Văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân với sự phát triển bền vững của đất nước

GS, TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
22:21, ngày 18-12-2018

TCCSĐT - Văn hóa kinh doanh hay cụ thể hơn là văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân chính là thành tố hết sức quan trọng bảo đảm cho sự phát triển liên tục và bền vững của đất nước. Có thể thấy nhiều doanh nghiệp và doanh nhân ở nước ta hiện nay chưa xây dựng được một thương hiệu đủ uy tín và bản sắc văn hóa riêng để có đủ khả năng chinh phục khách hàng nên nhiệm vụ xây dựng văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân càng trở nên cấp thiết.

1- Trong thời đại ngày nay, xét đến cùng, tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, để tránh tụt hậu, muốn tiến thật xa và muốn phát triển bền vững, thì ngoài việc phải có một nền khoa học và công nghệ phát triển ở trình độ hiện đại, một nền chính trị - xã hội ổn định, một nguồn nhân lực dồi dào được đào tạo với chất lượng cao, còn phải tạo dựng được cho mình một nền tảng văn hóa tiến bộ, nhân văn và phải đặt mình nằm trong quỹ đạo của văn hóa.

Cho dù có nhiều cách hiểu khác nhau về văn hóa, song có thể thấy văn hóa chính là những giá trị vật chất và giá trị tinh thần được con người sáng tạo ra, được cộng đồng người tích lũy và truyền đạt lại qua nhiều thế hệ để làm nên bản sắc riêng của một cộng đồng người và của cả dân tộc. Chính vì vậy, văn hóa đóng vai trò là động lực thúc đẩy mạnh mẽ từng con người và cả xã hội ở tất cả mọi lĩnh vực hoạt động vì mục tiêu phát triển.

Trong các lĩnh vực hoạt động kinh tế đương đại, văn hóa kinh doanh chính là thành tố hết sức quan trọng bảo đảm cho sự phát triển liên tục và bền vững của các nền kinh tế thuộc mọi quốc gia, bất kể nền kinh tế đó ở dưới thể chế chính trị nào. Đặc biệt, ngày nay, văn hóa kinh doanh là nền tảng không thể thiếu trong cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt giữa các ngành nghề kinh doanh, giữa các quốc gia không chỉ để gìn giữ lâu dài những thị trường truyền thống vốn có và ổn định đã gây dựng được từ trước mà còn quan trọng hơn là để xâm nhập và chiếm lĩnh những thị trường mới, nhất là những thị trường đầy tiềm năng nhưng lại đòi hỏi cao, thậm chí rất cao, về mọi mặt và được xem là khó tính. Do vậy, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân chính là xương sống của văn hóa kinh doanh của một đất nước.

Nước ta mới bước vào con đường phát triển kinh tế thị trường chưa được bao lâu cho nên nhiều doanh nghiệp và doanh nhân chưa xây dựng được cho mình một thương hiệu đủ uy tín và bản sắc văn hóa riêng có đủ khả năng chinh phục khách hàng. Vì vậy, còn rất nhiều điều mà những doanh nhân và doanh nghiệp thuộc tất cả các loại hình của nước ta cần phải ra sức rút kinh nghiệm và nhanh chóng học hỏi một cách hết sức khôn ngoan từ những đồng nghiệp của các nước ở trình độ phát triển cao để từ đó từng bước gây dựng văn hóa kinh doanh và thương hiệu mang bản sắc riêng của mình.

Vào những thế kỷ trước, khi chủ nghĩa tư bản mới bắt đầu ra đời và phát triển, các doanh nhân là các nhà tư bản, buộc phải tìm mọi cách để thu lợi nhuận tối đa bất chấp đạo lý và luật pháp. Như T.J. Dun-ning (1799 - 1873), nhà hoạt động công đoàn và nhà chính luận người Anh, đã đúc kết hết sức chính xác, cực kỳ sâu sắc và được C. Mác dẫn lại trong bộ Tư bản: “Tư bản sợ tình trạng không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận quá ít, cũng như giới tự nhiên sợ chân không. Với một lợi nhuận thích đáng thì tư bản trở nên can đảm. Được bảo đảm 10 phần trăm lợi nhuận thì người ta có thể dùng tư bản vào đâu cũng được; được 20 phần trăm thì nó hoạt bát hẳn lên; được 50 phần trăm thì nó trở nên thật sự táo bạo; được 100 phần trăm thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của loài người; được 300 phần trăm thì không còn tội ác nào là nó không dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ” (1).

Nói cách khác, trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản còn sơ khai (hay đôi khi người ta còn gọi là chủ nghĩa tư bản man rợ) thì văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nhân tư bản chưa đóng vai trò quá quan trọng; cái quan trọng nhất đối với họ lúc bấy giờ chính là lợi nhuận, là tìm kiếm lợi nhuận tối đa, bất chấp cả luật pháp lẫn đạo lý đúng như T.J. Dun-ning đã đúc kết.

Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, nhất là cùng với quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ từ thế kỷ XX đến nay, khi thị trường trở thành thị trường toàn cầu đối với mọi thứ hàng hóa, mọi khoản đầu tư thì sự cạnh tranh trong thương mại, dịch vụ và kinh doanh thế giới ngày càng trở nên khốc liệt hơn nhưng cũng phần nào đó sòng phẳng hơn và công bằng hơn. Kiểu sản xuất, kinh doanh, làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém phẩm chất, buôn bán chộp giật, trốn thuế, chuyển giá, lừa đảo trong phạm vi một nước và cả trên phạm vi thế giới tuy vẫn chưa mất hẳn nhưng không còn có thể ngang nhiên lộng hành như trước đây nữa do luật pháp của các quốc gia và quốc tế ngày một chặt chẽ hơn, sự trừng phạt nghiêm khắc hơn và sự thực thi luật pháp cũng ngày một kiên quyết hơn.

Bên cạnh các giá trị kinh tế vốn là giá trị cơ bản thì những thước đo mang tính chất nhân văn, các giá trị nhân bản, các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, sự tôn trọng phong tục, tập quán, sức khỏe con người và tôn trọng giới tự nhiên, tránh sự tàn phá và hủy hoại thiên nhiên thể hiện trong các hàng hóa đem ra thị trường, ngày càng được coi là những tiêu chuẩn cơ bản nhất cho sự lựa chọn của khách hàng tiêu dùng ở nhiều nước, nhất là ở những nước phát triển trình độ cao. Đó cũng chính là thước đo văn hóa của sự tiến bộ xã hội thể hiện trong sản xuất và kinh doanh thời hiện đại.

Nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), F.M. Za-ra-go-ra, từng có nhận định rất đáng chú ý là khi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế được đặt ra mà không tính đến môi trường văn hóa thì kết quả thu được sẽ rất khập khiễng, mất cân đối, cả về mặt kinh tế và văn hóa, đồng thời tiềm năng sáng tạo của mỗi dân tộc cũng sẽ bị suy giảm đi rất nhiều. Bởi vì, văn hóa trang bị cho người ta sự hiểu biết vừa đủ sâu, vừa đủ rộng về tất cả các mặt từ tri thức về thiên nhiên cho đến tâm lý, phong tục tập quán, tình cảm của con người, đặc biệt là tầm tư duy kích thích óc sáng tạo.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà sự sùng bái tuyệt đối các giá trị vật chất đơn thuần của xu hướng văn hóa tiêu dùng ngự trị tại một số nước suốt nhiều năm trong thế kỷ XX đang dần dần và từng bước bị xu hướng hưởng thụ tìm đến các sắc thái văn hóa và giá trị văn hóa thay thế. Đây là xu hướng tiến bộ của nền văn minh đương đại và cũng là của cả tương lai nữa. Cần phải thừa nhận rằng, chưa bao giờ văn minh vật chất lại có sự giao thoa mạnh mẽ và nhanh chóng với văn minh tinh thần trong sản xuất và văn hóa kinh doanh như hiện nay. Nói cách khác, muốn thành công trong sản xuất và kinh doanh hiện nay; muốn chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên phạm vi cả quốc gia lẫn quốc tế; muốn phát triển bền vững thì doanh nghiệp và doanh nhân trong các lĩnh vực khác nhau phải cùng cả nước tạo dựng được văn hóa kinh doanh phù hợp với xu thế của thời đại những vẫn mang bản sắc độc đáo của dân tộc mình.

2- Không thể tách văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệpvăn hóa doanh nhân ra khỏi nền văn hóa chung của dân tộc một cách máy móc, bởi vì, nền văn hóa chung của tất cả các dân tộc đều có bao chứa trong nó tất cả các bộ phận hợp thành ấy. Dù là văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp hay văn hóa doanh nhân thì cũng đều phản ánh các hoạt động kinh doanh, đồng thời cũng phản ánh sự gắn kết của cái lợi với các giá trị mà từ xưa đến nay tất cả các dân tộc đều tôn sùng và hướng tới, đó là cái chân, cái thiệncái mỹ vốn là những giá trị cốt lõi của bất cứ một nền văn hóa nào đã từng tồn tại suốt nhiều thế kỷ và hiện nay đang tồn tại trong lịch sử của nhân loại.

Khi xét mối quan hệ giữa các khái niệm văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân chúng ta thấy rằng, tuy chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau song không phải chúng hoàn toàn là đồng nhất. Văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân không phải là cái gì khác hơn mà chính là một bộ phận của văn hóa kinh doanh; là văn hóa kinh doanh của một doanh nghiệp, của một chủ thể tiến hành kinh doanh. Rõ ràng là mức độ rộng hay hẹp trong nội hàm của các khái niệm này có sự khác nhau. Chính mức độ rộng hay hẹp trong nội hàm của các khái niệm ấy cho thấy rõ các khái niệm văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân có phần nội hàm của khái niệm rộng hơn là văn hóa kinh doanh.

Điều đó có nghĩa rằng, một đất nước muốn xây dựng nền văn hóa kinh doanh mang bản sắc riêng của đất nước mình thì, trước hết, các doanh nghiệp và các doanh nhân phải tự mình ý thức được rằng, cần tự mình tạo dựng cho chính mình những nét văn hóa riêng, bằng cách vừa kế thừa, chọn lọc những tinh hoa từ văn hóa dân tộc nói chung, và văn hóa kinh doanh lâu đời của dân tộc nói riêng; vừa từ sự học hỏi và đúc rút kinh nghiệm hữu ích, cả thành công lẫn chưa thật thành công, thậm chí cả thất bại, trong văn hóa kinh doanh hiện đại của các nước trên thế giới.

3- Muốn kinh doanh thành công trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nhất là khi cuộc cách mạng kỹ thuật số hay cuộc cách mạng công nghệ số (mà nhiều người thường gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư), đang tiến triển rất nhanh thì các doanh nghiệp và doanh nhân của nước ta cần tạo dựng cho mình văn hóa kinh doanh đáp ứng được rất nhiều đòi hỏi cao.

Trong cuộc cách mạng kỹ thuật số hay cuộc cách mạng công nghệ số này đòi hỏi các doanh nhân phải có văn hóa tư duy cao không những chỉ để sáng tạo, để tổ chức sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp một cách tốt nhất mà cả trong cách nắm bắt thời cơ thuận lợi, cách ứng xử nhanh nhạy, có trách nhiệm, kịp thời trước những biến động bất lợi, khó lường của thời cuộc chính trị thế giới, của những tiến bộ mang tính bước ngoặt trong khoa học và công nghệ mà từ xưa đến nay nhân loại chưa từng ngờ tới.

Có thể nói, chưa bao giờ các doanh nghiệp và doanh nhân nước ta có nhiều cơ hội như hiện nay; song cũng phải ý thức được rằng, chưa bao giờ họ lại phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro đến như thế. Bởi vì, chỉ cần một sáng chế hay một phát minh mới nào đó đã có thể đưa họ lên một nấc thang thành đạt mới cao hơn nhưng cũng có thể làm cho họ thất bại thảm hại và đẩy họ xuống tận đáy nếu như họ không nắm bắt được đầy đủ thông tin liên quan, không bắt nhịp kịp được những sáng chế hay phát minh công nghệ của thời đại công nghệ số đó.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ rằng, một mình doanh nhân dù có tài năng đến mức độ nào chăng nữa cũng không thể tự mình có thể nắm bắt được tất cả những thay đổi mang tính bước ngoặt đó. Chính cách tư duy, tầm nhìn xa, óc tổ chức và tinh thần dám mạo hiểm của doanh nhân có thể giúp họ tập hợp, thu nạp, chọn lọc được những bộ óc thông minh và sáng tạo các loại, cả ở trong và ngoài nước, về với mình, trợ giúp cho mình tổ chức thực hiện các bước đi đúng đắn (có khi táo bạo) để thành công và giành được phần thắng trong cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Không kém phần quan trọng trong văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân là trách nhiệm xã hội của doanh nhân và doanh nghiệp. Văn hóa kinh doanh đòi hỏi trách nhiệm này không những phải được thấm vào tư duy của người kinh doanh mà còn phải thể hiện trong các sản phẩm mà họ đưa ra thị trường, nhất là những sản phẩm liên quan đến sức khỏe của con người, đặc biệt là đến sức khỏe của các thế hệ trẻ. Ở đây cái lợi phải hài hòa với cái chân; nếu chỉ quan tâm đến cái lợi thì có thể gây ra những tai họa khôn lường cho cả con người và môi trường sống. Chính văn hóa đạo đức và trách nhiệm xã hội của các doanh nhân là biểu hiện tập trung và cao nhất của văn hóa kinh doanh. Bởi vậy, có thể nói, văn hóa đạo đức có thể sẽ nâng họ lên thang bậc cao nhất nhưng việc thiếu văn hóa đạo đức cũng có thể đẩy họ xuống vực sâu, đến phá sản hoặc vào cảnh tù tội một khi luật pháp phát hiện ra những việc làm sai trái thiếu văn hóa của họ.

Trên thế giới và cả ở nước ta đã có không ít những tấm gương tày liếp về sự làm ăn gian dối, lừa lọc bị vạch trần, bị phá sản, bị pháp luật trừng trị đích đáng. Nạn giả mạo giấy tờ, giả mạo nhãn mác sản phẩm, đặc biệt giả mạo chất lượng sản phẩm đã bị phạt nặng, trong số đó có không ít công ty hoặc tập đoàn công nghệ nổi tiếng thế giới. Từ xưa đến nay, có không ít những người kinh doanh thiếu đạo đức nhưng không bị phát hiện hoặc nếu bị phát hiện thì mức độ lan truyền cũng không rộng rãi nên ít người biết. Điều này sẽ rất khác trong thời đại chúng ta. Trong thời đại truyền thông phát triển rộng rãi và phổ biến như hiện nay nếu kinh doanh thiếu đạo đức, kém văn hóa mà bị phát hiện thì sẽ tự chuốc lấy tai họa vào thân cực kỳ nhanh chóng và mức độ lan truyền của tai họa ấy sẽ vô cùng nặng nề.

Bên cạnh đó, trong kinh doanh hiện đại mà doanh nghiệp và doanh nhân không tôn trọng luật chơi, cả ở trong nước và cả ở nước ngoài, thì không tránh khỏi tình trạng bị cô lập, bị đào thải khỏi thị trường. Tôn trọng luật chơi, tôn trọng pháp luật các nước sở tại cũng có nghĩa là tự mình tôn trọng chữ tín trong mọi lĩnh vực sản xuất và kinh doanh. Tạo được chữ tín trên thương trường, nhất là thương trường thế giới, đã khó nhưng để giữ được lâu dài chữ tín vì sự phát triển bền vững thì cũng không dễ nếu như các doanh nghiệp và doanh nhân không thường xuyên tự mình vun đắp nó, cũng như nếu luật pháp không được tôn trọng và các cơ quan công quyền thực thi pháp luật đứng ngoài cuộc. Do vậy, kinh doanh trên thị trường quốc tế thời nay, để giữ được quốc thể và các thương hiệu quốc gia thì ngoài sự tự giác của chủ thể kinh doanh, của các doanh nghiệp và doanh nhân cũng rất cần sự kiểm tra của các cơ quan pháp luật vừa để tránh việc mất bạn hàng, vừa để tránh sự kiện tụng rất tốn kém của các đối tác ở tầm quốc tế có sức cạnh tranh quyết liệt và sức mạnh kinh tế vượt trội.

Tạo được chữ tín và giữ được chữ tín trong kinh doanh, giữ được đạo đức trong kinh doanh hay rộng hơn là xây dựng được văn hóa kinh doanh và văn hóa doanh nhân, trước hết là trách nhiệm của các doanh nghiệp và doanh nhân, song các cơ quan công quyền của Nhà nước và cả dư luận của xã hội cũng có vai trò không nhỏ.

Muốn vươn ra thế giới, muốn không thất bại trong kinh doanh toàn cầu thì còn một điều vô cùng quan trọng khác đòi hỏi các doanh nghiệp và doanh nhân của ta cần phải thấu hiểu sâu sắc bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, tâm lý người tiêu dùng và văn hóa kinh doanh của những khu vực, những vùng đất mà mình muốn chiếm lĩnh.

Tóm lại, văn hóa kinh doanh, hay cụ thể hơn là văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân, chính là thành tố hết sức quan trọng bảo đảm cho sự phát triển liên tục và bền vững của đất nước. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân là một quá trình, không chỉ là nhiệm vụ của riêng doanh nghiệp và doanh nhân mà còn là nhiệm vụ mang tầm quốc gia, là nhiệm vụ của toàn xã hội./.

----------------------------------------------------

(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 23, tr. 1056