TCCSĐT - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương sửa đổi Khoản 3 Điều 23 dự thảo Điều lệ PVN. Không quy định cụ thể quyền quyết định các dự án sử dụng nguồn vốn từ tiền lãi dầu khí nước chủ nhà từ Hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, lợi nhuận được chia từ liên doanh dầu khí và tiền đọc tài liệu dầu khí để lại cho PVN trong Điều lệ PVN, việc quyết định các dự án này sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư sau khi đã xác định rõ nguồn vốn nêu trên là vốn đầu tư công hay không phải đầu tư công theo Quy chế quản lý tài chính của PVN.

Bộ Công Thương rà soát quy định về việc phê duyệt chủ trương vay nợ nước ngoài của PVN; thẩm định, chấp thuận đối với các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ để bảo đảm đúng quy định của pháp luật về quản lý vay và trả nợ nước ngoài, cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm thống nhất với Quy chế quản lý tài chính của PVN.

Đồng thời rà soát các quy định pháp luật hiện có và nghiên cứu việc cần thiết bổ sung vào Điều lệ PVN hoặc văn bản pháp luật khác để bảo đảm quy định chặt chẽ về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng quy trình, giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán đối với lĩnh vực thượng nguồn do PVN và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu quy định về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của PVN để nâng cao trình độ năng lực, kinh nghiệm quản lý, điều hành PVN và phù hợp với các quy định về công tác cán bộ.

Bộ Công Thương hoàn thiện dự thảo Điều lệ PVN, trình Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xem xét, ký ban hành.

Nghiên cứu, xử lý phản ánh về nhân sự ngành bán lẻ bị cạnh tranh


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xử lý thông tin báo nêu về nhân sự ngành bán lẻ bị cạnh tranh bởi người nước ngoài.

Trước đó, thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 03-10-2017 có bài phản ánh về "nhân sự ngành bán lẻ bị cạnh tranh bởi người nước ngoài" nêu việc không chỉ kinh doanh bán lẻ bị cạnh tranh bởi nước ngoài, ngay cả các vị trí nhân sự trung và cao cấp trong ngành cũng đang bị lao động nước ngoài "lấn sân", trong đó khoảng 50% nhà tuyển dụng có chính sách tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao nước ngoài.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xử lý, báo cáo việc này.

Cơ chế tài chính đối với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định việc áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.

Theo đó, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử được thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số16/2015/NĐ-CP ngày 14-02-2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10-10-2016 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử được sử dụng nguồn thu phí được để lại để chi cho các hoạt động của Cục, trong đó có: Chi mua sắm, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị; chi bổ sung thu nhập cho người lao động để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01-12-2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017.

Mức tiền pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 115/2017/NĐ-CP quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp. Theo đó, việc nộp tiền để bảo đảm thi hành án, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp chỉ được thực hiện trên cơ sở quyết định của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Việc nộp tiền, tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền pháp nhân thương mại đã nộp để bảo đảm thi hành án phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục do Nghị định này quy định và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Về mức tiền nộp để bảo đảm thi hành án, tiền được nộp để bảo đảm thi hành án là tiền Việt Nam đồng hoặc ngoại tệ thuộc sở hữu hợp pháp của pháp nhân thương mại bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Tiền nộp để bảo đảm thi hành án gồm có tiền nộp để bảo đảm thi hành án phạt tiền và tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường.

Mức tiền nộp để bảo đảm thi hành án phạt tiền do cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không dưới 50% và không cao hơn mức phạt tiền cao nhất quy định tại điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại.

Mức tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại được quy định như sau:

- Nếu điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại có tình tiết quy định mức thiệt hại về tài sản thì mức tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường do cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không dưới 50% và không cao hơn mức thiệt hại cao nhất về tài sản quy định tại điều khoản đó.

- Nếu trong điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại không có tình tiết quy định mức thiệt hại về tài sản thì tùy từng trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng đang giải quyết vụ án có thể áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để xác định mức thiệt hại làm cơ sở cho việc quyết định mức tiền cụ thể mà pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường. Mức tiền nộp được quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không cao hơn mức thiệt hại thực tế đã được xác định.

Nghị định có hiệu lực từ 01-01-2018.

Phân công chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ qan liên quan chuẩn bị Báo cáo việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện việc phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2017 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2018.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị Nghị quyết về cơ chế, chính sách để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ, thủ tục phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm thành viên Chính phủ (Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về tình hình xử lý các vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm trong thời gian vừa qua liên quan đến bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, kê khai tài sản và việc xử lý những trường hợp có sai phạm và đã bị kỷ luật về Đảng./.