Những dấu ấn APEC 2017 - một năm nhìn lại
TCCS - Đã một năm trôi qua kể từ khi Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 kết thúc tại Đà Nẵng, đồng thời cũng khép lại một năm APEC đầy sôi động và ấn tượng của nước chủ nhà Việt Nam. Đăng cai làm chủ nhà APEC 2017 từ trước đó 5 năm (năm 2012), khó có thể lường được rằng Việt Nam sẽ tổ chức năm APEC trong bối cảnh đầy thách thức. Tuy nhiên, vượt lên thách thức, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công hội nghị với kết quả ấn tượng.
Dấu ấn APEC 2017
2017 thực sự là một năm đầy biến động và xáo trộn, một năm mà những lo âu, xao động, bất an lan tỏa khắp toàn cầu. Trong bức tranh đậm gam màu tối của tình hình thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, việc bảo đảm thành công cho một hội nghị quốc tế gồm nhiều nền kinh tế lớn đứng trước rất nhiều thách thức, đặc biệt là đối với yêu cầu hội tụ đầy đủ các thành viên và quy tụ được sự đồng thuận, nhất trí. Tháng 4-2017, Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức đã không thành công, tiếp đó là liên tiếp những tín hiệu tiêu cực trên mọi diễn đàn đa phương, xuất hiện nhiều trở ngại trong liên kết khu vực. Thế nhưng, đúng vào thời điểm khó khăn và thách thức không chỉ đối với APEC mà còn đối với xu thế liên kết khu vực, xu thế tự do hóa thương mại trên toàn thế giới, Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh, sự kiên trì và tinh thần sáng tạo, quyết tâm, trách nhiệm để bảo đảm cho thành công của APEC 2017. Những dấu ấn đậm nét của APEC 2017 đã có tác động tích cực tới tình hình, xu thế trên thế giới, khu vực và bản thân APEC. Đặc biệt, với Việt Nam, nỗ lực của cả năm APEC mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao đã nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của đất nước ta, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa nước ta với các nền kinh tế APEC, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp APEC, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước, tiềm năng phát triển của Việt Nam.
Bước sang năm 2018, tình hình thế giới và khu vực diễn biến có chiều hướng phức tạp hơn, xuất hiện nhiều khó khăn hơn thuận lợi. Một số xu hướng từ năm trước, như chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân túy và phản toàn cầu hóa vẫn tiếp tục phát triển, thậm chí có phần mạnh hơn. Đáng chú ý là sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn, đặc biệt là căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã lan từ lĩnh vực thương mại sang lĩnh vực an ninh. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tiếp tục thực hiện chính sách “Nước Mỹ trên hết”, gây sức ép đàm phán lại các hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy tiến trình cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong khi đó, Trung Quốc chuyển sang chính sách tập trung vào thúc đẩy nhu cầu nội địa (“nội nhu”), chú trọng chất lượng tăng trưởng, công nghệ cao (Made in China 2025). Trước những biến động đó, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng giảm trong năm 2018. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo tháng 10-2018 dự kiến tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức 3,7% năm 2018 - 2019, thấp hơn 0,2% so với mức dự báo vào tháng 4-2018. Trong khi đó, cuộc Cách mạng khoa học công nghệ (Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - 4.0) đang phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động (dự kiến gia tăng 30% vào năm 2025).
Sau một năm nhìn lại, mặc dù thời cuộc tiếp tục có những biến động phức tạp, đầy thách thức, song những dấu ấn của APEC 2017 vẫn đang tiếp tục lan tỏa hiệu ứng tích cực trên nhiều khía cạnh và góc độ, cả trong nước và trên trường quốc tế. APEC 2017 cũng là nền tảng để Việt Nam tiếp tục phát huy vị thế, vai trò của mình sau năm 2017 - phát huy “sức mạnh mềm” của đất nước trong năm 2018.
Đối với APEC, kết quả có ý nghĩa nhất sau năm 2017 là APEC tiếp tục giữ vững đà hợp tác, liên kết kinh tế, phát huy vai trò là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, duy trì giá trị cốt lõi của APEC là tự do hóa thương mại và đầu tư, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Những kết quả được chốt lại trong Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng đã tạo nền tảng quan trọng cho hợp tác của APEC trong giai đoạn mới. Tuần lễ Cấp cao đã thông qua 8 văn kiện quan trọng, nhất là Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng và Tuyên bố chung Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế. Trong đó, Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao do Việt Nam chủ trì soạn thảo được các thành viên đánh giá là ngắn gọn, súc tích, mang tầm chiến lược, và có những ngôn ngữ mạnh mẽ về ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, mà trước đó Hội nghị G20 cũng không đạt được. Theo sáng kiến và đề xuất của Việt Nam, lần đầu tiên APEC nhất trí thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội và khởi nghiệp sáng tạo. Đây đều là những vấn đề đúng và trúng đối với mọi thành viên APEC trong bối cảnh hiện nay.
Hướng tới tương lai
Trong năm 2018, các hội nghị các cấp và các lĩnh vực trong khuôn khổ APEC vẫn giữ vững tinh thần đạt được tại Việt Nam, tập trung vào tiếp tục đẩy nhanh các nỗ lực hoàn tất các mục tiêu Bô-go về thúc đẩy thương mại, đầu tư tự do và mở, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, giúp thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, liên kết kinh tế khu vực sâu hơn, phát triển bền vững, đẩy mạnh các hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới. Việt Nam đã chủ động phối hợp với nước chủ nhà APEC 2018 Pa-pua Niu Ghi-nê và các thành viên đóng góp tích cực trên nhiều vấn đề lớn, như hoàn tất các mục tiêu Bô-go, thúc đẩy triển khai Lộ trình Cạnh tranh về Dịch vụ APEC (ASCR), hoàn thành việc rà soát giữa kỳ Chương trình nghị sự APEC về Cải cách cơ cấu (RAASR) và đang trong quá trình hoàn tất Kế hoạch hành động quốc gia (IAP) về RAASR năm 2018... Đặc biệt, Việt Nam đã cùng các nền kinh tế thành viên thúc đẩy triển khai các kết quả quan trọng của năm APEC 2017, như phát triển bao trùm, nâng cao năng lực các doanh nghiệp siêu nhỏ (MSMEs) và khởi nghiệp, thương mại điện tử qua biên giới, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, phát triển nông thôn - đô thị, kết nối vùng sâu, vùng xa, kết nối tiểu vùng và trao quyền trong lĩnh vực kinh tế cho phụ nữ.
Đáng chú ý, một dấu ấn đậm nét tại Đà Nẵng là các thành viên APEC nhất trí xây dựng tầm nhìn chiến lược mang tính hành động cho Diễn đàn, hướng tới một APEC vì người dân, vì doanh nghiệp, thích ứng với các thách thức; góp phần xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng; thúc đẩy quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương trên cơ sở tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, bao trùm và hợp tác cùng có lợi. Với tầm nhìn chiến lược, các nhà lãnh đạo APEC cũng đã đề ra những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác APEC không chỉ đến năm 2020 mà còn đến giai đoạn tiếp sau đó. Đặc biệt, các thành viên nhất trí với sáng kiến của Việt Nam về APEC hướng tới 2020 và tương lai, trong đó có đề xuất về thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC (AVG) để hỗ trợ các nhà lãnh đạo cấp cao trong quá trình xây dựng Tầm nhìn. Sau đó, Việt Nam cũng được các thành viên APEC tín nhiệm đề cử đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch AVG.
Trong năm 2018, với vai trò Phó Chủ tịch AVG, Việt Nam tham gia và đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng chương trình, nội dung và văn bản cũng như tham gia đồng chủ trì cuộc họp AVG 2. Trong xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020, Việt Nam đã đề xuất và đưa nhiều nội dung phù hợp với mối quan tâm chung của APEC, ASEAN và các thành viên thuộc nhóm các nước đang phát triển, như hợp tác kinh tế phát triển về nâng cao năng lực, kết nối; an ninh nguồn nước, đào tạo lại và nâng cao kỹ năng thích ứng với công nghệ số, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp, các vấn đề về già hóa dân số và phát triển nông thôn - đô thị, vai trò tiên phong của APEC ở khu vực và toàn cầu. Với cương vị Phó Chủ tịch AVG, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò năng động, dẫn dắt và trách nhiệm như đã thể hiện trong năm APEC 2017.
Đối với thế giới và khu vực, thành quả của APEC 2017 đã tạo ra tác động tích cực cho kinh tế thế giới, tạo cơ sở để xu thế liên kết kinh tế quốc tế tiếp tục chiều hướng phát triển. Những thành công của APEC 2017 đã tạo không khí lạc quan lan tỏa đối với thương mại toàn cầu cũng như tăng trưởng kinh tế thế giới. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) C. La-gác-đê cho rằng, với thành công của APEC 2017 kinh tế toàn cầu phục hồi tốt hơn mong đợi(1). Theo đà này, mặc dù trong năm 2018, kinh tế thế giới chịu tác động không thuận của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, song các chỉ số vẫn giữ được ở mức tích cực. Quan trọng hơn cả, những kết quả đạt được từ APEC 2017 về thúc đẩy thương mại đa phương đã góp phần quan trọng vào nỗ lực duy trì xu thế liên kết kinh tế trong năm 2018 trước sức ép to lớn từ các biện pháp bảo hộ của các nền kinh tế lớn. Trong bối cảnh thương mại đa phương gặp nhiều khó khăn, việc APEC 2017 quyết tâm thúc đẩy thực hiện Chương trình hành động về Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) đã giúp các thành viên tiếp tục nỗ lực hoàn thành dự thảo đầu tiên của Báo cáo tiến độ hình thành FTAAP và cơ bản nhất trí sẽ trình báo cáo này lên các nhà lãnh đạo. Cũng từ những nỗ lực bền bỉ của Việt Nam tại APEC 2017, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có những bước tiến dài trong năm 2018 với sự phê chuẩn của 7 nước thành viên và có hiệu lực đúng vào thời điểm cuối năm 2018. Việc CPTPP sớm đi vào triển khai giúp củng cố hợp tác và liên kết, duy trì giá trị cốt lõi của hợp tác APEC là thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Trong không khí lạc quan đó, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng đã có các bước tiến quan trọng và dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2018.
Với khu vực Đông Nam Á đang đối mặt nhiều cơ hội và thách thức, thông qua APEC 2017, Việt Nam đã góp phần giúp cho vai trò trung tâm của ASEAN được đặc biệt đề cao trong suốt cả năm 2017 và 2018. Theo sáng kiến của Việt Nam tại APEC 2017, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo APEC tiến hành đối thoại với lãnh đạo của tất cả 10 thành viên ASEAN nhằm tăng cường phối hợp trong việc thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực. Các nước ASEAN cho rằng, thành công ở Đà Nẵng đã góp phần tạo không khí thuận lợi cho Hội nghị Cấp cao ASEAN được tổ chức ngay sau đó tại Ma-ni-la (Phi-líp-pin) - một Hội nghị Cấp cao rất quan trọng đối với ASEAN khi Hiệp hội kỷ niệm 50 năm thành lập, cũng như tạo đà cho năm ASEAN 2018. Trong nhiều thời điểm thách thức, khó khăn của năm 2018, chúng ta vẫn tiếp tục tinh thần đã phát huy tại Đà Nẵng, khéo léo quy tụ các thành viên ASEAN để phát huy đoàn kết, thể hiện vai trò nòng cốt thúc đẩy các giá trị và đồng thuận của APEC. Minh chứng rõ nét nhất là việc tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới ASEAN (WEF - ASEAN) (tháng 9-2018) mang đậm tinh thần Cộng đồng ASEAN.
Nâng cao vị thế của Việt Nam
Tại APEC 2017, Việt Nam đã kết hợp nhuần nhuyễn đối ngoại đa phương và song phương, trong đó hoạt động đa phương đã thực sự tạo nền tảng cho hàng loạt hoạt động song phương quan trọng. Trong dịp tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, đã có ba chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Chi-lê và chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Ca-na-đa. Đây đều là những chuyến thăm mang tính lịch sử tới Việt Nam và đạt được các thỏa thuận mang tầm chiến lược, mở ra những cơ hội mới cho thúc đẩy quan hệ hợp tác của Việt Nam với các đối tác. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm Việt Nam ngay sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc và cũng là lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên lên nắm quyền. Bên cạnh đó, đã diễn ra trên 50 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam với các đối tác. Tầm vóc của APEC 2017 và các hoạt động song phương quan trọng đó đã tạo đà mạnh mẽ cho việc tiếp tục đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, nâng tầm quan hệ song phương trong năm 2018. Đáng chú ý là các bước tiến mới trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, việc nâng quan hệ với Ô-xtrây-li-a lên đối tác chiến lược (tháng 3-2018), thành công của trao đổi chuyến thăm cấp cao với một loạt nước (Lào, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Mi-an-ma, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Bỉ, Niu Di lân,...). Thành công của APEC và các hoạt động song phương cũng đã góp phần tạo thêm xung lực để Việt Nam vận động tích cực ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Với sự cân nhắc, lựa chọn địa điểm và tổ chức kỹ càng, hàng trăm hoạt động trong cả năm 2017 đã quảng bá tiềm năng, cơ hội mới về phát triển, kinh tế, thương mại, đầu tư, dịch vụ, kết nối, du lịch của nước ta. Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC đã thu hút con số kỷ lục hơn 2.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 1.300 doanh nghiệp quốc tế. Sáng kiến của nước chủ nhà về việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam cũng thu hút khoảng 2.200 doanh nghiệp tham dự, trong đó có khoảng 850 doanh nghiệp Việt Nam. Người dân, doanh nghiệp từ các nền kinh tế khu vực đã tận mắt chứng kiến sự năng động và đổi mới của kinh tế Việt Nam, mở ra hy vọng về làn sóng đầu tư, thương mại, du lịch mới vào Việt Nam. Các chương trình văn hóa, quảng bá Việt Nam với APEC và thế giới đã cho thấy một Việt Nam giàu truyền thống và đổi mới, sáng tạo. Tại Tuần lễ Cấp cao, Việt Nam đã ký tổng cộng 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng với các đối tác với tổng trị giá gần 20 tỷ USD. Các con số cụ thể cùng các hiệu ứng lan tỏa đã góp phần tạo xung lực cho những bước phát triển mới đầy khích lệ của năm 2018.
Trước những biến động phức tạp của tình hình trong nước, thế giới, phát huy các hiệu ứng đạt được từ APEC 2017, Chính phủ đã chủ động có các đối sách phù hợp, điều hành kinh tế đất nước đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, dự kiến cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 352 tỷ USD, cả năm ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%; trong đó xuất khẩu đạt 238 tỷ USD, tăng 11,2% (mục tiêu 7% - 8%); tiếp tục xuất siêu, 9 tháng đạt gần 5,4 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện ước cả năm đạt 18 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay(2). Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10-2018 đạt 1.205.157 lượt, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 10 tháng của năm 2018 ước đạt 12.821.647 lượt khách, tăng 22,4% so với cùng kỳ 2017(3).
Thông qua việc tổ chức APEC 2017, đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương của chúng ta đã có bước trưởng thành vượt bậc về năng lực điều hành, tổ chức, ngoại ngữ. Trong cả năm APEC, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác đến từ các nền kinh tế thành viên đã nhiều lần bày tỏ sự khâm phục và đánh giá cao đội ngũ của ta, mà đỉnh cao là những dấu ấn tại Tuần lễ Cấp cao. Có thể nói, APEC 2017 đã tạo cơ sở hình thành, phát triển văn hóa hội nhập bảo đảm đổi mới đồng bộ, toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước và hình thành một thế hệ bạn bè quốc tế mới có tình cảm với Việt Nam. Kết quả này tiếp tục được phát huy trong năm 2018, không chỉ với sự thành công của các sự kiện đa phương như WEF - ASEAN, mà còn là các hoạt động đối ngoại song phương đầy hiệu quả tại các địa phương, nhất là các chuyến thăm địa phương của lãnh đạo cấp cao các nước nhân dịp thăm chính thức nước ta. Có thể khẳng định, đội ngũ cán bộ đã được nâng cao trình độ, tự tin hơn và chuyên nghiệp hơn trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Điểm lại những dấu ấn trong khu vực, trên thế giới, ở trong nước, để thấy được dấu ấn lớn nhất chính là tầm vóc của một Việt Nam đổi mới, sáng tạo và trách nhiệm. Trong một năm 2018 đầy thách thức, sự tự tin và tầm vóc có được từ APEC 2017 đã giúp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên trường quốc tế, giữ vững định hướng trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp chưa từng thấy. Trong quan hệ song phương, Việt Nam tiếp tục giữ đà quan hệ với các cường quốc, các trung tâm lớn của thế giới, đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, ổn định hơn. Trên bình diện đa phương, Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò là thành viên có trách nhiệm, có khả năng dẫn dắt trong một số vấn đề quan trọng của các cấp độ liên kết từ tiểu vùng (hàng loạt hội nghị cấp cao về tiểu vùng Mê Công) đến khu vực Đông Nam Á (ASEAN), châu Á - Thái Bình Dương (APEC), và liên khu vực (ASEM). Với tầm vóc đó, Việt Nam tiếp tục được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Ca-na-đa.
Thành công của APEC 2017 và những dấu ấn của Hội nghị cho thấy nhiều bài học đáng suy ngẫm. Trong năm APEC 2017, thành công trong việc xử lý những khác biệt rất lớn giữa các thành viên, vững vàng trong những thời điểm khủng hoảng, thậm chí gần đổ vỡ đã chứng tỏ tầm vóc của Việt Nam. Vị thế đất nước, “sức mạnh mềm” của Việt Nam thực sự đã giúp chúng ta điều hành, dẫn dắt sự hợp tác trong APEC; đồng thời, thành công APEC 2017 cũng góp phần gia tăng vị thế, “sức mạnh mềm” của đất nước. Có thể nói, thành công của APEC 2017 đã khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại của Đại hội XII của Đảng về đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả đối ngoại đa phương, với mục tiêu cao nhất là duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Chính trên nền tảng sự lớn mạnh của ngoại giao đa phương Việt Nam mà đỉnh cao là APEC 2017, đồng thời nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của ngoại giao đa phương trong bối cảnh mới, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 08-8-2018, về việc đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Thành công của APEC 2017 và tác động sâu sắc của sự kiện cho đến tận hôm nay chắc chắn khởi đầu từ quyết sách mang tầm chiến lược từ năm 2012 của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về việc đăng cai Năm APEC 2017. Thành công đó có điểm tựa vững chắc là vị thế, uy tín của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, là sự tin cậy và tình cảm quý mến của các thành viên APEC đối với Việt Nam. Thành công đó cũng có được nhờ bản lĩnh và trí tuệ của đối ngoại Việt Nam, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị và lãnh đạo cấp cao, đã giúp chúng ta có bước đi bài bản và tổng thể, xác định trúng vấn đề và thời điểm, xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh. Vào những thời điểm nhiều thách thức nhất, chúng ta vẫn kiên cường, bản lĩnh, phối hợp với các đối tác tìm ra hướng đi phù hợp. Chúng ta cũng đã thành công nhờ vào tính chuyên nghiệp ngay từ khâu chuẩn bị với việc chủ động sớm thành lập bộ máy gồm các bộ, ban, ngành, địa phương từ tháng 12-2014. Và trên hết, thành công ắt sẽ đến bởi lẽ chủ trương đúng đắn của Đảng được toàn dân ủng hộ hết lòng. Từ sự tài trợ của các doanh nghiệp trong nước ủng hộ Chính phủ tổ chức Năm APEC 2017, với tổng mức tài trợ gấp gần 5 lần so với APEC 2006, cho đến bàn tay trau chuốt của mỗi nghệ nhân làm quà tặng cho khách quốc tế, và nhất là nỗ lực đầy xúc động của mỗi người dân Đà Nẵng, Hội An xuống đường dọn dẹp, vệ sinh đường phố sau cơn bão số 12... Tất cả thể hiện ở một Đà Nẵng tươi đẹp, một Hội An mến khách, những nụ cười rạng rỡ của mỗi người dân đón chào khách quốc tế, trong khi vừa trải qua tổn thất nặng nề. Đó là sự ủng hộ vô giá của nhân dân, là biểu tượng đẹp của sự trùng khớp giữa “Ý Đảng - Lòng Dân”. Đây thực sự là bài học vô giá từ APEC 2017 để đất nước tiếp tục vững bước trong những năm tới, vững vàng vượt qua các thử thách của thời cuộc, tự tin hướng tới các sự kiện đối ngoại trọng đại như Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021./.
---------------------------------------------------
(1) https://www.freemalaysiatoday.com/category/nation/2017/11/12/najib-apec-leaders-summit-ends-in-optimistic-note/
(2) Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV
(3) http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/cat/12
Văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân với sự phát triển bền vững của đất nước  (18/12/2018)
Liên hợp quốc nỗ lực giải quyết vấn đề người di cư trên toàn cầu  (18/12/2018)
Tránh cầu toàn, nóng vội trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 18, 19  (18/12/2018)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên