Một số vấn đề trong tư duy, nhận thức về phát triển thị trường sức lao động
Xuất phát từ thực trạng phát triển kinh tế của đất nước và dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Đảng ta đã xác định, thị trường sức lao động là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, phát triển và hoàn thiện thị trường này là một trong những mục tiêu quan trọng mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm. Nhưng hiện nay, việc hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ các loại thị trường đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công cuộc đổi mới đang gặp không ít bất cập, cản trở, nhất là trong lối tư duy giáo điều, bảo thủ. Bài viết nhằm góp phần luận giải những quan điểm của Đảng ta về vấn đề phát triển thị trường sức lao động.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế dựa trên cơ sở kết hợp những nguyên tắc, quy luật của kinh tế thị trường với những nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Sự thất bại của mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô và Đông Âu cùng với những thành tựu bước đầu của công cuộc cải cách, đổi mới ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, cho thấy một cách rõ ràng là không thể có chủ nghĩa xã hội nếu không lựa chọn con đường phát triển kinh tế thị trường. Nói cách khác, không chấp nhận kinh tế thị trường sẽ không thể hiện thực hóa được chủ nghĩa xã hội. Từ nhận thức đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã chủ trương đổi mới, phát triển một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần hoạt động theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Ở các Đại hội sau, chủ trương này được tiếp tục phát triển, nâng cao thành đường lối xây dựng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Những năm đầu đổi mới ở nước ta, phạm trù “thị trường sức lao động” cũng như “hàng hóa - sức lao động” chưa được thừa nhận mặc dù cơ chế thị trường đã được coi là mục tiêu chuyển đổi của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Do vậy, có nhiều mâu thuẫn tồn tại trong quan điểm về vấn đề này, bởi khi đã chấp nhận sự tự do lưu thông và kinh tế hàng hóa nhiều thành phần thì đương nhiên có sự xuất hiện nhu cầu mua - bán sức lao động. Và nơi diễn ra hành vi mua bán đó chính là “thị trường sức lao động”, cho dù về mặt pháp lý nó có được thừa nhận hay không.
Những thành tựu bước đầu cũng như sau này của công cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta đều gắn liền với từng bước phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những bộ phận cấu thành của nó với tư cách là một nền kinh tế thị trường dần dần được chấp nhận một cách rộng rãi trong xã hội. Nhiều văn bản có tính pháp lý đã được soạn thảo và chính thức thừa nhận để rồi từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn của công cuộc đổi mới, vẫn còn không ít vấn đề bất cập trong lĩnh vực này. Chẳng hạn như: tiền công trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cao hơn hẳn so với các doanh nghiệp nhà nước nên các chủ doanh nghiệp tư nhân không chịu thừa nhận là mình bóc lột người lao động; tiền công tối thiểu của lao động giản đơn trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thay đổi quá chậm so với mức tăng của giá cả sinh hoạt khiến cho công nhân ở một số cơ sở phải dùng đến biện pháp đình công, bãi công; số đông công chức kêu ca về tiền lương và cho rằng nhà nước mua sức lao động của họ với mức giá thấp,... Nhìn chung, hầu hết các vấn đề đó đều liên quan đến sự phát triển chưa đầy đủ của thị trường sức lao động và sự phát triển chưa đầy đủ đó tiềm ẩn hàng loạt những nguy cơ gây mất ổn định xã hội.
Nhận thức rõ thực trạng này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã trực tiếp đề cập đến “thị trường lao động” (chưa dùng cụm từ “thị trường sức lao động”), một trong bốn loại thị trường cần ưu tiên, chú trọng khi xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau Đại hội, một số người dựa vào luận điểm “lao động không phải là hàng hóa...” của C. Mác cho rằng nói như vậy là không đúng so với C. Mác. Số khác giải thích rằng, trên “thị trường lao động” tất nhiên là diễn ra mua - bán “hàng hóa - sức lao động”. Theo ý nghĩa đó, có thể nhận xét rằng, việc mua bán hàng hóa - sức lao động vẫn chưa được thừa nhận đúng mức với thực tiễn. Trong trường hợp này, rõ ràng là khái niệm “thị trường lao động” chưa phản ánh đầy đủ tầm quan trọng của nó trong nền kinh tế quốc dân, cũng do vậy mà nó chưa giành được sự quan tâm xứng đáng. Những tranh chấp về tiền lương vẫn còn cho thấy sự thua thiệt thuộc về chính những người lao động và gắn liền với nó là những thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh, những bất ổn về mặt xã hội tại những nơi nó xảy ra.
Một thời kỳ dài trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, duy ý chí và những suy nghĩ giản đơn về chủ nghĩa xã hội làm cho nhiều người hiểu không đúng về một trong những luận điểm có ý nghĩa khoa học nhất của C. Mác là đến chủ nghĩa tư bản thì sức lao động trở thành hàng hóa. |
Ông viết: “Thiên nhiên không sinh ra một bên là những người chủ tiền và chủ hàng hóa, còn bên kia là những người chỉ làm chủ độc có sức lao động của mình. Quan hệ ấy không phải là một quan hệ lịch sử - tự nhiên mà cũng không phải là một quan hệ xã hội chung cho tất cả các thời kỳ lịch sử. Rõ ràng bản thân nó là kết quả của sự phát triển lịch sử trước đó, là sản vật của nhiều cuộc cách mạng kinh tế, là sản vật của sự diệt vong của hàng loạt hình thái sản xuất xã hội cũ hơn”[1]. Có nghĩa là với C. Mác, chủ nghĩa tư bản đã làm nên một bước nhảy vọt có ý nghĩa tiến bộ: tạo đủ mọi điều kiện để biến sức lao động của con người trở thành một thứ hàng hóa. Điều mà hàng ngàn năm kinh tế hàng hóa phát triển dưới chế độ chiếm hữu nô lệ và phong kiến đã không thể có được. Coi đó là một sự phát triển tiến bộ, nhưng C. Mác cũng kịch liệt phê phán phương thức thực hiện điều đó của giai cấp tư sản: vì lợi nhuận ích kỷ đã đẩy nhanh quá trình đó bằng các biện pháp tích lũy nguyên thủy tư bản chủ nghĩa. Đây cũng chính là một trong rất nhiều minh chứng về tính hai mặt của quá trình hình thành và phát triển phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa - một nội dung có ý nghĩa bao trùm và xuyên suốt trong hầu hết di sản lý luận của C. Mác.
Không hiểu được một cách đúng đắn về nội dung đó, cho nên trong một thời gian dài, giới kinh tế chính trị Xô-viết đã làm cho không ít người hiểu một cách phiến diện về hai điều kiện để sức lao động trở thành hàng hóa mà C. Mác đã dày công khái quát. Khi chỉ chú trọng đến điều kiện thứ hai với tư cách là một hậu quả trực tiếp của tích lũy nguyên thủy tư bản chủ nghĩa “đã được ghi vào sử sách của loài người bằng máu và lửa”[2], người ta đã không chú ý hoặc cố tình quên đi cái điều kiện thứ nhất chính là kết quả trực tiếp của cuộc cách mạng tư sản khi nó phá bỏ những “gông cùm” mà chủ nghĩa phong kiến dùng để kìm kẹp cái quyền tự do tối thiểu của người lao động: “tự do kiếm sống bằng sức lao động của mình” - một bước khổng lồ theo hướng tiến bộ của lịch sử nhân loại. Đồng thời, cũng không lưu ý tới một điều được chính C. Mác viết trong bộ Tư bản là: “Nếu không bán được năng lực lao động thì nó không có ích gì cho người lao động cả”[3].
Cách nhìn phiến diện đó dẫn đến sai lầm tiếp theo là coi “hàng hóa - sức lao động” là phạm trù riêng có của chủ nghĩa tư bản. Cụm từ “đến chủ nghĩa tư bản” trong quan điểm của C. Mác đã bị hiểu rằng: “chỉ có dưới chủ nghĩa tư bản” trong lý luận kinh tế chính trị Xô-viết. Và rồi từ đó lan tỏa tới tất cả các nước lựa chọn mô hình Xô-viết để xây dựng chủ nghĩa xã hội trong suốt mấy thập niên. Dần dần người ta cũng coi kinh tế thị trường và nhiều thành tựu phát triển chung khác của nền văn minh nhân loại là những cái riêng có, thậm chí chỉ có dưới chủ nghĩa tư bản. Nếu theo lập luận đó, chủ nghĩa tư bản đã được tuyên dương về nhiều cái mà thực chất không phải là công lao của nó.
Về mặt lý luận cũng như thực tiễn, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa cần phải xóa bỏ sự thống trị của giai cấp tư sản chứ không thể thủ tiêu (và không được thủ tiêu) những thành tựu tiến bộ của chủ nghĩa tư bản. |
Những cái mà sau C. Mác, V.I.Lê-nin đã khẳng định rằng, đó là “sự chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội”[4]. Bởi một lẽ giản đơn là, quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng phải bắt đầu từ chính những tiền đề vật chất đó. Xóa bỏ kinh tế thị trường nói chung và thị trường sức lao động nói riêng là vi phạm quy luật khách quan, là một bước thụt lùi so với chủ nghĩa tư bản. Vào đầu những năm 20 của thế kỷ trước, V.I.Lê-nin đã không chỉ một lần thẳng thắn thừa nhận sai lầm đó. Chính nhờ có sự thẳng thắn thừa nhận sai lầm ấy, Người đã thuyết phục được Đảng Bôn-sê-vích áp dụng Chính sách Kinh tế mới (NEP).
Chúng ta đều biết rằng, trong một xã hội mà chính quyền nhà nước, dưới sự lãnh đạo của một chính đảng cách mạng, đã thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, thì không thể tồn tại tình trạng có những con người, tuy tự do, nhưng lại "trần như nhộng", như dưới thời tích lũy nguyên thủy tư bản chủ nghĩa mà C. Mác đã miêu tả. |
Cần nhận thức một thực tế là, sự thiếu vắng các quy định về thị trường bất động sản làm thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước, sự kém phát triển của thị trường chứng khoán chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu huy động vốn lưu động cho nền kinh tế, thì sự không hoàn thiện trong quá trình thể chế hóa thị trường sức lao động sẽ gây nên những hậu quả sâu sắc hơn nhiều, không chỉ đối với nền kinh tế và thị trường các sản phẩm khoa học - công nghệ mà còn gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt chính trị - xã hội. Khả năng lao động, nhất là lao động có chuyên môn kỹ thuật sẽ tiếp tục bị xói mòn, lãng phí một cách ghê gớm. “Chảy máu chất xám” sẽ tiếp tục gia tăng không thể kiểm soát được. Không thể có những tác phẩm hay, những bài hát rung động lòng người, những công trình khoa học làm rạng danh đất nước..., nếu sức lao động để sáng tạo ra những cái đó vẫn còn bị trả giá thấp hoặc chỉ đơn giản được coi là sự cống hiến, phục vụ vô điều kiện. Thay vào đó, sẽ chỉ có ngày càng nhiều những hàng “nhái”, hàng giả, những tác phẩm, đồ án, luận án sao chép, cắt dán đủ loại. Những sự thành đạt không phải chủ yếu được bắt nguồn từ nỗ lực tự rèn luyện đến mức trở thành tài năng của mỗi cá nhân, mà chủ yếu lại bằng con đường tìm mọi cách để chiếm dụng lao động của người khác hoặc thành quả lao động của số đông trong xã hội,v.v...
Song, xã hội ấy cũng chưa thể đạt tới trình độ phát triển để có thể thực hiện phân phối trực tiếp cho hàng chục triệu con người theo nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, bởi vậy phải thừa nhận và thể chế hóa một thị trường để tại đó thực hiện tự do mua - bán sức lao động. Điều đó, nếu không phải là vì mục tiêu xây dựng đồng bộ các loại thị trường, thì cũng để không trở về với mô hình cũ: biến tất cả mọi người lao động thành công chức nhà nước như trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Kết quả tất yếu của mọi sự lãng phí nguồn nhân lực vì bất kỳ lý do gì đều không thể nâng cao năng suất lao động xã hội. Mà một khi không làm được điều đó thì đúng như V.I. Lê-nin đã từng cảnh báo là sẽ không thể “chiến thắng được chủ nghĩa tư bản”.
Trong tất cả mọi giai đoạn tồn tại của nhà nước với tư cách là sản phẩm của xã hội có giai cấp, công chức nhà nước hưởng lương từ ngân sách nhà nước và tiền lương đó không gắn trực tiếp với chất lượng và số lượng lao động như trong sản xuất, kinh doanh. Do vậy, năng suất lao động của công chức cũng không liên quan đến tiền lương. Nó được phân phối theo thang bậc nhất định. Trong mô hình Xô-viết, xét cho kỹ thì tất cả mọi người lao động đều được coi là công chức nhà nước. Điều này có thể là hậu quả trực tiếp từ lập luận: “chỉ có dưới chủ nghĩa tư bản sức lao động mới là hàng hóa”, còn khi bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội người lao động không còn bán sức lao động như một hàng hóa nữa. Đây là một sai lầm không nhỏ trong nhận thức về vấn đề sức lao động.
Phát triển thị trường sức lao động trong điều kiện nước ta hiện nay còn là một trong những giải pháp mang tính đột phá nhằm tiếp tục giải phóng sức sản xuất. |
Do vậy, trong điều kiện của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, cần phải tiếp tục đẩy nhanh quá trình thể chế hóa thị trường sức lao động. Đại hội đại biểu lần thứ X của Đảng đã thông qua nghị quyết trong đó ghi rõ “thị trường sức lao động”[5], thay thế cho khái niệm “thị trường lao động” trong văn kiện Đại hội IX. Đối với một nước chưa kinh qua chủ nghĩa tư bản và nền kinh tế còn yếu kém như nước ta thì điều đó càng có ý nghĩa to lớn hơn, bởi vì xét cho kỹ, đó cũng là một trong những “tiền đề vật chất” mà chúng ta không thể không xây dựng trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Một thị trường sức lao động được thể chế hóa càng đồng bộ với nền kinh tế bao nhiêu, càng có thể phát huy sớm bấy nhiêu những tiềm năng, lợi thế lớn nhất của một đất nước có nguồn lao động dồi dào với tố chất sáng tạo cao - tố chất này đã được kiểm nghiệm một cách khách quan và rộng rãi. Một thị trường sức lao động được thể chế hóa càng rõ ràng bao nhiêu, thì ở đó những người lao động lại càng có đủ điều kiện để bảo vệ lợi ích của mình tốt bấy nhiêu. Hơn thế nữa, Nhà nước cũng dựa vào chính những thể chế đó để can thiệp khi lợi ích chính đáng của người lao động không được bảo đảm. Trên thị trường sức lao động, bản chất giai cấp công nhân của người lao động cũng được thể hiện rõ hơn, dễ nhận biết hơn so với “người công nhân - công chức” và “người xã viên - công chức” trước đây. Đây sẽ là một trong những yếu tố để có thể nâng cao năng suất lao động xã hội.
Điều đó thể hiện ở chỗ, thông qua cơ chế của thị trường này, người lao động sẽ có thêm những cơ hội để tự cải thiện đời sống của chính mình (kể cả một bộ phận công chức nhà nước sau khi hết giờ lao động tại công sở), thông qua việc đóng góp sức lao động cho xã hội theo quan hệ “cung - cầu”. Người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng có thêm điều kiện để bảo vệ lợi ích của mình với tư cách là người bán một thứ hàng hóa có giá cả và giá trị. Một khi giá cả thấp, người bán có quyền yêu cầu một mức giá cao hơn, nếu không họ có cái quyền chính đáng là từ chối làm việc, đình công, bãi công để phản đối giới chủ. Người sử dụng lao động cũng không thể duy trì những điều cam kết trong “hợp đồng lao động” đã lạc hậu so với giá cả sinh hoạt trên thị trường để mua rẻ sức lao động. Theo ý nghĩa này, tính chất pháp quyền tư sản trong các hợp đồng lao động cũng sẽ được khắc phục một phần đáng kể bằng những khế ước xã hội mang bản chất pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Rất nhiều vấn đề nan giải hiện tại có thể sẽ tìm được các phương án giải quyết thông qua sự vận hành đầy đủ của thị trường sức lao động, kể cả những căn bệnh tưởng chừng đã thành kinh niên, thậm chí “vô phương cứu chữa” như: tinh giản biên chế, cải cách tiền lương để chống tham ô, nhũng nhiễu của một bộ phận công chức, chảy máu chất xám, thừa và thiếu lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước,...
Thể chế hóa quyền tự do bán và mua sức lao động như một hàng hóa cũng sẽ làm gia tăng vai trò của sức lao động với tư cách là một loại “hàng hóa - đặc biệt” (xét trong quan hệ với những thứ hàng hóa thông thường khác). Trong điều kiện những bộ phận quan trọng nhất về tư liệu sản xuất của xã hội như: kết cấu hạ tầng, điện, nước, các tài nguyên thiên nhiên, đất đai..., đã thuộc về kinh tế nhà nước thì cùng với quyền lực được quy định trong Hiến pháp và pháp luật, Nhà nước cũng hoàn toàn có đủ điều kiện để xử lý mối quan hệ về lợi ích giữa chủ thể sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và người sở hữu sức lao động. Lợi thế tuyệt đối của sở hữu “lao động quá khứ” dưới hình thức tư liệu sản xuất trong quan hệ với người lao động trong môi trường kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay ở nước ta, chắc chắn không còn như vào thời chủ nghĩa tư bản cách nay trên 160 năm, lúc C. Mác viết bộ Tư bản và cũng không phải như trong các nước tư bản hiện nay - điều làm cho không ít người hãy còn lo lắng.
[1] C. Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t 23, tr 254
[2], [3] C. Mác và Ph.Ăng-ghen: Sđd, t 23, tr 998, 259
[4] V.I Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1976, t 34, tr 258
[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 27
Các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh từ năm 1950 đến nay  (18/12/2007)
Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về kinh tế tập thể  (18/12/2007)
Cần đặt trọng tâm vào khâu “Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  (17/12/2007)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên