Hà Nội nỗ lực cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh
TCCS - Trong thời gian qua, Hà Nội có nhiều nỗ lực trong triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, cải thiện rõ nét môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế cùng phát triển. Cải cách hành chính là việc làm cấp bách để giảm phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô trong tình hình mới.
Hà Nội quyết liệt cải cách hành chính
Để cải cách hành chính, Hà Nội có nhiều chủ trương, giải pháp, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, nhất là triển khai các kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá cũng như sơ kết rút kinh nghiệm trong cải cách hành chính. Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương trên địa bàn (DDCI), báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trong quý I-2024; định kỳ hằng năm triển khai điều tra, đánh giá và công bố xếp hạng Bộ chỉ số này; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); duy trì hoạt động của Tổ công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX), Chỉ số sự hài lòng của tổ chức và cá nhân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của thành phố.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động cải cách hành chính, tháng 7-2023, tại kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết giám sát “việc thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội”. Đồng thời, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Nội vụ thành lập Đoàn khảo sát nghiên cứu kinh nghiệm cải cách hành chính tại một số tỉnh nhằm đẩy nhanh cải cách hành chính đi vào thực chất, nhanh chóng và tiết kiệm. Thành phố cũng khuyến khích các cơ quan, đơn vị đăng ký, triển khai các mô hình, sáng kiến cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục tổng kết, rút kinh nghiệm để đề xuất nhân rộng ra toàn thành phố.
Đối với công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính và đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, thành phố đã chính thức vận hành kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về quy định hành chính qua ứng dụng Zalo tại địa chỉ Zalo Official Acount “Phản ánh kiến nghị thành phố Hà Nội”; chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị thực hiện việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính được gửi đến thuộc thẩm quyền xử lý của đơn vị theo quy định; phân công nhân sự trực tiếp tiến hành rà soát, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia; chỉ đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn triển khai đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính; công khai kết quả đánh giá trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống Một cửa điện tử dùng chung ba cấp. Bộ phận Một cửa của các cơ quan, đơn vị trên toàn thành phố đều thực hiện niêm yết đầy đủ số điện thoại, địa chỉ, email tiếp nhận các phản ánh kiến nghị về quy định hành chính, để người dân trực tiếp liên hệ khi gặp khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, thành phố tăng cường chỉ đạo nâng cao thái độ ứng xử, đạo đức công vụ của công chức, đề cao tính chuyên nghiệp, sự phục vụ của công chức đối với người dân, tổ chức, lấy sự hài lòng của người dân làm một trong những cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức.
Về công tác tuyên truyền, Ủy ban nhân dân thành phố đẩy mạnh truyền thông sâu rộng, vận động nhân dân, các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô tích cực hưởng ứng, tham gia trách nhiệm, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cải cách hành chính, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính của thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Các đơn vị như Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, các sở: Tư pháp, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông; các quận, huyện, thị xã: Cầu Giấy, Long Biên, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Phú Xuyên, Mê Linh, Ba Vì, Thanh Trì, Đông Anh, Ứng Hòa, Đan Phượng, Mỹ Đức, Sơn Tây,... xây dựng nhiều nội dung tuyên truyền, đăng tải trên nhiều báo Trung ương và địa phương nhằm phổ biến pháp luật về cải cách hành chính.
Hà Nội cũng phấn đấu đi đầu trong cả nước về mô hình “phân cấp quản lý nhà nước”, theo đó thành phố đẩy mạnh ủy quyền thực hiện thủ tục hành chính theo hướng “cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”; thực hiện phân cấp quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm đồng bộ, đầy đủ; đẩy mạnh sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Thủ đô. Thành phố ban hành 02 Kế hoạch về số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc thẩm quyền của các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện số hóa và đã triển khai lắp đặt các thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị công nghệ thông tin để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thực hiện liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế trên địa bàn thành phố. Nghiên cứu chính sách miễn giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Hiệu quả tích cực tạo tiền đề nâng cao năng lực cạnh tranh
Việc triển khai có hiệu quả, đồng bộ các giải pháp nêu trên góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2023, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số có nhiều chuyển biến tích cực. Hà Nội là một trong các tỉnh, thành phố đầu tiên bảo đảm đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Các chỉ số xếp hạng, đánh giá liên quan đến chuyển đổi số năm 2022 được nâng cao, trong đó có chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2021 và hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06. Tính đến ngày 28-6-2023, toàn thành phố đã kích hoạt 4.220.601/6.220.864 tài khoản định danh điện tử, đạt 67,8%.
Theo kết quả một số Chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền năm 2022 của thành phố, công bố tháng 4-2023: Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) đạt 89,58%, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2021. Chỉ số Hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 80,16%, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, chỉ số Hài lòng của thành phố Hà Nội đạt trên 80%. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đạt 43,90/80 điểm, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm 1 (nhóm 15 tỉnh/thành phố có điểm số cao nhất). Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Hà Nội giữ vị trí trong nhóm 1 và tiến bộ vượt bậc so với giai đoạn trước (Giai đoạn 2015 - 2020, thường ở vị trí nhóm 4 - nhóm có điểm số thấp nhất)…
Việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông cơ bản chặt chẽ, nền nếp, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước. Đã có 100% số thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố chính thức đưa vào vận hành 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng. Việc khai thuế điện tử được áp dụng phổ biến, đạt 99,5% số doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% số doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính của Hà Nội cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, PCI năm 2022 của Hà Nội đạt 66,74 điểm (giảm 1,86 điểm so với năm 2021), xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố (giảm 10 bậc so với năm 2021), chưa đạt mục tiêu đề ra tại Chương trình số 02-CTr/TU của Thành uỷ và Chỉ thị số 13/CT-UBND của UBND thành phố. Thực tế này đòi hỏi, để nâng cao năng lực cạnh tranh, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, có những giải pháp đồng bộ trong cải cách hành chính và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Trước mắt, Hà Nội phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nắm vững quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Thủ đô; tiếp tục phát huy những lợi thế về lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và độ mở trang web, chủ động tăng cường công khai, minh bạch hóa thông tin, các tài liệu pháp lý của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân thành phố; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, bảo đảm mọi khiếu kiện đều được ghi nhận và trả lời cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tin tưởng vào sự bảo vệ của pháp luật...
Thứ hai, công khai quy trình, thủ tục hành chính, các văn bản pháp lý liên quan tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ, chú trọng trong việc lập các mẫu giấy tờ, thủ tục để người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng điền, hoàn thiện khi khai nộp các hồ sơ, hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ. Áp dụng rộng rãi hình thức đăng ký kinh doanh, hải quan, đăng ký đầu tư,... trực tuyến nhằm rút ngắn thời gian hoàn thành hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Đầu tư thiết bị đồng bộ (đặc biệt là hệ thống mạng và phần mềm) để duy trì sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan.
Thứ ba, công khai minh bạch các loại thông tin, tài liệu: ngân sách, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các văn bản quy phạm pháp luật của thành phố, các kế hoạch về các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng dự án đầu tư, mẫu biểu thủ tục hành chính, thông tin về thay đổi của các quy định về thuế, dữ liệu doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh… Bên cạnh đó, tất cả các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính cần được công khai, thông tin cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, nhất là về quy trình thủ tục, thành phần hồ sơ, các loại biểu mẫu, hướng dẫn chi tiết để hoàn thiện mẫu thủ tục hành chính, quy định thời gian giải quyết, các mức phí, lệ phí theo quy định để người dân và doanh nghiệp dễ hiểu và dễ thực hiện.
Thứ tư, chủ động đổi mới tư duy, nhận thức, cách làm, tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng, triển khai Đề án tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể và cho từng ngành kinh tế, chuỗi sản phẩm chủ lực và khu vực doanh nghiệp, làng nghề trên địa bàn Thủ đô. Định kỳ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, lắng nghe ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Thứ năm, kết quả cải thiện thứ hạng PCI của Hà Nội tùy thuộc rất lớn vào chính sách tuyển dụng, quản lý, chất lượng nguồn nhân lực và loại bỏ các đầu mối, công đoạn quản lý trung gian chồng chéo; phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường, đường dây nóng, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ kinh doanh, hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp (trực tiếp, qua điện thoại, email...); tùy thuộc vào khả năng phản ứng chính sách và phản ứng thị trường, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt trước những thay đổi và yêu cầu mới./.
Công an Hà Nội chủ động đối phó với những nguy cơ, thách thức bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố  (24/10/2023)
Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, góp phần xây dựng Đảng bộ thành phố Hà Nội trong sạch, vững mạnh  (24/10/2023)
Khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong xây dựng, phát triển Thủ đô  (20/10/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển