Hội thảo "Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới, phát triển đất nước: Kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Lào"
Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962 - 5-9-2007) và 30 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào (18-7-1977 - 18-7-2007), ngày 30-8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội thảo quốc tế "Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới, phát triển đất nước: Kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Lào".
Cuộc Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi những kinh nghiệm về sự lãnh đạo của hai Đảng trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước; trao đổi về công tác lý luận, tư tưởng, tổ chức và xây dựng Đảng, đồng thời làm rõ những thành tựu và kinh nghiệm của mỗi nước, về sức mạnh của tình đoàn kết đặc biệt Việt – Lào, từ đó rút ra những bài học để phát huy có hiệu quả hơn nữa sự hợp tác toàn diện giữa hai nước, góp phần thúc đẩy hai nước cùng phát triển vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Tham dự hội thảo, về phía Việt Nam, có các đồng chí: Phạm Gia Khiêm, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về các ngày kỷ niệm Việt Nam – Lào năm 2007; Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Hồng Vinh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Về phía Lào, có các đồng chí: Xa-mản Vi-nha-kệt, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác tư tưởng, lý luận, văn hóa Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về các ngày kỷ niệm Lào – Việt Nam năm 2007; Phăn-đuông-chít Vông-xả, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào; Xủn-thon Xay-nha-chắc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam.
Các đại biểu dự Hội thảo |
Với mục tiêu đã đặt ra, sau phát biểu khai mạc của đồng chí Phạm Gia Khiêm và phát biểu của đồng chí Xa-mản Vi-nha-kệt, các nhà khoa học và hoạt động thực tiễn của Việt Nam, Lào đã phát biểu về rất nhiều vấn đề, có thể khái quát lại ở một số nội dung chủ yếu sau:
1. Những kinh nghiệm và bài học mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã thu được trong quá trình lãnh đạo nhân dân Việt Nam và Lào thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Đó là:
- Khẳng định quan điểm độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; trung thành, bảo vệ, vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong đường lối đổi mới của mình. Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước. Thể hiện ở chỗ: Đảng là người khởi xướng và đề ra đường lối đổi mới đúng đắn, phù hợp với mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xác định những nguyên tắc định hướng cho sự nghiệp đổi mới; đề ra hình thức, bước đi thích hợp; nhạy cảm nắm bắt cái mới, giữ vững tính độc lập, tự chủ, nhưng linh hoạt, sáng tạo trong việc vận dụng vào điều kiện cụ thể của đất nước.
- Xác định tầm quan trọng của công tác tư tưởng trong giai đoạn hiện nay, coi đây là mối quan tâm thường trực và thường xuyên của Đảng. Công tác tư tưởng, nghiên cứu lý luận là một nội dung trọng yếu đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quyết định tới thành bại của sự nghiệp cách mạng, đến chiều hướng phát triển của xã hội và triển vọng của cả dân tộc. Để thực hiện tốt công tác tư tưởng, nghiên cứu lý luận, cần phát huy tính độc lập tự chủ, khắc phục bệnh giáo điều, thoát ly thực tiễn trong công tác tư tưởng, lý luận, đặc biệt trong nghiên cứu lý luận. Phát huy dân chủ, tự do tư tưởng đảm bảo cho đội ngũ cán bộ lý luận của Đảng đem hết tài năng sáng tạo, ý thức trách nhiệm và bản lĩnh chính trị đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, có những cống hiến ngày càng to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Việc chống những biểu hiện giáo điều cũ phải được tiến hành đồng thời với phòng tránh khuynh hướng giáo điều mới; nâng cao tinh thần cảnh giác đối với chiến lược “diễn biến hòa bình" trên các phương diện của các thế lực thù địch. - Đánh giá vai trò đặc biệt quan trọng của nhân dân trong việc tham gia sáng tạo lý luận, xây dựng đường lối. "Đường lối đổi mới của Đảng, nhìn từ gốc rễ, chính là sự khái quát ở tầm lý luận những trăn trở, tìm tòi, thể nghiệm của những người công nhân, nông dân, trí thức..." ở cơ sở.
- Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân là động lực, là yêu cầu quan trọng, là việc làm thường xuyên để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, đưa đất nước phát triển bền vững.
- Cùng với "phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, phát triển văn hóa là nền tảng xã hội" thì "xây dựng Đảng là vấn đề then chốt”. Đảng phải luôn: nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; giữ vững bản lĩnh chính trị và nâng cao tầm trí tuệ để đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo với tư cách là Đảng cầm quyền trong thời kỳ mới; nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân"; kiên quyết đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, sớm đưa Lào và Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển, v.v..
Bên cạnh những kinh nghiệm và bài học đã thu được, hai Đảng cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra, làm sáng tỏ hơn nữa lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Lào và Việt Nam...
2. Khẳng định truyền thống hữu nghị, đoàn kết, mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng và nhân dân hai nước Việt - Lào
Đây là mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, trong sáng, thủy chung giữa hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Mối quan hệ giữa hai Đảng là mối quan hệ mẫu mực giữa hai đảng cách mạng anh em, là mối quan hệ hiếm có giữa hai đảng chính trị cầm quyền. Quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng được xây dựng trên nền tảng cùng ý thức hệ, cùng một chiến trường, cùng chung lý tưởng cách mạng, luôn đồng cam cộng khổ, dành cho nhau sự giúp đỡ chí tình bằng cả xương máu để bảo bệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Tính chất đặc biệt còn thể hiện ở sự chia sẻ kinh nghiệm trong mọi lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực nhạy cảm nhất để cùng nhau phát triển; ở sự tin tưởng cao từ lãnh đạo cấp cao đến các chi bộ, đảng bộ và quần chúng nhân dân lao động vào sự thiện chí, vô tư, không vụ lợi, dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Những bước đi lên của cách mạng mỗi nước đều gắn liền với những bước phát triển tốt đẹp của mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai nước. Mối quan hệ Việt - Lào đã trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.Vì thế, củng cố và vun đắp cho mối quan hệ Việt - Lào "mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”là nghĩa vụ của cả hai Nhà nước, đồng thời cũng là nhiệm vụ tất yếu của mỗi đảng viên trong thời kỳ đổi mới.
3. Đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai nước
Quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào được diễn ra toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng... Một trong những kết quả cụ thể, hiện thực hóa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt - Lào là sự hợp tác phát triển kinh tế. Hiện nay, Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong các nước đầu tư vào Lào, với khoảng 70 dự án, trị giá khoảng 516 triệu USD, riêng năm 2006, kim ngạch trao đổi thương mại hai bên đạt 260 triệu USD, tăng 59% so với những năm trước. Hiện nay, cả hai bên đang phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai bên tăng lên 1 tỉ USD vào năm 2010 và 2 tỉ USD vào năm 2015.
Không chỉ dừng lại ở cấp quốc gia, các tỉnh và thành phố của Việt Nam và Lào, đặc biệt là các tỉnh có chung đường biên đã có nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi, hợp tác kinh tế, mang lại hiệu quả thiết thực. Có thể nêu ở dây một số thí dụ:
- Hà Nội và Viên-chăn đã duy trì và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực: xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa...Trong những năm từ 1991-2006, đã có nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội được triển khai, trong đó có các dự án lớn như: Dự án lắp điện chiếu sáng một số khu vực của thanh phố Viên-chăn với trị giá 4,4 tỉ đồng; Dự án “Xây dựng Trường dạy nghề hữu nghị Viên-chăn - Hà Nội" trị giá 14,8 tỉ đồng...
- Nghệ An (có 419 km đường biên giới tiếp giáp với Xiêng-khoảng, Hủa-phăn, Bô-ly-khăm-xay) và Xiêng-khoảng hằng năm đều tổ chức các cuộc gặp gỡ của lãnh đạo hai tỉnh để bàn chương trình hợp tác, đồng thời tạo thuận lợi cho các ngành trong tỉnh, các huyện có chung đường biên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi tình hình, ký kết các hợp đồng kinh tế; thăm quan, du lịch; trao đổi, học tập kinh nghiệm, hợp tác theo khả năng của hai bên. Nghệ An đã cử một số doanh nghiệp và tổ chức lực lượng công nhân sang giúp Bạn xây dựng kết cấu hạ tầng. Các tỉnh bạn Lào xuất khẩu gỗ và các sản phẩm quá cảnh qua cảng Cửa Lò, trao đổi lưu thông qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn...Tuyến xe khách Vinh - Viên-chăn, Vinh - Phôn-xa-vẳn được hình thành...
- Sơn La và một số tỉnh Bắc Lào luôn tăng cường hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong lĩnh vực kinh tế, các chương trình hợp tác về nông nghiệp và phát triển nông thôn, chương trình hợp tác về thương mại, giao thông vận tải đã và đang được triển khai thực hiện. Sơn La đã giúp bạn Lào xây dựng trường học, bệnh viện, trạm thu phát truyền hình, bến phà, cầu treo, công trình thủy lợi, vật tư kỹ thuật...
- Điện Biên và một số tỉnh Bắc Lào đã xác định phải tăng cường hợp tác toàn diện, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mối bên để hợp tác, đầu tư, cùng phát triển, bảo đảm bình đẳng, hiệu quả và cùng có lợi. Hoạt động thương mại - du lịch, giao thông vận tải ngày càng phát triển. Sau khi cửa khẩu Tây Trang - Sốp Hùn khai trương, kim ngạch xuất nhập khẩu và lượng người qua lại đã tăng lên rõ rệt. Dịch vụ vận tải hành khách Điện Biên - Mường Khoa - U-đôm-xay đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế và nhân dân hai bên biên giới qua lại buôn bán, thiết thực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của cả hai bên cùng phát triển.
- Quảng Trị và Xa-va-na-khẹt, Xa-la-van đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo quảng bá đầu tư, cải cách thủ tục hành chính tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đen-xa-vẳn và cửa khẩu quốc tế La Lay nhằm khuyến khích giao lưu phát triển kinh tế, thương mại, du lịch... Đặc biệt, sau khi tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây được khơi thông, Quảng Trị và Xa-va-na-khẹt có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội. Tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đen-xa-vẳn, Chính phủ hai nước Việt - Lào đã thống nhất cam kết xây dựng khu vực phát triển kinh tế thương mại với chính sách ưu đãi về thuế. Trong vòng 5 năm, hơn 2.000 tỉ đồng của 45 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã được triển khai tại đây...
Sau 1 ngày làm việc, kết luận Hội thảo, đồng chí Tô Huy Rứa khẳng định, với đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam; với truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết dân tộc được phát huy cao độ, nhân dân các bộ tộc Lào và nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Đường về  (31/08/2007)
Xuất khẩu dệt may 8 tháng đạt gần 5,1 tỉ USD  (30/08/2007)
Tăng đầu tư cho giáo dục ở vùng khó khăn  (30/08/2007)
Hội nghị “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”  (29/08/2007)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm