TCCSĐT - Trong bối cảnh có những phát biểu của một số nhà lãnh đạo thế giới tỏ ra hoài nghi về thương mại tự do và về toàn cầu hóa thì Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được coi là cơ hội để các nền kinh tế hàng đầu thế giới khẳng định lại quyết tâm theo đuổi tiến trình tự do hóa thương mại.

 
 Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.

Tuy nhiên, sau hai ngày nhóm họp 17 và 18-3 tại Baden-Bade của Đức, Hội nghị đã ra tuyên bố chung mà không có một cam kết rõ ràng về thương mại tự do và chống bảo hộ mậu dịch.

Bằng việc chỉ nhắc chiếu lệ đến thương mại trong bản tuyên bố chung, các quan chức G20 đã phá vỡ truyền thống kéo dài một thập kỷ qua về ủng hộ thương mại mở. Đây là một thất bại rõ ràng đối với nước chủ nhà Đức, vốn đã nỗ lực để duy trì các cam kết trước đây của G20.

Mặc dù truyền thông trước đó cho biết, Hội nghị G20 lần này có thể sẽ đưa ra những cam kết rõ ràng về thương mại tự do và chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Tuy nhiên, sau 2 ngày, hội nghị chỉ đạt được sự thỏa hiệp tối thiểu và không có cam kết chung rõ rệt nào được đưa ra.

Trả lời họp báo sau cuộc gặp đầu tiên với lãnh đạo tài chính các nước G20, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định Mỹ vẫn giữ cam kết về thương mại tự do song cũng muốn xem xét lại một số thỏa thuận thương mại và hiệu chỉnh những điểm bất hợp lý. Ông Mnuchin nói: "Tôi hiểu mong muốn và các chính sách của Tổng thống Donald Trump và tôi đã thương lượng về chúng ở đây. Tôi không thể vui mừng hơn với kết quả này (của hội nghị).

Chúng tôi tin vào thương mại tự do, chúng tôi là một trong những thị trường lớn nhất thế giới, chúng tôi là một trong những đối tác thương mại lớn nhất thế giới, thương mại đã luôn thuận lợi với chúng tôi và với các bên khác. Tuy vậy, chúng tôi muốn xem xét lại một số thỏa thuận nhất định."

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cần xem xét lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), thực thi tốt hơn một số quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và có thể cũng sẽ phải thương lượng lại những thỏa thuận cũ hơn.

Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh có ngày càng nhiều quan ngại rằng cuộc chiến thương mại sẽ bùng nổ do chính quyền Tổng thống Mỹ Trump chủ trương bảo hộ thương mại. Trong nhiều năm qua, các nước thành viên G20 đã cam kết không định giá thấp tiền tệ, đồng thời chống lại "mọi hình thức bảo hộ thương mại."

Trong khi đó, trước khi tham dự Hội nghị G20 lần này, Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tái khẳng định lập trường của Mỹ là sẽ làm mọi cách để bảo đảm quyền lợi công bằng cho người lao động Mỹ, song không mong muốn lâm vào cuộc chiến tranh thương mại với các cường quốc kinh tế khác.

IMF: Hợp tác toàn cầu sẽ giúp đảm bảo một sự tăng trưởng vững mạnh

 
 Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde.

Trong một nỗ lực ủng hộ tự do hóa thương mại và chống chủ nghĩa bảo hộ, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đưa ra nhận định: Quá trình hồi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng năm 2008, dường như đã qua giai đoạn bước ngoặt. Bà Christine Lagarde đưa ra nhận định này trong bài phát biểu ngày 18-3 tại cuộc họp Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) Baden-Baden, Đức.

Bà Lagarde nhấn mạnh: "Chúng ta họp vào lúc tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới đang đà đi lên. Có dấu hiệu cho cho thấy đã vượt qua bước ngoặt, mặc dù vẫn còn những bất ổn."

Theo bà Lagarde, một chính sách mạnh về tiền tệ, thuế và cơ cấu kinh tế sẽ có tầm quan trọng hơn hết đối với nền kinh tế thế giới trong thời gian tới. Hợp tác toàn cầu và đề ra một chính sách đúng đắn sẽ giúp đảm bảo một sự tăng trưởng mạnh, bền vững, cân bằng và toàn diện. Ngược lại một chính sách sai lầm có thể làm mất đi xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Bà Lagarde cam kết IMF sẵn sàng giúp thúc đẩy hiểu biết và hợp tác giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, trong đó có việc tăng cường theo dõi tỷ giá hối đoái tiền tệ của các nước và phân tích những sự mất cân đối trong kinh tế toàn cầu.

Bà Lagarde cho rằng các cuộc đàm phán diễn ra tại Baden-Baden một lần nữa cho thấy G20 là một diễn đàn quan trọng để các nền kinh tế lớn hợp tác trong những khuôn khổ đã được đồng thuận./.