Xuất phát từ các bài học, trên cơ sở thực tế tình hình của đất nước và bối cảnh thế giới và yêu cầu phát triển, kế thừa những quan điểm của Chiến lược 2001 - 2010(1), Chiến lược 2011-2020 nêu 4 quan điểm phát triển có ý nghĩa chỉ đạo xuyên suốt trong Chiến lược và thực hiện Chiến lược như sau:

1. Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược

Nước ta có điều kiện phát triển nhanh và yêu cầu phát triển nhanh cũng đang đặt ra hết sức cấp thiết. Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hoà với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao không ngừng chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn đi cùng với bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điểm mới đáng lưu ý là:

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

- Phát triển kinh tế-xã hội phải coi trọng cải thiện và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

2. Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh

Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Lấy việc thực hiện mục tiêu này làm tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá hiệu quả của quá trình đổi mới và phát triển.

Điểm mới đáng lưu ý là: Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

3. Thực hiện dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển

Phải phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thiết thực chăm lo lợi ích chính đáng và bảo đảm đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, tạo ra động lực và sức mạnh to lớn nhất, cũng là mục tiêu cao nhất của sự phát triển đất nước.

Điểm mới đáng lưu ý là: Phải đảm bảo quyền con người và, quyền công dân... tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp...

4. Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao, đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tháo gỡ mọi cản trở, tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Phải tăng cường tiềm lực và nâng cao hiệu quả của kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng mà nòng cốt là hợp tác xã. Khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh với sở hữu hỗn hợp mà chủ yếu là các doanh nghiệp cổ phần để loại hình kinh tế này trở thành phổ biến trong nền kinh tế, thúc đẩy xã hội hoá sản xuất kinh doanh và sở hữu. Hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế. Khuyến khích kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển theo quy hoạch.

Điểm mới đáng lưu ý là:

+ Phát triển nhanh, hài hòa các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp.

+ Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch.

5. Kiên trì xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng

Phải không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế và sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và có hiệu quả. Phát triển lực lượng doanh nghiệp trong nước với nhiều thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao để làm chủ thị trường trong nước, mở rộng thị trường ngoài nước, góp phần bảo đảm độc lập tự chủ của nền kinh tế.

Điểm mới đáng lưu ý là:

+ Phải xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao.

+ Trong hội nhập quốc tế phải luôn chủ động thích ứng với những thay đổi của tình hình./.
 
------------------------------------------

(1) Quan điểm của Chiến lược 2001-2010 là: "Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng đồng bộ nền tảng cho một nước công nghiệp là yêu cầu cấp thiết; đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tạo động lực giải phóng và phát huy mọi nguồn lực; gắn chặt việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh".