Bảo hộ công dân Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo các điều ước quốc tế về hợp tác lao động
TCCS - Bảo hộ công dân (BHCD) làm việc ở nước ngoài theo các điều ước quốc tế về hợp tác lao động là nhu cầu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo đó, việc hoàn thiện các thiết chế BHCD cần không ngừng được tăng cường trong thời gian tới.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ”(1). Luật Quốc tịch Việt Nam ghi nhận: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Các cơ quan nhà nước ở trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thi hành mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế để thực hiện sự bảo hộ đó”(2). Theo quy định trên, hệ thống các cơ quan chức năng thực hiện công tác BHCD ngày càng được kiện toàn, nâng cao chất lượng và số lượng. Trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện mọi biện pháp cần thiết phù hợp với pháp luật sở tại, luật pháp và thông lệ quốc tế, pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam ở nước ngoài được quy định khá rõ. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài (cơ quan đại diện) thi hành mọi biện pháp để công dân Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích theo pháp luật nước tiếp nhận, điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế. Khi các quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam bị xâm phạm, cơ quan đại diện có nghĩa vụ thi hành mọi biện pháp để khôi phục những quyền và lợi ích chính đáng đó.
Thực trạng công tác bảo hộ công dân Việt Nam đi lao động ở nước ngoài
Bộ Ngoại giao, trực tiếp là Cục Lãnh sự và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, có nhiệm vụ thực hiện chức năng bảo hộ quyền lợi công dân Việt Nam ở nước ngoài. Cục Lãnh sự thực hiện các chức năng liên quan đến BHCD, như: Quản lý nhà nước về hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài; bảo hộ lãnh sự đối với công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam xuất cảnh và cư trú ở nước ngoài(3). Để tăng cường hiệu quả công tác BHCD, Phòng Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao được thành lập vào tháng 4-2012, là đầu mối giải quyết các vấn đề liên quan đến BHCD Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự do Cục Lãnh sự quản lý, đăng tải các thông tin về BHCD, đưa ra các cảnh báo cần thiết cho công dân để phòng ngừa, tránh các rủi ro, thảm họa có thể gây nguy hiểm đến tính mạng khi họ xuất cảnh và cư trú ở nước ngoài. Tổng đài điện thoại hỗ trợ công tác BHCD và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài đi vào hoạt động từ tháng 2-2015, tiếp nhận tất cả các cuộc gọi cung cấp thông tin, phản ánh yêu cầu, đề nghị giúp đỡ công dân và pháp nhân Việt Nam ở ngước ngoài.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài là cơ quan cấp tổng cục trực thuộc Bộ Ngoại giao, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, Ủy ban có nhiệm vụ tổng hợp, đánh giá tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, hòa nhập xã hội sở tại, thực hiện đại đoàn kết dân tộc; tổ chức, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài trong mối liên hệ với trong nước(4). Qua thực tiễn cho thấy, việc bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam được các cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành chủ động và khá bài bản. Công tác này cơ bản đều được thực hiện thông qua cơ chế chỉ đạo, điều hành trực tiếp từ Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) tới các cơ quan đại diện có liên quan.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò then chốt trong thực hiện hoạt động BHCD Việt Nam ở nước ngoài. Cơ quan đại diện được Chính phủ thành lập, căn cứ vào yêu cầu, hoạt động, quan hệ đối ngoại, trên cơ sở thỏa thuận với quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận và do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý. Cơ quan đại diện thực hiện nhiệm vụ lãnh sự (bao gồm hoạt động bảo hộ lãnh sự) và nhiệm vụ hỗ trợ, bảo vệ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài(5).
Trong lĩnh vực lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; ban quản lý lao động trực thuộc cơ quan đại diện Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ thành lập ở những nước, khu vực có nhiều lao động Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có ban quản lý lao động ở 6 quốc gia và vùng lãnh thổ có đông lao động Việt Nam đang làm việc, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) , Ả-rập Xê-út. Đối với các nước chưa thành lập ban quản lý lao động thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại sẽ thay mặt Nhà nước quản lý và hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan tới người lao động Việt Nam đang làm việc tại nước đó.
Công tác BHCD thời gian qua đạt được những kết quả tích cực, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam ở ngoài nước, còn có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở nước sở tại. Hầu hết các nước có người lao động Việt Nam sinh sống và làm việc đều tạo điều kiện tối đa cho công tác BHCD. Một số nước có nhiều công dân đi làm việc ở nước ngoài hoặc lượng người di cư đông tương tự như Việt Nam đã thiết lập những cơ chế linh hoạt và hiệu quả, như thành lập ra cơ quan chuyên trách. Xri Lan-ca thành lập Ủy ban cố vấn cấp cao với sự tham gia của các bộ, ngành, tổ chức tư nhân, công đoàn, các tổ chức xã hội, ủy ban điều phối liên bộ được thành lập để thúc đẩy công việc qua các đầu mối từ các bộ, ngành chủ chốt(6). Theo đó, cơ quan này có thẩm quyền đưa ra những quyết định về tác chiến hoặc trực tiếp giao nhiệm vụ cho cơ quan chức năng khi có vụ, việc xảy ra; có thể đề ra quy định về chế độ trao đổi, cập nhật thông tin, thành lập đội phản ứng nhanh giữa các cơ quan liên quan để giải quyết vụ, việc.
Ở nước ta, khi có tình huống cần phải BHCD thì nhiều biện pháp nghiệp vụ đã được các cơ quan đại diện chủ động triển khai, góp phần tích cực, hiệu quả cho công tác BHCD; có thể kể đến, như thường xuyên trao đổi với cơ quan chức năng nước sở tại tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam sinh sống, học tập, làm ăn hợp pháp; kịp thời BHCD khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam do vi phạm pháp luật nước sở tại; hỗ trợ, giúp đỡ đối với trường hợp gặp khó khăn; vận động hội đoàn người Việt Nam hỗ trợ tích cực cho công tác BHCD; cử cán bộ tham dự các phiên tòa để bảo vệ quyền lợi cho người lao động và yêu cầu phía người sử dụng lao động, công ty bảo hiểm bồi thường cho công dân khi gặp tai nạn lao động; đưa tin khuyến cáo công dân và cử cán bộ trực điện thoại đường dây nóng 24/7 để kịp thời có biện pháp bảo hộ trong tình huống khủng hoảng. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần giải quyết nhiều vụ, việc được thân nhân, gia đình công dân Việt Nam gặp khó khăn, hoạn nạn ở nước ngoài ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì cơ chế phối hợp với các quốc gia sở tại vẫn đang là một khâu yếu trong công tác bảo hộ người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhất là đối với những địa bàn chưa có cơ quan đại diện của Việt Nam. Hiện nay, nước ta vẫn chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ, quy định trách nhiệm giữa cơ quan chức năng trong nước với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Trong trường hợp phải giải quyết tình huống khủng hoảng, nhanh và gấp thì chưa tạo được tính nhất quán, hiệu quả. Điều đó phần nào làm giảm hiệu quả của công tác BHCD nói chung và bảo hộ lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nói riêng. Trong nhiều trường hợp, các cơ quan có thẩm quyền của các nước chưa ký kết hiệp định lãnh sự với nước ta không thông báo về việc bắt giữ, xét xử công dân Việt Nam cho các cơ quan đại diện Việt Nam. Điều này gây bất lợi cho công tác BHCD. Một điểm bất lợi khác là, tại các nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với nước ta, công dân Việt Nam sẽ phải làm thủ tục hợp pháp hóa nếu muốn sử dụng các giấy tờ do các cơ quan của Việt Nam cấp, phải nộp tiền tạm ứng án phí khi bị khởi kiện tại tòa án, bản án, quyết định của tòa án nước ngoài không được công nhận, thi hành tại Việt Nam(7).
Để tăng cường, hoàn thiện thiết chế, cơ chế bảo hộ công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo các điều ước quốc tế về hợp tác lao động
Để tăng cường, hoàn thiện thiết chế, cơ chế BHCD Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo các điều ước quốc tế về hợp tác lao động, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, tăng cường vai trò và hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài trong việc tiếp cận và hỗ trợ người lao động Việt Nam ở nước ngoài, giải quyết những vướng mắc, tranh chấp với người sử dụng lao động và môi giới nước ngoài về việc làm và điều kiện làm việc, tiền lương, thu nhập, đóng thuế thu nhập, chi phí theo quy định. Công tác BHCD tại các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài phải bảo đảm về bình đẳng giới, hỗ trợ người lao động nam và nữ trong các trường hợp bị xâm hại, lạm dụng, sao cho bảo vệ được quyền của công dân và người lao động và bảo vệ được danh tính, tôn trọng quyền riêng tư, bí mật cá nhân của họ. Đối với những thị trường tiếp nhận nhiều lao động nữ Việt Nam cần có ít nhất 1 cán bộ nữ thực hiện công tác quản lý lao động.
Hai là, hiện nay, Bộ Ngoại giao đã giao trách nhiệm thực hiện công tác BHCD Việt Nam ở nước ngoài cho Cục Lãnh sự và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, Cục Lãnh sự là cơ quan trực tiếp, cụ thể hóa các hoạt động BHCD Việt Nam ở nước ngoài, còn Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài là cơ quan nghiên cứu, xây dựng chủ trương, chính sách, phối hợp trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Để chuyên môn hóa và nâng cao hiệu quả công tác BHCD Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cần phân định rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ và cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan này. Tuy nhiên, Cục Lãnh sự phải là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ về công tác BHCD Việt Nam ở nước ngoài, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng có liên quan để tiến hành hoạt động BHCD khi cần thiết. Cần xây dựng Trung tâm xử lý khủng hoảng trực thuộc Bộ Ngoại giao. Theo đó, Trung tâm này có thể hình thành bộ phận chuyên trách hoặc kiêm nhiệm để xây dựng kế hoạch quốc gia về xử lý khủng hoảng. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Khi có tình huống khủng hoảng xảy ra, Trung tâm sẽ vận hành quy trình xử lý tình huống khủng hoảng; tổ chức trực 24/7 để tiếp nhận, đề xuất, xử lý các thông tin liên quan. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ xây dựng bộ tài liệu tập huấn cho công tác BHCD trong tình huống khủng hoảng; thống nhất quy trình xử lý khủng hoảng ở các cấp độ khác nhau.
Ba là, số lượng người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ngày càng gia tăng ở nhiều địa bàn và quốc gia khác nhau, do đó, cần tiếp tục tăng cường số lượng các cơ quan đại diện, hạn chế cơ quan đại diện kiêm nhiệm, đặc biệt là các địa bàn có đông người lao động Việt Nam làm việc và cư trú. Bên cạnh đó, cần tăng cường biên chế cho các bộ phận lãnh sự tại các cơ quan đại diện. Trong trường hợp cần thiết, cần nghiên cứu lập các văn phòng lưu động để giải quyết các công việc lãnh sự tại các nước lân cận thuộc khu vực lãnh sự, kịp thời hỗ trợ công dân khi cần thiết. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao trình độ, năng lực, chất lượng cán bộ làm công tác lãnh sự ở nước ngoài.
Bốn là, tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong công tác BHCD Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Do tính chất phức tạp và đa dạng của công tác BHCD nên việc phối hợp giữa những cơ quan trực tiếp thực hiện công tác này với các cơ quan hữu quan khác là một việc làm rất cần thiết, quyết định đến hiệu quả của công tác BHCD. Theo đó, trước mắt cần quy định cụ thể hơn về cơ chế phối hợp thường xuyên và định kỳ giữa các cơ quan chức năng, trước hết là giữa Bộ Ngoại giao với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để thống nhất cách thức BHCD, tránh những vướng mắc trong quá trình bảo hộ người lao động Việt Nam ở nước ngoài là người hai quốc tịch; vấn đề cho hồi hương công dân; vấn đề trục xuất công dân Việt Nam ở nước ngoài; vấn đề cho thôi hoặc cho trở lại quốc tịch Việt Nam...
Năm là, xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động di cư, triển khai hoạt động đăng ký công dân Việt Nam ở nước ngoài. Thực tế cho thấy, cơ sở dữ liệu về lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chưa được cập nhật thường xuyên và chưa có cơ sở dữ liệu thống nhất, do có trường hợp cơ quan, doanh nghiệp không gửi báo cáo về Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng như Cục Lãnh sự. Do đó, nếu có cơ sở dữ liệu chính xác về lao động di cư hoặc cơ sở dữ liệu về đăng ký công dân ở nước ngoài thì các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thể nắm chắc được số lượng người lao động Việt Nam cư trú trên địa bàn mình quản lý, các thông tin chi tiết về nhân thân của những người này để có thể tiến hành các biện pháp bảo hộ kịp thời khi cần thiết. Để triển khai thực hiện công việc này, trước mắt, cần tiến hành tổng kết, đánh giá công tác đăng ký công dân trong thời gian qua để có thể làm rõ những hạn chế, bất cập trong công tác này và có phương hướng khắc phục; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về tầm quan trọng, tác dụng của hoạt động đăng ký công dân; thủ tục đăng ký công dân cho công dân Việt Nam ở nước ngoài; nâng cao nghiệp vụ, nhận thức của cán bộ làm công tác lãnh sự đối với hoạt động đăng ký công dân ở nước ngoài. Về lâu dài, Bộ Ngoại giao cần tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật quy định về hoạt động đăng ký công dân Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xác minh quốc tịch của người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài khi xảy ra các tình huống cần bảo hộ.
Sáu là, tăng cường cơ chế phối hợp với quốc gia tiếp nhận về việc BHCD Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo các điều ước quốc tế về hợp tác lao động. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác BHCD người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo các điều ước quốc tế về hợp tác lao động cần chú trọng mối quan hệ phối hợp giữa nước ta với quốc gia tiếp nhận người lao động thông qua các hiệp định song phương, đa phương về xuất khẩu lao động. Theo đó, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc BHCD đi làm việc ở nước ngoài khi gặp khó khăn. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống di cư bất hợp pháp; tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cũng như cơ quan chức năng nước sở tại. /.
-------------------------------
(1) Khoản 3, Điều 17, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013
(2) Điều 6, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014
(3) Xem: Quyết định số 227/QĐ-BNG, ngày 21-1-2014, của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Lãnh sự”
(4) Xem: Quyết định số 11/2019/QĐ-TTg, ngày 18-2-2019, của Thủ tướng Chính phủ, “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao”
(5) Điều 7 và Điều 8, Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 2009, sửa đổi, bổ sung năm 2017
(6) Xem: Phạm Thị Hoàn: Quản lý nhà nước đối với xuất khẩu lao động của Việt Nam giai đoạn hiện nay, Luận án Tiến sỹ kinh tế. LA 11.0284.2, Thư viện Quốc gia, 2011, tr. 79
(7) Xem: Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao: Bảo hộ quyền lợi của công dân Việt Nam ở nước ngoài, Đề tài nghiên cứu khoa học, tháng 10-1998, Hà Nội, tr. 132
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển