện thế giới, cần có cách nhìn mở và cập nhật.
Một là, các cực và trung tâm quyền lực không chỉ là quốc gia, mà có thể là các thực thể phi quốc gia, đa quốc gia hoặc dưới ngưỡng quốc gia. Hiện nay, vai trò của các siêu tập đoàn công nghệ, y tế, siêu đô thị trong đời sống quốc tế ngày càng lớn, nhất là trong những vấn đề phát triển của thế giới. Nhiều thực thể phi nhà nước nắm giữ nguồn lực, công nghệ lõi, có vai trò và ảnh hưởng lớn hơn nhiều quốc gia tầm trung. Theo một số nhà nghiên cứu trên Tạp chí Nghiên cứu châu Âu năm 2020(6), các thực thể phi nhà nước ngày càng có ảnh hưởng, định hình, thậm chí chi phối dư luận trong nước và quốc tế, tác động đến chính sách của các quốc gia, quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia. Trong khi đó, các thực thể phi nhà nước thường hoạt động mạnh tại những khu vực tồn tại xung đột, tổ chức khủng bố hoạt động mạnh mẽ, tiến trình khu vực hóa và toàn cầu hóa gia tăng; đặc biệt, ngày càng có tiếng nói, vai trò, tầm ảnh hưởng, ngay cả trong tiến trình hoạch định chính sách đối ngoại của các quốc gia.
Hai là, sức mạnh tổng hợp quốc gia và ảnh hưởng của các cực cũng có sự thay đổi. Sức mạnh tổng hợp quốc gia không chỉ được tạo nên bởi sức mạnh truyền thống (sức mạnh quân đội, quy mô dân số, quy mô nền kinh tế, quy mô thương mại, đầu tư...), mà còn được ra hình thành bởi nhiều nhân tố khác (sức mạnh mềm, sức mạnh thông minh). Thực tiễn trên thế giới cho thấy, nhiều quốc gia, kể cả các nước lớn có “sức mạnh cứng” lớn, nhưng sức mạnh tổng hợp quốc gia và ảnh hưởng trong quan hệ quốc tế chưa có sự tương xứng. Ngược lại, nhiều quốc gia, thậm chí là các nước vừa và nhỏ, lại có tầm ảnh hưởng quốc tế cao.
Sức mạnh tổng hợp quốc gia có thể gia tăng gấp nhiều lần nếu biết kết hợp khéo léo, phù hợp giữa sức mạnh cứng với sức mạnh văn hóa, sức mạnh ngoại giao, sức mạnh khoa học - công nghệ, sức mạnh thông tin - tuyên truyền, sự nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo của nền kinh tế... Sức mạnh văn hóa, bản sắc và con người, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được coi trọng trong phát triển nội lực và ảnh hưởng quốc gia. Thông qua năng lực thu hút, hấp dẫn, tạo hiệu ứng lan tỏa, thu phục “nhân tâm” bên ngoài biên giới quốc gia, các nhân tố trên có thể góp phần xây dựng chính sách và gia tăng năng lực thiết lập các quy tắc định hình những giá trị và chuẩn mực quốc tế.
Một nhân tố quyết định khác của sức mạnh tổng hợp quốc gia là sự đồng thuận xã hội hay khả năng quy tụ, tập hợp lực lượng đoàn kết, thống nhất giữa chính phủ, người dân và các thành phần xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển đất nước hùng cường hoặc ứng phó với khủng hoảng. Đặc biệt, sức mạnh của bộ máy chính trị là nhân tố quan trọng hàng đầu để hiện thực hóa tiềm năng cả sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm của mỗi quốc gia, thể hiện qua sự ổn định của hệ thống chính trị, năng lực quản trị kinh tế - xã hội, khả năng quản lý hệ thống và quản lý rủi ro, cách tiếp cận “toàn chính phủ” với vai trò dẫn dắt của chính quyền Trung ương, hiệu quả hoạch định và thực thi chính sách ở cấp độ địa phương, đưa người dân vào trung tâm của chính sách...
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng hình ảnh các cực trong phân tích cục diện thế giới hiện nay không hoàn toàn phù hợp và trực quan. Khác với thời kỳ Chiến tranh lạnh, các cực ngày nay có mối liên hệ mật thiết và đan xen về lợi ích; các nước không bị “hút” hoàn toàn bởi các cực, mà đồng thời tham gia tập hợp lực lượng của các cực khác nhau... Theo đó, việc sử dụng khái niệm các trung tâm quyền lực được cho là phù hợp hơn và khái niệm trật tự thế giới cần được nghiên cứu, sử dụng nhiều hơn.
Về tư duy “đối tác”, “đối tượng”. Cần nhận diện “đối tác”, “đối tượng” trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc trong từng vấn đề và từng thời kỳ, bởi đối tác vẫn có mặt cần đấu tranh, ngược lại đối tượng vẫn có mặt cần hợp tác, tranh thủ. Tư duy đối tác, đối tượng có thể được cập nhật theo hướng thay đổi phương pháp nhận diện. Theo đó, đối tác, đối tượng có thể bao gồm các tập đoàn công nghệ, các tổ chức phi nhà nước; cần tính đến cả các đối tượng “vùng xám”, như cá nhân, tổ chức phi nhà nước, nhưng có nhà nước hậu thuẫn, hỗ trợ; các đối tượng “ảo” trên không gian mạng, nhưng có thể gây ra tác hại thật, thậm chí với sự phát triển vũ bão của công nghệ, không quá sớm để tính cả các đối tượng nhân tạo, như ChatGPT, vũ khí người máy, thiết bị không người lái...
Ngoài ra, cách sắp xếp và phân loại đối tác, đối tượng có thể được áp dụng linh hoạt, tùy thuộc theo từng vấn đề.
Một số ý kiến cho rằng, tư duy “đối tượng” không còn phù hợp với thực tiễn quan hệ quốc tế đương đại và có thể khiến đối tác hiểu nhầm về chủ trương, chính sách của Việt Nam. Thay vì tư duy “đối tượng”, có thể cân nhắc áp dụng tư duy “thách thức”, “cạnh tranh” hay “đấu tranh”,... trong quan hệ quốc tế.
Về tư duy “khu vực”. Trong nghiên cứu về cục diện thế giới, Việt Nam thường sử dụng thuật ngữ “tình hình khu vực” với hàm chỉ các phạm vi địa lý khác nhau, như khu vực sông Mê Công, Đông Nam Á, Đông Á, châu Á - Thái Bình Dương... Việt Nam chưa chính thức sử dụng khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, mặc dù đã cùng các nước ASEAN thông qua “Tầm nhìn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và trong Sách trắng quốc phòng Việt Nam năm 2019 đã đề cập tới khái niệm này. Xét trong bối cảnh tình hình mới, tuy không nhắc đến khái niệm này một cách chính thức ở cấp cao, Việt Nam có thể nghiên cứu để nhận diện đầy đủ và kịp thời xu thế hình thành khu vực địa - chính trị “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Cũng giống như việc ASEAN thông qua Tầm nhìn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không đồng nghĩa ASEAN ủng hộ quan điểm của một nước cụ thể nào về khu vực này, việc Việt Nam nghiên cứu và nhận diện sự hình thành khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không có nghĩa là Việt Nam ủng hộ chính sách hay chiến lược cụ thể của quốc gia nào đối với khu vực này, mà đơn thuần là phản ánh một thực tế mới đang nổi lên trong quan hệ quốc tế. Việc có tư duy đúng đắn về khu vực mà Việt Nam có lợi ích liên quan sẽ giúp nhận diện rõ và kịp thời vai trò, vị trí, cơ hội, thách thức đối với Việt Nam.
Tư duy về “luật pháp quốc tế”. Luật pháp quốc tế là công cụ để các nước vừa và nhỏ bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc trước các nước lớn, là ngọn cờ quan trọng để các nước vừa và nhỏ, bao gồm Việt Nam, tạo thế và lực trong quan hệ quốc tế, nhất là trong quan hệ với các nước lớn. Tuy nhiên, song song với khái niệm luật pháp quốc tế, nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay sử dụng khái niệm “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, coi đó là một mục tiêu cần hướng tới của trật tự thế giới. Khái niệm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ nhằm tương phản với khái niệm trật tự quốc tế không dựa trên luật lệ, có thể là dựa trên sức mạnh áp đặt hoặc một luật lệ nào đó trong quá khứ, mà không phải luật pháp quốc tế đương đại.
Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ có nội hàm liên quan, nhưng không hoàn toàn đồng nhất với luật pháp quốc tế. Các quan điểm ủng hộ xây dựng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ thừa nhận rằng, có nhiều quan điểm khác nhau về luật pháp quốc tế hiện hành và luật pháp quốc tế cũng cần được phát triển, cập nhật để phản ánh tương quan lực lượng mới giữa các quốc gia xây dựng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Tuy nhiên, các quan điểm phê phán trật tự quốc tế dựa trên luật lệ lại cho rằng, đây là mục tiêu nhằm thay thế luật pháp quốc tế hiện hành.
Theo đó, Việt Nam cần có quan điểm riêng về xây dựng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam. Việc Việt Nam có quan điểm và tham gia tiến trình thảo luận xây dựng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ không có nghĩa là Việt Nam ủng hộ một quan điểm cụ thể nào, nhưng giúp đặt Việt Nam vào dòng chảy chung của nhân loại, đồng thời có thể đóng góp vào việc định hình trật tự quốc tế vì lợi ích quốc gia - dân tộc.
Tư duy về hội nhập quốc tế. Tư duy hội nhập quốc tế cần tiếp tục phát triển để phù hợp với tình hình mới. Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 20 năm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã trở thành một thành viên đầy đủ của cộng đồng khu vực và thế giới trên cả bình diện khách quan và chủ quan. Hiện nay, Việt Nam là một “điểm sáng” trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với chỉ số tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) và độ mở nền kinh tế thuộc nhóm nước dẫn đầu khu vực. Về chính trị, Việt Nam là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của hầu hết trung tâm kinh tế, chính trị lớn trên thế giới. Các cường quốc đã công khai thừa nhận và tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Văn hóa Việt Nam được bạn bè quốc tế ngày càng yêu mến, thể hiện qua số lượng khách du lịch đến Việt Nam ngày một gia tăng và các sản phẩm văn hóa Việt Nam ngày càng được biết đến trên thế giới.
Do vậy, tư duy về hội nhập quốc tế không phải chỉ đơn thuần là sự “mở cửa”, gia nhập cộng đồng quốc tế, mà còn là sự tương tác với thế giới ở mọi nơi, mọi lúc và trên mọi vấn đề với tư cách là một thành vên trong cộng đồng ấy. Mỗi quốc gia ngày nay có thể lựa chọn mức độ, cách thức tương tác với môi trường bên ngoài sao cho có lợi nhất đối với quốc gia đó, song không thể lựa chọn đứng ngoài môi trường đó. Quốc gia có thể lựa chọn liên kết với các quốc gia khác và quyết định mức độ sâu rộng của liên kết hoặc cũng có thể lựa chọn đứng ngoài liên kết. Song, tương tác với môi trường quốc tế là yêu cầu thường trực, thường xuyên và là quá trình đa diện, nhiều chiều.
Hiện nay, Việt Nam là một thành viên khó có thể tách rời của cộng đồng quốc tế. Việt Nam triển khai quan hệ đối ngoại như một thành viên bình thường, đã hội nhập với cộng đồng quốc tế, thay vì đang hoặc sẽ “hội nhập” với cộng đồng đó. Hội nhập quốc tế do vậy cần được hiểu theo nghĩa tham gia và tuân thủ các quy tắc, luật lệ, các thể chế hay thiết chế trong quan hệ quốc tế. Tham gia hội nhập quốc tế không còn là việc gia nhập các định chế quốc tế hay mở rộng hợp tác quốc tế, mà còn là việc tham gia và xây dựng các quy tắc, luật lệ trong quan hệ quốc tế.
Tư duy về “điểm nóng”. Theo tư duy truyền thống, “điểm nóng” là sự cọ sát lợi ích giữa các quốc gia với nhau, nhất là trên đất liền hoặc trên biển. Nguyên nhân xảy ra “điểm nóng” bắt nguồn từ tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa các quốc gia chưa được giải quyết, do sự chuyển dịch, cọ sát địa - chiến lược và việc các nước sử dụng chiến thuật “vùng xám”, khai thác hoặc lạm dụng những điểm chưa rõ của luật pháp quốc tế có xu hướng gia tăng.
Tuy nhiên, hiện nay tư duy “điểm nóng” cần được mở rộng ở cả bên trong các quốc gia, phản ánh những căng thẳng xã hội, như khoảng cách giàu, nghèo gia tăng do tác động của toàn cầu hóa. Nguyên nhân xuất phát từ mặt trái của cuộc cách mạng công nghệ thông tin, làm gia tăng mâu thuẫn xã hội do lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền thông tin xấu, thông tin sai sự thật... Các vấn đề xã hội đôi khi bị các thế lực thù địch, phản động bên ngoài lợi dụng, khiến các “điểm nóng” trong nội bộ các nước trở nên phức tạp hơn. Bên cạnh đó, việc các quốc gia ngày càng đẩy mạnh hoạt động và chiếm lĩnh không gian mới cũng làm gia tăng cạnh tranh, cọ xát, thậm chí đụng độ trên các không gian mới, như không gian dưới biển, trên bầu trời, vũ trụ, không gian mạng... Việc nhận diện các “điểm nóng” mới cả về chủ thể liên quan, hình thức, không gian có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm kịp thời đưa ra biện pháp ứng phó, phòng ngừa một cách hiệu quả.
Thế giới là một thực thể sống động và biến chuyển theo thời gian. Các khái niệm được sử dụng trong nghiên cứu quan hệ quốc tế do vậy cần được cập nhật theo thời gian để phản ánh được những thay đổi của thời đại. Đổi mới tư duy về thế giới và quan hệ quốc tế là việc làm cần thiết trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay./.
--------------------------
* Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài KX.04.08/21-25
(1) Thuyết hệ thống thiên về một phương pháp tiếp cận (cách tiếp cận hệ thống) hơn là một trường phái lý thuyết quan hệ quốc tế. Theo đó, trật tự thế giới là hệ quả của thuyết hệ thống, chưa phải đối tượng nghiên cứu chính của thuyết hệ thống. Đối tượng nghiên cứu của thuyết hệ thống thường là thành phần cấu tạo của hệ thống (các quốc gia cụ thể thuộc hệ thống quan hệ quốc tế), tương tác giữa các phần tử của hệ thống (mối liên hệ kinh tế, chính trị, quân sự hay các thể chế quốc tế nhằm duy trì sự tồn tại và vận hành của hệ thống), cũng như quá trình vận động, phát triển và tan rã của hệ thống. Cách tiếp cận mang đậm tư tưởng hiện thực này chưa chỉ ra được những nhân tố tạo ra trật tự thế giới khác ngoài “quyền lực cứng” của các quốc gia
(2) Vũ Hồng Lâm: “Thế giới đa vực: Cấu hình quyền lực thế giới đương đại”, http://hoithao.viet-studies.info/VHLam_2006.pdf
(3) Trần Khánh: “Dự báo trật tự thế giới đến năm 2030”, Tạp chí Cộng sản, số 978 (tháng 11-2021), tr. 99 - 104
(4) Xem: Đỗ Thị Thảo: “Hội thảo quan hệ quốc tế: “Trật tự thế giới từ năm 2001 đến năm 2012” (Tổng thuật)”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 14-1-2013, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thong-tin-ly-luan/-/2018/19728/hoi-thao-quan-he-quoc-te--%E2%80%9Ctrat-tu-the-gioi-tu-nam-2001-den-nam-2012%E2%80%9D-%28tong-thuat%29.aspx#
(5) Xem: Vũ Dương Huân: “Vài ý kiến về cục diện thế giới hiện nay”, tham luận tại Hội thảo khoa học “Cục diện thế giới đến 2020”, do Học viện Ngoại giao tổ chức, ngày 18-8-2008
(6) Saifullah, Khalid & Ahmad, Azhar: “The increasing influence of the non-state actors in international politics” (Tạm dịch: Vai trò ngày càng tăng của các thực thể phi nhà nước trong chính trị quốc tế), Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, tr. 39 (số 36/2, năm 2020).