Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Phạm Gia Túc
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nam Định
07:57, ngày 26-12-2024

TCCS - Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định theo hướng bền vững. Phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Nam Định tiếp tục tập trung triển khai thực hiện hiệu quả theo tinh thần các quan điểm, định hướng của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII về phát triển văn hóa, tạo nguồn lực nội sinh mạnh mẽ đưa tỉnh Nam Định phát triển nhanh, bền vững, hướng tới mục tiêu năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước.

Tỉnh Nam Định phát huy truyền thống cách mạng hào hùng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9-6-2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 33-NQ/TW). Thực hiện Kế hoạch số 417- KH/BTGTW, ngày 12-1-2024, của Ban Tuyên giáo Trung ương, về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết nhằm làm rõ những kết quả đạt được; đồng thời thẳng thắn chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước nói chung và của tỉnh Nam Định nói riêng trong thời gian tới.

Nam Định là tỉnh ven biển nằm ở trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng, có 9 huyện và thành phố Nam Định (là đô thị loại I trực thuộc tỉnh) với 226 xã, phường, thị trấn, diện tích tự nhiên gần 1.700 km2, có 72km bờ biển; dân số gần 2 triệu người. Trong 10 năm qua, Đảng bộ tỉnh Nam Định triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình chính trị, kinh tế - văn hóa, xã hội của tỉnh Nam Định ổn định, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu nổi bật, là một trong hai tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 -  2020, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay giảm còn 1,09%; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Lĩnh vực văn hóa, xã hội được các địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo, thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục giữ vững thành tích gần 1/3 thế kỷ trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được chú trọng bảo tồn và phát huy. Giao lưu, hợp tác văn hóa ngày càng được quan tâm và có nhiều khởi sắc, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nâng lên rõ rệt; các hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ quần chúng được duy trì, thành lập, hoạt động hiệu quả đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn một số thách thức, như sự bùng nổ về thông tin, truyền thông, các phương tiện truyền thông xã hội cùng với sự giao thoa, du nhập các yếu tố văn hóa bên ngoài, bên cạnh những tác động tích cực, cũng mang đến không ít tác động tiêu cực đến đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa của nhân dân. Các thế lực thù địch ngày càng đẩy mạnh các hoạt động chống phá trên mặt trận tư tưởng, văn hóa ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của một bộ phận nhân dân, nhất là văn nghệ sĩ, thế hệ trẻ. Môi trường văn hóa bị ảnh hưởng bởi văn hóa ngoại lai và các tệ nạn xã hội. Hệ thống thiết chế văn hóa thiếu đồng bộ, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa còn thiếu, nhiều nơi xuống cấp. Trong bối cảnh đó, tỉnh Nam Định tập trung chỉ đạo thực hiện toàn diện các hoạt động về văn hóa, đưa lại những kết quả quan trọng.

Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, đã tập trung quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác xây dựng Đảng. Công tác cán bộ tiếp tục được quan tâm và thực hiện chủ động, bài bản, kịp thời, hiệu quả; khẳng định đây là khâu “then chốt của then chốt”, “cán bộ là gốc của mọi công việc”. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả.

Về quy mô nền kinh tế được mở rộng, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm luôn nằm trong tốp đầu cả nước (năm 2023: đạt 10,19%, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 6 cả nước); thu ngân sách năm 2023 đạt 10.452 tỷ đồng (hoàn thành sớm 2 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX đề ra); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp được đẩy mạnh đầu tư xây dựng theo hướng tăng cường kết nối tỉnh với các tỉnh, thành phố lớn trong vùng.

Về xây dựng nông thôn mới tiếp tục thu được kết quả quan trọng; đến nay, toàn tỉnh Nam Định có 199/204 xã, thị trấn (chiếm 97,5%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 39/188 xã chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Giao Thủy được Hội đồng thẩm định quốc gia nhất trí cao trình Thủ tướng Chính phủ xét công nhận huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm hơn, đạt được nhiều kết quả tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền an ninh biên giới biển được bảo đảm.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò và mối quan hệ của văn hóa với các lĩnh vực khác của xã hội, như Người đã khẳng định: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”. “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi…”. “Văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị và ngược lại kinh tế, chính trị cũng nằm trong văn hóa”, ngay từ những năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998, về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Trong điều kiện mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là một nhiệm vụ cấp bách; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” được ban hành để thay thế Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII là hết sức quan trọng và cần thiết; là kim chỉ nam, bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển, hoàn thiện lý luận về văn hóa của Đảng.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 33-NQ/TW, nhằm cụ thể hóa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tạo sự thống nhất thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy Nam Định ban hành chương trình hành động để triển khai thực hiện nghị quyết. Đồng thời, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa XIX ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa XX ban hành Kết luận số 75-KL/TU về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU với mục tiêu phát huy truyền thống văn hiến của quê hương Nam Định, tiếp thu tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Có thể khẳng định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, cùng với việc vận dụng sáng tạo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là chỉ đạo của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 24-11-2021, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng:

Một là, nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về văn hóa được nâng lên. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ của tỉnh Nam Định phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Các di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy; nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống được duy trì, song hành phát triển cùng các loại hình nghệ thuật hiện đại.

Hai là, nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử có giá trị đã phát huy tác dụng trong đời sống xã hội. Các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ được thành lập và hoạt động hiệu quả; các hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng được duy trì tổ chức hằng năm đã tạo khí thế phấn khởi, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Ba là, hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; các ngành công nghiệp văn hóa được chú trọng phát triển, góp phần phát huy bản sắc dân tộc, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.

Bốn là, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được chú trọng, chất lượng phong trào được nâng cao rõ rệt. Bên cạnh đó, việc xây dựng gia đình, dòng họ, thôn, xóm, cơ quan, trường học văn hóa được đẩy mạnh đã tác động tích cực đến đời sống văn hóa ở cơ sở, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn toàn tỉnh. Tính đến năm 2023, toàn tỉnh có 2.052/2.160 khu dân cư được công nhận danh hiệu văn hóa (đạt 95%), có 581.482/620.944 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 93,64%). Các hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi.

Năm là, công tác giáo dục - đào tạo được quan tâm, đổi mới nâng cao về chất lượng; ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục giữ vững thành tích 3 thập kỷ trong tốp đầu cả nước về kết quả giáo dục phổ thông, giáo dục mũi nhọn. Sự nghiệp văn học - nghệ thuật có bước phát triển và nhiều đổi mới, bám sát và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần vào việc giữ vững ổn định và phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định tăng cường chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và nhiệm vụ của từng đơn vị. Việc thực hiện nếp sống văn hóa trong công sở, ứng xử văn minh nơi công cộng, ý thức chấp hành pháp luật và bảo vệ môi trường sinh thái trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và cộng đồng dân cư có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể:

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định chỉ đạo ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định dành ưu tiên quỹ đất và đầu tư cơ sở vật chất xây dựng mới các thiết chế văn hóa cấp xã, ở thôn, xóm và không gian vui chơi giải trí phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa được chỉ đạo thực hiện đồng bộ cùng với việc huy động nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Nam Định có 2 trung tâm văn hóa cấp tỉnh(1); 12 nhà văn hóa của các ngành công an, quân đội, đoàn thanh niên; 10/10 huyện, thành phố có trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao; có 226/226 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa/hội trường đa năng(2); có 2.160/2.160 thôn/xóm/tổ dân phố có nhà văn hóa/điểm sinh hoạt văn hóa; có 2.054 sân thể thao thôn/xóm/tổ dân phố phục vụ hoạt động tập luyện thể dục thể thao của người dân. Giai đoạn 2018 - 2022 các huyện, thành phố Nam Định đã đầu tư xây dựng 15 thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện: bể bơi, nhà văn hóa, nhà thi đấu đa năng… Toàn tỉnh Nam Định đã xây mới, sửa chữa, nâng cấp được 31 nhà văn hóa cấp xã, 175 nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố. Tổng số kinh phí đầu tư trong giai đoạn 2018 - 2022 tại các thôn/xóm/tổ dân phố là 280,424 tỷ đồng trong đó kinh phí từ nguồn xã hội hóa là 201,643 tỷ đồng (đạt khoảng 71%). Trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, nhiều địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời tại các địa điểm công cộng hoặc nhà văn hóa thôn/xóm(3).

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được đông đảo cán bộ, nhân dân hưởng ứng và chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên. Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp, phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư được quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh Nam Định đã có 2.160 hương ước, quy ước đã được công nhận góp phần bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới, quy tắc ứng xử văn minh. Các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm quy định xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, thôn/xóm/tổ dân phố văn hóa; nâng cao chất lượng bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác và công khai, gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. Đến năm 2023, toàn tỉnh có 2.052/2.160 khu dân cư được công nhận danh hiệu văn hóa (đạt 95%), có 581.482/620.944 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 93,64%). Thông qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hóa đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, cũng như xây dựng mô hình gia đình bình đẳng, ấm no và hạnh phúc. Sau 20 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000 -  2020, một số tập thể, cá nhân của tỉnh  được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khen thưởng(4)

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa được tiếp tục thực hiện với mục đích xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc để gia đình thực sự là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng, giáo dục truyền thống gia đình, nếp sống văn hóa và chuẩn mực ứng xử cho các công dân. Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định ban hành kế hoạch thực hiện công tác gia đình và nhiều văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể tập trung vào các hoạt động tuyên truyền nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3), kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động vì trẻ em… Quá trình triển khai thực hiện, nhiều gia đình được các cấp khen thưởng(5).

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII và Kết luận số 51-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X trên địa bàn tỉnh Nam Định đạt được kết quả tích cực. Nhiều địa phương đã vận động nhân dân tổ chức đám cưới theo nếp sống mới; hỗ trợ gia đình trong việc tổ chức lễ cưới, như cử người điều hành hôn lễ, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ lễ cưới... Nhiều đám cưới tổ chức theo hình thức tiệc trà, hạn chế việc tiếp thuốc lá trong đám cưới. Việc tang được tổ chức trang trọng, tiết kiệm; lễ viếng được ban văn hóa xã, phường (thị trấn) chủ trì bảo đảm nội dung ngắn gọn, hình thức trang trọng, tình nghĩa, thời gian đưa tang bảo đảm đúng quy định của địa phương, không tổ chức ăn uống linh đình. Các hủ tục lăn đường, khóc mướn, tình trạng bắc rạp lấn chiếm lòng đường, vi phạm an toàn giao thông từng bước được hạn chế.

Công tác quản lý, tổ chức các lễ hội trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo hướng văn minh, tiết kiệm, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; các địa phương đã xây dựng kế hoạch và quản lý chặt chẽ các hoạt động diễn ra trong lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về di tích, về nội quy bảo vệ di tích và bảo vệ môi trường cảnh quan di tích; nhiều trò chơi dân gian được khôi phục. Công tác thanh tra, kiểm tra lễ hội được tăng cường, do vậy việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đã đi vào nề nếp. Tình trạng đốt vàng mã, thắp hương trong khu vực nội tự di tích được hạn chế; các hoạt động đổi tiền lẻ, nhất là trong khuôn viên di tích và lễ hội, các hành vi cài, đặt tiền trên hiện vật, đồ thờ tùy tiện của người dân cơ bản không còn; các biểu hiện mê tín dị đoan, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, tăng giá hàng hóa, trộm cắp, chèo kéo khách, đốt pháo nổ,... trong thời gian diễn ra lễ hội được ngăn chặn; việc thu gom và xử lý rác thải được thực hiện kịp thời, bảo đảm vệ sinh môi trường, từng bước xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương.

Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra cơ bản ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật, theo đúng Hiến chương, Điều lệ, tôn chỉ mục đích của tổ chức tôn giáo đề ra và thực hiện theo đúng phương châm “tốt đời đẹp đạo”, gắn bó, đồng hành với dân tộc; phát huy được những giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách tôn giáo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhu cầu hoạt động tôn giáo chính đáng, hợp pháp của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và đồng bào giáo dân trên địa bàn. Nhiều cơ sở thờ tự được sửa chữa, xây dựng mới khang trang; nhiều hoạt động lễ trọng của các tôn giáo được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo bà con giáo dân trên địa bàn tham gia. Qua đó, giúp cho chức sắc, chức việc, bà con giáo dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền và đồng thuận trong việc thực hiện chính sách tôn giáo trong tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, đó là:

Một là, mức đầu tư cho văn hóa còn thấp so với nhu cầu phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh Nam Định, nhất là việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao.

Hai là, đội ngũ những người làm văn hóa trong tỉnh còn ít về số lượng và thường xuyên biến động, nhất là ở cơ sở; nhiều cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trang thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao còn hạn chế.

Ba là, chưa có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, sản phẩm văn hóa, công trình văn hóa có giá trị xứng tầm với vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa của tỉnh Nam Định, ngang tầm với thời đại để phục vụ công chúng.

Bốn là, việc thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch còn gặp nhiều khó khăn.

Năm là, cá biệt một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, tha hóa về lối sống, xuống cấp về đạo đức, sa vào tiêu cực, tệ nạn xã hội.

Tạo động lực để tỉnh Nam Định phát triển nhanh, bền vững

Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là mục tiêu, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tiếp tục xây dựng nền văn hóa, con người Nam Định phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, nhất là những tư tưởng chỉ đạo của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 24-11-2021 “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc,… Văn hóa còn thì dân tộc còn”; trong thời gian tới cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW gắn với Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Kết luận số 75-KL/TU của Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nam Định”.

Thống nhất nhận thức và quán triệt chủ trương, định hướng chỉ đạo của Đảng: “Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Đặc biệt là những chỉ đạo sâu sắc của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về phát triển văn hóa, con người; về vị trí, vai trò của văn hóa, con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, là nhân tố quyết định bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, địa phương phồn vinh, thịnh vượng.

Thứ ba, xây dựng văn hóa người Nam Định nói riêng trong thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn phát huy giá trị truyền thống của gia đình, quê hương, hệ giá trị văn hóa tốt đẹp của quốc gia, dân tộc; kết hợp những tinh hoa văn hóa truyền thống với giá trị văn hóa hiện đại. Chú trọng phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự lực, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, trọng nghĩa tình, trọng công lý và đạo đức xã hội. Xây dựng các quy tắc ứng xử văn minh trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong cộng đồng dân cư, trong dòng họ, gia đình, văn hóa ứng xử trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong không gian mạng, trong giới văn nghệ sĩ…

Thứ tư, thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về văn hóa. Thể chế hóa các chủ trương đường lối của Đảng, xây dựng các cơ chế chính sách phát triển văn hóa phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; kịp thời nắm bắt, xử lý tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, trong đó chú trọng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ, thanh niên, học sinh, sinh viên.

Thứ năm, nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với quá trình xây dựng đô thị văn minh, “đô thị hóa nông thôn”; xây dựng môi trường văn hóa, lối sống văn hóa lành mạnh trong gia đình, khu dân cư, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, nơi công cộng gắn liền với đấu tranh phê phán cái xấu, cái ác, phi văn hóa, bảo vệ giá trị chân - thiện - mỹ, nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân. Tiếp tục phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa trên địa bàn tỉnh. Phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng sâu rộng, thực chất, khuyến khích nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, những người làm công tác văn hóa. Khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Thứ sáu, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp văn hóa của tỉnh Nam Định; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ phụ trách văn hóa ở các cấp, chú trọng phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng, đào tạo, tài năng. Xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ giỏi về nghiệp vụ, năng động, sáng tạo, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới, hội nhập. Tiếp tục khai thác nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhằm phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Bảo tồn và phát huy vai trò, tác dụng của các di sản, di tích, các lễ hội, các công trình tôn giáo, các công trình văn hóa, thể thao; nâng cấp, cải tạo các công trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Phát huy những kết quả đã đạt được, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự triển khai đồng bộ của các cấp, các ngành và các địa phương, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước của tỉnh Nam Định ngày càng đạt được những kết quả quan trọng. Quê hương Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; cùng với cả nước phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao./.

---------------------

(1) Trung tâm Văn hóa 3-2 và Trung tâm Văn hóa Thể thao Thanh thiếu niên
(2) Trong đó có 196 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa/hội trường ủy ban nhân dân đạt chuẩn theo quy định
(3) Huyện Hải Hậu đã lắp đặt 431 bộ dụng cụ tập luyện thể dục thể thao ngoài trời tại nhà văn hóa, điểm công cộng của 390/390 xóm/tổ dân phố; huyện Giao Thủy lắp đặt 147 bộ dụng cụ tập luyện thể dục thể thao ngoài trời tại 140/195 xóm/tổ dân phố…

(4) Cụ thể: cán bộ và nhân dân huyện Hải Hậu được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; có 01 cá nhân, 02 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; có 01 gia đình văn hóa, 01 làng văn hóa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào
(5) Năm 2016, có 10 gia đình văn hóa tiêu biểu của tỉnh được bình chọn tham dự Hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu toàn quốc tổ chức tại Hà Nội. Năm 2017, có 06 gia đình văn hóa tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Năm 2020, có 1 gia đình được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000 - 2020.